Bạn gái anh tôi 35 tuổi, mẹ chê già bắt chị “theo không”, chị đáp lời khiến bà tái mét mặt
Nói xong chị Yến đứng dậy xin phép ra về còn bà thì đã tức đến nghẹn lời không nói được câu nào. Khi anh tôi về, mẹ nổi giận bắt anh chia tay chị Yến.
Anh tôi năm nay 38 tuổi, mới có bạn gái cách đây 4 tháng. Chị ấy tên Yến, năm nay 35 rồi chẳng còn trẻ nữa. Biết thế nên anh tôi sớm đề cập chuyện kết hôn và chị ấy đã đồng ý. Anh về thưa chuyện với mẹ để bà sắp xếp thời gian sang nhà chị Yến bàn chuyện.
Mẹ tôi đồng ý nhưng hôm qua anh tôi đi vắng, mẹ lại gọi chị Yến tới nhà nói chuyện riêng. Lúc đó tôi cũng ở đấy, sau khi hỏi han vài câu thì mẹ nói thẳng luôn:
- Đã đến giờ này thì bác nói thẳng cho nhanh nhé. Làm đám cưới rất tốn kém, hai đứa để tiền mà sinh con thì thiết thực hơn. Quan trọng là sống với nhau thế nào thôi, hai đứa cứ đăng ký kết hôn, làm dăm, ba mâm đơn giản báo tin cho người thân là được, tầm này tuổi rồi cần gì phải ầm ĩ.
Mẹ tôi gọi chị Yến tới nhà nói chuyện riêng. (Ảnh minh họa)
Chị Yến rõ ràng rất bất ngờ. Chị có vẻ không hài lòng nên đáp lại mẹ tôi:
- Dạ cháu nghĩ bao nhiêu tuổi thì có gì quan trọng đâu ạ. Đám cưới là việc trọng đại của đời người, cháu và anh đều cưới lần đầu tiên trong khi có điều kiện chứ không phải quá thiếu thốn.
Mẹ tôi thấy chị Yến cãi lại thì tức giận:
- Bởi vì nhà gái có phải bỏ tiền ra làm đám cưới đâu nên cháu chẳng nói thế. Nhà trai đủ khoản chi tiêu, từ lễ ăn hỏi cho tới thuê váy, chụp ảnh, nhẫn cưới, sính lễ mang đến nhà gái, thuê xe đón dâu rồi cả sắm phòng tân hôn…, bao nhiêu là tiền.
- Bác yên tâm, anh sẽ có trách nhiệm lo mọi thứ, không để bác phải bận lòng ạ.
- Tiền của nó không phải là tiền của nhà này à? Nó do tôi đẻ ra, nuôi lớn cơ mà. Thôi tôi nói thẳng nhé, cháu đã 35 tuổi già lắm rồi có phải đôi mươi trẻ trung có giá nữa đâu. Lấy được con bác là tốt lắm đấy nên cháu cũng phải nghĩ cho nó, biết điều một chút. Cháu đòi hỏi nhiều quá, nó chán không làm đám cưới nữa thì cháu còn lấy được ai?
Bà nói vậy khác gì bảo già rồi phải chấp nhận "theo không" anh tôi. Câu nói đó của mẹ tôi khiến chị Yến không kiêng nể gì nữa, đáp lời khiến bà tái mét mặt:
- Dạ thưa bác cháu không lấy được ai cũng không sao cả, cháu có thể đến bệnh viện xin làm thụ tinh ống nghiệm để làm mẹ đơn thân, cuộc sống của cháu vẫn rất vui vẻ hạnh phúc. Nhưng anh ấy là con một, chắc hẳn bác mong ngóng có cháu nội bế lắm phải không? Song anh nhà cũng đã 38 tuổi, nếu bác cứ thế này anh ấy không lấy được ai thì mới nguy hiểm đó ạ. Bởi vì đàn ông đâu thể tự sinh con? Tính ra không lập gia đình được thì anh ấy còn khổ sở và tuyệt vọng hơn cháu nhiều!
Nói xong chị Yến đứng dậy xin phép ra về còn bà thì đã tức đến nghẹn lời không nói được câu nào. Khi anh tôi về, mẹ nổi giận bắt anh chia tay chị Yến. Nghe rõ mọi chuyện, anh phản đối gay gắt, nói mẹ mới là người sai. Chị Yến không còn trẻ nhưng anh tôi thì cũng già rồi, tìm được vợ tương xứng đâu dễ dàng gì.
Mẹ tôi vẫn rất tức giận nhưng nghĩ tới không có cháu nội thì bà lo lắng lắm. Mẹ vẫn để bụng lời nói của chị Yến rằng anh tôi không lập gia đình thì không có cách nào sinh con, chẳng như chị ấy có thể làm mẹ đơn thân. Vậy tôi xin hỏi đàn ông độc thân có cách nào để có con hợp pháp, có thể nhờ người mang thai hộ không?
Nói xong chị Yến đứng dậy xin phép ra về còn bà thì đã tức đến nghẹn lời không nói được câu nào. (Ảnh minh họa)
Nam giới độc thân có quyền có con bằng phương pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay không?
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã cho phép phụ nữ độc thân được phép sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Họ được phép có con bằng cách xin tinh trùng, sau đó lấy trứng của bản thân thụ tinh thành phôi và cấy trở lại tử cung của mình.
Tuy nhiên, nếu bản thân người phụ nữ độc thân này có noãn nhưng noãn của họ không thể phát triển thành phôi hoặc họ mắc một số bệnh bẩm sinh, bệnh di truyền, dị tật, bản thân họ không thể mang thai bình thường được. Ngoài ra nam giới độc thân cũng có mong muốn duy trì giống nòi. Vậy thì những đối tượng độc thân như vậy có thể nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay không?
Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Do đó, đối tượng được phép nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải là những cặp vợ chồng vô sinh, bản thân họ phải trải qua quá trình điều trị y tế bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại tổ chức y tế có thẩm quyền và được tổ chức này xác nhận.
Bởi vì Nhà nước muốn bảo vệ giá trị truyền thống gia đình, cũng như hạn chế lối suy nghĩ tự do cá nhân, đề cao tình yêu đôi lứa, kết quả của tình yêu là hôn nhân nên Việt Nam không công nhận người độc thân có quyền nhờ mang thai hộ.
Bình luận