Thú chơi mai ngày Tết của người xứ Quảng

Nói đến Tết thì có vô số điều muốn viết, bởi đó không chỉ là niềm vui mà cao hơn nữa là nó mang một giá trị tinh thần truyền thống từ ngàn đời của cha ông ta lưu truyền lại. Ở đây tôi chỉ xin đề cập đến một nét văn hoá đã gợi cho tôi nhiều xúc cảm, là thú chơi mai ngày Tết của người xứ Quảng.

Mai có nhiều loại với nhiều màu sắc, người xưa từng thống kê có hơn trăm loài khác nhau và chia thành bốn đẳng cấp: từ Khánh khẩu mai, Hà hoa mai, Đàn hương mai và cuối cùng là Cẩu đăng mai. Ngày nay, người trồng mai và chơi mai dựa vào đặc điểm và màu sắc mà chia thành: mai tứ quí, hồng mai, bạch mai, hoàng mai… Trong đó hoàng mai được yêu chuộng nhất.

Tuy nhiên, mai nói chung đều được ngợi ca là loài cây thanh cao trong bộ tứ Tùng - Cúc - Trúc - Mai và nó tượng trưng cho người quân tử. Có lẽ rất nhiều người biết câu “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, tương truyền của Cao Bá Quát, nguyên tác là:

十 載 侖 交 求 古 劍

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

一 生 低 首 拜 梅 花

Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa

(Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ

Một đời chỉ cúi đầu bái lạy trước mai hoa)!

Nói về cái thú chơi mai của người xứ Quảng, có lẽ có nguồn gốc “từ thuở mang gươm đi mở cõi” của cha ông ta, khi Vua Lê Thánh Tông lập nên Thừa tuyên Quảng Nam (kéo dài từ nam Hải Vân đến Phú Yên) thì những cuộc di dân từ phía Bắc cũng bắt đầu. Ở quê hương miền Bắc ngày Tết luôn có hoa đào, nhưng vào Nam thì loài cây ấy không thể thích nghi với xứ sở miền nhiệt đới. Họ phát hiện ra mai, loài cây cũng nở hoa vào đúng dịp xuân về, mà lúc bấy giờ vẫn còn mọc hoang trên đồi núi. Cây mai đã được đem về thuần dưỡng và gắn bó trong đời sống của người dân xứ Quảng.

Vì yêu quý loài cây đầy sức sống và đẹp đẽ thanh cao đó mà người ta đã dệt nên một huyền thoại khá ly kỳ về vùng đất Quảng Nam thuở còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt có cô gái tên Mai cùng cha làm nghề săn bắn, giúp dân làng diệt trừ các loài thú dữ hoành hành, tác oai tác quái. Cô đã mất trong lần tiêu diệt một con chằn tinh. Dân làng thương quý lập miếu thờ. Nhưng thần đất không muốn cô chết oan uổng nên đã biến cô thành một con chim vàng anh, hằng ngày bay về hót cho ngôi nhà của cha mẹ cô thêm vui vẻ.

Khi cha mẹ cô gái qua đời, con chim cũng chết theo, ngay chỗ xác con chim mọc lên một cái cây, khi ấy đang giữa mùa đông lạnh giá. Cái cây khẳng khiu vươn mình trong gió rét, nhưng khi những tia nắng ấm vừa chiếu xuống thì bỗng nhiên nở ra từng chùm hoa vàng rực, giống như màu áo của cô Mai khoác trên mình đi tiêu diệt chằn tinh dạo nào. Dân làng nghĩ rằng linh hồn của cô gái ẩn vào trong cái cây ấy nên gọi là cây mai.

