Hoàng Việt và bản tình ca bất hủ

Nói đến những nhạc sĩ in dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của công chúng, không thể không nhắc đến Hoàng Việt. Do cuộc đời quá ngắn ngủi, vĩnh biệt cõi đời lúc mới 40 tuổi (hy sinh trong cuộc tổng tiến công của quân dân ta vào mùa xuân năm Mậu thân 1968) nên ông để lại không nhiều tác phẩm, nhưng đó là những tài sản tinh thần vô giá, sống mãi với thời gian, càng theo năm tháng, dường như càng tỏa sáng long lanh như những viên ngọc quý, không lớp bụi nào có thể phủ mờ.

Hoàng Việt có tên khai sinh là Lê Chí Trực, ra đời năm 1928, quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Trong nhiều tác phẩm, ông còn có các bút danh Lê Trực, Lê Quỳnh. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ở tuổi 17, ông đã vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ suốt 9 năm dòng. Những năm tháng này, dù còn rất trẻ, chưa trang bị được nhiều kiến thức âm nhạc nhưng ông đã viết được những bài hát nổi tiếng được người nghe rất ưa thích: Lá Xanh, Lên ngàn, Mùa lúa chín, Nhạc rừng….

Hoàng Việt và bản tình ca bất hủ - 1

Chân dung Nhạc sĩ Hoàng Việt

Chất nhạc hồn nhiên, tươi trẻ, dạt dào âm hưởng trữ tình, lạc quan nhanh chóng được bộ đội đón nhận, truyền tụng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong những đêm lửa trại hoặc vang lên giữa những chặng đường hành quân. Đến hôm nay, trong các hội diễn văn nghệ ở cả hai khu vực chuyên và không chuyên nghiệp, nhiều bạn trẻ vẫn say sưa hát những ca khúc trên mặc dù không sống ở bối cảnh các tác phẩm ra đời. Chính sự trẻ trung, mới mẻ của giai điệu đã khiến họ đồng cảm, mặc dù bài hát ra đời đã ba phần tư thế kỷ.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Hoàng Việt tập kết ra Bắc, rồi học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt NamN). Năm 1958, ông được sang tu nghiệp tại nhạc viện Xô-phi-a (Bun-ga-ri). Học xong, về nước, không ở lại Hà Nội, ông tình nguyện khoác ba lô trở về quê hương miền Nam chiến đấu và sáng  tác. Và vào ngày cuối cùng của năm 1967 –31 tháng 12 -– trong một trận oanh tạc của giặc Mỹ, ông đã hy sinh khi chưa kịp hoàn thành nhiều dự định sáng tác hằng ấp ủ suốt thời gian tu nghiệp ở nước ngoài. Hoàng Việt ra đi, để lại nỗi thương tiếc ngẩn ngơ của công chúng, đồng đội. Với 40 tuổi đời, ông kết thúc sự nghiệp khi đang ở thời kỳ sung mãn, rực rỡ nhất của tài năng.

Hoàng Việt là một trong những nhạc sĩ đầu tiên ở nước ta được học hành chính quy, kết hợp được hai yếu tố cực kỳ quý giá đối với một người sáng tác : thực tế đời sống và đào tạo bài bản. Yếu tố thứ nhất giúp ông cho ra đời những bài hát luôn nóng hổi hơi thở thời cuộc; yếu tố thứ hai tạo nên sự chững chạc, sung mãn, mang tính chuyên nghiệp của âm nhạc bác học.

Những năm tháng học tại nước bạn Bun-ga-ri, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc, trong đó có bản Giao hưởng mang tên “Quê hương”. Đây là bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam gồm 4 chương đã biểu hiện được truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc chống mọi kẻ thù xâm lược. Với một bút pháp vững vàng, tác phẩm dạt dào âm hưởng yêu nước, tự hào dân tộc, chất trữ tình hòa quyện với anh hùng ca đã có sức thuyết phục lớn đối với người nghe. Hoàng Việt đã khai thác chất liệu âm nhạc từ 9 ca khúc cách mạng và hai bài dân ca để tạo nên ngôn ngữ của tác phẩm giao hưởng.

“Quê hương” là một bức tranh sinh động bằng âm thanh phản ánh hiện thực cách mạng miền Nam những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm này có một giá trị, vị trí đặc biệt, mở đầu cho sự phát triển nền khí  nhạc Việt Nam mà giao hưởng là thể loại lớn, bề thế nhất.

Làm nên tên tuổi Hoàng  Việt khiến ông trở thành một nhạc sĩ lớn, ngoài mấy bài hát và bản giao hưởng “Quê hương” vừa nhắc ở trên, phải kể đến ca khúc ““Tình ca”” (“Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba. Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra. Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang…”).

Có thể nói đây là bản tình ca hay nhất, có giá trị về tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật nhất trong nền ca khúc hiện đại Việt Nam. Giá trị của tác phẩm này ở chỗ đã biểu hiện được một tình yêu cao đẹp của đôi lứa sống trong bối cảnh đất nước bị chia cắt nhưng đã vượt qua khoảng cách địa lý “chập chùng xa xa” để luôn hướng đến nhau, thủy chung, son sắt. Và ở việc tác giả đã tìm tòi được một ngôn ngữ âm nhạc rất phù hợp với nội dung biểu hiện với sự khoáng đạt trong việc phát triển chủ đề âm nhạc cộng với sự tiến hành những quãng giai điệu “đắt” khiến bài hát trở nên rất hấp dẫn. Giai điệu trang trọng, biểu hiện tình cảm thiết tha, mãnh liệt, sâu sắc trong tình yêu của tác giả.

Sự ra đời của “Tình ca” cũng hết sức độc đáo. Sau năm 1954, Hoàng Việt xuống tàu tập kết ra Bắc, để lại quê nhà người vợ trẻ và 3 đứa con thơ. Ra tới Hà Nội, suốt ngày đêm, không khi  nào nguôi nỗi nhớ vợ, con. Bỗng một ngày kia, ông nhận được thư của vợ. Nhưng vì đất nước lúc ấy còn đang chia cắt nên thư phải đi vòng: tTừ miền Nam qua Pháp rồi mới chuyển về Hà Nội.

Hoàng Việt và bản tình ca bất hủ - 2

Nhạc sĩ Hoàng Việt và vợ

Ông nghẹn ngào, mừng tủi, nước mắt lưng tròng, quyết định hồi âm ngay cho vợ, nhưng không biết gửi bằng cách nào vì khi ấy kẻ thù đang siết xiết chặt bằng cách cai trị, kiểm soát khắp nơi. Nếu thư về tới vợ, có khi phải mất vài tháng. Để cho nhanh, ông nghĩ tới việc viết lá thư bằng một bài hát. Chắc chắn khi bài hát được phát trên làn sóng, vợ con ông sẽ nghe được nhanh nhất. Thế là tại nơi ông đang cư trú lúc đó -– căn phòng nhỏ, gác hai một ngôi nhà ở phố Cao Bá Quát, Hà Nội, vào một đêm mùa xuân năm 1957, bài hát ra đời. “Tình ca” được tác giả viết liền một mạch, hoàn thành tác phẩm không mấy khó khăn, có lẽ do cảm xúc đến độ dồn nén, lại với một bàn tay chuyên nghiệp nên Hoàng Việt đã hoàn thành tác phẩm rất nhanh.

Về thủ pháp sáng tác, “Tình ca” được viết theo phong cách thính phòng, bác học chứ không theo khuynh hướng mềm yếu, mùi mẫn chỉ hợp với lối hát sến. Sự chững chạc, đĩnh đạc, sâu sắc, đầy sáng tạo trong kết cấu và tiến hành giai điệu là dáng vẻ rõ rệt của bài hát. Ở bài này, Hoàng Việt đã thể hiện một tình yêu vị tha, cao thượng của một người đàn ông luôn ở vị thế sẵn sàng gánh vác, chia sẻ mọi điều cùng người yêu, luôn cổ vũ, động viên, mang tới cho nàng niềm lạc quan để vượt qua hiện thực tăm tối. Nó đã khác hẳn tính chất yếu hèn của nhiều chàng trai hiện ra trong các bài tình ca tầm thường chẳng những xuất hiện ở dòng nhạc xưa, ở vùng tạm chiến trước đây, vùng Mỹ, Ngụy kiểm soát trước ngày giải phóng miền Nam mà đáng phàn nàn là cũng không thiếu trong đời sống âm nhạc hiện nay ở khắp nơi.

““Tình ca”” chuyển tải những ý tứ gắn liền với xã hội, thời cuộc một cách rất tự nhiên, không một chút lên gân, cường điệu. Hoàn toàn là sự thôi thúc của tình cảm sâu nặng, mãnh liệt với người vợ yêu thương đang sống ở quê nhà vẫn còn rên xiết dưới ách thống trị của giặc ngoại bang mà đẩy tới việc ra đời tác phẩm. Những lời ca sau đây hoàn toàn là một ước nguyện cháy bỏng của mọi lứa đôi cùng hoàn cảnh với tác giả trong bối cảnh đất nước đang còn bị chia cắt nên đã được người nghe rất đồng cảm và không ít người hát đến đây đã dạt dào xúc động: “Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa. Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu, đập tan ngay bao đau khổ và chia ly. Bến nước Cửu Long còn đó em ơi. Bãi mía, nương dâu còn mãi yêu đời, làm một bản tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người”.

Nhìn lại toàn bộ sáng tác của Hoàng Việt -– cả ca khúc và khí nhạc, ta thấy rõ ông luôn hướng đến những tình cảm lớn của dân tộc về quê hương, đất nước, về cách mạng, giải phóng, tuy sâu sắc nhưng dung dị, không hô hào, đao to búa lớn. Mọi tình cảm riêng tư đều được hòa quyện nhuần nhuyễn với tình cảm chung của mọi người giữa bối cảnh đất nước chưa được trọn vẹn độc lập, tự do. Điều đó tạo nên giá trị tư tưởng lớn trong các tác phẩm của ông. Ông đích thực là một nghệ sĩ lớn, đồngdồng thời là một chiến sĩ dũng cảm.

Cuộc đời ông nêu tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, hy sinh quên mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Bởi vậy mà năm 1985, một đường phố ở Sài Gòn đã mang tên ông. Hoàng Việt được tặng Ggiải thưởng Hồ Chí Minh về vvăn học nghệ thuật và vừa rồi, ông còn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Llực lượng vũ trang, một sự tôn vinh xứng đáng với người nhạc sĩ tài danh, đã dâng hiến cuộc đời, sự nghiệp của mình cho công cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hoàng Việt đã sống trọn với ý nghĩa một nghệ sĩ chân chính. Tác phẩm của ông, đặc biệt là bài hát ““Tình ca”” lại càng sáng đẹp, phát huy tác dụng bội phần giữa sự trân trọng, ngưỡng mộ của nhiều thế hệ công chúng. Sự ra đi quá sớm của ông đã để lại thiệt thòi lớn trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Tổn thất ấy thật khó có thể bù đắp./.

Thôn Ca

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn