Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu - Người thổi hồn dân tộc vào âm nhạc đương đại

Có những nhạc sĩ đã dày công nghiên cứu, chắt lọc hồn cốt dân tộc và gửi gắm những âm hưởng dân gian vào âm nhạc đương đại, góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong những người đó là nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu.

Dày công lăn lộn cùng bản sắc văn hóa 

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi. Ông sinh năm 1959 ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trên mảnh đất mưa dầm nắng lửa, chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh. Thời sinh viên, ông học Trung cấp đàn bầu và tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sáng tác âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Huế năm 1980.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu - Người thổi hồn dân tộc vào âm nhạc đương đại - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu

Sau khi ra trường, ông về công tác tại Đoàn ca múa nhạc tỉnh Nghĩa Bình (gồm tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định ngày nay). Tại đây, ông là nhạc công vừa độc tấu đàn bầu, vừa chơi đàn Guitar Accor cho chương trình biểu diễn, đồng thời tham gia sáng tác ca khúc, phối khí, viết nhạc múa cho đoàn. 

Năm 1989, Quảng Ngãi tái thành lập tỉnh, Nguyễn Minh Châu được phân công công tác tại Trung tâm văn hóa thông tin của tỉnh. Từ đây, ông gắn bó với miền đất núi Ấn sông Trà giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.   

Quảng Ngãi là miền đất với nhiều sắc màu văn hoá, văn nghệ dân gian. Ở đồng bằng có: hát hò, hát hô, hát sắc bùa (ở huyện Mộ Đức, huyện Đức phổ), hô hát Bài chòi (được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho 9 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa).

Ở các vùng ven biển, hải đảo có: hát hò, hát Bả trạo (Chèo cạn), đảo Lý Sơn có lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tôn vinh, tri ân những hùng binh đi trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia).

Ở vùng núi, 3 dân tộc thiểu số người Cor, người Hrê và người Ca Dong còn lưu giữ nhiều loại hình lễ hội cổ truyền như: Dân tộc Cor có lễ hiến sinh trâu, lễ ngả rạ, lễ mừng lúa mới, múa chiêng đôi, múa Cà đáu, hát Xà ru, A giới, A lác, Cà lu, Ru con. Dân tộc Hơ rê có hát ka lêu, kachoi. Dân tộc Ca Dong có: hát Ra nghế, Ra ngót, Dê Ô Dê, Măng ga ri… rất đặc trưng của cư dân vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.  

Được thâm nhập thực tế trong một vùng nghệ thuật dân gian rộng lớn giàu bản sắc văn hoá dân tộc, hơn 40 năm qua Nhạc sĩ Minh Châu đã sưu tầm, nghiên cứu, tích lũy nhiều tư liệu về các lễ hội và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc qua các đợt điều tra điền dã cùng với Viện nghiên cứu âm nhạc của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học như: Lễ hội ăn trâu (Xa Pi ố); Lễ cưới của người Cor và tổ chức phục dựng cây nêu cổ truyền của người Cor, lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học.

Người thổi hồn dân tộc vào âm nhạc đương đại

Trong quá trình thâm nhập thực tế xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, Nguyễn Minh Châu đã dày công nghiên cứu âm nhạc và các lễ hội dân gian địa phương, vùng miền của Quảng Ngãi. Ông sáng tác và tham gia dàn dựng hàng trăm chương trình nghệ thuật quần chúng cho các cơ quan, đơn vị của tỉnh tham gia Hội diễn, Hội thi, Liên hoan ca múa nhạc khu vực miền Trung Tây Nguyên và các cuộc thi toàn quốc đều đạt giải cao. Ông viết nhạc cho nhiều thể loại và phần lớn các tác phẩm âm nhạc đoạt giải của ông đều mang âm hưởng đậm nét văn hóa dân gian đặc trưng vùng miền. Tiêu biểu là:

Viết nhạc cho vở kịch “Đỉnh cao phía trước” (kịch ngắn) – Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu không chuyên toàn quốc do Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức tại Đà Lạt, vở kịch “Hoa cúc trắng” (kịch ngắn) – Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch vui, kịch ngắn toàn quốc do Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1996 

Viết nhạc múa cho tác phẩm múa “Vững tay chèo” – Huy chương Vàng tại Liên hoan “Biển hát” các tỉnh miền Trung Tây Nguyên do Bộ Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức tại Đà Nẵng năm 1993, nhạc múa “Cha K’ Cha” (Tết than) – Huy chương Bạc tại Liên hoan nghệ thuật 5 nước Việt Nam - Lào -  Campuchia – Myanmar – Thái lan năm 2016.

Nhiều ca khúc đoạt giải như: ca khúc “Biển hát” – Huy chương vàng tại Liên hoan “Biển hát” các tỉnh miền Trung Tây Nguyên do Bộ Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức tại Đà Nẵng năm 1993; ca khúc “Bến xưa” – Giải Xuất sắc tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2012 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức; ca khúc “Hò biển” và “Xôn xao mùa biển” - Giải Khuyến khích của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013; ca khúc “Vội vàng mùa hạ” - Giải Khuyến khích của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019; ca khúc “Niềm vui cô giáo” – Giải thưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo năm 2020; ca khúc “Đêm hội làng Cor” - Huy chương Vàng Hội diễn không chuyên toàn quốc tại Đắk Lắk năm 2020 và mới đây là ca khúc “Tâm tình người lính biển” - Giải A trong Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2023. 

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu - Người thổi hồn dân tộc vào âm nhạc đương đại - 2

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu nhận giải A trong Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2023.

Đặc biệt, ca khúc “Hò biển” được chọn dàn dựng khai mạc chương trình Festival biển Nha trang năm 2013, ca khúc “Biển hát” được chọn dàn dựng khai mạc chương trình Festival biển Nha trang năm 2015 và năm 2019, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu được tặng “Giải thưởng Phạm Văn Đồng” là giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm xét 1 lần của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Những ca khúc của Nguyễn Minh Châu để lại nhiều dấu ấn trong lòng người nghe, người xem như: “Nhớ Sơn Mỹ”, “Ánh trăng thạch nham”, “Mùa xuân đi qua”, “Đêm hội Làng Cor”, “Ngọt ngào câu hát Ta – Lêu”, “Sơn Tây ngày mới”, “Về đây Minh Long”, “Hò Biển”, “Xôn xao mùa biển” và nhiều ca khúc âm hưởng đồng bằng Nam Trung Bộ như: “Về Quảng Trị cùng em”, “Nhịp điệu Dung Quất”, “Đêm Sông Trà”, “Người con Núi Ấn Sông Trà”, “Trương Định - người con Quảng Ngãi anh hùng”… đã được trình diễn trong nhiều sự kiện của tỉnh và trên các kênh truyền hình Trung ương và đài PTTH nhiều địa phương.

Nhân “Ngày Âm nhạc Việt Nam” (3/9) xin chúc ông tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc hay phục vụ công chúng và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa mà cha ông đã truyền lại.

Xuân Bách

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.