Nhớ thời đầu nhập ngũ

Cách đây 61 năm, ngày 10/4/1963, tôi tạm biệt Phòng Kế toán Cửa hàng Than củi Lán Bè, Hải Phòng đi nghĩa vụ quân sự.

Vài trăm thanh niên, phần lớn là công nhân, viên chức, giáo viên tập trung ở Sân vận động Lạch Tray. Cuộc bàn giao giữa đơn vị giao quân và nhận quân chóng vánh. Không tránh khỏi ngơ ngác và bồn chồn.

Xế trưa, xếp hàng đôi lên đường. Nắng gay gắt. Chỉ được nghỉ chân rất ít. Dân văn phòng như tôi ướt đẫm mồ hôi trong chuyến cuốc bộ 15 cây số lên chợ Hỗ. Rẽ vào dinh thự cũ của cụ Hàn Điềm mới biết là làm lính Tiểu đoàn Thông tin 26, gọi tắt là D26 Quân khu Tả Ngạn. Tiểu đoàn trưởng là đại úy Dược đẹp trai, dáng thư sinh. Khi phát quân trang, tôi được một mũ cứng gắn sao, hai bộ xuân hè và thu đông ngoại cỡ. Áo xuân hè mỏng, giầy ngắn cổ, áo thu đông có miếng vải đệm ở vai và khuỷu tay, giầy cao cổ, nhưng quần chít ống có khuy cài ôm cổ chân thì cùng một kiểu. Thắng bộ vào, lộ rõ lính mới tò te…

Nhớ thời đầu nhập ngũ - 1

Từ trái sang: Khách mời Nguyễn Văn Hợi, quay phim Điện ảnh Quân đội, các cựu binh Bùi Văn Động, Nghiêm Thanh và chị Loan

Tiểu đoàn có ba đại đội: Thông tin vô tuyến mang thiết bị sau lưng, có cần ăng-ten bắt sóng và ma-níp gõ tạch tè, oai nhất. Thứ tới Thông tin hữu tuyến, đeo máy quay tay đỏ lòe, khoác dây dợ loằng ngoằng kèm khung gỗ sừng bò quấn dây, không hiểu sao vận vào tôi. Và sau rốt là Thông tin tín hiệu được trang bị hai xe mô tô thùng, dùng cờ nhỏ phất ngang dọc…

Đại đội 3 (C3) Thông tin hữu tuyến có các trung úy Toản, đại đội trưởng to con, chính trị viên Thảo gầy guộc, bị thương tật, nghe nói trong một trận công đồn hồi đánh Pháp. Tôi được phiên vào tiểu đội 1 (A1) của tiểu đội trưởng Vụ, trung đội 2 (B2) do thiếu úy Nhẫn chỉ huy. Tuần đầu học đội ngũ, các động tác chào, nghiêm, nghỉ, quay phải, trái, trước, sau, đi đều, nâng súng, hạ súng, mở lê… Dân thị thành chúng tôi lớ ngớ, có anh bảo một đằng, làm một nẻo.

B2 ở trong căn nhà lợp lá gồi, vách đất dài thượt, cửa có liếp chắn, phần của A1 ngay đầu hồi. Tiểu đội trưởng Vụ chân quê, tốt tính, hướng dẫn tỷ mỉ cách mắc màn không bị méo mó, gấp vuốt chăn màn gọn gàng, ngay ngắn theo quy chuẩn hình chữ nhật. Biết tôi không quen công việc cơ bắp, hễ gặp việc nặng là thở hồng hộc, Vụ thường đi sát đỡ đần. Mọi sinh hoạt đều theo hiệu lệnh. Còi réo lên là bổ nháo bổ nhào xuống giường, xách súng, khoác máy, cầm  xẻng, lao ra sân. Có trưa vừa chợp mắt, tiếng kẻng báo động thúc liên hồi. Thế là vội vàng tập hợp và thực hiện một cuốc chạy băng trên cánh đồng vừa cầy vỡ, từ đơn vị sang xã An Hồng sát Quán Toan và vòng về. Ngã dúi dụi, mệt nhoài… Một lần vào buổi chiều, đang hì hụp tắm giữa ao, cũng thế, không kịp lau khô người, mặc vội trang phục, lỉnh kỉnh đồ nghề, làm luôn chuyến ma-ra-tông lên ga Dụ Nghĩa.

Luyện quân trong các tình huống bất ngờ được ứng dụng triệt để, nhằm rèn giũa sự tinh nhậy, nhanh nhẹn. Có cái thú là những lần rải và thu dây, nghe véo von giọng hát của thôn nữ nào đó bài hát Trước ngày hội bắn của Trịnh Quý, lòng xốn xang, đầu óc mơ màng, mường tượng hình ảnh cảnh sắc và con người trên biên cương phía Bắc tươi đẹp…

Chế độ ăn ngày ba bữa. Sáng một bát ngô xay rưới qua chút mỡ. Hai bữa chính có rau, thịt, canh nhưng còn dành phần nuôi năm, bảy con lợn, giết mổ cải thiện hằng tháng hoặc những dịp lễ lạt, không đủ với sức trẻ, phải gạ gẫm anh nuôi xin thêm cháy chảo. Đun nấu theo cơ chế luân phiên. Đến lượt có người trong A mình xuống bếp là mừng lắm, bụng có phần đỡ lép hơn. Có chuyện này, Căn vét cơm trong xoong nhôm, dồn vào đĩa đậu xào còn tý nước, nói ráo hoảnh: “Lính thì phải tráng!”. Mọi người cười ồ, cho là tếu táo chứ không ác ý.

Quy định 9 giờ tối tắt đèn, đi ngủ. Nằm trằn trọc. Tôi nhớ những buổi sống thoải mái, phóng túng, dạo phố tới khuya khi còn mặc thường phục. Đói. Tệ quá! Gan ruột cồn cào, đành nghĩ cách. Bấy giờ bánh bích quy là thứ xa xỉ, bánh mì hiếm hoi, không gì hơn là thứ quà truyền thống. Lục túi, dồn tiền giao cho một đội viên lẻn ra chợ Hỗ mua bánh chưng. Muốn lọt qua bốt canh, dùng mẹo, cử một chú dẻo miệng mang thuốc lá mời lính gác, tán chuyện huyên thuyên, đứng che mắt. Vậy mà trót lọt. Tấm bánh nóng hổi, thơm mùi nếp và nhân đỗ xanh, lén lút nằm nhai, ngon đáo để. Nhưng rồi lộ. C trưởng cho cắt phiên kiểm tra, thi thoảng lia đèn pin soi khắp các giường. Lại đối phó. Vun chăn giả hình người, vẫn mua được bánh, đúng là diệu kế!

C3 mượn dân mảnh đất sát nơi cư trú trồng rau muống. Trồng thì phải chăm. Khoản băn khoăn là… bón phân. Phân bắc, phân chuồng không có chỗ ủ. Đem rải sợ bốc mùi. C3 nảy sáng kiến sắm mấy cái nồi hông sứt sẹo, chỉ đạo cho nước tiểu vào đó. Nước tiểu đầy ứ, chẳng ai động đến. Chính trị viên Thảo làm gương, lẳng lặng bê từng nồi đổ xuống ruộng, hô anh em tưới nước cho loãng. Từ đấy, các A phân công nhau lần lượt giải quyết vấn đề nan giải lâu nay. Rau đua nhau mọc, xanh mơn mởn, không kịp hái.

Ngọc đã có vợ, thân hình còm cõi, mặt xanh lè. Có vẻ nhấp nhổm không yên. Một đồng ngũ đùa cợt:

-  Tìm cách bồi dưỡng, nay mai nhập trường sĩ quan, đeo lon tá cũng nên!

Ngọc lắc đầu:

-  Tớ phấn đấu hàm… thiếu tháng thôi.

Dở chứng, vài ngày Ngọc lại ốm. Thật có, vờ có. Dường như nằm bất động, rên hừ hừ. Chủ yếu mỗi ngày hai suất cháo kèm đường. Không phải đi tập, cứ nghỉ tràn. Tưởng tránh nắng mưa, tránh vác nặng, hưởng an nhàn dễ lại sức. Nhưng trớ trêu, Ngọc càng yếu, đôi lúc thở hổn hển, tứ chi co quắp. Dăm lần thăm khám, bác sĩ quân y lắc đầu, ghi phiếu khám “Tim có tiếng thổi tâm thu, loạn nhịp. Sỏi thận. Thấp khớp”.  Ngọc nhận quyết định thoái ngũ, trùng hợp thời gian tự đặt.

Nói về quân phong, quân kỷ thì B3 nhiều vi phạm, trong đó có Sơn. Bịa đủ lý do tót về với người yêu. Quá hạn đơn vị cho phép thường xuyên. Đầu têu lắm trò trêu trọc tinh quái, khôn khéo nhưng có khi xử thế vụng về. Đợt chuẩn bị bắn đạn thật ở Thủy Nguyên, Sơn cùng Động nhẩy xe khách tranh thủ chuồn thẳng thành phố. Trở lại đơn vị khá muộn, Động bảo, cởi đồ gói gọn bỏ mũ lật ngược, coi như đi tắm. Thoáng thấy bóng lính gác, Sơn ù té. Thật chẳng ra làm sao!

… Suốt thời kỳ chống giặc Mỹ xâm lược, trừ Bổng bị trúng bom, hầu hết cán bộ, chiến sĩ C3 vẹn toàn. Gần chục cựu binh C3 bám trụ Hà Nội lần lượt cưỡi hạc tới miền mây trắng. Thời điểm này chỉ còn tôi và Động,  Động giỏi nhạc và họa. Hồi tại ngũ, tôi thường đặt lời, Động dựa theo viết nhạc. Sáng tác của chúng tôi chủ yếu là đề tài Binh chủng thông tin được trình diễn tại các liên hoan nghệ thuật quần chúng tại nhiều đơn vị.

Hơn sáu thập kỷ, hôm 10/4/2024, Động mời tôi và nhà quay phim Nguyễn Văn Hợi - Điện ảnh Quân đội mở tiệc tại tư gia. Chị Loan, phu nhân Động thịnh tình và chu đáo, làm đủ món chim quay, chả rươi, thịt bò xào, măng ninh sườn, giò lụa, bánh chưng, rượu ngâm và cả chai rượu ngoại nguyên hộp.

Ôn lại những kỷ niệm mà bồi hồi xúc động, nhất là thời đầu nhập ngũ…

Nghiêm Thanh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khát vọng trường tồn

Khát vọng trường tồn

So với sự trường tồn của thiên nhiên và vũ trụ thì sự tồn tại của cuộc sống mỗi con người trên thế gian thật là ngắn ngủi. Dân gian thường nói: "Cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ". Mà cuộc sống thì dẫu khổ cực đến đâu cũng vẫn đáng sống. Vì vậy, mong muốn kéo dài cuộc sống, khát vọng trường tồn luôn đeo đẳng cuộc đời mỗi con người và là ước mơ của cộng đồng người