Nhà giáo Việt Nam - Một đề tài cần có nhiều bài hát

Khi thực hiện bài viết này, tôi phải lần giở lại tất cả những sáng tác âm nhạc viết về nhà giáo suốt hơn nửa thế kỷ qua, cả trong trí nhớ lẫn trong những tập ca khúc lớn, nhỏ. Thật đáng ngạc nhiên trước một sự thật: Số lượng bài viết về các nhà giáo còn quá ít ỏi...

Những bài viết có chất lượng đựơc công chúng lưu nhớ lại càng ít hơn: Cô giáo vùng cao (Hoàng Long - Hoàng Lân), Quà tháng năm dâng Bác (Hồng Đăng), Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Văn Ký), Bài ca người giáo viên trẻ (Hoàng Vân), Yêu người bao nhiêu yêu nghề bấy nhiêu (Nguyễn Văn Quỳ), Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu), Ước mơ xanh (Lệ Giang), Em sẽ lớn lên (Trọng Loan), Bài ca cô nuôi dạy trẻ (Nguyễn Văn Tý), Bên trường mầm non và Dưới rặng dừa xanh (Nguyễn Đình San), Nỗi nhớ (Châu Đức Khánh)…

Theo truyền thống dân tộc ta, nghề dạy học được coi là cao quý nhất, và người thầy giáo ở xã hội nào cũng được tôn vinh. Không phải vô cớ mà người Việt Nam ta từ lâu vẫn lưu truyền hai câu thơ:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Và câu ngạn ngữ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã nói hết vai trò của người thầy giáo trong xã hội. Tôi giở hai tập bài hát lớn: Tập Tiếng hát Việt Nam 1964-1975 do Nhà xuất bản Văn hoá in năm 1977 và tập 100 ca khúc chào thế kỷ do Nhà xuất bản Thanh niên in năm 2000 thì mỗi tập cũng chỉ vỏn vẹn có một bài nói về nhà giáo.

Những chi tiết trên nói lên điều gì? Rõ ràng chẳng những giới sáng tác chưa chú trọng đề tài này mà các nhà xuất bản khi in các tuyển tập nhạc cũng có vẻ như lãng quên. Ngay một số nhạc sĩ chuyên nghiệp gần như cả đời gắn bó với ngành giáo dục nhưng cũng ít viết về nhà giáo. Điều đó cho thấy hình như đề tài này khó viết?

Bài hát về nhà giáo đòi hỏi ngôn ngữ âm nhạc chắt lọc, trong đó sự sâu sắc phải được đặc biệt quan tâm. Đối tượng đề cập không thể phù hợp với những giai điệu nông cạn, hời hợt, càng không thể ồn ã như những bài hát theo phong cách nhạc nhẹ đang lan tràn hiện nay. Miêu tả một cô giáo, ngay cả khi cô giáo ấy rất trẻ đi chăng nữa, thì cái chất vui tươi, trẻ trung của cô cũng khác hẳn các cô gái trẻ làm những công việc khác.

Một trong những bài ra đời từ lâu, đến nay vẫn được nhiều giáo viên trẻ thích hát là Bài ca người giáo viên trẻ của Hoàng Vân. Bằng hàng loạt những đảo phách liên tiếp và kết thúc bằng dãy nốt móc kép ở nhịp 2/4, tác giả đã tạo nên tính chất sôi nổi, vui tươi rất phấn khích cho tác phẩm. Nhưng không vì thế mà lại hát nhanh quá, bởi nếu vậy sẽ mất hết vẻ chững chạc cần có của bài, nhất là với nội dung lời ca “Tiếng em nói nhen nhóm bao mơ ước lý tưởng. Tiếng kiêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước…” (mặc dù tác phẩm ghi sắc thái “không chậm”). Dẫu sao thì cũng hiếm khi người sáng tác gọi đối tượng cảm xúc bằng em như Hoàng Vân, mà phần nhiều hơn đã hóa thân vào chính đối tượng ấy để tự hát về mình.

