Từ Mỹ học đến Bolero

“Mỗi khi nghe Bolero ta lại thấy dâng lên trong lòng một chút tiếc thương, một nỗi buồn nhẹ nhàng và cứ thế Bolero âm thầm đi vào lòng người một cách tự nhiên nhất”.

Nhạc Bolero là một phần của nhạc vàng hay là nhạc trữ tình, có giai điệu du dương, nhẹ nhàng, cùng ca từ đơn giản nhưng chứa đầy tính triết lý nhân sinh và rất gần gũi với cuộc sống thường nhật. Đó là những ca khúc viết về chủ đề về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình bạn, tình yêu quê hương, đất nước,… Quả thật, những điều giản dị lại thường gây thương nhớ một cách mãnh liệt và sâu lắng.

Hiện nay, đứng trước sự du nhập của những dòng nhạc mới lạ, hiện đại thì Bolero vẫn chinh phục được nhiều khán giả ở mọi độ tuổi khác nhau. Để hiểu hơn về ý nghĩa cũng như giá trị thẩm mỹ của dòng nhạc này, PV Arttimes.vn đã có cuộc gặp gỡ với ca sĩ Duy Cường – Quán quân “Thần tượng Bolero” năm 2018, Tiến sĩ Mỹ học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ Mỹ học đến Bolero - 1

Duy Cường - Chàng Tiến sĩ trẻ say mê hát nhạc Bolero

Bolero và tính buồn rất riêng ở nó

PV: Là một ca sĩ bước ra từ cuộc thi “Thần tượng Bolero”, Duy Cường có thể cho độc giả của Arttimes.vn biết thêm về dòng nhạc này?

Bolero hay nhạc trữ tình là thể loại âm nhạc có giai điệu chậm, lời ca giản dị, gần gũi nhưng giàu tình cảm, lại bắt tai và dễ thuộc. Chính những đặc điểm này khiến Bolero được ưa chuộng bởi nó có khả năng chạm đến tâm hồn của chúng ta một cách dễ dàng nhưng luôn để lại những ấn tượng khó phai.

Bolero du nhập vào nước ta trong đầu những năm 50 của thế kỷ 20 từ các nước Mỹ La Tinh bởi một cách rất tự nhiên và nó khá gần gũi với giai điệu của dân ca Miền Nam Việt Nam.

Một đặc điểm vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong Bolero nữa đó chính là tính buồn rất riêng của mỗi ca khúc, bởi vì mỗi bản nhạc Bolero lại là một câu chuyện buồn của một nhân vật. Tính buồn trong nghệ thuật luôn mang đến những cảm hứng bất tận, nó được các nhạc sĩ Bolero khai thác triệt để, ta có thể tìm thấy trong Bolero những cái buồn man mác, những cái buồn bâng khuâng và cả những cái buồn sâu lắng, tất cả tạo nên một dòng nhạc Bolero rất riêng, rất đi vào lòng người.

Mỗi khi nghe Bolero ta lại cảm thấy dâng lên trong lòng một chút tiếc thương, một nỗi buồn nhẹ nhàng và cứ thế Bolero âm thầm đi vào lòng người một cách tự nhiên nhất với những sáng tác như “Nửa đêm ngoài phố”, “Hai chuyến tàu đêm”, “Tàu đêm năm cũ”… của nhạc sĩ Lam Phương, rồi Trúc Phương - hai người nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc Bolero.

Triết lý nghệ thuật của Bolero

PV: Theo ca sĩ, dòng nhạc Bolero đem đến những giá trị nghệ thuật gì?

Bolero cũng như tất cả các loại hình, loại thể nghệ thuật đều có những giá trị nhất định của nó.

Thứ nhất, Bolero cung cấp cho chúng ta Thế giới quan bởi nó là sự phản ánh cuộc sống qua lăng kính của người nghệ sĩ với tất cả những biểu hiện của thực tiễn, những cung bậc của cảm xúc mỗi một con người.

Thứ hai, Bolero giúp nuôi dưỡng cảm xúc của con người, mỗi khi chúng ta nghe một bản nhạc Bolero tâm hồn và tinh thần của chúng ta sẽ cảm thấy thư thái, bình yên bởi những đặc trưng rất riêng của nó. Và dần dần, Bolero dẫn lối cho tâm hồn chúng ta đắm chìm trong thế giới của nghệ thuật.

Thứ ba, Bolero giúp chúng ta bồi đắp một nhân sinh quan lành mạnh. Mỗi một ca khúc Bolero đều mang những giá trị nghệ thuật đích thực, người ta sẽ tìm thấy ở bản thân mình và từ đó thanh lọc chính bản thân mình để hướng đến những điều tốt đẹp và cao cả hơn trong cuộc sống.

PV: Duy Cường có thể đề xuất một số ca khúc Bolero chứa đựng ý nghĩa nhân sinh và triết lý?

Đó là những ca khúc viết về cha mẹ mà Duy Cường yêu thích và vẫn thường hay hát là: “Tình cha”, “Lòng mẹ”, “Nỗi nhớ mẹ cha”, “Công cha nghĩa mẹ”... Đây là những ca khúc mang giai điệu du dương, trầm bổng, có lúc nhẹ nhàng có lúc lại thắm thiết, bao la cùng với ca từ mang đậm tính triết lý và ý nghĩa nhân sinh. Đó là những ca khúc nhắn nhủ mỗi người con về chữ Hiếu – một phạm trù đạo đức không chỉ của Việt Nam, của phương Đông mà là của cả nhân loại.

Từ Mỹ học đến Bolero - 2

Duy Cường được đông đảo khán giả yêu thích bởi những ca khúc hát về tình cảm gia đình

Bolero trong đời sống nghệ thuật

PV: Xin anh hãy đưa ra một số đánh giá về dòng nhạc Bolero trong đời sống nghệ thuật của nước ta hiện nay?

Bolero đã thực sự trở thành bữa ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt. Bolero đã phát triển về mọi mặt như chủ thể sáng tạo (tất cả các tầng lớp, lứa tuổi đều sáng tác và hát nhạc Bolero), cả về quy mô biểu diễn (từ sân khấu nhỏ lên sân khấu lớn như Nhà hát lớn, Trung tâm hội nghị quốc gia, sân khấu lớn, cả về phương thức hưởng thụ (từ băng đài lên truyền hình địa phương như Truyền hình Vĩnh Long, Truyền hình TP. HCM và đài truyền hình Việt Nam...).

Nói vậy, để thấy được rằng, mỗi một loại hình nghệ thuật đều có vị trí của riêng nó trong lòng của công chúng và Bolero đã vượt thời gian, không gian để đến hôm nay, nó đã có vị trí vững chắc trong mọi bữa tiệc âm nhạc của Việt Nam.

Từ Mỹ học đến Bolero - 3

Duy Cường (trái) được danh ca Ngọc Sơn (phải) yêu quý và nhận làm con nuôi

Từ Mỹ học đến Bolero

PV: Việc nghiên cứu và giảng dạy mỹ học có ý nghĩa như thế nào đối với Duy Cường trong vai trò là một ca sĩ hát nhạc Bolero?

Có ý kiến cho rằng triết học thì khô khan, còn Bolero thì ủy mị, làm thế nào để Duy Cường có thể hòa hợp cả hai lĩnh vực ấy? Thì theo Duy Cường Bolero với tư cách là một sản phẩm âm nhạc, là biểu hiện cụ thể của những quy luật chung mang tính triết học thì đương nhiên Bolero cũng sẽ là đối tượng nghiên cứu rất thú vị của triết học. Hơn nữa, Duy Cường lại là một người nghiên cứu và giảng dạy Mỹ học – một khoa học nghiên cứu về cái đẹp, về những quy luật chung nhất của cái đẹp trong nghệ thuật và đời sống.

Từ việc biểu diễn chuyên nghiệp những ca khúc Bolero sẽ giúp Duy Cường tự tin hơn với những buổi dạy học của mình để truyền cảm hứng nghệ thuật đến với tất cả các em sinh viên. Và việc nghiên cứu và giảng dạy Mỹ học là một bước đệm quan trọng giúp Duy Cường có những bước đi vững chắc trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình.

Từ Mỹ học đến Bolero - 4

Đại diện khoa Triết học đến dự buổi họp báo giới thiệu Liveshows "Tình mẫu tử 5" của ca sỹ Duy Cường

Để Bolero giữ vững vị trí của mình trong lòng khán giả

PV: Theo ca sĩ cần làm gì để dòng nhạc Bolero phát triển hơn, chạm đến trái tim của nhiều khán giả hơn?

Thực ra đến giờ này, Bolero đã rất phát triển và đạt đến đỉnh cao của nó. Cái gì quá nó cũng không tốt, nó sẽ bị bão hoà. Điều cần làm bây giờ là phải có những chương trình biểu diễn Bolero thực sự chất lượng và những chương trình tìm kiếm tài năng Bolero đủ uy tín để tìm ra những nhân tố mới làm phong phú thêm đời sống của Bolero với khán thính giả.

Từ Mỹ học đến Bolero - 5

Duy Cường đang say mê thể hiện một ca khúc Bolero

Chàng ca sĩ với tình cảm mẫu tử luôn đong đầy

PV: Được biết Duy Cường đã tổ chức Liveshow "Tình mẫu tử 5", có thể thấy tình cảm mẫu tử luôn là một chủ đề tạo cảm hứng nghệ thuật với anh. Vậy xin anh hãy chia sẻ về lý do anh theo đuổi chủ đề này lâu như vậy?

Từ Mỹ học đến Bolero - 6

Duy Cường (phải) và mẹ (trái)

Bởi Duy Cường là một người con và là một người con luôn đặt chữ Hiếu lên đầu. “Tình mẫu tử” là ca khúc mà Ba Ngọc Sơn đã dành tặng riêng cho Duy Cường và Duy Cường đã luôn nuôi một ước mơ sẽ thực hiện được một chuỗi Liveshow xuyên suốt về chủ đề này như là lời tri ân của mình tới cha mẹ, cũng như là nói thay nỗi lòng của những người con đối với cha mẹ mình.

Và một lý do vô cùng quan trọng nữa là Liveshow Tình mẫu tử của Duy Cường luôn luôn nhận được sự ủng hộ và chờ đón của đông đảo khán giả, từ những tình cảm đặc biệt ấy giúp các Liveshow của Duy Cường lần nào cũng cháy vé dù tổ chức ở bất cứ sân khấu nào.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của ca sỹ Duy Cường! Chúc anh gặt hái được nhiều thành công trên con đường sự nghiệp của mình.

Ca sỹ Duy Cường sinh năm 1991 tại Nghệ An, là quán quân cuộc thi “Thần tượng Bolero” năm 2018. Anh chinh phục khán giả bằng chất giọng mượt và sáng, cùng với tình cảm sâu sắc và chân thành dành cho dòng nhạc Bolero.

Duy Cường còn là một Tiến sỹ Mỹ học, hiện đang công tác và giảng dạy tại khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất