Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Vì có tình yêu, nên mới có âm nhạc

Bộ phim Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả, là bộ phim điện ảnh Việt đạt doanh thu “trăm tỉ” trong năm nay. Dù đạo diễn và đoàn phim đã “rào trước đón sau” về việc phim hư cấu, lấy cảm hứng từ âm nhạc và cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng bộ phim thuộc dòng phim tiểu sử này từ khi ra mắt đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi và phản ứng về việc nhạc sĩ trên phim không giống như ngoài đời. Thời báo Văn học nghệ thuật xin giới thiệu bài viết của nhà báo Hoàng Kim Đáng để góp phần cung cấp thêm với độc giả một số góc nhìn chân thực khác về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

“Vì có tình yêu, nên mới có âm nhạc

Vì có khổ đau, nên mới có âm nhạc

Vì có hạnh phúc, nên mới có âm nhạc”

Một ngôi sao đã tắt trên bầu trời nhạc Việt

Có một nhà văn Pháp qua phương tiện truyền thông báo chí, ông ta công bố “qua đời” bằng cách “chết thử” để xem thiên hạ và bạn đọc thương xót, phản ứng đến mức nào. Các nhà phê bình nghiên cứu văn học họ đánh giá mình là nhà văn lớn đến đâu. Âu đó cũng là một trò chơi ngông khá độc đáo đấy!

Còn ở Việt Nam có một nhạc sĩ khi qua đời đã có hàng triệu con tim rung động, thương xót cho một tài năng lớn ra đi sớm ở tuổi 62 (1939 – 2001). Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Vì có tình yêu, nên mới có âm nhạc - 1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát trên đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1945 (Ảnh tư liệu)

Biết tin nhạc sĩ qua đời, các báo lớn đồng loạt đưa tin. Các nhà văn, nhà thơ, diễn viên điện ảnh, kiến trúc sư, như Nguyễn Quang Sáng, Băng Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Trần Nhật Thu, Lâm Thị Mỹ Dạ. Các nhà báo như: Lý Quý Chung, Yên Ba, Thanh Hà, Nguyễn Thanh Đức, Trần Thanh Phương, Văn Yên, Đoàn Thạch, Trần Châu; Các nhạc sĩ như Phạm Tuyên, Thanh Tùng, Từ Huy; Các họa sĩ như Trịnh Cung, Thế Bảo, Trịnh Tú, NSND Trà Giang; Các ca sĩ: Hồng Nhung, Khánh Ly, Cẩm Vân, Lan Ngọc, Quang Dũng, Quang Minh, Hà Dũng, Phi Long, Nguyễn Thúy Ái… đều bộc lộ tâm trạng mình trên mặt báo.

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, trong điện chia buồn có đoạn viết: “Giới văn học nghệ thuật Hà Nội và toàn thể những người yêu âm nhạc Thủ đô vô cùng thương xót, bàng hoàng trước sự ra đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi vào lòng người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu…Di sản sáng tác của Trịnh Công Sơn sẽ còn lưu lại với chúng ta mãi mãi…”.

Giới văn học nghệ thuật Thủ đô có thể khẳng định rằng: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một hiện tượng kỳ diệu trong âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, với một sức sáng tạo đặc biệt dồi dào, phong phú, một phong cách nghệ thuật độc đáo, tuyệt vời, một tâm hồn đẹp đẽ thuần khiết, một tình cảm thủy chung nồng đượm với dân tộc, với quê hương; một nhân cách cao quý đáng trọng.

Những bài hát viết về Hà Nội của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được coi là những món quà tặng quý giá đối với chúng ta.

Thiên tài âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ sống mãi cùng đất nước

Nhạc sĩ Phạm Tuyên thay mặt giới âm nhạc Thủ đô Hà Nội đã chia sẻ: “Trong lĩnh vực âm nhạc, nhất là ca khúc, lời ca có một vị trí hết sức quan trọng và về mặt này Trịnh Công Sơn thực sự là một nhà thơ… Sẽ còn nhiều công trình nghiên cứu về hàng trăm ca khúc của anh. Sự nghiệp sáng tác của anh đã góp phần xứng đáng vào nền ca khúc Việt Nam hiện đại”.

Hàng chục bài tường thuật về sự ra đi của Trịnh Công Sơn, xúc động nhất trong tôi là các bài: Tiễn đưa Trịnh Công Sơn… Hoa và nước mắt của Trần Châu; Không phải là đắng cay của Nguyễn Thanh Đức (Tuổi trẻ số 50/4/2001); Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi trở về cát bụi  của Trần Thanh Phương và nhiều bài viết xúc động khác.

Anh nằm đó trong cỗ quan tài thiếp vàng, gầy gò, thanh thản như đang ngủ vùi nơi trần thế. Nước mắt người thân, bạn hữu xa gần… khóc tiễn biệt anh suốt ba ngày. Con hẻm số 47 đường Phạm Ngọc Thạch, hai bên đường ngõ cả một rừng hoa tang. Hoa của đời, của những tấm lòng. Chưa thấy một đám tang nào mà lại nhiều vòng hoa đẹp và tinh khôi như thế… Hoa trắng muốt, chừng như ai đến với anh cũng tinh khiết như hoa. Những cát bụi, trần gian, xa vắng mênh mông, cho đời mỏi mệt, địa đàng in dấu…

Nước mắt người tiếc thương anh làm tắc nghẽn con đường Phạm Ngọc Thạch, dòng người tiễn đưa anh dài hàng cây số làm ngùi ngẫm cả góc thành phố… 8 giờ tối ngày 1/4/2001 khi thân xác gầy còm, bất động của anh được tẩm liệm và nắp quan tài đóng lại trong tiếng kèn Sacxo buồn đến não ruột của Trần Mạnh Tuấn réo rắt âm điệu Một cõi đi về đến xuất thần, đã làm cho mọi người rơi lệ.

Đêm đầu tiên anh trở thành người thiên cổ. Giảng viên dạy tiếng Nhật, ông KiRumi Kakamura, bạn thân của Trịnh Công Sơn, tối ngày 1/4/2001 đã đến tiễn biệt Sơn. Ông về nhà không thắp nhang, chỉ rót hai chén rượu mạnh: cho anh Sơn và cho mình.

Cô gái Nhật xinh đẹp Michiko đã sưu tầm được hơn 100 bản nhạc của Trịnh Công Sơn cũng là chuyện hiếm có. Michiko đã yêu Trịnh bằng một tình yêu trong sáng thiêng liêng, thánh thiện, coi ông là nguồn cảm hứng của cuộc đời, bằng tình yêu của mình, cô đã đưa nhạc Trịnh đến với công chúng Nhật và Pháp.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Vì có tình yêu, nên mới có âm nhạc - 2

Trịnh Công Sơn với tác phẩm Ở trọ tác giả tự hát (Ảnh tư liệu)

Bạn Nguyễn Thanh Đức viết: “Nửa đêm rạng sáng ngày 4/4/2001, dòng người xếp hàng vào viếng linh cữu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn còn dài dằng dặc, mỗi người chỉ được có vài giây đứng trước quan tài anh, cắm một nén hương, xá anh vài xá như lời cảm ơn anh đã cho họ rất nhiều… Có người viếng một vòng hoa bạc triệu, có người chỉ một bông hồng, có người đem chai rượu XO, có người đến tay không. Anh đón nhận tất cả, như nhau, như khi còn sống anh vẫn vậy. Luôn mở rộng vòng tay với mọi người, không có sự phân biệt nào".

Sáng sớm ngày 4/4/2001, khu vực ngã tư Điện Biên Phủ - Phạm Ngọc Thạch đông nghịt người. Mọi thành phần, mọi lứa tuổi… đều chờ đợi tiễn anh. Cả vạn người, phút động quan, tiếng kèn Sacxo của Trần Mạnh Tuấn trỗi lên bài Cát bụi - một tiên cảm rất sớm của Trịnh và sự mong manh của kiếp người. Biết vậy nhưng mà ai cũng xót thương, nức nở.

Và, thật lạ lùng, tự nhiên trong đám tang, sau lời vĩnh quyết của ông Bửu Ý, người bạn thân bay từ Huế vào, cả nghìn người trong nghĩa trang Gò Dừa vừa chứng kiến cảnh hạ huyệt, vừa hát đồng ca các ca khúc của Trịnh nhạc sĩ, từ Nối vòng tay lớn, Diễm xưa, Hạ trắng, Biển nhớ, Một cõi đi về, Ướt mi, Huyền thoại mẹ… một màn biểu diễn liên khúc trong nước mắt chưa từng có!

Hoa rơi tới tấp trên mộ Sơn và ngôi mộ khuất dần, lấp kín trong hoa. Bạn bè thân thiết rưới rượu lên mộ Trịnh, uống với anh lần cuối. Thế là người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ đã qua đời! nhạc sĩ Thanh Tùng nhận xét như vậy đấy.

Chuyện lạ trong thiên tình sử Trịnh Công Sơn

Câu chuyện lạ trong thiên tình sử Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Tạo đã có lần kể cho tôi nghe từ trước năm 2000, nhân một chuyến công tác ở Thừa Thiên Huế. Anh cho tôi đi thuyền trên sông Hương, được uống rượu dài dài và kể chuyện thiên tình sử của Trịnh nhạc sĩ.

Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, ngày 4/4/2001 anh viết và công bố trên báo Gia đình và Xã hội số 28 ra ngày 6/4/2001 với lời nhắn gửi của tác giả: “Nếu sau này có ai viết tiểu sử về anh, biết đâu những chuyện này có thể gợi mở, có thể lý giải đúng hơn về người nhạc sĩ thiên tài này”. Và tôi xin chép lại, vì đã 21 năm ngày mất (2001 – 2022) tin rằng cũng không nhiều người được đọc những điều Nguyễn Trọng Tạo kể.

“Chuyện lạ trong thiên tình sử Trịnh Công Sơn dường như nhiều người tình ngang qua âm nhạc Trịnh Công Sơn. Có người bạn thân của anh tên là Hoàng Phủ Ngọc Tường thường nói chắc chắn rằng: “Mỗi người đàn bà đi qua đời Sơn đều để lại một bài hát”. Đó cũng là chuyện thường tình đối với Văn nghệ sĩ, huống hồ lại là nghệ sĩ đa sầu, đa cảm đa tài như Sơn.

Người tình của anh khi có tên là Diễm (Diễm Xưa): “Chiều nay còn mưa sao em không lại”, khi có tên là Nguyệt (Nguyệt ca): “Từ khi trăng là Nguyệt, đèn thắp sáng trong tôi/ Từ khi em là Nguyệt cho tôi bóng mát thật là/ Từ khi em thôi là Nguyệt/ Coi như phút đó tình cờ”; Có tên là Quỳnh (hay là Hương?): Ta mang cho em một đóa Quỳnh/ Quỳnh thơm hay môi em thơm! (Quỳnh Hương). Khi có tên là Tường Vi: “Một đêm bước chân về ngõ nhỏ, chợt nhớ đóa hoa Tường Vi” (Đêm thấy ta là thác đổ)...

Những người tình như thế hiện lên thật đẹp, thật buồn trong lời thơ và âm nhạc của Sơn, để rồi hơn một lần anh phải thốt lên xao xuyến, bồi hồi rằng: Từng người tình bỏ ra đi như những dòng sông nhỏ - Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…

Tên tuổi Trịnh Công Sơn một thời gian gắn liền với tên tuổi Khánh Ly.

Sau này có một số ca sĩ chọn nhạc Trịnh Công Sơn cho giọng hát của mình như cô Bống – Hồng Nhung, Thùy Dương… Và như Sơn thường nói: những giọng hát mới ấy đã làm cho âm nhạc của anh trẻ lại.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Vì có tình yêu, nên mới có âm nhạc - 3

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 1983 (Ảnh: Hoàng Kim Đáng)

Một điều lạ là một nghệ sĩ tài hoa như Trịnh Công Sơn mà hơn 60 năm vẫn chỉ sống độc thân. Có người cho anh là lập dị. Có người bảo anh chủ trương như vậy để hiến trọn đời cho nghệ thuật. Chỉ có mấy người bạn thân thời trai trẻ của Trịnh Công Sơn là biết rõ hơn ai hết. Họ nói rằng, Trịnh Công Sơn đã từng… cưới vợ.

Đấy là một câu chuyện có thật. Tôi có hỏi Trịnh Công Sơn về chuyện đó và anh thú nhận rằng lễ cưới của anh và Thanh Thúy được tổ chức rất đơn giản tại một nhà hàng sang trọng phía sau Nhà hát lớn Sài Gòn cuối năm 1964. Ngoài cô dâu và chú rể, khách chỉ có hai người là họa sĩ Trịnh Cung và họa sĩ Đinh Cường - hai người bạn rất thân thiết của anh cho đến cuối đời. Thanh Thúy là một vũ nữ gốc Hoa, đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ. Người ta thường gọi cô là Thanh Thúy Tàu, hoặc Hoa Cưng. Cô làm vũ nữ ở nhà hàng Calinat, nơi Sơn thường lui tới và tình yêu đã nở ra giữa hai người.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng kể lại với tôi rằng, trong một cuộc trò chuyện với Trịnh Công Sơn về những người yêu “toàn nói giọng Bắc của Sơn, anh mới biết chuyện này. Hai anh kéo đến Quán Trịnh tìm Sơn để “Hồi ức về lễ cưới” kỳ lạ ấy. Đấy là một buổi tối đẹp trời, tiệc cưới được bày ra trên một cái bàn ngoài sân cỏ. Trên bàn thắp nến. Thanh Thúy mặc áo đầm trắng nhảy tung tăng trên thềm.Trịnh Công Sơn rất vui, nói với Trịnh Cung và Đinh Cường: “Nhí nhảnh như một con chim”. Tiệc đến nửa chừng thì nến tắt. Hai người bạn nhắm mắt lại để Sơn đeo nhẫn cho cô dâu (đây là chiếc nhẫn mà Trịnh Cung và Đinh Cường góp tiền mua chung để mừng lễ cưới của bạn).

“Một giọt nước mắt nóng bỏng rơi xuống lưng bàn tay làm Sơn suýt co tay lại. Đấy chính là giọt lệ của Thanh Thúy! Trịnh Công Sơn không bao giờ quên giọt nước mắt hạnh phúc của người đẹp rơi xuống đám cưới của mình”. Đêm hôm đó, Trịnh Cung và Đinh Cường đưa cô dâu chú rể về phòng tân hôn là phòng riêng của Thanh Thúy. Đến cửa phòng thì hai anh quay về. Nhưng đi được một quãng khá xa thì họ chợt nghe tiếng giày lóc cóc đuổi theo sau lưng mình. Hai người ngoảnh lại nhìn, hóa ra người đuổi theo họ chính là chú rể Trịnh Công Sơn! Sơn vừa thở hổn hển vừa thanh minh:

- Bỗng dưng ở lại một mình với một người đàn bà trước mặt, mình hoảng quá, không biết làm gì, đành bỏ chạy cho khỏe!

Năm ấy, Trịnh Công Sơn bước vào tuổi 26.

Giờ đây người nhạc sĩ tài hoa đã vĩnh viễn dừng lại ở tuổi 62. Người ta còn viết nhiều về anh, về những “bí mật” của anh, cũng như người ta còn hát mãi hàng trăm ca khúc tuyệt vời của anh. Tôi là một người bạn, người em, một đồng nghiệp từng có những kỷ niệm đẹp với anh suốt 1/4 thế kỷ qua, khi nghe tin anh qua đời, buồn quá vì anh vẫn độc thân đi về cõi xa xăm, tôi chép lại câu chuyện này như một an ủi, một sẻ chia với người đã khuất.

Nếu sau này, có ai đó viết tiểu sử (biographia) về anh, biết đâu những chuyện này có thể lý giải đúng hơn về người nhạc sĩ thiên tài này, phải chăng, những cuộc tình như những vết thương đã làm nên tình sử Trịnh Công Sơn khiến cho âm nhạc của anh sâu sắc và độc đáo khi ngợi ca tình yêu và phận người: “Lòng tôi có đôi lần khép cửa/ Rồi bên vết thương tôi gửi/ Vì em đã mang lời khấn nhỏ/ Bỏ tôi đứng bên đời kia” – Hà Nội, 4/4/2001, Nguyễn Trọng Tạo.

Nhưng kỳ lạ thay, cách đây khoảng chục năm (năm 2010 gì đó) tôi có đọc một bài viết về Trịnh Công Sơn trên báo Văn Nghệ - nữ tác giả có gương mặt khả ái, thánh thiện và “rất Huế” có nhắc nhiều đến những kỷ niệm với Trịnh Công Sơn. Cuối cùng nàng tuyên bố: Người ta nói rất nhiều đến những điều “bí hiểm” về Trịnh nhạc sĩ, cũng như thiên tình sử giữa thi sĩ Xuân Diệu với đạo diễn điện ảnh – NSND Bạch Diệp… nhưng chuyện tình của nhà thơ Xuân Diệu tạm thời cho qua, nhưng với Trịnh Công Sơn hoàn toàn không như người ta đồn thổi. Tôi đã từng đi qua đời anh, hoàn toàn hạnh phúc! Trịnh Công Sơn có đầy đủ tư chất, bản lĩnh và tài năng của một người đàn ông, một vĩ nhân thời đại!

Ôi! Quả thực là liêu trai. Tôi chỉ còn biết nói như thế này với Trịnh nhạc sĩ, với bạn đọc rằng:

“Chuyện tình, như Liêu trai

Chuyện đời, vì nhân loại

Chuyện nghề, là nghệ sĩ thiên tài”.

Đến hôm nay (2022) người viết chuyện tình về Trịnh Công Sơn – nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo cũng không còn nữa, nhưng điều chắc chắn người ta sẽ còn nói nhiều, viết nhiều về thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo, đến nhạc sĩ – tác giả của tác phẩm bất hủ Làng quan họ quê tôi.

Vĩ thanh - Từ trái tim đến trái tim

Những người phát minh khoa học hay sáng tạo văn học – nghệ thuật, họ thường có đôi tai nghe âm nhạc rất thính nhạy, nhận biết sản phẩm sáng tạo của đồng nghiệp bằng trực cảm rung động từ trái tim và nói ra những điều không thể không nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát lúc sinh thời nói với nhạc sĩ Phạm Tuyên về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng rất dí dỏm, rằng: “Trịnh Công Sơn làm lời ca cứ nhẹ nhàng như lấy chữ ở trong túi ra. Nhưng, lời ca của anh không hề dễ dãi, tùy tiện, mà luôn ẩn sâu một triết lý về cuộc đời”.

Nhà văn, nhà thơ Băng Sơn nói như thế này: “Có nhiều người nói phải hàng trăm năm sau mới có được một Thế Lữ, một Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, một Văn Cao, một Đỗ Nhuận, cũng như một Trịnh Công Sơn. Trong anh có triệu hồn người. Trong triệu hồn người có anh, một ngôi sao vụt qua chốc lát, trăm năm sau để lại trở về cùng trăng sao sương gió…Những lời ca anh viết ấy, đặc biệt là chất thơ cô đọng, chất thơ bàng bạc, chất thơ lay chuyển tâm can…là nước mắt, là nỗi đau của một người cho mọi người.

Không biết rằng có một ngôi sao vừa vụt tắt, có một chiếc lá vừa rơi, có một con người vừa rời bỏ…mà câu hát vẫn cứ vang lên: “Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi!...”.

Nhà báo Lý Quý Chung: “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn réo gọi các con tim trở về nguồn, thức tỉnh trong mỗi con người tình ruột thịt. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một phần ký ức, một phần hồn của thanh niên. Trong nhạc của Trịnh Công Sơn bao giờ cũng có chính kiến, dù là về tình yêu, về cuộc sống, về thân phận con người, về cái chết…”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Thế là chúng ta lại mất đi một nghệ sĩ hàng đầu, một nhạc sĩ của thơ - ca - số - một không gì thay thế được. Các nhà thơ từ Nam chí Bắc đều coi anh là thi sĩ”.

Nhà thơ Xuân Diệu: “Trịnh Công Sơn là người làm thơ bằng âm nhạc”!

Nhà thơ Nguyễn Duy:

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi trở về cát bụi”

Câu hát định mệnh trang nghiêm một triết lý sống, một định lý kiếp người mà tác giả của nó vừa hoàn tất một chu kỳ  huyền thoại cát bụi. Âm nhạc Trịnh Công Sơn thiêng liêng như tiếng gọi hồn, như sóng âm, như địa chấn, làm loạn nhịp tim tôi và làm loạn nhịp tim biết bao nhiêu triệu người hâm mộ. Anh là người có âm vang vô tận – Âm vang của trái tim thiên tài. Một thiên tài không có tuổi… Nguyễn Duy, 1/4/2001.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất