Đưa đàn tính, hát then Tây Bắc vào Tây Nguyên
Giữa tháng 12 vừa qua, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và du lịch thành phố Buôn Ma Thuột đã tổ chức Liên hoan hát then – đàn tính mở rộng thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ nhất năm 2020.
Tuy lần đầu tổ chức nhưng liên hoan đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng người Tày, Nùng ở Đắk Lắk, với nhiều tiết mục đặc sắc, có sự kết nối và giao lưu giữa các thế hệ.
Tranh thủ lúc chờ các đội khác diễn thi, chị Nông Thị Hường và các thành viên đội thi đàn tính – hát then huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk tập lại các tiết mục dự thi của đội mình. Chị Hường chia sẻ: "Tất cả các thành viên trong đội rất háo hức khi tham dự liên hoan này. Hơn 10 năm vào Đắk Lắk sinh sống và lập nghiệp, tiếng đàn tính, điệu hát then quê hương vẫn luôn được các gia đình người Tày, Nùng mang theo và sử dụng. Tuy việc tập luyện gặp nhiều khó khăn vì phải sinh hoạt ghép với Câu lạc bộ Hát then – Đàn tính của thành phố Buôn Ma Thuột nhưng khi có thông tin tổ chức liên hoan, 9 thành viên đang cư trú ở các thôn trong xã Đắk Nuê (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã tập hợp, thành lập đội và cùng tập luyện để dự thi."
Các đội thi chú trọng dàn dựng sân khấu và phụ họa."Khi vào đây sinh sống thì cũng ghép với các dân tộc khác nên để sinh hoạt cũng rất là khó nhưng với niềm đam mê thì chúng tôi cũng đã rủ nhau cùng tập tành, trên hết là vì niềm đam mê nên chúng tôi vẫn tranh thủ tập sau những giờ làm việc", chị Hường cho biết thêm.
Lần đầu tiên được tổ chức, Liên hoan đàn tính – hát then thành phố Buôn Ma Thuột mở rộng năm 2020 thu hút hơn 100 nghệ nhân thuộc 8 đội thi của thành phố Buôn Ma Thuột và 7 huyện trong tỉnh Đắk Lắk tham gia. Mỗi đội thi biểu diễn 5 tiết mục thuộc các thể loại tốp ca, song ca, đơn ca hát múa, với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngoài biểu diễn những bài đã được sáng tác sẵn thì các đội còn sáng tác lời mới cho phù hợp. Một số đội còn dàn dựng lại các bài then cổ, tiêu biểu như tiết mục Lên chợ trời của nghệ nhân Nông Thị Vườn (đội thi thành phố Buôn Ma Thuột) và tiết mục Cốc tính của nghệ nhân Lương Văn Kim (đội thi huyện Lắk) được ban giám khảo đánh giá cao về nội dung và hiệu quả biểu diễn sân khấu.
Ban tổ chức trao giải cho các đội đạt kết quả cao.Là thành viên đội thi mở màn liên hoan, bà Hoàng Thị Dung, ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn chia sẻ, bà rất vui mừng khi được tham gia liên hoan lần này. Sau gần 20 năm xa quê, đến giờ bà mới lại được sống trong không khí hân hoan của những làn điệu then, tiếng đàn tính thân thuộc của quê hương, được thưởng thức những âm hưởng bản sắc của dân tộc mình ngay trên mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk.
Tôi rất là cảm động, đang hát mà tôi cũng thấy nghẹn ngào luôn. Tôi thấy đợt liên hoan hát then này có ý nghĩa rất lớn đối với hát then đàn tính của dân tộc Tày, Nùng. Đây cũng là một dịp để tất cả anh chị em trong đội giao lưu, học hỏi với các nghệ nhân ở các huyện khác. Riêng tại địa phương chúng tôi thì bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng cũng không bao giờ mai một được bởi vì mọi người đều suy nghĩ phải làm sao lưu giữ mãi bản sắc văn hóa của mình luôn đi cùng với các dòng nhạc của Việt Nam và của các dân tộc.
Nhiều đội thi có sự tiếp nối thế hệ trong đội hình dự thi, nhiều nghệ nhân tuổi đời còn rất trẻ.Liên hoan là ngày hội của những nghệ nhân yêu mến, đam mê đàn tính, hát then, mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị của của loại hình nghệ thuật này tại Đắk Lắk. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục dẫu có phần còn đơn giản, vụng về, nhưng vẫn thấy được những tay đàn xuất sắc của cả nam lẫn nữ, của người cao tuổi lẫn người trẻ tuổi. Một số đội dàn dựng phụ họa rất sáng tạo đã góp phần nâng tầm nghệ thuật hát then – đàn tính. Dấu ấn của sự tiếp nối giữa các thế hệ được thể hiện rõ, bên cạnh những nghệ nhân cao tuổi còn có các thành viên tuổi đời còn rất trẻ nhưng khả năng hát then và chơi đàn tính khá thành thạo.
Ông Đoàn Văn Thống, Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết, Liên hoan diễn ra đúng thời điểm kỷ niệm năm ngày UNESCO chính thức công nhận Thực hành then nghi lễ dân tộc Tày, Nùng là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vui của các dân tộc thiểu số có sử dụng đàn tính, hát then như Tày, Nùng, Thái... mà còn là niềm vui chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do đó, liên hoan càng trở nên ý nghĩa đối với cồng đồng dân tộc Tày, Thái, Nùng ở Đắk Lắk.
Đội thi huyện Lắk tranh thủ ôn tập trước giờ thi."Thứ nhất là để bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc trong đó có dân tộc Tày, Nùng. Thứ hai là chúng tôi tạo điều kiện để cho các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các nội dung sáng tác của các bài hát then để phù hợp với tình hình hiện nay. Và thông qua liên hoan này tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Tày, Nùng có điều kiện gửi gắm và ca ngợi quê hương, đất nước và Bác Hồ kính yêu nhằm giáo dục tư tưởng, tình cảm cho nhân dân.", ông Thống chia sẻ.
Từ năm 2019, Câu lạc bộ đàn tính – hát then thành phố Buôn Ma Thuột được thành lập và trở thành đơn vị nòng cốt, hoạt động hiệu quả, thu hút một số nhóm nhỏ từ các huyện trong tỉnh tham gia cùng sinh hoạt. Cùng với đó, tại một số huyện như Ea Kar, Cư Kuin, Ea Sup, các câu lạc bộ hát then đàn tính cũng được thành lập từ khá lâu trước đây và duy trì sinh hoạt định kỳ. Liên hoan hát then – đàn tính mở rộng chính là dịp để các câu lạc bộ được gặp gỡ, giao lưu và phát huy tốt hơn những bài then, điệu tính đã được giữ gìn thời gian qua, từ đó làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho cộng đồng người Tày, Thái, Nùng đang sinh sống tại Đắk Lắk, góp phần bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị di sản văn hóa hát then đàn tính tại địa phương.
Bình luận