Thú chơi mai ngày Tết của người xứ Quảng - 1

Ảnh minh họa 

Hằng năm mỗi độ Tết đến xuân về thì cây ấy lại đơm hoa, đem niềm vui đến cho muôn người…

Câu chuyện không biết thực hư ra sao, nhưng đã nói lên một điều rằng người dân xứ Quảng vô cùng yêu quý loài cây ấy. Có thể coi mai là biểu tượng của mùa xuân, và thậm chí có người còn xem hoa mai là linh hồn của ngày Tết. Những năm khó khăn, ngày Tết trong nhà có thể thiếu bánh trái, hoa quả nhưng không thể vắng một cành mai.

Ngày trước ít có ai trồng hoa như bây giờ nhưng đặc biệt vẫn trồng trước sân một cây mai. Đó là loài cây dễ sống và không tốn công chăm sóc, chỉ cần có đất, nước và ánh nắng mặt trời thì cây sẽ lớn lên. Cây cắm rễ sâu vào lòng đất, dáng thanh mảnh nhưng kiên cường trước bão giông. Vượt qua bao sự khắc nghiệt của thời tiết, âm thầm tích tụ tinh hoa của đất trời để cuối cùng tặng cho đời những đoá hoa vàng tươi thắm. Vì vậy mai còn là biểu tượng của sự bất khuất kiên cường khiến loài người phải soi mình để nỗ lực vượt qua những thăng trầm để có được những thành quả tốt đẹp. Những ai biết thưởng thức và trân quí hoa mai đều là những người có cốt cách thanh cao.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến cha tôi, cũng là một “tín đồ” của hoa mai…

Mặc dù trước sân nhà cũng đã trồng một cây mai, nhưng hằng năm, cứ vào khoảng giữa tháng chạp là cha tôi lại cùng mấy ông bạn tìm đến chợ mai. Cha tôi bảo trong nhà phải có cành mai để thu hút tài lộc, và tạo nên luồng sinh khí mới cho một năm phát đạt an khang. Nhưng cây mai trồng ngoài sân thì ông không nỡ cắt, chỉ cần một cành mai bị gãy là ông đã cảm thấy đau lòng rồi.

Chợ mai là chợ tự phát, chỉ là một bãi đất trống ngay chỗ ngã ba đường, nơi đông người qua lại, và chợ chỉ tồn tại từ giữa tháng chạp cho đến hết ngày ba mươi Tết. Mọi người quan niệm rằng, chợ dân sinh là nơi bán mua hàng trăm thứ tạp nham, nên không thể đem mai vào đó, sẽ mất đi vẻ linh thiêng cao quý. Ra chợ mai, đã thấy người ta đem đến những cành mai đầy nụ, mỗi cành một kiểu dáng khác nhau: nào thế trực, tam đa, ngũ phúc, mẫu tử…

Nhìn người bán mai mới thấy hết được nỗi vất vả của họ: khoác trên tấm thân gầy nhom là bộ áo quần nhàu nhĩ, nét mặt thì trông khắc khổ hốc hác vì dãi dầu sương gió. “Nếu có đủ tiền sắm Tết người ta đã chẳng đứt ruột mà chặt mai đem bán”, cha tôi bảo vậy. Thấy có người đến xem mai là ai nấy hăm hở mời chào. Giữa người mua - kẻ bán trong phút chốc bỗng hình thành một mối quan hệ đầy thân thiện, bởi họ đều muốn đem đến cho nhau những điều lành, hướng đến một mục đích giống như là tống cựu nghinh tân vậy.

Cha tôi đi quanh một lượt ngắm nghía, cuối cùng ông chọn cho mình một cành ưng ý nhất, thường thì ông sẽ chọn ngũ phúc để được trọn vẹn cho cả năm, nếu không có thế ấy thì ông chọn một cành thế trực, với ý vươn lên. Cẩn thận vác cành mai về dựng tạm ở một góc nhà, ông lấy ra cái độc bình bằng đồng rồi đem đánh bóng cho lên màu vàng choé, đổ đầy bình nước rồi cắm mai vào. Bình mai được đặt trang trọng ở gian nhà giữa, trước bàn thờ.

Khi mai đã “yên vị”, cha tôi mới lấy ra những tấm thiệp bằng giấy đỏ có in những câu chúc mừng năm mới như “AN KHANG THỊNH VƯỢNG”, “TẤN TÀI TẤN LỘC”… lại có cái ghi bằng chữ Nho. Những tấm thiệp được cài khéo léo lên cành mai trông thật đẹp mắt. Đến chiều ba mươi Tết, cha tôi lại treo tiếp lên đó những cái phong bao cũng màu đỏ, bên trong là những tờ tiền mới cứng để sáng hôm sau - mùng một Tết mừng tuổi cho con cháu. Từ lúc có cành mai trong nhà là bắt đầu thấy hương vị Tết.

Cha tôi lau dọn bàn thờ rồi thắp nhang, năm nào làm ăn khá giả thì đốt trầm. Mùi hương trầm lan toả tạo nên vẻ thiêng liêng và đầm ấm. Mẹ tôi bắt đầu xay bột làm các loại bánh truyền thống từ  nếp và đường tán: bánh in, bánh lăn, bánh tổ... Lũ chúng tôi chạy lăng xăng giúp việc, nhưng thực ra xem mẹ làm là chính. Cha tôi hằng ngày thay nước cho mai và quan sát từng cái nụ, uốn lại những chỗ nhánh vươn ra rườm rà. Rồi theo dõi thời tiết, nếu trời nắng quá thì để vào chỗ mát, trời lạnh thì đun nước ấm pha vào bình.

Từ lúc có cành mai trong nhà, cha tôi dường như gác hết mọi việc, chỉ chú tâm vào chăm sóc mai. Chẳng phụ lòng người, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 30 Tết là có từng chùm hàm tiếu, chúm chím màu vàng ở đầu nụ, sáng mùng một đã thấy hoa nở lác đác trên cành. Loài mai cha tôi yêu thích thường là mai sẻ, năm cánh vàng tươi và có mùi thơm dìu dịu, nhưng thỉnh thoảng vẫn có bông nở ra nhiều hơn năm cánh.

Cha tôi chăm chú ngắm nghía từng bông, nếu có bông nào nở ra sáu bảy cánh là ông vui mừng như bắt được vàng: “năm nay phát tài phát lộc rồi đây”, rồi cắt cử mấy anh em tôi phải thay nhau trông giữ cây mai, không cho người ngoài vào hái trộm, sẽ mất hên (!) Đến hết ngày mùng ba thì chương trình chơi mai cũng kết thúc, bấy giờ ai muốn xin thì cho, không tiếc nữa.

Với nhiều người, trong đó có cả cha tôi, đã chơi mai thì năm nào cũng phải giữ lấy lệ, không bỏ được. Và xem mai nở cũng là cách để đoán biết thời vận. Năm nào cây mai bị héo rũ, là năm ấy coi như có điềm dữ.

Mùa xuân đi qua, năm tháng sẽ đi qua, nhưng bóng dáng của cành mai ngày Tết xưa vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi mỗi khi Tết đến như một niềm hoài vọng không cùng. Là niềm tin và hy vọng về những giá trị tinh thần đẹp đẽ sẽ mãi trường tồn cùng quê hương xứ sở.

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

(Mãn Giác Thiền Sư)

Ngày nay ít ai chơi mai như kiểu cha tôi ngày trước, mà hầu hết đều đợi đến cuối năm sẽ mua một cây mai trồng trong chậu, vừa tiện vừa an toàn (vì không lo cây héo bất thường). Những cây mai rất sai hoa và vô số cánh nên cũng chẳng cần phải đếm hay sợ bị hái trộm như xưa. Đó là điều rất đáng mừng, sự đổi mới bao giờ cũng đem lại lợi ích cho mọi người, cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Nhật nhật tân, hựu nhật tân”!

Trần Thiên Hương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.