Nhớ Trương Nhuận

Nhà Trương Nhuận ở một thị xã nhỏ cách Hà Nội không xa, nhưng khi Hà Nội đã rực rỡ ánh đèn thì thị xã này vẫn leo lét trong ánh đèn dầu: Thị xã Bắc ninh. Bố của anh là một thầy thuốc bắc, thông tỏ “nho y ly số” nhưng đường tình duyên lại lận đận, sau hai lần sang ngang, khi tuổi cũng đã ngoài 50 mới chắp nối với mẹ Nhuận, và ông bà sinh được một mụn con chính là chú bé Trương Nhuận.

Ông bà nâng niu thương yêu con lắm, hy vọng mai sau nó sẽ kế nghiệp nhà, làm một thầy thuốc Bắc giỏi, sống từ tâm và “cứu nhân độ thế”. Đáng tiếc mong ước này đã không thành, bởi khi Nhuận mới 8 tuổi, người cha mất sớm…

Nhớ Trương Nhuận - 1

Ông Trương Nhuận, nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhuận lại yêu văn học, yêu lắm. Mê đọc sách và khi đi học lại học văn rất giỏi. Chú được chọn vào đội học sinh giỏi nhà trường, nhiều lần đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh, cấp toàn quốc, đọat giải cao. Từ học giỏi văn, Nhuận lại tập viết văn viết truyện, cũng được báo Thiếu niên Tiền Phong và NXB Kim đồng in ấn giới thiệu, chưa đến mức “thần đồng” như chú bé Trần Đăng Khoa, nhưng cũng thuộc “vua cũng đã biết mặt, chúa cũng đã biết tên”, cùng những Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân… được đánh giá là những tài năng văn học trẻ…

Đương nhiên với một kẻ “thông minh vốn sẵn tính trời” và “anh hoa” phát tiết sớm như thế, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nhuận được tuyển thẳng vào học khoa Ngữ văn Trường đai học tổng hợp danh giá. Bạn học toàn là những “nếp thư hương”, những giải nhất giải nhì văn chương toàn quốc, sau này đều là những tên tuổi trong giới văn chương, báo chí, như Hoàng Nhuận Cầm, Phùng Huy Thịnh, Đinh Trọng Tuấn, Phạm xuân Nguyên, Đặng Huy Giang, Đỗ Quang Hạnh…

Những ngày trên giảng đường, ngoài chăm chỉ tích lũy kiến thức, Nhuận vẫn miệt mài sáng tác, tiếp tục có bản thảo gửi NXB Kim Đồng, và trong những bản thảo ấy, có một cuốn truyện được in ra là “Tứ tử trình làng” đã xoay chuyển cuộc đời anh…

Số là năm ấy, một hoàn cảnh khắc nghiệt của thời cuộc đã làm Nhuận khi tốt nghiệp “chậm” được phân công công tác. Buồn, bế tắc. Đã có lúc anh đi bụi, vạ vật nhà bạn bè, trong đó có khoảng thời gian ăn nhờ ở đậu trên gác xép người bạn học là Đỗ Quang Hạnh, hệt như cảnh năm xưa của các thi sỹ Tiền chiến:

“Gió lùa căn gác xép

Đời tàn trong ngõ hẹp”.

Nhớ Trương Nhuận - 2

Bất chợt một sáng có người đến gõ cửa thùm thùm nói là đến tìm ông Trương Nhuận. “Phiền rồi”, Nhuận thầm nghĩ: “Chắc những ngày qua tá túc nhà bạn không đăng ký tạm trú nên rách việc rồi”. Ra mở cửa thầm nghĩ sẽ bị triêu lên phường đây! Ai dè đâu người gõ cửa hỏi có phải anh là Trương Nhuận không, rồi ôm chầm lấy anh: “Gớm, tôi đi tìm anh suốt bao ngày qua, hỏi bao người mới được. Tôi ở nhà xuất bản Kim Đồng. Chị Nhâm và ban giám đốc nói tôi tìm anh, báo với anh là sách của anh đã in xong rồi( Tứ tử trình làng), mời ngay anh đến NXB để lấy sách biếu và tiền nhuận bút!”.

Mừng đến rơi nước mắt. Nhất là khi trong túi đã không còn một xu, toàn phải nhờ cậy đến bạn bè cưu mang! Nhảy vội lên xe đạp do anh nhân viên đó đèo, hai anh em đi từ Trần Bình Trọng thẳng đến NXB Kim Đồng gần đó. Gặp BTV Trần Thị Nhâm, được cho sách biếu, lại được bà ân cần đưa sang phòng tài vụ NXB lĩnh nhuận bút, một bọc tiền to mà xưa nay đời Trương Nhuận chưa bao giờ từng có…

Ngay chiều hôm ấy, mượn xe Đỗ Quang Hạnh, đạp một mạch về Bắc Ninh đưa tiền cho mẹ. Mẹ anh hoảng hốt cầm bọc tiền, mắt nhìn trước nhìn sau: “Tiền ở đâu mà nhiều thế hả con? (Tính ra là một cây rưỡi vàng)”. Nhuận mới đưa ra cuốn sách còn thơm phức mực in: “Nhuận bút con viết quyển này đấy mẹ ạ”. Bà mẹ lúc ấy mới thở phào, mới tin, mới dám cất tiền đi và đưa cuốn sách lên bàn thờ thắp hương cho chồng…

Chiều ấy lòng dạ lâng lâng, Nhuận lại cầm một cuốn sách tìm tới nhà nhà văn Đỗ Chu, một học sinh cũng từng học Hàn Thuyên, lại cũng ở thị xã Bắc ninh và thuộc lớp nhà văn đàn anh, để tặng anh Đỗ Chu. Khi biết tình cảnh “nhà văn trẻ” cùng quê hương đã tốt nghiệp Tổng hợp Văn mà chưa được phân công công tác, lại đang trong cảnh có kẻ xấu mưu mô muốn chiếm nhà, lợi dụng một vài chính sách để ép mẹ con Nhuận phải đi kinh tế mới…

Nhà văn họ Đỗ đã “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, liền đạp xe lên Tỉnh ủy gặp ông Vũ Thơ là Bí thư, tặng ông Vũ Thơ cuốn “Tứ tử trình làng” của Trương Nhuận và thưa rằng: “Nó là một tài năng văn học của quê hương Hà bắc ta anh ạ, quý lắm, hiếm lắm, lại là em họ ông nhạc sỹ Chu Minh viết bài hát về Bác Hồ mà cả nước ta phải cúi đầu mà nghe, thế mà nay đang gặp cảnh trái ngang thế này thế kia…”.

Cũng lại ngay tối ấy, viết cho Trương Nhuận một lá thư giới thiệu Nhuận với ông Hiệu trưởng Trường Đại học sân khấu là Đạo diễn, GSTS Đình Quang, để mong ông Hiệu trưởng “tài thì nên trọng, mà tình nên thương", đón nhận Nhuận về..

May thay ngày ấy đất nước ta trọng văn chương lắm, nên uy thế một nhà văn như bác Đỗ Chu ngày ấy lớn lắm, chỉ là một nhà văn chẳng chức tước gì mà tiếng nói trong xã hội “trọng lượng” vô cùng, không mấy ai có được! Ngay sau lần gặp gỡ đầu tiên với lá thư tiến cử của nhà văn họ Đỗ, ông Đình Quang vốn nguyên tắc nhưng đã chấp nhận ngay, và ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Vũ Thơ cũng đã lệnh cho cấp dưới không ai được bén mảng đến làm phiền mẹ con Trương Nhuận nữa.

Nhưng… Đã được ông Đình Quang nhận, đã có công văn “xin người” của Trường Đại học sân khấu điện ảnh, lại có cả chữ ký của Thứ trưởng Bộ văn hóa Trần Độ đề nghị, thế mà không hiểu lý do gì bên tổ chức trường Đại họcTổng hợp vẫn quyết không ra quyết định!

Một lần đến nhà xuất bản Kim Đồng xin thêm sách biếu cuốn “Tứ tử trình làng” (ngày ấy mỗi nhà văn có sách in chỉ được NXB biếu cho 5 cuốn), khi nghe BTV Trần Thị Nhâm thăm hỏi về công tác, Nhuận mới tình thực kể hết những ách tắc của mình. Bà Nhâm nghe chuyện mà ngớ người ra, liền quay điện thoại gọi cho chồng: “Anh sang đây em nhờ một việc”.

Ít phút sau chồng chị Nhâm xuất hiện. Sau khi nghe vợ nói về hoàn cảnh của nhà văn trẻ tài hoa mà rất ngoan này, ông nhíu mày nói với Nhuận: “Cậu ra xe đi với tôi”. “Cứ liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Thời hóa ra ông lại là Thứ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, tên là Lê Rạng, Ông đưa Nhuận Trực chỉ đi một mạch vào Trường đại học tổng hợp, gặp Hiệu trưởng, và phòng Tổ chức nhà trường…

Ngay chiều hôm ấy, Trương Nhuận có quyết định phân công công tác, và ít ngày sau khi khai giảng năm học mới, anh bước lên bục giảng uy nghiêm của Trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh, truyền tới các em – những thế hệ nghệ sỹ, đạo diễn tương lai những hành trang văn học cho con đường nghệ thuật mai sau…

*

Trương Nhuận có 10 năm giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh. Sau đó có gần 30 năm làm công tác ở lĩnh vực nghê thuật, với cương vị tổ chức biểu diễn và sau đó là quản lý nhà hát - Giám đốc một Nhà hát nghệ thuật thuộc loại hàng đầu quốc gia: Nhà hát Tuổi trẻ. Tròn 60 tuổi, anh thanh thản về hưu khi mọi việc nhà hát anh đã trọn phận sự của mình, trao lại gánh nặng cho thế hệ nghệ sỹ sau anh…

Nhớ Trương Nhuận - 3

Trương Nhuận và các đồng nghiệp Nhà hát Tuổi Trẻ

Nhưng một cuộc chiến đấu mới lại đến với anh: Chiến đấu với một trọng bệnh! Tôi là người hằng coi Nhuận như một người em cùng họ Trương, hằng đánh giá cao Nhuận cả về tài năng, về ý chí, cả về sự khôn ngoan. Một lần mới đây có tâm sự với em rằng: “Có những người trong đời cũng gặp những nghịch cảnh như anh em mình, nhưng rồi họ đã “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Em cũng đã một lần bằng những trang văn mà vượt nghịch cảnh vươn lên, tạo lập nên một cuộc sống vững vàng, một sự nghiệp có thể nói là thành đạt, rực rỡ. Bây giờ trong cuộc chiến đấu mới này, em cũng hãy bằng những trang sách mà vững vàng đứng lên em nhé”…

Nhuận nói em vừa đến thăm cô Trần Thị Nhâm anh ạ. Cô đã 86 tuổi rồi, nhưng vẫn nhớ tới em và nhận ra em. Cô hỏi em có tiếp tục viết nữa không, cô vẫn mong chờ quà quý của em là những tập sách viết cho thiếu nhi như năm xưa. Em nắm tay cô, hứa với cô sẽ lại viết, lại viết...

Em nói với cô mà nước mắt cứ chực trào ra anh ạ…

Giờ em đã bay xa rồi, như một làn mây trắng cuối trời và bạn bè anh em mãi trông theo thương nhớ!

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.