Còn sống mãi những bài ca về Thủ đô

Trong kho tàng ca khúc Việt Nam, những bài hát viết về Thủ đô Hà Nội chiếm một khối lượng đáng kể. Trên đất nước ta có lẽ không thành phố, miền đất nào lại có nhiều bài hát hay như Hà Nội. Điều đó dễ hiểu bởi hơn 10 thế kỷ qua, đất Thăng Long đã trở thành cố đô và luôn là trung tâm của quốc gia trên mọi lĩnh vực kinh tế văn hoá. Ngoài ra, đây là mảnh đất có thiên nhiên rất đẹp, hữu tình và thơ mộng, có sắc thái 4 mùa rõ rệt của xứ Bắc.

Có thể nói “Thăng Long hành khúc ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao là bài hát có giá trị đầu tiên viết về Hà Nội. Bằng một ngôn ngữ âm nhạc sang trọng, đượm vẻ cổ kính, lần đầu tiên thủ đô được hiện ra trong âm nhạc với tất cả những tình cảm thiêng liêng nhất của người sáng tác.

Còn sống mãi những bài ca về Thủ đô - 1

Nhưng phải đến “Tiến về Hà Nội” - ca khúc đánh dấu một mốc lịch sử lớn của dân tộc là kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, quân dân ta từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô - Văn Cao mới hoàn chỉnh bức tranh bằng âm thanh về Hà Nội. Trong cái âm điêụ hào hùng chung khi viết về thủ đô bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp những năm tháng ấy có một bài ca độc đáo.

Đó là bài “Sẽ về Thủ đô” của nhạc sỹ Huy Du. Tác phẩm được hình thành khi cuộc kháng chiến chưa kết thúc, nhưng tác giả đã tràn ngập niềm lạc quan, vững tin ở ngày chiến thắng không xa để sẽ lại được “về thủ đô”. Chút mơ mộng, hồi ức dàn trải ở đoạn A của bài hát in đậm dấu ấn tâm hồn chàng học sinh tiểu tư sản Hà Nội khoác ba lô giã từ thủ đô quê hương đi kháng chiến. Sau đó là đoạn tươi vui, sôi nổi ở đoạn B khiến tác phẩm rất sinh động.

Còn sống mãi những bài ca về Thủ đô - 2

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Qùy cầm Guitar đàn hát chào quân giải phóng ngày 10/10/1950.

Người Hà Nội còn rất ưa thích bài “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương. Bài hát này thật bồi hồi, mơ mộng, rất rõ chất Hà Nội hào hoa. Rồi một lớp nhạc sĩ kế tiếp đông đảo nhất đã tạo nên diện mạo âm nhạc thủ đô trong mấy chục năm qua: Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Văn Ký, Văn An, Hồ Bắc, Phan Nhân, Vũ Thanh, Vĩnh Cát, Trần Hoàn, Nguyễn Thành, Hoàng Hiệp, Phó Đức Phương...

Tiêu biểu và đậm nét nhất về Thủ đô kháng chiến là bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Ca khúc như một bản anh hùng ca bất tuyệt về vóc dáng Thủ đô chiến thắng. Sức sống của tác phẩm này là bất diệt, đến hôm nay, mỗi khi nghe laị ta vẫn thấy mới mẻ, hiện đại. Đã không ít ca sĩ thành danh từ việc trình diễn bài hát này - một bài hát mà bất cứ học sinh thanh nhạc nào muốn phát tiển giọng hát cũng phải tìm đến.

Còn sống mãi những bài ca về Thủ đô - 3

Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10.10.1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh Tư liệu TTXVN.

Suốt 10 năm êm ả của Hà Nội trong thời kỳ hoà bình xây dựng (1954- 1964), người ta say sưa hát “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” của Hoàng Vân. Có thể nói đây là bài hát tiêu biểu nhất cho những ca khúc viết về Hà Nội trong giai đoạn này và cũng rất tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Hoàng Vân: Trữ tình, đằm thắm, đậm đà phong vị dân tộc, giàu sức hấp dẫn, lôi cuốn người nghe.

“Chiều hồ Gươm” cũng là một bài hát hay của ca sỹ, nhạc sỹ Trần Thụ. Bằng tiết tấu của nịp ¾, tác giả vẽ nên bức tranh bằng âm thanh chiếc hồ lịch sử đẹp nhất thủ đô. Cảm giác thanh bình, thơ mộng được tác giả biểu hiện thật sinh động.

Còn sống mãi những bài ca về Thủ đô - 4

Khung cảnh hồ Gươm đẹp thơ mộng và cổ kính trong mùa cây thay lá. (Nguồn ảnh: Internet)

Hà Nội đã thu hút sức sáng tạo đặc biệt của giới nhạc sĩ có lẽ ở những năm giặc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, điên cuồng bắn phá Thủ đô. Có vẻ như giai đoạn hoà bình êm ả ở miền Bắc trong giai đoạn 10 năm (từ 1954 đến 1964), không ra đời nhiều bài hát về Hà Nội, ngoài hai ca khúc được công chúng hưởng ứng vừa nhắc ở trên. Nhưng khi thủ đô bước vào cuộc đương đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ thì mạch âm nhạc cuả giới sáng tác đã tuôn trào.

Một thành phố căm phẫn và sục sôi khí thế chiến đấu và chiến thắng đã khiến các nhạc sĩ khơi nguồn cảm xúc bất tận. Hàng loạt ca khúc đã ra đời có giá trị cổ vũ lớn lao. Rất nhiều bài hát trong số đó đạt được chất luợng nghệ thuật cao: “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của Phan Nhân, “Tiếng nói Hà Nội” của Văn An, “Hà Nội - Địên biên phủ” của Phạm Tuyên, “Hà Nội trái tim ta đó” của Vĩnh Cát, “Cả nước hướng về Hà Nội” của Trọng Bằng...

Trong số những nhạc sĩ dành nhiều tâm huyết viết về Hà Nội, người nghe ghi nhận thành công cúa các tác giả đã có ít nhất là 2 bài hát hay về Thủ đô. Đó là Vũ Thanh với “Bài ca Hà Nội” và “Hà Nội mùa thu”; Trần Hoàn với “Tiếng hát người Hà Nội” và “Đêm Hồ Gươm”; Văn Ký với “Hà Nội mùa xuân” và “Trời Hà Nội xanh”; Phan Nhân với “Hà Nội niềm tin và hy vọng” và “Về lại Thủ đô”; Vĩnh Cát với “Hà Nội trái tim ta đó” và “Hà Nội của ta”.

Bên cạnh những ca khúc hay đã đi vào lịch sử, mang tính chất classique như đã nói ở trên, tuổi trẻ Thủ đô và cả nước hôm nay đang thích hát những "Một thoáng Hồ Tây" của Phó đức Phương, "Nhớ mùa thu Hà Nội" của Trịnh Công Sơn, "Mùa xuân làng lúa làng hoa" của Ngọc Khuê, "Hà Nội một trái tim hồng" của Nguyễn Đức Toàn, "Nhớ về Hà Nội" của Hoàng Hiệp, "Hà Nội đêm trở gió" của Trọng Đài. "Em ơi Hà Nội phố" của Phú Quang, "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa" của Trương Quý Hải… Đó thực sự là những ca khúc có giá trị nghệ thuật với nhiều phong cách sáng tạo khác nhau.

Còn sống mãi những bài ca về Thủ đô - 5

Phố cổ Hà Nội. (Nguồn ảnh: Internet)

Viết bài hát hay vốn đã khó, viết hay về Hà Nội lại càng khó hơn. Muốn chinh phục được trái tim người nghe, nhạc sĩ phải sáng tạo được những ngôn ngữ âm nhạc thể hiện rõ tính chất của Hà Nội như đã nói. Những hình tượng chung chung mờ nhạt, những đừơng nét âm nhạc dông dài, dễ dãi không thể phù hợp với dáng vẻ hào hoa, tao nhã của xứ sở ngàn năm văn vật, mà đòi hỏi sự tìm tòi một ngôn ngữ âm nhạc sang trọng, đĩnh đạc, lại phong phú, sinh động, nhiều màu sắc trong giai điệu và tiết tấu. Nhưng lại là Hà nội của ngày hôm nay, mới mẻ và hiện đại, đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Lẽ đương nhiên Thủ đô là nơi hấp thụ mọi trào lưu văn hoá thế giới- trong đó có âm nhạc- nhanh nhạy hơn bất cứ khu vực nào trên toàn lãnh thổ. Nhưng đáng mừng thay, nhìn vào lĩnh vực âm nhạc, ta thấy rõ một điều: Những bài hát hay về Hà Nội theo phong cách Pốp, Rốc, Ráp... và nhiều hình thức nhạc nhẹ khác đã không trụ lại được trong lòng quần chúng, so với những bài hát được viết theo phong cách dân gian (folklore) hoặc bác học (academique). Bền vững theo thời gian luôn là những bài hát có ngôn ngữ âm nhạc được chắt lọc, tìm tòi, tinh tế, thể hiện rõ vẻ trữ tình tha thiết, lịch lãm và hào hoa. Đó mới đích thực là những âm thanh của Hà Nội, dẫu đuợc ra đời trong bất cứ bối cảnh nào.

Hà Nội đã trải qua hơn 1000 năm và sẽ còn phát triển rực rỡ với tầm vóc bề thế trong tương lai. Những bài hát về Hà Nội đã như một dòng suối âm thanh trong lành tươi mát, vừa hào sảng mạnh mẽ lại vừa dịu dàng óng ả, phản ánh rõ sắc thái rất riêng của Hà Nội linh thiêng. Chắc chắn, dòng suối âm thanh này sẽ còn tiếp tục tuôn trào những tác phẩm chất lượng, tương xứng với thủ đô yêu dấu cuả một quốc gia đang vững bước đi lên./.

Thôn Ca

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T