Giáo dục và đào tạo đạt nhiều thành tựu

Kết quả của quá trình đổi mới, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi có khát vọng đến năm 2030 trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để đạt thành tựu đó, vấn đề quan trọng là phải tạo nguồn lực lao động chất lượng cao với những kỹ năng phù hợp mà ngành Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh quyết định, đột phá.

Trải qua 4 cuộc cải cách giáo dục và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đưa giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu. Hàng năm Nhà nước đầu tư khoảng 20% tổng ngân sách cho giáo dục, nền giáo dục nước ta có những thay đổi, đạt nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước và là quốc gia có nền giáo dục tiến bộ của thế giới. Điển hình là mô hình, mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông phát triển, năm 2000 hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2010 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và năm 2017 hoàn thành cơ bản phổ cập giáo dục mầm non.

Ở nước ta, số người đi học tập trung ở các cấp học chiếm 22,3% dân số. Hệ đại học, cao đẳng có 460 trường, trong đó có 242 trường đại học (176 trường công lập, 66 trường dân lập, tư thục) cứ 256 sinh viên/10.000 dân, 7-26 sinh viên có 1 giáo viên. Tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm 6%, học vị tiến sĩ chiếm 22,7%.

Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên mà dấu ấn là trên sân chơi trí tuệ học sinh Việt Nam luôn đạt giải cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế cũng như chương trình Đánh giá sinh viên Quốc tế (PISA). Hầu hết các cuộc thi, học sinh Việt Nam thường đứng ở tốp đầu về giải trong các cuộc thi PISA, đoạt ngôi cao vượt trội so với học sinh của Hoa Kỳ. Năm 2012, lần đầu tham gia cuộc thi PISA, Việt Nam được xếp thứ  8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán, thứ 19 về Đọc. Trong khi đó, Hoa Kỳ xếp thứ 28 về Khoa học, 36 về Toán và 23 về Đọc. Tháng 5/2015, Tổ chức OECD công bố Việt Nam giành vị trí 12, cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ (đứng thứ 28). Trong những kì thi quốc tế, các tốp học sinh mang nhiều huy chương về cho đất nước.

Giáo dục và đào tạo đạt nhiều thành tựu - 1

Ảnh minh họa

Cơ sở hạ tầng giáo dục được đầu tư đúng hướng. Hệ thống trường lớp đang phấn đấu để đạt chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn về hạ tầng bảo đảm cho dạy và học đạt chất lượng tương đương nhiều nước trong khu vực. Toàn quốc có 500 trường mầm non, 3.200 trường tiểu học, hơn 500 trưởng THCS và THPT đã đạt trường chuẩn quốc gia. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được coi trọng. Tính đến 31/12/2021, có 912 chương trình đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá (556 chương trình đánh giá trong nước, 356 chương trình đánh giá ở nước ngoài).

Sự mở rộng quy mô, loại hình, ngành đào tạo, các trường đại học, cao đẳng đã cung ứng cho xã hội nguồn lao động dồi dào, đa ngành, đa lĩnh vực. Cả nước có khoảng 55 triệu lao động thì tỉ lệ qua đào tạo tăng từ 40% (2010) lên 64% (2020). Tỉ lệ có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% (2010) lên 24,5% (2020). Công tác xây dựng xã hội học tập trở thành phổ biến khắp các địa phương. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) thì Trung Quốc và Việt Nam là hai nước đi đầu trong đổi mới giáo dục mặc dù 20 năm qua Việt Nam đang còn ở mức độ thu nhập trung bình thấp.

Tính ưu việt của giáo dục là chính sách công bằng trong tiếp cận dịch vụ, đặc biệt đối với dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đều có trường học kiên cố. Từ năm 2018, trẻ mầm non đến lớp được miễn học phí. Công tác quản trị, điều hành hệ thống giáo dục đại học, tăng cường quyền tự chủ cho nhà trường. Chất lượng giáo dục đại học xếp thứ 68/196 quốc gia.

Năm 2020, lần đầu tiên có 3 trường đại học được xếp trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Bách khoa Hà Nội); 8 trường đại học được đưa vào danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á. Có gần 200 chương trình đào tạo của 32 trường được công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tự chủ đại học tạo nên đột phá khi nhiều lĩnh vực, ngành đào tạo trong top 500 của thế giới,v.v...

Giáo dục và đào tạo đạt nhiều thành tựu - 2

Đại học Bách khoa Hà Nội một trong 3 trường đại học ở Việt Nam được xếp trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới năm 2020.

Thành tựu là như vậy, song nền giáo dục Việt Nam vẫn còn hạn chế, đang gặp những thách thức, khó khăn.

Nghị quyết số: 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Vì vậy, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục-đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Giáo dục và đào tạo đạt nhiều thành tựu - 3

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.

Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.

Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo.

Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học nước nhà. Người xác định, văn chương là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào.