Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao

Bằng tài năng như là thiên bẩm, bằng sự tự học, tự rèn, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Văn Cao đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn nghệ nước nhà ở cả ba lĩnh vực - âm nhạc, thơ và hội hoạ.

Sáng 11/8, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Ông (15/11/1923 - 15/11/20230).

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 1

Toàn cảnh Hội thảo.

Đồng chí Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 2

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời”.

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 3

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc.

Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ 20 nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, ám ảnh: “Có tuổi thanh niên/ Như cây mùa xuân mới mọc/ Bị tước dần vỏ non…” Nhưng vượt lên tất cả, lối sống khiêm nhường, bình dị, nhẫn nhịn; tình yêu thương và trân trọng con người, cỏ cây, phố xá, làng quê, đất nước đã giúp ông vượt lên nỗi đau, nỗi bất hạnh, luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ.

Nhiều người ca ngợi ông là nghệ sĩ đa tài, thích "lãng du" qua những “miền” nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục và dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba "miền" ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá - mở lối cho mình và cho cả những người đến sau.

Một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 4

Biểu diễn một số ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao tại Hội thảo.

Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh, bài hát lừng danh “Tiến quân ca” cũng được ra đời vào thời điểm đó. Bài hát được chọn làm Quốc ca vì vừa thể hiện được ý chí, khát vọng dân tộc, hợp cảnh hợp thời, vừa ngắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập mà giai điệu lại hùng tráng.

Sau đó, Quốc ca đã vang lên trong ngày 17/9/1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi sáng 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

GS. Phong Lê nhận định: “Kể từ đó đến nay, biết bao nhiêu thế hệ công dân Việt, trong tất cả các lứa tuổi, không ai không thuộc nằm lòng “Tiến quân ca”, như tiếng gọi của non sông Việt và cũng là của chính tấm lòng mình, bởi nó là một sức mạnh tinh thần không gì đo đếm được, không có bút mực nào tả xiết được, nói lên sức mạnh vô biên, bất tận của dân tộc Việt Nam trước mọi thử thách trong hàng nghìn năm lịch sử”.

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 5

GS. Phong Lê phát biểu.

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng nhấn mạnh: “Mỗi một ngày mới trên đất mẹ Việt Nam thân yêu và nhiều nơi trên thế giới, giai điệu “Tiến quân ca” - quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – mà tác giả là nhạc sĩ Văn Cao lỗi lạc lại vang lên hùng tráng, tràn đầy niềm tự hào dân tộc, gợi nhắc lòng ta tưởng nhớ tới một nghệ sĩ tài hoa, một chiến sĩ cách mạng, một nhạc sĩ đầu đàn của nền âm nhạc chuyên nghiệp nước ta, người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I) — nhạc sĩ Văn Cao, Đất nước mãi ghi công ông”.

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 6

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu.

Như vậy, chỉ riêng “Tiến quân ca” đủ làm nên một tên tuổi, một sự nghiệp lớn của Văn Cao trong thế giới âm nhạc. Thế nhưng đây chỉ là một điểm nhấn. Bởi sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao còn phải ngược lên những năm trước 1945, năm Văn Cao 16 tuổi, với “Buồn tàn thu”, rồi các ca khúc lãng mạn, trữ tình như “Bến xuân”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”,… mà chỉ riêng mỗi tác phẩm cũng đủ làm vinh quang cho bất cứ ai.

Từ năm 1945 trở đi, ông viết “Bắc Sơn”, rồi các ca khúc, hành khúc như là sự tiên tri kỳ lạ: “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Chiến sĩ Việt Nam”, tiếp đó là “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”, đặc biệt là ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” và “Trường ca Sông Lô…

Ngoài ca khúc, sau này ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như “Sông Tuyến”, “Biển đêm”, “Hàng dừa xa”...; sáng tác nhạc phim cho phim truyện "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim tài liệu “Anh bộ đội cụ Hồ” của Xưởng phim Quân đội Nhân dân...

Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng, âm nhạc của Văn Cao có sự kết hợp hai truyền thống Tây và ta. Ông không hề mượn một làn điệu dân ca nào, nhưng những tiếp nhận từ phương Tây đã được chuốt lại theo thẩm âm Việt, đan kết hoặc xen kẽ với những nét đặc trưng của nhạc cổ Việt để chuyển tải một tâm hồn thuần Việt.

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 7

Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu phát biểu.

Nhiều ca khúc của Văn Cao đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng bởi giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật. Giá trị lịch sử ở chỗ không chỉ khắc họa sự kiện lịch sử đất nước, mà còn in dấu những bước đi đáng ghi nhận của lịch sử nhạc mới Việt Nam. Giá trị nghệ thuật ở chỗ kết hợp sáng tạo cách biểu hiện của các loại hình nghệ thuật khác nhau, cũng như các truyền thống âm nhạc khác nhau, đạt tới tính thẩm mỹ cao mà vẫn giữ được tính quần chúng, vừa có hiệu quả xã hội đương thời vừa có sức sống bền lâu.

Chỉ cần lấy ngẫu nhiên các tác phẩm âm nhạc như “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Tiến quân ca”, “Sông Lô”, “Mùa xuân đầu tiên”… đã thấy đó là những bảo chứng cho dấu ấn khai phá, mở lối, vượt lên chính mình, đặt nền móng rất quan trọng cho sự phát triển của nền tân nhạc và thơ ca Việt Nam, từ lãng mạn đến cách mạng - kháng chiến cho đến thời khắc rất sớm của thời kỳ đổi mới; của ca khúc, hành khúc và trường ca của nhạc, của thơ.

Một người cầm bút coi trọng tính tư tưởng và chất suy tư

Trong lĩnh vực thi ca, PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nhận định, dù viết không nhiều, nhưng sáng tác của Văn Cao thể hiện sự coi trọng tính tư tưởng và chất suy tư trong ngôn ngữ và thi pháp nghệ thuật của người cầm bút. Văn Cao đã nhận ra tính tư tưởng là vấn đề cốt yếu nhất để thơ có thể trường tồn theo thời gian và thực hiện sứ mệnh thiêng liêng. Văn Cao đã tạo cho riêng mình một thế giới thơ bằng trí tưởng tượng phong phú và sự sắp đặt ngôn từ một cách tài hoa, đánh thức mọi giác quan của bạn đọc khi tiếp nhận tác phẩm.

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 8

Các đại biểu lắng nghe các tham luận tại Hội thảo.

Đó là nỗi đau đớn khi chứng kiến những bi kịch chất chồng của cõi nhân sinh, của những kiếp đời nô lệ trong các bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”, “Ngoại ô mùa đông 1946”, “Linh cầm tiến”, “Ly khách”...

Đó còn là sự nhạy cảm, sự trải đời của người nghệ sĩ chân chính khiến Văn Cao lựa chọn và chấp nhận dấn thân trên hành trình nghệ thuật, dám cất lên tiếng nói của lòng mình trước sự tha hóa, sự băng hoại đạo đức, phẩm giá của con người, cảnh báo sự xuất hiện nguy cơ đe dọa sự phát triển đất nước: “Đất nước đang lên da lên thịt/ Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày/ Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải/ Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống/ Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng/ Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang/ Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hi vọng/ Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người/ Chúng nó ở bên ta, trong ta, lẻn lút/ Đào rỗng từng kho tiền gạo, thuốc men” (“Những người trên cửa biển”).

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 9

PGS. TS Phạm Xuân Thạch phát biểu.

PGS. TS Phạm Xuân Thạch nhận định: “Thơ là một tư thế để Văn Cao quay vào chính mình, chiêm nghiệm về chính con người mình. Chính tính chất công cụ đó, sống-thơ như một tư-thế-sống chứ không phải như một hành động hướng đến cái tuyệt đối, mà thơ Văn Cao được vận động theo hướng làm nghĩa, nghĩa là đi tìm kiếm những khả năng biểu nghĩa phức tạp của kết hợp từ hơn là theo hướng làm chữ, nghĩa là đi theo hướng khai thác tính âm nhạc, giá trị tự thân của từng con chữ”.

Về kỹ thuật, theo PGS. TS Phạm Xuân Thạch, thơ Văn Cao khai thác những kết hợp ngữ nghĩa mà hình thức tưởng như mâu thuẫn hoặc phi lý nhưng lại cho thấy những chiều sâu phức tạp về nghĩa và những chân lý khó nắm bắt trong cuộc sống. Và nhạc tính của thơ như một cách chủ yếu được khai thác từ nhịp điệu đa dạng mà thơ tự do tạo nên.

Một phong cách hội họa mới và trẻ

Năm 19 tuổi, Văn Cao dự học không liên tục trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 20 tuổi ông đã có các bức tranh gây chú ý: “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”, nhất là bức tranh “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”…

Vì nhiều lý do, kể cả chiến tranh, những dời chuyển, dâu bể, rất nhiều sáng tác hội họa của Văn Cao đã không được giữ gìn, thưởng thức và được giới thiệu như các tác phẩm âm nhạc và thơ ca của ông. Chỉ có thể kể tên một số tác phẩm như “Dân công miền núi”, “Chợ vùng cao”, “Lớn lên trong kháng chiến”, “Thái Hà ấp đêm mưa”, “Chân dung bà Băng”, “Cổng làng”, “Phố Nguyễn Du”, “Cây đàn đỏ”, “Cô gái và đàn dương cầm”,…

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 10

Trưng bày một số sách do Văn Cao vẽ bìa.

Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, phải nhiều năm Văn Cao mới cho ra đời một tác phẩm hội hoạ, tuy số lượng tác phẩm ít nhưng tranh ông rất mới và trẻ, lại giữ nguyên được mạch sáng tác. Văn Cao là người rất sớm đưa trường phái lập thể vào hội họa Việt Nam. Không dừng lại ở đó, ông còn thể hiện phong cách trừu tượng, siêu thực trong các sáng tác của mình.

Bên cạnh đó, ông cũng vẽ hàng trăm bìa sách, hàng trăm bức minh họa, đồ họa Báo Văn nghệ. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, Văn Cao giữ một vai trò quan trọng trong minh hoạ khi đóng góp nhiều tác phẩm minh hoạ báo chí, vẽ bìa sách. Ông cũng là người đọc rất kỹ tác phẩm trước khi vẽ minh hoạ, điều đó góp phần tạo nên vốn kiến thức phong phú, đồ sộ của ông.

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 11

Trưng bày các tác phẩm vẽ minh họa sách, báo của Văn Cao.

Hội thảo đã làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề cơ bản: Những phẩm chất, tài năng xuất chúng của Văn Cao, lý giải mạch nguồn làm nên phẩm chất, tài năng ấy; Những đặc điểm, những giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật các tác phẩm của Văn Cao ở các giai đoạn, trong các lĩnh vực: nhạc, họa, thơ để thấy rõ hơn, sâu sắc hơn đâu là tài năng thiên bẩm, đâu là hoàn cảnh và những nỗ lực sáng tạo, khai phá, đổi mới trong nghệ thuật của Văn Cao; Cần làm gì, làm như thế nào để phát huy giá trị di sản văn hóa, văn nghệ quý giá, lớn lao mà Văn Cao để lại;…

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 12

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trao tặng món quà đặc biệt kính tặng đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao.

Sự nghiệp, những cống hiến, giá trị và di sản văn nghệ lớn lao mà Văn Cao để lại cho đời đã khẳng định vị thế, tầm vóc, cống hiến hết sức quan trọng của ông trong tiến trình phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lãng du trong thế giới nhạc, hoạ, thơ của Văn Cao - 13

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ khoa học tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng những chủ trương, chính sách và có những biện pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh và bảo tồn những tác phẩm vô giá, những cống hiến lớn lao của Văn Cao nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung; giữ gìn và phát huy giá trị của những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất