Thượng tướng, Tư lệnh Phùng Thế Tài với cuộc đại chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 1972 (Tiếp theo và hết)
Ở tuổi 97, ngày 3/8/2007 Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết: “Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của quân đội ta. Trọn một đời theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến, thượng Tướng Phùng Thế Tài là một Đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện, trưởng thành từ một chiến sĩ trở nên một vị tướng tài ba của quân đội ta. Đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy chiến đấu quyết đoán, thông minh, sang tạo; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và quân đội giao phó. Chiến công và thành tích của đồng chí trong qúa trình cách mạng và kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc.”
Cuộc chiến diễn ra đúng như lời tiên đoán của Bác
Ngoài hai lần được gặp Bác, Tư lệnh Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài và Chính ủy Đặng Tính còn được gặp Bác nhiều lần khác, được Bác mời ăn cơm, ăn kẹo, uống cà phê và căn dặn: “Đánh Mỹ phải không được chủ quan, bởi quân địch rất xảo quyệt, có vũ khí cực kỳ hiện đại, kỹ thuật tác chiến của một quân đội nhà nghề bậc nhất thế giới”. Tư lệnh Phùng Thế Tài và Chính ủy Đặng Tính luôn ghi nhớ như thuộc lòng ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi Tiểu đoàn tên lửa 84, Trung đoàn 238 đã bắn rơi một pháo đài bay B-52 tại Vĩnh Linh ngày 17/9/1967.
Đầu năm 1968, Bác Hồ cho gọi Tư lệnh Phùng Thế Tài, lúc đó trên cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng cùng đồng chí Đặng Tính - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lên để Bác hỏi tình hình. Lúc này, sức khỏe Bác đã giảm sút rõ rệt. Nét mặt Bác trở nên đăm chiêu. Việc đầu tiên Bác đã hỏi ngay về tình hình chuẩn bị đánh B-52 thế nào rồi và nói: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị…”. “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội…”.
Ngày 6/7/1972, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị chuyên đề đánh B-52 Mỹ. Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài chủ trì hội nghị. Phương án được chuẩn bị kỹ lưỡng, nêu cao ý chí quyết đánh quyết thắng. Đẩy mạnh nghiên cứu sâu cách đánh B-52 là nhiệm vụ cấp bách, bằng vũ khí hiện có của Quân chủng Phòng không - Không quân. Đánh trúng, bắn rơi được B-52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu bức thiết về quân sự, chính trị, ngoại giao. Phải chuẩn bị chi tiết cả con người và vũ khí để chiến thắng B-52 khi chúng xâm phạm bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác như lời Bác đã dặn.
Ngày 24 tháng 1 năm 1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phê chuẩn kế hoạch và lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục hoàn thiện các mặt công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3/12/1972.
Ngày 14 tháng 12 năm 1974, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức thông qua kế hoạch tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng.
Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài thời gian này luôn có mặt ở Sở chỉ huy để theo dõi động tĩnh mọi mặt của địch. Cuộc đại chiến với không quân Mỹ bắt đầu.
Máy bay B52 rơi tại chỗ. Ảnh: Đoàn Công Tính
Chiều ngày 18 tháng 12 năm 1972, tin tình báo từ Cục 2 cho biết: Mỹ sẽ tập kích B-52 vào Hà Nội lúc 18 giờ tối. Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài điện từ hầm chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu hỏi lại: “B-52 đến đâu rồi? Nó bay theo hướng nào phải báo cáo ngay!”. Trinh sát Cục 2 bám sát B-52 từng phút cho biết: “Đã có tín hiệu đặc biệt B-52 tiến vào gần đến đất liền”. Cục tác chiến thông báo: “B-52 đã xuất hiện trên màn hình ra-đa”. Từng hồi còi báo động réo vang liên tục trong thành phố Hà Nội. Từ hầm tác chiến Bộ Tổng Tham mưu các thông báo được truyền đi rất nhanh liên tục xuống các đơn vị phòng không - không quân. Cả Hà Nội đã bước vào cuộc chiến lớn.
Đúng 9 giờ 15 phút, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng tại Sở chỉ huy Tổng hành dinh cùng cán bộ chiến sĩ trong kíp trực bước vào trận đánh lớn với không quân Mỹ. Tiếng bom đã ầm ầm như sấm rền dậy đất từ các phía. Tiếng đạn pháo cao xạ phòng không nổ giòn liên tiếp chớp lửa vút lên. Tiếng lao vun vút của tên lửa ta xé màn đêm đang đuổi và thiêu sống B-52 trên bầu trời Hà Nội. Tiếng Tư lệnh Phùng Thế Tài trực tiếp cầm máy đanh thép ra lệnh cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị nghênh chiến. Không quân ta đồng loạt cất cánh. Đài quan sát từ trung tâm trên đỉnh cột cờ Hà Nội báo về trực ban Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo gấp: Một B-52 bị bắn rơi tại chỗ ở Đông Anh lúc 20 giờ 30 phút, ngày 18/12/1972.
Địch sử dụng 400 lần chiếc máy bay chiến thuật, 90 lần chiếc B-52 đánh hơn 100 điểm, cả khu dân cư. Địch ném xuống khu vực Hà Nội khoảng 6.000 quả bom các loại, làm chết 300 người. Trận đánh kết thúc, ta bắn rơi 3 pháo đài B-52, 5 máy bay phản lực, bắt sống 7 phi công Mỹ. Một chiến công oanh liệt từ trận đầu đánh thắng.
Rạng sáng ngày 19, Tư lệnh Phùng Thế Tài đích thân dùng máy bay trực thăng cùng đoàn kiểm tra đến thẳng cánh đồng Chuông, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh xem xác máy bay B-52 đang nằm chềnh ềnh trên mặt đất. Tư lệnh Phùng Thế Tài cho quay phim, chụp ảnh và cho cắt một đoạn xác B-52 rồi trở về Tổng hành dinh và tiếp tục cho một trận đánh lớn.
Đêm 20, rạng sáng ngày 21 tháng 12, bộ đội tên lửa “đất đối không” bảo vệ vùng trời Hà Nội đã thực hiện một trận đánh cực kỳ xuất sắc, chỉ 35 quả đạn tên lửa đã bắn rơi 7 chiếc “Pháo đài bay B-52” (có 5 chiếc rơi tại chỗ khi chưa kịp gây tội ác).
Từ Tổng hành dinh, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp gọi điện thoại xuống các sư đoàn biểu dương bộ đội Phòng không - Không quân Hà Nội đánh tốt, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của Nhân dân. Đại tướng nói bằng một giọng vô cùng xúc động: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội!... Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội!”.
Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn do Tổng thống Mỹ Nixon đích thân chỉ huy kéo dài 12 ngày đêm đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác đã thất bại hoàn toàn. Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đại thắng. Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 pháo đài bay B-52, 5 máy bay phản lực F.111 “Cánh cụp cánh xòe” và 42 máy bay chiến thuật khác khiến cho cả nước Mỹ rung chuyển và hoảng loạn.
Đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ vĩ đại: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Đúng 7 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom không điều kiện từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và phái đoàn Mỹ phải ngoan ngoãn ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris ký cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trở lại sự kiện đêm ngày 13/12, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Nixon, Hội đồng tham mưu liên quân thông qua kế hoạch mở cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 ồ ạt đánh vào Hà Nội. Cả Nixon và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đều hí hửng và quả quyết rằng: “Chỉ 3 ngày nữa là Bắc Việt Nam phải quỳ gối đầu hàng không điều kiện”. Chiều ngày 18/12, khi pháo đài bay B-52 vừa cất cánh thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng gửi Tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam với đúng điều kiện của Mỹ, nghĩa là: Quân Mỹ rút ra nhưng Bắc Việt Nam cũng phải rút quân về. Đợi đến hết ngày 14 – 15/12 Mỹ cũng lờ tịt, không thấy Nixon và Chính phủ Mỹ nhắc lại theo tinh thần Tối hậu thư như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo và công bố nữa.
Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là một cuộc đấu trí, đấu lực xuất sắc toàn diện của quân ta dưới chính thể Hồ Chí Minh và chính quyền Nixon trong tòa Bạch ốc.
Sau khi ký kết, Cố vấn tối cao của Nixon “tâm sự” với ngài cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rằng: “Không quân Mỹ không thua B-52 trên bầu trời Hà Nội, Nixon không cho tôi ký đâu”. Mỹ thua trận B-52 trên bầu trời Hà Nội như Napoleon thua trận Waterloo. Ông “Kít” (Kissinger) thừa nhận như thế đấy!
Kissinger muốn được xem tướng mạo Phùng Thế Tài
Tiến sĩ Henry Kissinger muốn được xem tướng mạo Phùng Thế Tài thật ư? Phải chăng cái ý nghĩ kỳ quái ấy mới chỉ xuất hiện sau khi phải sang ký tắt với Cố vấn tối cao Lê Đức Thọ tại Paris?
Ta hãy xem những thông tin qua nguồn tình báo và những con số chỉ thời gian diễn ra từng ngày ở Tòa Bạch ốc, sẽ rõ.
Ngày 14 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức thông qua và phê chuẩn kế hoạch cuộc tập kích chiến lược bằng “Siêu pháo đài bay B-52” vào Hà Nội, Hải Phòng…
Ngày 18 tháng 12 năm 1972 kết thúc Hội nghị Paris về Việt Nam
Tiến sĩ Henry Kissinger đáp chuyên cơ về Hoa Kỳ.
Cố vấn Lê Đức Thọ rời Paris chiều ngày 18/12/1972, trở về Hà Nội.
Đúng 18 giờ tối ngày 18/12/1972, không quân Mỹ tập kích chiến lược bằng “Siêu pháo đài bay” vào Thủ đô Hà Nội, bắt đầu giội mưa bom và bão lửa vào sân bay Gia Lâm. Kissinger hy vọng rằng: B-52 sẽ kết liễu số phận của ngài Cố vấn tối cao Lê Đức Thọ ngay tại sân bay Gia Lâm và Chính phủ Việt Nam phải đọc Tối hậu thư của Mỹ trong khi bom Mỹ giội xuống Thủ đô Hà Nội.
Nhưng chúng đã tính sai giờ “hoàng đạo” để Cố vấn Lê Đức Thọ kịp rời sân bay Gia Lâm trở về Tổng hành dinh báo cáo gấp tình hình diễn biến phức tạp.
Từ 9 giờ 15 phút, tại Tổng hành dinh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng đã có mặt tại Sở chỉ huy để nghe thông tin từ Cố vấn Lê Đức Thọ và sẵn sàng “nghênh tiếp” giặc đoàn pháo đài bay B-52 đang ồ ạt tiến vào Hà Nội.
12 ngày đêm (từ 18 giờ ngày 18/12/1972 đến 7 giờ sáng ngày 30/12/1972), cái con số 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F.111A “cánh cụp cánh xòe” và 42 máy bay chiến thuật khác bị rơi rụng trên bầu trời Hà Nội, chắc con số tổn thất ấy còn xa sự thật, đã làm cho Tổng thống Mỹ Nixon thót tim, phải buồn bã tuyên bố ngừng ném bom không điều kiện. Tình tiết ấy chẳng khác nào Thoát Hoan - tên trùm tướng giặc Nguyên ngạo mạn khi ra lệnh xuất quân xâm lược, muốn nuốt chửng quốc gia Đại Việt, ngay lập tức phải chui ống đồng tháo chạy thoát thân về cố quốc. Cái mộng phá tan thủ đô Bình Nhưỡng năm xưa đã không thể diễn ra. Thật là nhục nhã! Vậy mà sau khi thua trận “Waterloo Hà Nội” Kít còn muốn sang Hà Nội để xem tướng mạo Phùng Thế Tài ư?
Hà Nội đêm tháng Chạp 26/12/1972. Ảnh Đoàn Công Tính
Một ngày đầu tháng 2/1973, Cố vấn Lê Đức Thọ mời Phùng Thế Tài lên gặp tại số 6 phố Nguyễn Cảnh Chân. Ông nói với giọng vui vẻ mà hóm hỉnh:
- Vừa qua, Hội nghị Paris về Việt Nam thành công, thực chất là nhờ các cậu, người trực tiếp chỉ huy đánh bại không quân Mỹ, đặc biệt là Mỹ thua trận B-52 trên bầu trời Hà Nội, cảm ơn bộ đội tên lửa Phòng không - Không quân Việt Nam chiến đấu anh hùng và quả cảm và hôm nay mời cậu lên đây để bàn việc chuẩn bị đón tiếp Kissinger đến Hà Nội và ông ta thổ lộ muốn gặp để xem tướng mạo của con người đã làm cho Mỹ thua đậm trong cuộc chơi B-52 là người như thế nào. Ở Paris, mỗi lần gặp tớ, Kissinger cứ băn khoăn tại sao B-52 hiện đại Mỹ lại rơi nhiều thế? Phải chăng tên lửa Việt Nam đang dùng có gì mới hơn ở quốc gia Xô Viết đã viện trợ, làm cho bức Tối hậu thư của Mỹ trở thành tờ giấy lộn? Nixon từ chỗ hí hửng “Chỉ sau ba ngày là chính quyền Hà Nội phải quỳ gối đầu hàng” chuyển thành hốt hoảng và bẽ mặt, buộc phải ký đầu hàng đối phương không điều kiện.
