Quê hương tôi

Con người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn duy nhất để quay về, nơi ấy chính là quê hương.

Quê hương tôi có con sông Đuống hiền hòa chảy qua những ưu phiền nguyện tắm mát cuộc đời chảy trôi như sông. Biết bao cảm xúc của bao thế hệ đong đầy trong đó. Từ cội nguồn khởi thủy, con sông như chất chứa bao bí bật dưới sóng ngầm. Nhưng sông không nói, âm thầm trôi về phía hạ nguồn, mang theo bí mật tan ra cùng biển khơi.

Quê hương tôi - 1

Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh Tùng Nguyễn

Quê nội tôi ở bên kia sông Đuống, mỗi lần về quê, tôi dập dềnh trên chuyến đò chiều mùa nước nổi. Con sông mang nặng phù sa cuồn cuộn chảy rồi lại xuôi dòng, tôi chẳng biết mình đã ngụp lặn bao nhiêu cảm xúc trong đó, cảm xúc loang loáng như mặt nước trên sông những đêm trăng sáng. Một ý nghĩ chỉ vừa thoáng qua thôi mà tôi cảm giác như vừa được tắm mát, gột rửa những ý nghĩ bụi trần.

Neo về phía thượng nguồn sông Đuống, đi chếch lên phía Bắc khoảng hai mươi cây số, nơi miền Kinh Bắc xa xưa, làng Vân còn ủ men nấu rượu khiến bao nhiêu người ngây ngất say.

“Rượu làng Vân lung linh men ngọt

Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa”

Nhà thơ Phan Vũ đã viết như thế khi thưởng thức thứ rượu màu gạo đục, lắc lên sóng sánh những bọt trắng li ti, để lâu lại lắng xuống trong suốt. Rượu uống vào êm say như có người ru ngủ. Một kẻ si tình nào đó chẳng may uống vào thứ rượu làng Vân sẽ quên đi cuộc tình đơn phương mà ru ngủ lòng mình bởi những mê man chống chếnh rất đời. Một thi sĩ nào cạn ý đong tình uống vào sẽ dạt dào cảm xúc như được tắm trong thứ men khơi gợi của người thiếu nữ mà phun châu nhả ngọc cho đời những lời văn, lời thơ tha thiết hay.

Quê hương tôi - 2

Hoàng hôn trên dòng sông Đuống. Ảnh TIM

Ai xuôi dòng con sông Đuống mà đi xuống phía Nam, chếch sang đằng Đông, làng gốm sứ mang tên Phù Lãng được vây kín bởi lời tự tình của đất. Bàn tay của biết bao nghệ nhân trong làng ngày đêm nhào nặn cho ra những tác phẩm để đời. Đôi khi nó không còn là cái chum, cái vại phục vụ đời sống dân sinh nữa mà nó là hồn cốt của làng Phù Lãng.

Vòng tròn quay bên mâm, bàn tay người nhào nặn từ thứ đất xù xì cho ra những hình khối có tướng có mạo, những hình khối chẳng còn vô tri. Nhớ khi tôi còn nhỏ xíu, cậu tôi đi chiếc xe đạp chở ngất ngưởng những đồ sành sứ lấy từ làng Phù Lãng mang đi bán rong.

Quê hương tôi - 3

Thủy đình Đền Đô, Đình Bảng, Bắc Ninh. Ảnh Trần Đại Dương

Người ta gọi người đi bán đồ sành sứ đó là “anh hàng cang”. Tôi lục tìm trong từ điển hình như không thấy từ này, có thể người dân quanh vùng họ gọi thế để tự hiểu với nhau. Với tôi, từ ‘anh hàng cang” nó thân thương và quen thuộc lắm! Quen thuộc như chính những mầm yêu thương từ xa xưa dội về, bám sâu vào tâm trí chẳng thế rời xa.

“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn ngơ đi tìm,

Đồng chiều

Cuống rạ.”

Câu thơ đắt giá trong cả ý tứ lẫn câu từ của nhà thơ Hoàng Cầm đưa chúng ta về với mái đình cong cong, mềm mại uốn éo theo từng vệt ngói phủ rêu hàng mấy thế kỷ thấm thoắt trôi qua. Đình Đình Bảng thuộc thành Phố Từ Sơn ngày nay vẫn uốn cong dáng điệu như thế. Người lữ khách tha phương đến bên Đình trong một buổi chiều tà, vài đám mây vẫn vắt vẻo trên nền trời chằng kịp tan ra.

Quê hương tôi - 4

Tấm song cửa mái đình vẫn “buông chùng” mà vững chãi cho tới tận bây giờ. Người lữ khách tình tự với quá khứ, có điều gì đó thật rưng rưng trong lòng khi chạm tay vào thớ gỗ nhẵn bóng tưởng xa xăm mà gần gặn ấy. Cố nhân đã xa rồi, chỉ có những thớ gỗ vẫn còn đây như chứng tích thời gian phủ đây rêu phong trong tâm khảm.

Nơi ngàn năm văn vật cũng sản sinh những con người tảo tần nhào nặn ra thứ bánh phu thê thơm ngon thắm đượm nghĩa tình mà không một nơi có được. Mỗi đám cưới hỏi trong tráp trầu cau không thể thiếu bánh phu thê, bánh luôn bó vào từng đôi, từng cặp như tình nghĩa vợ chồng khăng khít chẳng bao giờ rời xa.

Quê hương tôi - 5

Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống. Ảnh Nguyễn Bá Thắng

Những vị vua Lý tọa nơi Đền Đô vẫn ngồi đó, các ngài vẫn nương theo đám mây ngũ sắc, theo tiếng trống hội ngày mười lăm tháng ba âm lịch mà tìm về ẩn hiện. Xa xa, phía đình Thủy còn ngân nga câu hát quan họ “người ơi người ở đừng về’ của các liền anh liền chị với tấm áo mớ ba mớ bảy, đôi mắt lúng liếng bên vành nón quai thao. Câu hát dặt dìu nghe đi rồi nghe lại vẫn như duyên tơ níu kéo trong lòng không muốn rời đi.

“Lóng lánh là lóng ơi à lánh ơi í i , mắt í i i ngườiLà à người, lóng lánh (í ơ ơ) cũng rằng như... sao”

(Dân ca quan họ Bắc Ninh)

Con gái Bắc Ninh dịu dàng, đằm thắm như câu hát quan họ “vang, rền, nền, nẩy” ấy vậy. Chẳng nói ngoa chút nào khi nhìn vào đôi măt lóng lánh như sao mà tắm trong men tình ai đó cả một đời chẳng bao giờ quên được.

Nếu có dịp nghé thăm miền Kinh Bắc, ai ơi hãy xuôi về hội Lim nghe câu quan họ đằm thắm thướt tha mà quên lối về. Hội Lim được tổ chức vào mười hai đến mười bốn tháng Giêng hàng năm. Ngày xưa khi nàng Mỵ Nương vì say mê tiếng hát của chàng Trương Chi mà bao đêm thức ròng cùng ánh trăng không ngủ. Nghe tiếng hát mà yêu cả con người.

Chỉ tiếc rằng hai thân phận khác xa nhau, duyên tình đứt đoạn, có duyên mà không có phận nên chén ngọc vỡ tan, khối tình còn khắc khoải. Câu quan họ dặt dìu từ đó, hội Lim cũng nương theo tiếng hát của đám quan họ mà nhớ về mối tình ngang trái của Mỵ Nương và Trương Chi. Quan họ hát bên nhau, ánh mắt lúng liếng trao nhau nhưng họ không bao giờ lấy nhau.

"Lời nguyền còn đó quan họ không lấy nhauXin hẹn nhau kiếp sauNhưng lòng vẫn muốn người ở người về".

(Người ở người về - Lê Minh Sơn)

Có phải cái gì dang dở mới là đẹp, là khắc khoải, vấn vương? Họ không đến được với nhau nên mới có đêm giã bạn, câu hát quan họ mới thắm, mới tình.

Quê hương tôi còn nhiều lắm những nét văn hóa cổ kính. Làng dệt vải Hồi Quan phất phơ dải lụa trắng được phơi trên sào buông áo ai đang nắm. Làng Đồng Kỵ nhẵn bóng những thớ gỗ có vân hình vuông tròn được chạm khắc tỉ mỉ từng chi tiết. Tranh Đông Hồ “gà lợn nét tương trong” vẫn “sáng bừng trên giấy điệp” như trong thơ của Hoàng Cầm.

Những bức tranh Đông Hồ như một thứ quà tặng văn hóa không chỉ ở quê hương mà cho cả những người con xa xứ. Họ mang theo đến một phương trời xa xôi nào đó để một ngày nhớ quê, vẫn an nhiên ngắm những em bé “hứng dừa” trong tranh. Làng đúc đồng Đại Bái vẫn nặng lòng những tiếng rao khắp mọi miền quê Kinh Bắc “ai đỉnh đồng không?”.

Tôi tự hào được sinh ra bên dòng sông Đuống quanh năm chảy trôi bên lở bên bồi. Có phải vì thế mà tôi cũng như bao người con Kinh Bắc khác mang nỗi tự tình trong lòng chỉ muốn được sẻ chia. Nếu một ngày đi xa được trở về, đưa bàn tay chạm vào đất mềm, tôi tin mình vẫn là người con Kinh Bắc mang hồn cốt rất riêng không lẫn vào đâu được. Tôi cũng mong những thao thức của quá khứ vẫn dịu dàng như làn điệu quan họ dặt dìu. Một chiều cả gió mùa hè đầy nắng, tôi chỉ muốn thốt lên điều tình tự từ đáy lòng: “Tôi yêu quê hương tôi đến thiết tha!”

Nguyễn Thanh Nga

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.