“Em ơi mùa xuân đến rồi đó”

Cứ mỗi độ năm hết tết đến, ta lại thường được nghe “Em ơi mùa xuân đến rồi đó” với những lời ca “Em ơi mùa xuân đến rồi đó/thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời/ Nghe không gian mênh mông / trong lời ca yêu thương đến với muôn người /đến với muôn đời….”

Vâng, “Em ơi mùa xuân đến rồi đó” của Nhạc sĩ Trần Chung, cùng một tiếng hát luôn làm xôn xao lòng ta: Tiếng hát Thu Phương. Với “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”, dù bao nhiêu người hát, bao thời gian qua, nhưng cũng chỉ một tiếng hát Thu Phương là xuất sắc nhất, là tươi thắm nhất, là ấm lòng ta nhất mà thôi…

“Em ơi mùa xuân đến rồi đó” - 1

Nghệ sỹ ưu tú Thu Phương

*

Tôi có một kỷ niệm nhỏ với chị. Năm 1972, tôi đến với  một trung đội nữ TNXP chốt ở đèo Đ., một trọng điểm hết sức ác liệt trên tuyến đường miền Tây. Trung đội trưởng trung đội này tên là Ngoan, thuộc diện “ gái một con trông mòn con mắt”, chẳng một ai gặp cô mà không một chút xốn xang, mong ước….

Đấy đúng lại vào một đêm trăng, khi máy bay Mỹ còn lảng vảng ở xa, tôi thấy các cô gái vẫn điềm tĩnh ngồi bên nhau trên sườn núi và hát. Bài hát rằng: “Con thương ơi, con quý ơi, địu con đi nhà trẻ con chơi…” Tiếng hát xiết bao trìu mến và cảm xúc.” Các em còn trẻ, đã có người yêu chưa mà thích hát bài này?” Tôi tâm sự. Các cô trả lời rằng: “Đấy là mong ước của chúng em khi hết giặc anh ạ”.

Được biết tới đây tôi sẽ ra Hà nội công tác, trung đội trưởng Ngoan đưa tôi một dò phong lan rất đẹp, nói rằng: “Nhờ anh chuyển tới ca sĩ Thu Phương nhé. Chị ấy đã hát bài này rất hay ở trên đài mà chúng em được nghe để hát theo và nhập tâm từ bao giờ không biết. Ấy là bài hát mà chúng em ở đây yêu thích nhất, và chị ấy cũng là giọng hát mà lũ con gái mặt trận chúng em yêu thích nhất.

Tôi đã mang dò phong lan nở những bông hoa tím ngát rất đẹp ấy ra Hà nội. Và rồi tìm đến chị Thu Phương, khi ấy là ca sỹ của Đoàn ca nhạc Đài TNVN nhà ở 5 Nguyễn Thượng Hiền để  chuyển lời  của Ngoan và  dò phong lan của những cô gái nơi mặt trận miền Tây tặng chị  …

Chỉ có một sự thật này mà khi trao tặng hoa cho chị, tôi đã không dám nói: Chỉ ít ngày sau đó , trung đội trưởng Ngoan  – cô gái đã gửi lại đứa con gái duy  nhất cho bà nơi hậu phương để xung phong ra trận, cô gái đêm đêm trong  lửa đạn luôn nhớ về con và thầm thì hát: “Con thương ơi, con quý ơi “, cô gái mỗi bận nghe đài có bài hát” con thương ơi, con quý ơi” thường lặng lẽ giấu những dòng nước mắt vào lòng khỏi tác động đến chị em, cô gái yêu quý vô cùng tiếng hát của chị Thu Phương vì chị đã hát rất hay bài này , đã hy sinh trong một lần B52 đánh xuống cung đường….

*

Thật ra tôi biết chị Thu Phương từ sớm hơn, từ năm tôi lên 8 hay lên 10 khi ở với mẹ tôi (Nghệ sĩ Tân Nhân) trong  khu văn công Cầu giấy, Đoàn ca múa TW. Chị là một thiếu nữ Hà nội có gương mặt rất xinh, giọng nữ cao nhẹ nhàng, tinh tế, và tính chị cũng rất dịu dàng khiến ai cũng yêu quý ”. Chỉ mỗi “tội”- (ngày ấy gọi là cái tội)- chị cao quá, gần 1m70, (ca sỹ Lệ Quyên (Hứa Lệ Quyên) sau này cao vun vút cũng chỉ 1,65). Tôi cứ nghĩ nếu chị Thu Phương sau này mới sinh, chắc chắn với chiều cao ấy,  chị sẽ là một siêu mẫu hay chí ít cũng tầm “Thu Phương” hay Hồ Ngọc Hà thời nay!

Nhưng khi ấy trong một tốp nữ ai cũng nhỏ nhắn, xinh xắn, thì chị lại như một con sào chòi ra, thế là dù giọng hát hay mấy nhưng đứng trên sân khấu lại cứ thấy ngượng nghịu, không được thoải mái tự nhiên cho lắm. Bởi vậy chị đã xin chuyển về Đoàn ca nhạc Đài, thoạt đầu là Đài  giải phóng với tên gọi mới là Phương Ngọc ( tên chị ghép với tên mối tình đầu để đảm bảo bí mật).

Sau giải phóng đoàn ca nhạc Đài giải phóng nhập lại với đoàn ca nhạc Đài TNVN, chị thành solite ở đây, lại trở về với tên mình là Thu Phương và nhanh chóng chiếm được rất nhiều tình cảm của khán thính giả. Như của các cô gái TNXP ở trọng điểm đèo Đ của BT chúng tôi những năm chiến tranh. Của các bạn trẻ  miền Nam khi sau giải phóng, được nghe qua làn sóng đài” Ơi Nha Trang mùa thu lại về” mà chị là người được nhạc sỹ Văn Ký tin cậy gửi gắm hát đầu tiên.

Và hàng loạt bài hát khác có âm hưởng vùng cao , như “Đường lên Tây bắc”, “Ánh điện vùng cao”, “Địu con đi nhà trẻ”, “Nhớ về Pắc bó” và đặc biệt là “Em ơi mùa xuân đến rồi đó” của nhạc sĩ Trần Chung. Kể như  hàng chục năm  nay rồi, cứ mỗi độ xuân về là tiếng hát chị  lại vang lên khắp nơi, như để báo hiệu, như để chào đón mùa xuân.

*

Nói đến chị Thu Phương, lại không thể không nhắc đến một người bạn ca sĩ rất thân với chị là chị Tuyết Thanh, một giọng hát cao vút, đầy "lửa" từng làm rung động hàng triệu trái tim khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc cũng như hàng vạn chiến sĩ trên mặt trận. Ngày mai em vừa tròn 20 tuổi/Cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng”. Tiếng hát của chị là tiếng hát của một nghệ sĩ cả đời đắm đuối với âm nhạc, đã ghi dấu ấn riêng trong tâm hồn triệu người nghe với những ca khúc nổi tiếng như "Nổi trống lên, rừng núi ơi" (Hoàng Vân), "Bài ca Hà Nội" (Vũ Thanh), "Tiếng hò trên đất Nghệ An", "Bến cảng quê hương tôi" (Hồ Bắc), "Miền Nam nhớ mãi ơn Người" (Lưu Cầu- Trần Nhật Lam)..”

Chị Thu Phương và chị Tuyết Thanh thân nhau lắm. Hai chị cùng là giọng hát chính của Đoàn ca nhạc ĐÀI TNVN, lại cùng là thanh nữ Hà nội:” chẳng thơm cũng thể hoa nhài”, lại cùng rất xinh và duyên (Chị Thu Phương duyên bởi chiếc răng khểnh, chị Tuyết Thanh duyên bởi mà lúm đồng tiền). Chẳng hiểu vì sao xinh như thế, duyên như thế, hát hay như thế, tính tình dịu dàng tinh tế như thế, mà cả hai chị nhiều năm tháng lại đều lận đận đường tình duyên, đều phải qua những cuộc chia tay”Tan nát lòng người”.

“Em ơi mùa xuân đến rồi đó” - 2

Nghệ sỹ nhân dân Tuyết Thanh

Chị Thu Phương chia tay với mối tình đầu là anh An Ngọc, vốn là một giọng hát của Đoàn ca múa TW, sau  đi học Liên Xô về là chỉ huy của Nhà hát Nhạc vũ Kịch. Chị Tuyết Thanh chồng là ca sỹ Doãn Thịnh nổi tiếng của Đoàn ca nhạc Đài TNVN... Bởi “Đồng cảnh nên đồng tình”, hai chị thân nhau lắm, không có gì không chia sẻ với nhau.

Rồi sau này, chị Thu Phương xây dựng lại gia đình với  anh Việt, là một cán bộ chính trị sau đi làm ngoại giao, hết sức nâng niu yêu quý chị, còn chị Tuyết Thanh bao mùa thu qua vẫn lẻ loi đơn chiếc, với niềm an ủi  là cô con gái theo học ngành thanh nhạc,  giờ đã trưởng thành nhưng lại làm việc tại Pháp với công việc một giáo viên thanh nhạc  Gần 30 năm qua, chỉ mình chị   tự chăm sóc mình, tự an ủi mình. Và thi thoảng có  niềm vui nỗi buồn gì, lại bấm điện thoại gọi Thu Phương ơi và lại tâm tình chia sẻ với nhau cả buổi không biết chán…

 *

“Nghe em mùa xuân nói gì đó

Xúc động lòng ta trước cuộc đời.

Em ơi mùa xuân đến rồi đó

Dang rộng vòng tay đón cuộc đời…

Những giọng hát không chỉ báo hiệu cho chúng ta mùa xuân đang về, dù vẫn đang còn là những ngày giá lạnh. Những giọng hát mãi mãi là mùa xuân…

Triệu Phong

Tiếng hát Tân Phương
Tiếng hát Tân Phương

Bởi thời trẻ, thân thiết với nhạc sĩ Phó Đức Phương từ những năm anh đang còn là sinh viên Trường m nhạc Việt Nam...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội đã cho thấy một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và góp phần xác định xu thế của vă

THCS Vân Hồ phát động cuộc thi Vang mãi khúc quân hành

THCS Vân Hồ phát động cuộc thi Vang mãi khúc quân hành

Ngày 25/11, Trường THCS Vân Hồ phối hợp với Thời báo Văn học nghệ thuật (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) tổ chức phát động hưởng ứng cuộc thi Tìm hiểu 80 năm Truyền thống vẻ vang Quân đội Nhân dân Việt nam anh hùng với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”.