Tôi chợt nhớ Chín năm làm một Điện Biên Phủ thời chống Pháp. 18 năm sau đó lại làm nên một Điện Biên Phủ trên không làm cho Mỹ cũng thất bại cũng như Pháp và hôm nay Kissinger - “Ông bạn vàng” của Nixon lại muốn thăm nghĩa địa B-52 ở Hà Nội. Thật khôi hài. Thật tuyệt vời hết chỗ nói.
Vậy là Phùng Thế Tài lại phải chuẩn bị địa điểm đón tiếp, chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng cho phi hành đoàn, chuyên viên bảo vệ ở ngay sân bay Gia Lâm. Riêng Kissinger được vào nội thành, có chỗ ở riêng thật an toàn và sang trọng.
Hôm lên sân bay Nội Bài đón Kissinger, Tư lệnh Phùng Thế Tài ngồi xe cùng với Cố vấn Lê Đức Thọ. Ông Thọ giơ tay chỉ về phía Phùng Thế Tài giới thiệu:
- Đây là Tư lệnh Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, người trực tiếp chỉ huy các trận đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội đấy!.
Kissinger ngoảnh mặt sang bắt tay Phùng Thế Tài thật chặt và nhìn chằm chằm Tư lệnh họ Phùng rất lâu không chớp mắt. Đoán chừng ông ta nghĩ: người thắng cuộc phải là người ngoài hành tinh, hóa ra ông ta cũng như người bình thường, ngồi ngay bên cạnh mình. Hay thật!
Xuống máy bay, theo kế hoạch là vào Hà Nội ngay nhưng Kissinger muốn được đi một vòng quanh sân bay Gia Lâm để ngắm. Được ông Lê Đức Thọ đồng ý, Tư lệnh họ Phùng đích thân đưa Kissinger đi và nói:
- Sân bay Gia Lâm này là điểm đầu tiên, đêm 18 tháng 12 các ông cho rải
thảm B52. Các ông muốn thiêu sống ông Cố vấn tối cao của chúng tôi ngay tại sân bay này và biến nó thành Thời kỳ đồ đá. Thế mà ông Thọ vẫn sống và tiếp ông thế mới tài chứ. Sân bay Gia Lâm bây giờ nó vẫn đàng hoàng đón tiếp loại máy bay hiện đại, loại lớn của các ông, chắc các ông ngạc nhiên lắm nhỉ?
Sau ngày sang ký kết tắt Hiệp định Paris về Việt Nam, Kissinger tiếp tục viết hồi ký về Việt Nam, còn Tư lệnh họ Phùng tiếp tục nhận nhiệm vụ khai triển Đường Hồ Chí Minh trên biển, có trách nhiệm với Đường 559 - Đường Hồ Chí Minh trên Trường Sơn, mở tuyến dẫn đường ống xăng dầu nối liền Nam - Bắc, rồi tổ chức tang lễ Bác Hồ, xây Lăng Bác Hồ cùng nhiều nhiệm vụ khác.
Từ cậu bé mười ba tuổi sống “cầu bơ cầu bất” ở nước ngoài, được làm cận vệ cho Bác Hồ và được Bác Hồ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trở thành một vị tướng. Phùng Thế Tài được phong hàm Thiếu tướng (năm 1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1983) và được tặng các Huân chương cao quý nhất: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công Hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng Hạng Nhất. Đó là sự nhìn nhận công lao, tri ân xứng đáng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước, biết ơn của Nhân dân Việt Nam mỗi khi nhớ đến người trực tiếp chỉ huy cuộc chiến trên không và không quân hiện đại Mỹ trong cuộc đại chiến Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972 lịch sử.

Ở tuổi 97, ngày 3/8/2007 Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết: “Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng...
Bình luận