Có hai bài hát ở trường hợp này đạt hiệu quả cao đó là Ước mơ xanh (Lệ Giang) và Em sẽ lớn lên (Trọng Loan). Nữ tác giả trẻ không chuyên Lệ Giang đã viết nên một bài hát giản dị, gọn gàng với giai điệu ngọt ngào, tha thiết diễn tả mơ ước của những cô gái trẻ được trở thành cô giáo. Chị gọi đó là ước mơ xanh. Tiết tấu 6/8 được tác giả xử lý khá uyển chuyển làm cho bài hát trở nên điệu đà, rất có duyên.

Trọng Loan lại khai thác một khía cạnh sâu sắc khác: các nhà giáo say sưa tự hào nhìn học sinh của mình và nghĩ tới chúng sẽ lại lớn lên như chính bản thân mình: “Mai sau em sẽ lớn lên như tôi đã từng khôn lớn, và sẽ bay cao bay xa hơn tôi, tới những đỉnh cao mơ ước của loài người…”. Điệu thứ vốn dễ tạo nên màu âm tối, nhưng tác giả đã xử lý để có một bài ca ngắn gọn mà rất có chiều sâu tư tưởng, nghe vẫn đủ độ dày của cảm xúc.

Chỉ có dưới chế độ ta, sự nghiệp giáo dục ở vừng cao, vùng sâu, vùng xa mới được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Rất đáng quý là hai bài hát Cô giáo cùng cao (Hoàng Long - Hoàng Lân) và Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Văn Ký) đã khiến người nghe rất có cảm tình.

Nhà giáo Việt Nam - Một đề tài cần có nhiều bài hát - 1

Ảnh minh họa 

Đặc biệt cảm động là tác phẩm của Văn Ký, bằng âm thanh đã vẽ nên một bức tranh sinh động về cô giáo người Tày cầm đàn lên đỉnh núi, dạy học cho con em người Mèo. Và thật thú vị khi tác giả giới thiệu rất khéo công đức giản dị mà lớn lao của cô “Cô đi tìm người yêu đang đứng đợi bên bờ suối chắc? Không, cô đi tìm đàn em nhỏ chưa biết chữ trên đỉnh núi cao…”. Hình ảnh cô cầm đàn nói lên việc cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy hát, đánh đàn, bồi dưỡng thêm tâm hồn cho các em học sinh rẻo cao.

Tôi cho rằng đây là bài hát hay nhất, sâu sắc nhất về đề tài giáo dục cho tới nay nếu được phép lựa chọn. Chính bởi giai điệu đẹp đầy sức lôi cuốn, với việc tác giả kể chuyện rất dí dỏm, có duyên về cô giáo Tày mà người nghe đã lãng quên không để ý đến chút rườm rà, kể lể mà bài hát đã mắc, trong khi ca khúc lại tối kỵ điều này.

Không thể điểm hết được những giá trị đáng kể của những bài hát viết về đề tài nhà giáo đã đạt được, tuy số lượng như đã nói chỉ mới rất khiêm tốn. Song, cần thấy một điều, viết về đối tượng trí thức đã rất khó, yêu cầu người sáng tác cũng phaỉ có tri thức rất cao về năng lực sáng tác, đặc biệt là tư duy văn học để tạo nên phần lời ca có sức thuyết phục. Người nghe thật khó chấp nhận những bài hát có lời lẽ gượng gạo hoăc nghèo hình tượng văn học. Vậy thì phải tìm cách nói khác mới có thể thuyết phục.

Xã hội càng phát triển, văn minh, sự nghiệp giáo dục càng trở nên đặc biệt quan trọng, bởi công việc “trồng người” này không gíống bất cứ công việc khó khăn nào khác. Sẽ rất thiếu hụt và thiệt thòi cho đời sống tinh thần của công chúng nếu không gia tăng những bài hát viết về nhà giáo cả về số lượng và chất lượng. Đã từng có những bài hát hay về đề tài như đã nói, chắc chắn nếu được quan tâm sẽ phải có nhiều tác phẩm nữa ra đời, bởi đội ngũ sáng tác âm nhạc ở Việt Nam đang phát triển hùng hậu.

Còn quan tâm ra sao, dĩ nhiên là phận sự của những cơ quan, đoàn thể, tổ chức và các cá nhân có trách nhiệm.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất