Kể chuyện “Hoàng tử bé” bằng ngôn ngữ âm nhạc

Trong hai ngày 23-24/6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, công chúng Thủ đô sẽ được thưởng thức chương trình biểu diễn âm nhạc đặc biệt mang tên “Hoàng tử bé”. Đây là lần đầu tiên tác phẩm được thể hiện bằng hình thức nhạc kịch kết hợp nghệ thuật thị giác tại Việt Nam.

Chiều 20/6, tại Đại sứ quán Pháp đã diễn ra họp báo về chương trình biểu diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” - một câu chuyện kể bằng âm nhạc của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng người Pháp Marc-Olivier Dupin.

Buổi họp báo có sự tham gia của ông Nicolas Warnery Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; bà Trần Hải vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; nhà soạn nhạc, nhạc trưởng Marc-Olivier Dupin; NSƯT Trịnh Tùng Linh.

Kể chuyện “Hoàng tử bé” bằng ngôn ngữ âm nhạc - 1

Các đại biểu chủ trì họp báo. (Ảnh: Huyền Thương)

Năm 2023 là cột mốc đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Việt Nam, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 80 năm ngày phát hành cuốn sách “Hoàng tử bé”, một câu chuyện kể đặc sắc, nhỏ gọn mà đầy tính triết lý, đề cập một cách duyên dáng những câu hỏi lớn về nhân sinh như tình yêu, cái chết và định mệnh...

Tại buổi họp báo, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery cho biết, “Hoàng tử bé” là một kiệt tác văn học ra đời cách đây 80 năm, mang tính triết lý và rất thơ. Tác phẩm không chỉ dành cho trẻ em mà hướng tới mọi lứa tuổi với những giá trị sâu sắc về các vấn đề trong cuộc sống.

Kể chuyện “Hoàng tử bé” bằng ngôn ngữ âm nhạc - 2

Tranh minh hoạ tiểu thuyết "Hoàng tử bé".

Theo Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Hải Vân, bên cạnh ý nghĩa về kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao của hai nước, đây là cơ hội để khán giả Việt Nam thưởng thức tác phẩm văn học kinh điển được thể hiện đầy sáng tạo qua ngôn ngữ của kể chuyện, âm nhạc, mỹ thuật, với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại và phần trình diễn của các nghệ sĩ hàng đầu.

Nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Pháp Marc - Olivier Dupin khẳng định: “Sẽ có buổi diễn hay để cống hiến cho khán giả”.

Kể chuyện “Hoàng tử bé” bằng ngôn ngữ âm nhạc - 3

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Huyền Thương)

Chương trình biểu diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” là chương trình giao lưu văn hóa đặc sắc và đa dạng, với sự kết hợp của các yếu tố: tác phẩm huyền thoại và kinh điển của nền văn học Pháp được đọc nhiều trên thế giới; tranh hoạt hình được họa sĩ vẽ tranh minh họa người Pháp sáng tác; tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp lấy cảm hứng từ câu chuyện Hoàng tử bé và từ các bức tranh.

Chương trình có sự tham gia của Marc-Olivier Dupin và Honna Tetsuji trong vai trò nhạc trưởng; Bùi Công Duy với phần trình diễn violin solo; Hứa Thanh Tú trong vai trò người kể chuyện; Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam.

Qua giọng kể của Hứa Thanh Tú và những hình ảnh đầy biểu cảm của Joann Sfar, “Hoàng tử bé” của Marc-Olivier Dupin là một bản giao hưởng đầy “phóng khoáng và giàu chất thơ”, “một sự đối ngẫu tinh tế với tác phẩm lừng danh của Saint-Exupéry.”

Trong khuôn khổ chương trình, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và nghệ sỹ Bùi Công Duy cũng sẽ trình diễn một số tác phẩm kinh điển của Việt Nam và Pháp dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Honna Tetsuji gồm bài dân ca nổi tiếng của Việt Nam “Se chi luồn kim” qua phần phối khí của nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng cùng hai tác phẩm kinh điển của hai nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp là tác phẩm “L'Introduction et Rondo capriccioso” cung La thứ của Camille Saint-Saëns và “Khúc suy tưởng” trích từ vở opera “Thais” của Jules Massenet.

Kể chuyện “Hoàng tử bé” bằng ngôn ngữ âm nhạc - 4

Đông đảo phóng viên, nhà báo tham dự buổi họp báo. (Ảnh: Huyền Thương)

Ban tổ chức hy vọng những chương trình biểu diễn như “Hoàng tử bé” sẽ góp phần làm phong phú hơn đời sống nghệ thuật tại Việt Nam.

Đồng thời, tạo cảm hứng cho nghệ sĩ Việt Nam quan tâm làm mới tác phẩm văn học kinh điển nói riêng, tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, bằng hình thức thể hiện phong phú và đa dạng, mang hơi thở thời đại, tạo cảm xúc mới mẻ cho khán giả. Qua đó, góp phần phát huy sự đa dạng biểu đạt văn hóa và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry là tác phẩm văn học bán chạy nhất thế giới và là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất sau Kinh Thánh và Kinh Koran. Cuốn sách này đã được dịch sang hơn 542 ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau trên toàn thế giới.

Nhạc trưởng Marc-Olivier Dupin là nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc. Ông từng đảm nhiệm các vị trí quản lý quan trọng như Giám đốc Nhạc viện Âm nhạc quốc gia Paris, Tổng giám đốc của dàn nhạc quốc gia vùng Ile de France, Giám đốc France Musique và Giám đốc âm nhạc của Radio France.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ

Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và đến hôm nay, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn luôn là mạch nguồn cảm hứng trong sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ các dân tộc Sơn La. Chất bi hùng của chiến cuộc đã thấm đẫm trong đất và con người miền Tây Bắc của Tổ Quốc. Viết về cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc nhiều nhà văn, nhà thơ vừa cầm bút vừa làm cách

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Tối 28/4/2024, tại KCN Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng, Công ty CP Shinec phối hợp với Hội Cựu chiến Binh thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình “Khát Vọng Truyền Nhân” với chuỗi các sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Shinec gồm Lễ Công bố báo cáo phát triển bền vững - Báo cáo ESG; Lễ trao chứng nhận kỷ lục thế giới; Lễ trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho Công ty CP Shinec và Do