Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí: Hát về Điện Biên, hát về đất nước
Có lẽ bởi duyên nợ nên lên chuyến xe đi Tây Bắc - Điện Biên cùng đoàn văn nghệ sĩ thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi lại được xếp ngồi bên nhà thơ, nhạc sỹ Kiến Hà (Nguyễn Anh Trí) mà sau đó tôi mới được biết anh còn là một nhà khoa học tên tuổi.
Chẳng cần nói ra thì ai cũng biết ngay anh là người Quảng Bình. Vì nghệ danh anh là Kiến Hà (dòng sông Kiến Giang). Bởi tuổi ấu thơ tôi đã ở nơi này, nên yêu mảnh đất, dòng sông nơi này lắm. Mà đây cũng lại chính là quê hương anh Kiến Hà, cho nên trên chặng đường dài chúng tôi đi, nhà thơ - nhạc sỹ Kiến Hà đã cuốn hút tôi bằng rất nhiều câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện quê hương.
GS,TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí (Kiến Hà) tại đêm nhạc Nguyễn Anh Trí "Tổ quốc tôi"
“Tôi yêu Quảng Bình quê hương tôi. Tôi mê đắm hò khoan Lệ Thủy - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Nhạc sỹ Kiến Hà tâm sự, và say sưa truyền cảm hứng cho tôi.
“Trong hò khoan Lệ Thủy anh ạ, có 5 mái (làn điệu) cơ bản, đó là: mái xắp, mái nện, mái chè, mái ruổi, mái ba. Rồi được bổ sung thêm mái nhì (phổ biến trong hò Huế) và các mái nậu xăm, hò khơi và hò lĩa trâu nữa là thành 9 mái. Tất cả đều ngọt ngào, tình nghĩa và sâu lắng.
Trong hò khoan Lệ Thủy thường có cái hò và con xố (xố con); và thường rất hay dùng từ “khoan” – đến nỗi mà loại hình dân ca độc đáo này mang tên là “Hò khoan”. Nói thật với anh, tôi đã suy nghĩ rất lâu, rất nhiều về sự thú vị này!
Cho đến một ngày, khi đọc quyển Hò khoan Lệ Thủy của Đặng Ngọc Tuân – một nhà nghiên cứu rất sâu về Hò khoan Lệ Thủy – thì tìm được câu hò: “Một khoan, hai khoan, ba bốn xin khoan (mà) mời người ở lại/ Có điều chi không phải cho tôi phân giải một lời/ Quen nhau chưa ráo mồ hôi/ Chưa tan cối gạo đã nỡ vội chia đôi nẻo đường”. Qua đó mới thấy người Lệ Thủy, Quảng Bình sao mà chân thành, trọng nghĩa đến vậy. Khoan vội chia đôi nẻo đường, ở lại đã người ơi! Cách nói sao mà tha thiết, ngọt ngào, chân tình đến vậy!
Trong kho tàng Hò khoan Lệ Thủy còn rất nhiều câu như “Tay bắt tay cho chặt, mặt nhìn mặt cho tường”, “Dãy Trường Sơn xanh rờn thăm thẳm/ Nghĩa nọ tình này muôn dặm chưa quên”… câu nào cũng chan chứa nghĩa tình, mong người ở lại.
Mà Quảng Bình quê hương chúng mình từ lâu đã là một mảnh đất địa linh, nhân kiệt, kiên cường, bất khuất; và bây giờ đã đổi mới hơn trước với nhiều di sản quốc gia, quốc tế… Xứng đáng để là nơi mời bạn về thăm, mời người ở lại lắm lắm!
Với mạch nguồn đó, nhằm “xin tựa câu hò/ để neo níu lại/ tấm lòng người xa” tôi đã sáng tác xong phần lời ca khúc Xin tựa câu hò sau gần một năm thai nghén. Toàn văn như sau:
Khoan khoan hò khoan/ hò khoan - khoan khoan khoan!
(Chơ) “Một khoan, hai khoan, ba bốn xin khoan, mà mời người ở lại”
Quảng Bình quê hương
Một miền quê gánh hai đầu đất nước
Bao yêu thương xuôi ngược đong đầy
Bão dập mưa chan, gan vàng dạ sắt
Cá ngon, mực ngọt, tôm tươi, khoai bùi…
Ở lại đây - để xuống biển lên rừng
Để qua hòn Yến, để tới đèo Ngang
Để thăm hang động lẫy lừng muôn nơi…
Như rứa đó người ơi, mà khoan khoan khoan!
Hò ơi! “Tay bắt tay cho chặt, mặt nhìn mặt cho tường”
Để lòng thêm hiểu, thêm sắt son nghĩa tình
“Dãy Trường Sơn xanh rờn thăm thẳm
Nghĩa nọ tình này muôn dặm chưa quên”
Mần răng mà quên đặng/ người về bao nhớ mong/ nhớ mong - mà khoan khoan khoan.
Người ơi, xin tựa câu hò/ để neo níu lại/ tấm lòng người xa.
Khoan khoan hò khoan, hò khoan- khoan khoan khoan!
Khoan khoan người ơi, là khoan - khoan khoan khoan!
Sau khi xong phần lời, thì phần phổ nhạc không lâu. Chỉ hơn 1 giờ đồng hồ là ca khúc đã sáng tác xong. Ca khúc Xin tựa câu hò rồi một dịp nào tôi mời người đồng hương cùng nghe hát về quê mình nhé!”.
Anh Kiến Hà có giọng nói nhẹ nhàng, khiêm tốn, chân phương và rất duyên dáng, cùng một kiến thức rất rộng mở về nhiều vấn đề âm nhạc, cuộc sống... nên trò chuyện với anh rất thú vị. Mới ngẫm ra, Quảng Bình quê ta thật là nhiều người tài, xứng danh là địa linh nhân kiệt. Hạnh phúc thay tôi đã có một tuổi thơ ở đây...
*
Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí cùng đoàn văn nghệ sĩ tại Điện Biên Phủ
Khi đến một trạm nghỉ giữa đường, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và cũng là Trưởng đoàn đến bắt tay thăm hỏi mọi người, khi giới thiệu về nhạc sỹ Kiến Hà, anh Đỗ Hồng Quân nói làm tôi giật mình, kể như núi Thái Sơn trước mặt mà tôi không biết: “Đoàn ta rất vinh dự có sự tham gia của GS – bác sĩ Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV; Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, và nay là Chủ tịch Hội đồng cố vấn tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017. Anh Trí cũng là tác giả của trên 100 ca khúc được giới thiệu trên nhiều đài Trung ương, được công chúng yêu thích và từng có 4 đêm nhạc riêng giới thiệu sáng tác của mình”.
Bấy giờ, tôi mới sực nhớ lại chuyện kể của một đạo diễn nghệ thuật tên tuổi: Khi xây dựng chương trình đi biểu diễn các nước châu Mỹ, nhà hát anh bên cạnh những bài hát ca ngợi Bác Hồ, Fidel Castro, có một bài hát rất hay về một đồng chí lãnh đạo đương thời của Đảng ta. Bài hát do nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí sáng tác và do nghệ sỹ Tiến Danh trình bày. Hay và xúc động lắm! Chỉ có chút vấn đề là, khi bài hát được đồng chí lãnh đạo trên duyệt chương trình, thì với bản tính khiêm tốn của mình, ông rất cảm ơn nhưng đề nghị để một dip khác sẽ trình diễn bài này.
Là thế, Nguyễn Anh Trí - Anh hùng Lao động, Đại biểu quốc hội, Giáo sư - bác sỹ nổi tiếng, cũng là nhạc sỹ của trên 100 ca khúc.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao thư khen nhân dịp GS Nguyễn Anh Trí được nhận Giải thưởng Vinh quang Việt Nam - 2017 (đây là lần thứ hai GS Trí được nhận Giải thưởng này).
Trong công việc và trong sáng tác, ông luôn nhanh nhạy, nhân văn và dạt dào cảm xúc. Ông say mê với công việc khoa học, nhưng cũng rất giàu tình yêu với quê hương, đất nước, các lãnh tụ và nghề nghiệp thiêng liêng của mình. Và ông đã thể hiện những tình cảm mãnh liệt này, bằng những giai điệu âm nhạc, đẹp, lãng mạn và rất giàu cảm xúc. Thế mạnh sáng tạo nghệ thuật của người giáo sư bác sỹ là đây, và thêm một phương tiện rất hữu hiệu thẳng đến với trái tim con người của ông cũng là đây...
*
Cũng trong chuyến đi lên với Tây Bắc - về với Điện Biên, với sự nhanh nhạy tinh tế của một người nhạc sỹ giàu cảm xúc, nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí đã có hai sáng tác rất rung động đồng nghiệp là những văn nghệ sĩ tên tuổi trong chuyến đi: Bài hát về Dòng sữa Việt Nam - về dòng sữa một người mẹ trẻ đã cứu sống một người chiến sỹ đoàn quân Tây Tiến vì nước hy sinh, và bài hát Tình Bác mãi tỏa lan được nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí sáng tác ngay khi tham quan Bảo tàng Điện Biên, được nghe lại câu chuyện về Bác Hồ do Thiếu tướng, PGS Hồng Sơn kể về Bác Hồ đã làm, đã căn dặn chúng ta. Bài hát đầy xúc động và rất thấm thía vào trái tim người nghe.
Xin tạm khép lại bài viết về GS, BS, nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí (Kiến Hà) bằng chính một bài thơ của anh - hẳn cũng sẽ là lời một bài hát của người nhạc sỹ tài hoa này ngay giữa đất trời Điện Biên rất phơi phới và xúc động lòng người:
HÁT NỮA ĐI EM
Lên Điện Biên lần này
Chúng tôi ngây ngất được nghe em hát
Hát về Điện Biên một thời trận mạc
Rất hào hùng và tột đỉnh vinh quang
Mảnh đất này biết mấy máu xương
Thấm trộn làm nên hồn thiêng sông núi
Để giọng ca em muôn xa vời vợi
Thành tiếng lòng chan chứa tri ân
Điện Biên hôm nay khác với mọi lần
Có điệu xòe cứ rộng vòng ngàn vạn
Người quê nào lên đây cũng thành thân thành bạn
Cùng chung vui trong điệu múa kết đoàn
Hát nữa đi em khúc hát hân hoan
Không còn đạn bom, máy bay, đại bác
Đồng Mường Thanh xanh rờn lúa hát
Chiến trường xưa thành phố thị đẹp giàu
Cứ hát đi, chúng ta hát cùng nhau
Nơi tượng đài, bảo tàng mênh mông thành phố
Hoa ban nở bừng hai chiều đại lộ
Cả Nậm Rốm sông và di tích Mường Phăng
Chúng tôi bước đi giữa trời đất Điện Biên
Trong linh thiêng hồn bao chiến sỹ
Máu xương cha ông càng muôn phần cao quý
Khi Điện Biên hôm nay tươi đẹp thanh bình.
Hát lên em, hãy hát lên em
Hát để tri ân, hát vì hạnh phúc
Hát về Điện Biên, hát về Đất nước
Hát với hôm nay, hát cho cả ngày mai...
(Tối 19/4/2024).
Bình luận