Vị Bộ trưởng ở nhiệm sở ngắn nhất

Mỗi khi nói đến ông Võ Nguyên Giáp, người ta thường nhớ đến người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng tài ba lỗi lạc của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã từng đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Nhưng ít ai biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một thời là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, mở ra một bước ngoặt lớn thời kỳ mới của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, lầm than đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Tuy chính quyền cách mạng mới thành lập, nhưng đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Cùng một lúc phải đối phó với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Tại miền Bắc, 20 vạn quân ô hợp của Tưởng Giới Thạch, gồm 4 quân đoàn do Tướng Lư Hán làm Tổng chỉ huy, lũ lượt kéo vào Hà Nội và các tỉnh từ vĩ tuyến 16 trở ra. Ở miền Nam, ngoài việc lấy danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào, quân Anh đã đồng lõa giúp cho quân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Ngoài các thế lực ngoại bang như quân Tưởng, quân Anh, quân Pháp, trên đất nước ta vẫn còn 6 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp vũ khí. Một bộ phận quân Nhật được quân Anh sử dụng tấn công vào lực lượng vũ trang ta, dọn đường cho quân Pháp  đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định và nhiều vùng Nam Bộ…

Dựa vào các lực lượng nước ngoài, các thế lực phản cách mạng như Việt Cách, Việt Quốc, Việt Nam Quốc dân Đảng… trong cả nước lần lượt ngóc đầu dậy chống phá chính quyền cách mạng còn non trẻ. Có thể nói chưa lúc nào trên đất nước ta lại có quá nhiều kể thù nguy hiểm đến vậy. Trong khi chính quyền cách mạng ra đời chưa được một nước nào trên thế giới công nhận. Đất nước lại đứng trước hậu quả của nạn đói 1945, đã cướp đi sinh mạng của trên 2 triệu đồng bào ta, nhưng nguy cơ của một nạn đói mới vẫn đang đe dọa.

Mặt khác, thực dân Pháp và phát xít Nhật đã để lại một đất nước kiệt quệ về kinh tế. Hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện, mê tín dị đoan… Có thể nói chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang đứng trước bao khó khăn chồng chất, thù trong giặc ngoài, tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.

Yêu cầu cách mạng đặt ra là phải sớm ổn định, ra sức xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng biến thành một công cụ đắc lực để củng cố khối đoàn kết dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng, đấu tranh chống thù trong giặc ngoài.

Nhiệm vụ cấp bách của chính quyền lúc này là củng cố vững chắc chính quyền cách mạng, chính thức xác lập quyền hợp hiến, chống thực dân Pháp xâm lược, tiêu diệt nội phản và ra sức cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Để hoàn thành sứ mạng này, ngày 28 tháng 8 năm 1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ Lâm thời gồm 13 Bộ, trong đó có Bộ Nội vụ với 15 Bộ trưởng, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Căn cứ vào năng lực trình độ và con người, trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng và giao cho ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ ngày 28/8/1945 - 31/12/1945. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và rất quan trọng, nó liên quan đến sự sống còn của cơ cấu tổ chức Chính phủ, nhất là lúc này chính quyền mới thành lập, còn non trẻ, mà nhiệm vụ Bộ Nội vụ là phải nghiên cứu, xây dựng, kiện toàn chính quyền nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong cả nước. Hơn nữa Bộ Nội vụ không chỉ coi trọng công tác tổ chức bộ máy hành chính, công tác cán bộ, công tác thanh tra, mà còn cần coi trọng đặc biệt công tác an ninh.

Vị Bộ trưởng ở nhiệm sở ngắn nhất - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngồi). Từ trái sang phải: Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp sau ngày bầu cử 6/1/1946.

Ngay sau khi thành lập, Bộ Nội vụ dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã khẩn trương thực hiện ngay nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch và Chính phủ Lâm thời giao cho. Dù chỉ làm Bộ trưởng trong một thồi gian rất ngắn, Võ Nguyên Giáp đã đóng góp công sức to lớn trong việc tổ chức bộ máy nhà nước. Ông đã tham mưu cho Chính phủ ban hành trên 100 Sắc lệnh, trong đó ông trực tiếp ký 52 Sắc lệnh có tính chất pháp quy trên nhiều lĩnh vực: nội vụ, an ninh của đất nước. Trong đó trước hết phải kể đến Sắc lệnh bỏ “thuế thân”, một thứ thuế cực kỳ vô lý, trái với tinh thần “cộng hòa, dân chủ”. Việc bãi bỏ thuế thân là nhằm đỡ gánh nặng thuế má cho dân chúng và phù hợp với công lý.

Tiếp đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh 01 – SL, ngày 30 tháng 8 năm 1945, cử ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng (Chánh Văn phòng) Bộ Nội vụ. Đây là Sắc lệnh đầu tiên bổ nhiệm nhân sự cho các Bộ, ngành của Chính phủ. Để giữ an toàn cho ngày ban bố Tuyên ngôn Độc lập, Bộ trưởng Bộ Nội vu Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ Lâm thời ban hành Sắc lệnh số 03 – SL, tuyên bố “Thiết quân luật tại Hà Nội” từ 12 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, cấm đi lại và không ai được mang vũ khí, trừ trường hợp có giấy phép.

Ngày 5/9/1945, sau 3 ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký một Sắc lệnh, mang dấu ấn lịch sử không bao giờ phai mờ trong trí nhớ mọi người dân Việt Nam, đó là Sắc lệnh số 05 – SL “Về việc bãi bỏ cờ Quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam”. “Quốc kỳ Việt Nam hình chữ nhật, bề ngang bằng hai phần ba bề dài, nền mầu đỏ tươi, ở giữa có ngôi sao 5 cánh mầu vàng tươi”. Đồng thời ông cho ban hành Nghị định đặt lại giờ Việt Nam. Kể từ 24 giờ ngày 01/9/1945, giờ chính thức trên toàn quốc lùi lại 2 giờ được quy định trong Nghị định của chính quyền cũ.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách lập Ban Soạn thảo Hiến pháp, chỉ sau một thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp cùng Ban Soạn thảo đã trình Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1946, đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vị Bộ trưởng ở nhiệm sở ngắn nhất - 2

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đứng bên trái hàng đầu 

Đồng thời để củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, ký Sắc lệnh số 14 – SL ngày 8/9/1945 “Về việc ấn định thời hạn và thể lệ Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội” (Quốc hội), quy định trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ký Sắc lệnh sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử. Đây là Sắc lệnh khẳng định quyền tự do nhân quyền của công dân Việt Nam. Điều này có nghĩa rằng công dân Việt Nam cả nam và nữ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tòa án tước quyền công dân và những người có đầu óc không bình thường.

Ngoài ra, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp còn ký Sắc lệnh số 53 – SL “Quy định về quốc tịch Việt Nam”. Đây là một sắc lệnh góp phần làm nền móng cho việc xây dựng Hiến pháp Việt Nam năm 1946.

Cùng với việc ban hành các văn bản pháp lý đầu tiên về tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp còn ký các Sắc lệnh về việc “Thiết lập các lớp học bình dân buổi tối cho nông dân và thợ thuyền”. Sắc lệnh nêu rõ : “Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân nào trên 8 tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ sẽ bị phạt tiền”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thừa lệnh Chủ tịch nước còn ký nhiều Sắc lệnh đóng góp rất lớn cho vấn đề tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Đó là việc: bảo vệ, duy trì những đền chùa, miếu mạo. Đây là thể hiện sự quan tâm Chính phủ cách mạng nhằm bảo vệ tôn giáo, bảo vệ sự tự do tín ngưỡng của nhân dân, bảo vệ những danh lam thắng cảnh của đất nước.

Thời gian làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ tuy rất ngắn ngủi, nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký một số Sắc lệnh là những bằng chứng thể hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Sắc lệnh số 21 – SL, ngày 8/9/1945 “về việc cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc” ; và Sắc lệnh số 23 – SL ngày 10/9/1945 “về việc cử ông Vĩnh Thụy làm cố vấn Chính phủ Lâm thời Dân chủ Cộng hòa ...”

Với nhận thức rằng, dù chúng ta đã đập tan bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến, nhưng không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn, mà phải biết kế thừa những ưu điểm. Vì vậy, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh 32-SL, quy định: “Ai có năng lực và hạnh kiểm tốt, có thể được bổ dụng vào các ngạch khác nhau tuỳ theo yêu cầu của công việc”.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Võ Nguyên Giáp đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp nội vụ và an ninh của đất nước  góp phần không nhỏ cho việc đặt nền móng vững chắc xây dựng hiến pháp 1946.

(Nguồn tài liệu tham khảo: Bộ Nội vụ, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước)

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất