Các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật

(Arttimes) - Để thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật cần có đường lối (chính cương) đúng, nhưng nếu chính sách không hóa thân vào thực tiễn đúng đắn, thì đường lối khó bề hiện thực hóa, đạt mục đích đặt ra trong một khoảng hạn thời gian nhất định. Đó là nói chung trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người. Lĩnh vực văn hóa không ngoại lệ.

Chính sách văn hóa

Đường lối văn hóa Việt Nam được xác định ngay từ Đề cương văn hóa 1943, với ba phương châm nòng cốt, căn cơ: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng; nay được nhấn mạnh hơn: “đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại”. Nhưng có lẽ, chúng ta vẫn còn nặng hình thức, thành tích nên trong khi triển khai chương trình/chính sách “gia đình văn hóa” chẳng hạn, đã không thu được kết quả khả quan. Có đến hơn 80% gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, nhưng thực tế lại khác thế. Gia đình muôn thuở là “tế bào xã hội”, là “hang ổ” cuối cùng bền vững để con người trú ngụ, nơi “an cư lạc nghiệp”, nơi tiếp “nhiên liệu sống” cho mỗi thành viên xã hội. Nhưng hiện nay gia đình đang là một vấn đề mà giới khoa học (xã hội học, tâm lý học, văn hóa học, nhân khẩu học, y học,...) đau đầu tháo gỡ các vấn nạn vô tiền khoáng hậu (tình trạng ly hôn gia tăng, bạo lực gia đình bùng phát, tình cảm ruột thịt cố hữu tan rã, mâu thuẫn thế hệ khó điều hòa, trẻ hóa bệnh tật,...). Phát cho mỗi nhà một giấy chứng nhận “gia đình văn hóa”, người lãnh đạo các cấp yên tâm “ngủ yên trên giường chiếu hẹp”, xoa tay coi như hoàn thành nhiệm vụ vì đã có “con số biết nói” báo cáo cấp trên. Không riêng chương trình/ chính sách “gia đình văn hóa” rơi vào tình trạng ấy. Văn học nghệ thuật cần hướng tới gia đình, nơi con người sinh thành, nơi con người trưởng thành trước khi hòa nhập xã hội rộng lớn. Gia đình là nhân tố đầu tiên và cuối cùng giúp hoàn thiện nhân cách và rèn đúc năng lực, kỹ năng sống và làm việc của mỗi cá nhân.

Khuyến khích nhân dân thưởng thức, đặc biệt là văn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật giữ gìn, quan tâm tính chất đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng các kênh truyền hình và các rạp chiếu bóng (chủ yếu của tư nhân theo hình thức liên danh) lại thả phanh chiếu phim nhập khẩu. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu thẳng thắn nhân thảo luận về Luật Điện ảnh sửa đổi: “Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim nước ngoài, tất nhiên hội nhập thì có phim nước ngoài nhưng không phải quá nhiều như vậy được trong khi chúng ta có thể xây dựng văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, văn hóa vật thể, phi vật thể” (Thanhnien.Online, 23/10/2021). Đáng quan ngại hơn, các nhà làm phim Việt Nam hiện nay thường có xu hướng “Việt hóa” phim nước ngoài (hình thức phiên bản), chứng tỏ thiếu sự cầu tiến, cầu thị trong sáng tạo “nghệ thuật thứ bảy”. Họ gặp may khi có một công chúng không thể nói là ít dễ bị lấy đi thời gian nhàn rỗi và đôi khi cả “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” (!?).

Trong các văn kiện của Nhà nước, văn học được coi là bộ phận tinh tế nhất của văn hóa, nhưng sáng tác, xuất bản, phổ biến văn học hiện thời dường như được thả nổi. Trừ một số nhà xuất bản quan trọng, còn lại chỉ là nơi cấp giấy phép xuất bản, tác giả tự sản xuất, tự tiêu thụ sản phẩm dưới sự điều hành của các “đầu nậu” (hình thức nhà sách hoặc công ty văn hóa tư nhân). Nếu ai may mắn được in sách theo chế độ “sách nhà nước đặt hàng” thì lấy niềm vui “đứa con tinh thần” của mình có bà đỡ mát tay, thêm chút danh tiếng, còn nhuận bút thì cơ bản phải quên ngay kẻo buồn rớt, đôi khi dũng cảm hơn thì “buồn ơi chào nhé!”.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đôi khi thấp thoáng đâu đó một chính sách dành cho văn học nghệ thuật ít nhiều an ủi, động viên, cổ vũ người sáng tác. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua “Đề án đào tạo tài năng sáng tác văn học”. Đề án này tìm được địa chỉ thực hiện là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (thực thi là Khoa Viết văn – Báo chí, triển khai hiệu lực từ niên học 2019-2020). Đấy là một ví dụ, có thể không làm nức lòng tất cả những ai có năng khiếu văn chương, mộng văn chương, cao vọng sáng tác. Nhưng chí ít cũng kích hoạt những ai có ý định thi thố trên văn đàn khi được học hành bài bản ở một địa chỉ đào tạo chuyên ngành đặc thù có bề dày hơn 40 năm (tính từ 1979).

Điều tiết sản phẩm văn hóa và thị trường

Chức năng quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng cấp ngang bộ, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cao hơn là Ban Tuyên giáo Trung ương, đòi hỏi tầm quản lý vĩ mô với sự điều tiết cân đối giữa văn hóa và thị trường. Trong cơ chế thị trường, nếu coi người thắng là “kẻ mạnh” thì với văn nghệ sỹ, họ luôn luôn là “kẻ yếu”. Nói thẳng ra thế liệu có gây xót xa với người làm công tác văn học nghệ thuật? Nhưng đó là thực tế không thể lảng tránh. Chúng tôi đồ rằng, chỉ có khoảng 30 phần trăm (có lẽ quá nhiều nếu áp vào văn giới) người làm công tác văn học nghệ thuật hiện nay chống chọi, sống được với thị trường (nếu đủng đỉnh, phong lưu hơn cả thì có thể là giới âm nhạc, điện ảnh, hội họa, còn các ngành nghệ thuật khác thì hụt hơi vì “cơm áo không đùa với khách thơ”). Quan sát văn giới, đặc biệt những thi sỹ, chúng tôi thấy họ đều rất nghèo, sống thanh bần lạc đạo. Họ có thể chưa quen, hoặc không thể chống chọi với thị trường.

Trong cơ chế thị trường, mọi thứ đều được quy thành “hàng hóa”. Hàng hóa thì thuận mua vừa bán, tiền trao cháo múc. Đã là quy luật thì ai dám vác gậy chống trời, may ra trong tư duy dân gian chỉ có mỗi “con cóc là cậu ông trời/ ai mà đánh nó thì trời đánh cho”. Nhưng nghệ sỹ là con người bằng xương bằng thịt nên chẳng chống được trời. Họ cứ cặm cụi làm việc âm thầm, cô độc, miệt mài, gian nan nhưng không hẳn vì thế sản phẩm của họ dễ dàng được tiêu thụ, đón đợi, ưu ái (trừ những nhân tài đích thực, nhưng “nhân tài như lá mùa thu”). Nếu nói văn hóa là của để dành thì Nhà nước cần có chính sách bảo trợ, bảo hiểm (chứ không bảo kê). Những nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... chắc chắn Nhà nước có chính sách bảo vệ, phát triển văn hóa, giáo dục (điểm tựa của văn hóa) dân tộc và cộng đồng. Nhà nước Việt Nam điều tiết “kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì không thể không “can thiệp” (bằng chính sách văn hóa) để kích hoạt văn học nghệ thuật tồn tại và phát triển hợp lý, hợp tình.

Xây dựng không gian văn hóa kích hoạt phát triển văn học, nghệ thuật

Một hạt giống tốt phải được ươm mầm, vun xới, chăm sóc trên một “thổ nhưỡng” tương thích. Các - Mác viết: “Muốn cho con người nhân đạo hơn thì phải tạo ra hoàn cảnh nhân đạo hơn”. Nếu chúng ta chỉ hô hào suông “hãy sống có văn hóa”, “hãy nâng cao hàm lượng văn hóa của tác phẩm văn học nghệ thuật” thì hóa ra là người duy tâm trong khi tự nhận là người duy vật. Không gian văn hóa vừa mang tính vật thể, vừa mang tính phi vật thể. Không gian văn hóa không thể hình thành tự phát, phải có luật lệ đi trước. Chẳng hạn, người nông dân Việt Nam xưa sống trong lũy tre làng nhưng đã có “hương ước” điều phối, rộng ra thì có luật lệ Nhà nước, phải thực thi (đôi khi “lệnh vua thua lệ làng”, nhưng không nên cổ súy).

Những người có trách nhiệm và lương tri không khó nhận ra “không gian văn hóa” ở ta đang có vấn đề đáng quan ngại, thậm chí cần báo động (người nghiêm khắc thì nói “ô nhiễm văn hóa”). Không gian văn hóa thực tế đang bị xâm thực bởi cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam (gọi là “thế lực mềm”), rõ nhất trong ngành điện ảnh; trong văn học cũng không thể nói là “nhẹ” khi các thứ ism (chủ nghĩa) trở nên ám ảnh giới nghiên cứu, lý luận và cả sáng tác chạy theo “mode”, “trend”, không phù hợp với đời sống văn hóa - tinh thần người Việt. Dường như ai đó sợ mình lạc hậu nên hay cố kiễng chân cho cao bằng thiên hạ. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là, người làm văn học nghệ thuật ở ta dường như bị đứt rễ với truyền thống văn hóa dân tộc, coi việc theo/ tiếp biến truyền thống  thì dễ bị lạc hậu trước thời đại công nghệ 4.0 . Xây dựng không gian văn hóa tích cực, khó thay, nhưng không thể chậm trễ.

None

Bùi Đức Thọ

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.