Du lịch và văn hóa

Con người không chỉ sống trong môi trường sinh thái mà còn sống cả trong môi trường văn hóa mà các nhà nghiên cứu gọi là sinh thái văn hóa. Văn hóa hình thành do con người, nhưng chính con người sẽ bị nhiễm độc nếu sinh thái văn hóa không trong sạch. Vì vậy việc bảo vệ sự thuần khiết của sinh thái văn hóa cũng không kém phần quan trọng như khi chúng ta bảo vệ sự trong sạch của môi trường sinh thái. Và nhất là trong sự phát triển du lịch như hiện nay, việc đề ra những biện pháp bảo vệ thích hợp và cụ thể, xây dựng những chiến lược đúng đắn thì di sản lịch sử văn hóa sẽ không bị đe doạ, sinh thái văn hoá sẽ không bị ô nhiễm bởi hoạt động du lịch tạo nên.

Mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa

Du lịch là một ngành kinh tế đang phát triển mạnh ở nước ta, có nhiều tiềm năng và đang từng bước trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Yêu cầu cao nhất của sự phát triển du lịch là phát triển bền vững. Có nhiều yếu tố quan trọng góp phần trực tiếp cho sự phát triển bền vững đó.

Ở nước ta, văn hóa là một trong điểm tựa của du lịch Việt Nam trên đường hội nhập. Bởi lẽ, nội hàm của kinh tế du lịch chính là văn hóa. Vì vậy, để du lịch phát triển bền vững, phải đặt lên hàng đầu vấn đề bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, truyền bá, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Thật vậy, du lịch và văn hóa tuy hai khái niệm khác nhau nhưng nhìn từ một khía cạnh nào đó, du lịch chính là hành vi văn hóa. Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, có nhiều loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, du lịch thám hiểm, du lịch tìm hiểu phong tục tập quán… nhưng dù là loại hình du lịch nào, ở đâu, nước nghèo hay nước giàu du lịch bao giờ cũng gắn liền với văn hóa, với bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia.

Có thể nói, không có ngành kinh tế nào gắn bó với văn hóa như du lịch, đó là sự gắn bó tự nguyện. Có người còn ví von là giống như con trai và con gái, phải tìm đến một cách tự nhiên. Từ văn hóa trong ứng xử, văn hóa trong ăn mặc, văn hóa trong đón và tiễn, văn hóa trong thu phục nhân tâm và văn hóa trong giới thiệu hình ảnh của đất nước mình ra nước ngoài.

Theo chiều hướng đó, có thể khẳng định rằng cái làm nên “sản phẩm du lịch” và là nội dung chủ yếu của các “điểm đến du lịch” ở Việt Nam nhằm có thể thu hút đông đảo khách du lịch (đặc biệt là khách du lịch quốc tế) trước hết và chủ yếu là tài nguyên văn hóa - bao gồm cả tài nguyên nhân văn (tài nguyên vật thể và phi vật thể).

Nói cách khác, tính đa dạng và độc đáo của sản phẩm du lịch Việt Nam, cái làm cho du lịch Việt Nam có thể khẳng định vị thế của mình được quyết định trước hết bởi khả năng khai thác tính phong phú, độc đáo, đặc sắc của vốn văn hóa dân tộc. Các tour du lịch văn hóa ra đời là minh chứng cho tầm quan trọng của văn hóa và mối liên hệ giữa văn hóa với du lịch. Du lịch không chỉ mang lại lợi ich kinh tế mà còn giúp góp phần giới thiệu văn hóa và con người Việt Nam với thế giới, đồng thời tạo ra sự thoải mái, thư giãn, hiểu biết thêm về đất nước, tăng thêm lòng yêu mến quê hương, tự hào dân tộc.

Du lịch và văn hóa - 1

Văn hóa là một trong điểm tựa của du lịch Việt Nam trên đường hội nhập. Ảnh minh họa

Cần cẩn trọng để thăng hoa

Việt Nam là một đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản văn hóa dân tộc. Đó là một lợi thế to lớn trong việc đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của nước ta. Những năm qua theo nhịp điệu đổi mới của đất nước, ngành du lịch không ngừng phát triển, nhanh chóng hòa nhập với du lịch thế giới.

Trong 9 tháng đầu năm năm 2019, khách Quốc tế đến Việt Nam khoảng 12,9 triệu đạt mức tăng trưởng khá trong khu vực. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của nhiều tổ chức du lịch: Tổ chức du lịch thế giới (OMT), Hiệp hội lữ hành Châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội du lịch các nước Đông Nam Á (ASENTA0)... Việc đẩy mạnh phát triển du lịch cũng như mở rộng các mối quan hệ là cần thiết và đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, bên cạnh những cái mới vươn lên trong du lịch vẫn phải khẳng định có nhiều điểm du lịch còn nặng về tính thương mại mà coi nhẹ những giá trị văn hóa vốn có của nó.

Sự phát triển du lịch đem lại những hiệu quả kinh tế đáng kể, riêng việc phát triển du lịch văn hóa có thể góp phần khôi phục các di sản và làm sống lại các truyền thống, đóng góp hữu hiệu cho việc bảo tồn trùng tu các di tích. Tuy nhiên kiểu phát triển tự phát, buông thả và bừa bãi sẽ đem lại kết quả trái ngược. Chính sự khai thác quá mức di sản sẽ dẫn đến việc lượng du khách tỷ lệ thuận với hủy hoại di sản, thậm chí đến mức mất hết sức hấp dẫn. Điều này có hai khả năng, một là cái mất lớn hơn cái có được từ du lịch; và hai là ngược lại thu đủ tiền để trùng tu và tôn tạo, cả hai khả năng này có thể xảy ra.

Các dự án bảo tồn - tôn tạo thường đặt trên cơ sở kinh tế. Di tích cổ được tân trang, phục chế nhưng lại không áp dụng chất liệu cổ xưa mà bằng cách tô vẽ mới lại, thậm chí xây dựng thêm để bắt mắt thu hút thị giác người xem, phát triển “siêu thị di sản”, để đáp ứng nhu cầu thị hiếu trước mắt. Khi các di sản đó không còn phù hợp với loại hình du lịch nữa thì có thể người tạo dựng ra các bản sao di sản không đề bảo vệ di sản gốc và cũng không phải để tôn vinh truyền thống mà để kiếm lợi, điều này có khả năng bị đánh mất di sản của cha ông.

Đi du lịch cái mà du khách muốn được thưởng thức chiêm ngưỡng là những cái mới lạ, những thứ đặc sắc độc nhất vô nhị. Chính vì yêu cầu hiếu kỳ, đám đông những khách không mời mà tới, thâm nhập vào các xóm, làng, bản, buôn… vốn sống theo kiểu khép kín, điều đó đã vô tình bị lôi vào tham gia hoạt động kinh tế trong du lịch, ảnh hưởng đến tri thức bản địa. Họ bước vào những nơi tôn nghiêm với tư cách du khách mua tour, tức họ xác tín rằng du lịch văn hóa là họat động được tiến hành trên cơ sở thỏa thuận của người bán (văn hóa) và họ là người mua.

Không ít du khách nước ngoài đã vô tư trong cách ăn mặc và tác phong: mặc quần soóc, áo mai ô, áo hai dây, đi đứng “vô phép” khi vào chánh điện đền Hùng và các chùa chiền trong những buổi lễ nghi tôn giáo, lễ hội cộng đồng  một cách chụp hình “vô ý vô tứ”. Điều đó tạo nên sự xung đột căng thẳng giữa du khách và cộng đồng đón tiếp xảy ra mâu thuẫn. Nguyện vọng chính yếu của hoạt động du lịch xúc tiến hòa bình và hiểu biết lẫn nhau, do đó ngành du lịch phải có những thông tin hướng dẫn về phép tắc giao tiếp cho những trường hợp cụ thể, tránh những tổn hại có thể xảy ra.

Xây dựng một loại hình du lịch bền vững phải đặt nền tảng trên ý niệm sự đồng thuận văn hóa. Theo đó phải xác lập tính chất qui mô và loại hình du lịch sao cho thích ứng với nhu cầu văn hóa nơi địa phương tiếp đón. Mặt khác một trong những hạn chế của ngành du lịch Việt Nam là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, chưa thật sự hiểu thấu đáo về giá trị, nét đặc sắc văn hóa của mình, đưa du khách đến điểm du lịch hướng dẫn một cách hời hợt máy móc mà không hiểu sâu về kiến thức văn hóa. Do đó, người làm du lịch phải hiểu cặn kẽ, phải làm cho du khách thấy rằng nơi đây có gì đặc biệt, độc đáo hơn những nơi khác. 

Xét về khía cạnh văn hóa thì phương thức phát triển du lịch hóa các loại hình văn hóa và việc tái tạo di sản kiểu như thế có nghĩa là đã làm giảm đi giá trị đích thực vốn có của di sản hay nói cách khác là tự mình “giết chết” di sản mà mình không hay. Ông Veng Seneyuth - Bộ trưởng Du lịch Campuchia xót xa nói: “Hàng trăm ngàn đôi giày cứng đang ngày giẫm lên những kho tàng văn minh bằng đá của Angkor, chỉ nghĩ đến cũng đã đau lòng. Rồi mai này đá cũng mòn đi sẽ còn ai đến đây?”.  

Làm du lịch cũng có nghĩa là làm kinh tế, nhưng làm kinh tế theo phương châm lấy văn hóa làm điểm tựa định hướng chiến lược phát triển của mình. Trong xã hội hiện đại, du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là một công cụ đặc thù cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, là mối dây liên hệ và phát triển sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Du lịch đem lại lợi ích kinh tế, nhưng du lịch không thể và cũng không phải là hoạt động kinh tế thuần tuý. Du lịch và văn hoá có mối quan hệ bản chất. Nước ta có đủ mọi điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, có một nền chính trị hòa bình ổn định, có nhiều danh lam thắng cảnh, con người Việt Nam nhiệt tình mến khách, có một nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một lợi thế văn hóa thu hút khách du lịch nếu chúng ta xây dựng được những chiến lược đúng đắn, phù hợp và phát huy thế mạnh của nguồn tài nguyên du lịch. Bằng ngược lại môi trường văn hoá sẽ bị ô nhiễm do hoạt động du lịch tạo nên.

Hoa Thư

Tin liên quan

Tin mới nhất