Chuyện làng Văn nghệ: “Hạt gạo làng ta” trong mắt các chuyên gia nông nghiệp

Cách đây không lâu, tôi có gọi điện cho nhà thơ Trần Đăng Khoa thông báo: Bài thơ “Hạt gạo làng ta” của anh được nhiều chuyên gia nông nghiệp yêu thích, có người còn trích nhiều đoạn thơ đưa vào bài giảng về nông nghiệp hữu cơ. Nhà thơ cười: Gần đây, tôi nghe nói nhiều về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường. Các chuyên gia nhận xét bài thơ “Hạt gạo làng ta” của tôi là rất nông nghiệp hữu cơ, tôi thấy vui lắm, chẳng khác nào được ăn bát cơm thơm mùa gặt trên cánh đồng quê hương Quốc Tuấn thuở nào.

Tôi vẫn nhớ tại Lễ hội Lúa Rươi hữu cơ Tứ Kỳ (Hải Dương) - Vụ xuân năm 2022, trong hội trường, nhiều đại biểu xúc động khi nghe bài hát Hạt gạo làng ta, bài thơ nổi tiếng của Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc phát trên chiếc loa treo trên cây bàng trước cổng.

Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Vũ Thị Hà chia sẻ: Chị thuộc bài hát này từ khi học tiểu học. Bây giờ nghe bài hát ấy, là người trực tiếp cùng bà con nông dân triển khai làm nông nghiệp hữu cơ trên đồng đất quê hương, chị thấy bài thơ nêu nhiều vấn đề mà sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần tuân thủ. Chị chia sẻ: “Để khai thác rươi, cáy trong suốt mấy chục năm qua, vùng đất này đã được người nông dân giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và cả phân bón hóa học; bởi rươi là loài sinh vật đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với hóa chất. Chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tại những vùng tự nhiên, sạch, không có hóa chất”. 

Chuyện làng Văn nghệ: “Hạt gạo làng ta” trong mắt các chuyên gia nông nghiệp - 1

Thi gặt lúa hữu cơ ở An Thanh. Ảnh Báo Hải Dương

Ngày nay, bà con nông dân sản xuất không còn vất vả như trước. Cảnh “Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy” hầu như không còn nữa. Việc đưa cơ giới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giải phóng sức lao động cho người nông dân. Nhưng cũng do một thời vì quá chạy theo năng suất lúa mà nhiều nơi đã bỏ quên việc bảo vệ môi trường. Canh tác sử dụng nhiều phân hóa học đã làm hỏng đất đai. Vì thế cần phải giữ lấy hạt phù sa của sông Kinh Thầy đắp bồi cho đồng ruộng để mở đầu cho việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Khi cùng tôi tham gia Ngày hội Gặt lúa Hữu cơ trên cánh đồng xã An Thanh, anh Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế Hệ Mới cũng hát theo bài hát Hạt gạo làng ta được phát trên chiếc loa treo trên hàng cây gần đó. Tuân chính là người đã đưa ra thị trường gạo trong nước một cái tên mới: Gạo Hữu cơ Bãi Rươi danh tiếng. Đây là sản phẩm canh tác trên vùng đất nuôi rươi tại huyện Tứ Kỳ, vùng đất vẫn mang dáng dấp của những ruộng lúa môi trường còn nguyên sơ năm nào: “Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”...

Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Thế Hệ Mới cho hay: Ý tưởng trồng lúa trên vùng đất nuôi rươi là do những người nông dân Tứ Kỳ tư vấn cho anh trong những ngày rong ruổi về quê tìm kiếm một mô hình nông nghiệp phù hợp. 

Điều khiến anh trăn trở và nghĩ ngợi nhiều sau những ngày quan sát phương thức canh tác lúa gạo là không ít nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ruộng đồng không còn lấy một con cá cờ, một con cua, con cáy thì không thể có hạt gạo hữu cơ được. Khi trao đổi với bà con nông dân về phương pháp canh tác hữu cơ, anh Tuân dẫn những câu thơ trong bài Hạt gạo làng ta ra làm dẫn chứng. Để bảo vệ môi trường thiên nhiên ưu ái cho quê hương: “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay”… thì phải dùng phân bón hữu cơ, không bón phân hóa học, phá hủy môi sinh mà phù sa của sông Kinh Thầy bồi đắp cho những cánh đồng màu mỡ quê hương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Hải Dương, huyện Tứ Kỳ trong việc tổ chức Lễ hội. Đó là dịp để tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, tôn vinh các đặc sản vùng miền.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tư duy mới “Người Hải Dương làm nông nghiệp vị nhân sinh” cần được triển khai sâu rộng, dành tình yêu cho nông nghiệp, yêu thiên nhiên, làm sạch, đẹp môi trường. “Tinh thần nhân văn sẽ làm hạt gạo của chúng ta đi xa, sản phẩm nông nghiệp đi xa, đến được với nhiều người tiêu dùng hơn” – Ông khẳng định.

Nghe Bộ trưởng nói, tôi thêm vui vì nếu trước đây Hạt gạo làng ta gửi ra tiền tuyến, gưởi về phương xa thì nay hạt gạo hữu cơ trên cánh đồng Nam Thanh rồi sẽ đến với người tiêu dùng kỹ tính ở nhiều châu lục trên khắp thế giới…

Tôi mãi nhớ chuyến đi Lai Châu cùng doanh nhân Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh tìm đồng đất để thực hiện dự án trồng cấy 200 hecta lúa hữu cơ. TSKH Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cùng đoàn công tác bôn ba đến các huyện Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu)… tìm tới tận các chân ruộng để khảo sát. Nhà khoa học, sau khi nhìn nguồn nước, quan sát các thửa ruộng đều lắc đầu, đi tiếp. Sau này tôi mới hiểu, vùng đất ấy đã bị ô nhiễm nguồn nước do dùng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Nhưng khi qua một khu ruộng ở Phong Thổ, ông cười vui và chỉ cho tôi một con cua đang bò lên một gốc rạ xâm xấp nước. Gần đó, có mấy chú cá cờ tung tăng bơi lội. TSKH Hà Phúc Mịch giảng giải: Đây là chân ruộng có thể cải tạo, sớm đưa vào trồng cấy lúa hữu cơ vì đất và nước chưa bị ô nhiễm. Nhìn những sinh vật như con cua đang ngoi lên kia, con cá cờ đang bơi lội kia có thể thấy đất và nước không bị ô nhiễm.

Bất chợt tôi nghĩ đến bài thơ Hạt gạo làng ta của Nhà thơ Trần Đăng Khoa có đoạn:

Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy

Có mưa tháng ba

Giọt mồ hôi sa

Những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy...

Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được cô giáo giảng: Hạt gạo làng ta là hình ảnh mang tính biểu tượng, hạt gạo hay cũng chính là những hạt ngọc của quê hương. Qua bài thơ, Trần Đăng Khoa gửi gắm sự biết ơn đến những người nông dân hai sương một nắng, chân lấm tay bùn để làm ra những hạt gạo quý giá…

Cùng thế hệ và cùng sinh ra, lớn lên ở vùng châu thổ sông Hồng màu mỡ tuổi thơ ngày ấy chỉ mong được ăn một bát cơm đầy, tôi càng thấu từng câu của nhà thơ mới 11 tuổi. Ngày hè nắng lửa, tôi cũng từng như nhà thơ đi gánh phân ra đồng, tát nước gầu giai nên càng trân quý từng hạt gạo củ khoai, thấm mồ hôi người trồng cấy.

Chuyện làng Văn nghệ: “Hạt gạo làng ta” trong mắt các chuyên gia nông nghiệp - 2

Trần Đăng Khoa thuở nhỏ - Ảnh: QUANG HUY

Hôm nay bôn ba tìm kiếm vùng đất để trồng lúa hữu cơ, tôi thầm đọc bài thơ Hạt gạo làng ta và cũng nghĩ rằng đó là bài thơ hữu cơ nhất.

Hạt gạo làng ta

Có công các bạn

Sớm nào chống hạn

Vục mẻ miệng gàu

Trưa nào bắt sâu

Lúa cao rát mặt

Chiều nào gánh phân

Quang trành quết đất

Rõ ràng cách canh tác cũng thật hữu cơ: Bắt sâu hại lúa, gánh phân chuồng, phân xanh hữu cơ bón lúa. Và những cây lúa ấy được nuôi dưỡng bằng hạt phù sa của sông Kinh Thầy. Cánh đồng lúa ấy chắc hẳn là những cánh đồng lúa hữu cơ. Hạt gạo gửi ra chiến trường cho người chiến sĩ cũng là hạt gạo hữu cơ đúng nghĩa.

Trên đường về, tôi nêu suy nghĩ của mình với TSKH Hà Phúc Mịch, người cũng rất yêu văn chương. Ông gật gù, rồi bảo: "Viết ngay đi! Hay đấy!”

Trung Hiền

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá vàng cắm đầu giảm sau thông tin mới từ Mỹ

Giá vàng cắm đầu giảm sau thông tin mới từ Mỹ

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch sáng thứ Năm tại Mỹ, chịu ảnh hưởng từ báo cáo lạm phát cao hơn kỳ vọng. Mặc dù thị trường đã chịu áp lực bán từ đêm trước, báo cáo lạm phát chỉ làm gia tăng nhẹ thêm mức giảm. Hoạt động chốt lời từ các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục đè nặng lên giá kim loại quý này.

Ma Văn Kháng qua “Một chiều giông gió”

Ma Văn Kháng qua “Một chiều giông gió”

“Một chiều giông gió” là một truyện ngắn giàu chất tiểu thuyết, in đậm cá tính sáng tạo của Ma Văn Kháng. Đó là một truyện ngắn có tư tưởng nhân văn sâu sắc, ôm chứa nhiều tình huống, dung lượng đời sống lớn được dồn nén trong số ít trang, khắc họa thành công những nhân vật và biểu tượng độc đáo, có giọng điệu riêng, ngôn ngữ đặc sắc, khá đa dạng và phong phú.