Chuyện làng văn nghệ: Anh hùng Tư lệnh Tăng Thiết giáp lĩnh xướng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”

Tôi gặp lại Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng, Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp. Ông mang quân hàm Thượng tá, một vị Tư lệnh trẻ nhất thời điểm đó. Vị Tư lệnh bản lĩnh, quyết đoán, yêu văn hóa, văn nghệ đã mang đến đơn vị một không khí mới mẻ, trẻ trung. Đội Văn nghệ xung kích Binh chủng Tăng Thiết giáp được thành lập và ngay sau đó giành nhiều huy chương vàng tại Hội diễn toàn quân.

Tôi vẫn nhớ như in ngày tôi đến đơn vị cùng anh dự Chương trình Binh chủng chuẩn bị tham gia Hội diễn toàn quân. Tôi thấy nhiều lần anh đứng bật dậy hát theo. Có khi anh lên tận sân khấu, sửa từng động tác vũ đạo cho chiến sĩ. Máu văn nghệ của vị Tư lệnh đã gây dựng nên Đội văn nghệ Binh chủng Tăng Thiết giáp nổi danh một thời. Giọng anh trầm hùng khi lĩnh xướng tốp ca nam ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng như còn vang vọng mãi.

Tôi nhớ tháng 5 năm 1985, nhân chuyến công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, lần đầu tôi gặp Anh hùng lái xe tăng Đoàn Sinh Hưởng. Bên ấm chè xanh, tôi lúc đó là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, nhà báo Đức Toàn, phóng viên Chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân cùng trò chuyện với người anh hùng lái xe tăng mà mình ngưỡng mộ.

Anh Hưởng chia sẻ: Nếu không có chiến tranh, anh đã đi theo con đường ca hát. Với chất giọng cao trong veo, anh được bạn bè gọi vui là: “Chim sơn ca” của vùng đất mỏ Quảng Ninh. Anh thích hát những bài hát về vùng đất quê hương. Anh dự định thi vào trường nghệ thuật của tỉnh. Và sau này nhập ngũ, anh vẫn thường hát cho đồng đội nghe trên đường hành quân hay trước giờ xung trận. Tôi và nhà báo Đức Toàn lắng nghe những câu chuyện chiến trường với những chiến công xuất sắc của anh và đồng đội.

Chuyện làng văn nghệ: Anh hùng Tư lệnh Tăng Thiết giáp lĩnh xướng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” - 1

Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng. Ảnh TL

Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng ngâm nga bài thơ Trên một chiếc xe tăng của Nhà thơ Hữu Thỉnh và chia sẻ: Nhạc sĩ Doãn Nho, người phổ nhạc bài thơ nổi tiếng này thành ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Đây là ca khúc hay nhất viết về bộ đội tăng thiết giáp. Nhạc sĩ Doãn Nho cũng là học viên Trường sĩ Quan Lục quân những khóa đầu. Anh đứng lên và hát vang ca khúc ấy khiến hai nhà báo trẻ vỗ tay, ngỡ ngàng, khâm phục. Ngay sau chuyến công tác, tôi đã viết bài báo nhỏ về anh đăng trên Báo Quân đội Nhân dân: Từ Chim Sơn ca vùng mỏ đến Anh hùng lái xe tăng.

Sau này khi đọc cuốn Anh hùng Lực lượng Vũ trang tập 4 (NXB Quân đội nhân dân), tôi mới biết đầy đủ hơn những chiến công của anh (xin trích nguyên văn):

Trung tướng, Tiến sĩ Khoa học Quân sự Đoàn Sinh Hưởng sinh ra tại xã Bình Ngọc, huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh, nhập ngũ tháng 9-1966. Ông là người vinh dự được tham gia nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa quyết định cho chiến thắng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam và chiến trường Lào. Còn một nét rất đặc biệt của người Anh hùng, ông là người yêu ca hát, thích làm vườn. 

Năm 1966, trong Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, Đoàn Sinh Hưởng là Tiểu đội trưởng Đại đội súng cối 82 ly (Trung đoàn 88, Sư đoàn 308) đã trực tiếp chiến đấu 14 trận, đánh sập 5 lô cốt, phá hủy 1 đại liên, tiêu diệt 15 lính Mỹ, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Ông được kết nạp Đảng tại trận địa khi tròn 19 tuổi.

Tháng 5-1974, trong trận tấn công cứ điểm Đăk Pét ở Bắc Tây Nguyên, Đại đội 9, Trung đoàn xe tăng 273 do ông chỉ huy đã yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiêu diệt địch. Chiếc xe tăng T54 (số hiệu 980) do ông lái đã san phẳng 10 lô cốt, ổ đề kháng, 1 khẩu pháo, bắt sống 10 tù binh.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên 3-1975, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng dẫn đầu đơn vị thọc sâu tiến công như vũ bão vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy giữa ban ngày, tạo điều kiện cho bộ binh tiêu diệt cứ điểm địch, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk. Xe tăng do ông trực tiếp lái đã tiêu diệt nhiều bộ binh, bắn cháy 2 xe bọc thép M113, 1 xe tăng M41, 5 xe quân sự địch. Tiếp đó, Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đơn vị đột kích vào căn cứ Cheo Reo, lấy xe tăng địch đánh địch, cùng bộ binh đánh tan tuyến phòng ngự đường số 7. Trong trận này, ông trực tiếp diệt 10 xe vận tải và 2 xe tăng.

Ngày 1-4-1975, Đại đội 9 xe tăng do ông chỉ huy tiến công như vũ bão vào giải phóng Tuy Hòa, thị Trấn Tuy An, sân bay Đông Tác (Phú Yên). Với 4 quả đạn pháo, ông đã bắn tan 1 trận địa 105mm gồm 4 khẩu, bắn cháy 1 tàu chiến và 1 xuồng chiến đấu của địch ở cửa biển Tuy Hòa.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông chỉ huy đại đội 9 xe tăng trong đội hình đột kích, thọc sâu của Quân đoàn 3 tiến vào nội đô Sài Gòn. Sáng 29-4-1975, đội hình xe tăng 4 chiếc của ông gặp ngay 24 xe tăng, thiết giáp của địch. Địch kiên quyết chống trả, ông bình tĩnh và kiên quyết dũng cảm tiến công tiêu diệt địch. Bằng lối đánh táo bạo, chỉ sau ít phút chiến đấu, đại đội của ông đã tiêu diệt 12 xe tăng, 12 chiếc còn lại bị bắt sống, mở toang cửa để Quân đoàn 3 tiến vào tham gia giải phóng Sài Gòn.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 9-1975, Thiếu úy Đoàn Sinh Hưởng đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Chuyện làng văn nghệ: Anh hùng Tư lệnh Tăng Thiết giáp lĩnh xướng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” - 2

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chúc mừng cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 324 (Quân khu 4) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập. Ảnh TL

Tôi chợt nhớ, một đêm đến thành phố Buôn Ma Thuột nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tại ngã 6, khu vực trung tâm thành phố, bên tượng đài Chiến Thắng, phía trên là một chiếc xe tăng T54 do Liên Xô sản xuất được đắp bằng bê tông, mang số hiệu 980. Đây là hình mẫu chiếc xe tăng của Đại đội 9 - Trung đoàn xe tăng 273 - Quân đoàn 3, do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã cùng bộ binh Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 địch ở thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10 và 11/3/1975. Tôi đã được xem đội văn nghệ xung kích của các bạn trẻ hát ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Họ mang trên mình bộ quân phục màu xanh, đội mũ tai bèo thân thương của Quân Giải phóng, tôi lại nhớ tới Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng.

Sau ngày nghỉ hưu, trong những lần gặp gỡ, giao lưu cùng đồng đội, Anh hùng Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, “Chim Sơn ca” của miền đất mỏ năm nào lại ca vang những bài ca hào hùng về quê hương, về người lính và không thể thiếu ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng.

Trên một chiếc xe tăng

Hữu Thỉnh

Năm anh em trên một chiếc xe tăng,

Như năm bông hoa nở cùng một cội,

Như năm ngón tay trên một bàn tay,

Đã xung trận cả năm người như một.

Vào lính xe tăng anh trước anh sau,

Nết ăn ở người thì lạnh, nóng,

Khi đã hát hòa cùng một giọng,

Một người đau tất cả quên ăn.

Năm anh em mỗi đứa một quê,

Đã lên xe là cùng một hướng,

Đã lên xe là chung khổ sướng,

Trước quân thù nhất loạt xông lên.

Năm anh em mang năm cái tên,

Đã lên xe không còn tên riêng nữa,

Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa,

Năm quả tim một nhịp đập dồn.

Một con đường đất đỏ như son,

Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng,

Một ý chí bay ra đầu ngọn súng,

Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù.

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào

Tháng 3 năm 1971

Trung Hiền

Tin liên quan

Tin mới nhất

3 chòm sao hiểu rõ bản chất con người nhất

3 chòm sao hiểu rõ bản chất con người nhất

Phụ nữ thuộc 3 chòm sao này hiểu rất rõ bản chất con người. Họ thể hiện sự quyến rũ độc đáo trong cảm xúc cũng như giao tiếp giữa các cá nhân, khiến mọi người phải ngưỡng mộ sự thông thái và quyến rũ của họ.

Vẻ đẹp giản dị qua ống kính của NSNA Vũ Huyến

Vẻ đẹp giản dị qua ống kính của NSNA Vũ Huyến

Trong thế giới nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, cái tên Vũ Huyến không còn xa lạ. NSNA Vũ Huyến bằng tài năng và nhiệt huyết của mình, đã để lại dấu ấn qua những bức ảnh mang tính sáng tạo và sâu lắng, thể hiện không chỉ vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam mà còn những tầng sâu của xã hội. Ngoài ra, với vai trò là nhà lý luận phê bình, ông đã viết nhiều bài nghiên cứu, phân