Cặp vợ chồng Hà Nội nhọc nhằn 17 năm chi hơn 1 tỷ tìm con, U60 mới được làm bố
Trong khi ở độ tuổi U60, U50, bạn bè cùng trang lứa đã được lên chức ông, chức bà thì anh Đức, chị Phấn mới được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ đầu tiên.
Đến Thạch Thất (Hà Tây, Hà Nội) hỏi gia đình chị Nguyễn Thị Kim Phấn (49 tuổi) và anh Cấn Văn Đức (56 tuổi), không ai là không biết. Mỗi lần bế con gái (25 tháng) đi ra ngoài chơi, mọi người vẫn trêu anh chị là ông bà bế cháu bởi ở độ tuổi U60, U50 như anh chị, mọi người đã lên chức ông, chức bà. Thế nhưng giờ này anh chị mới được hưởng niềm hạnh phúc được làm bố, làm mẹ đầu tiên sau gần 20 năm trời đằng đẵng tìm con.
Chị Phấn và con gái.
Nhọc nhằn 17 năm tìm con
Anh Đức và chị Phấn kết hôn vào năm 2003, khi ấy chị Phấn 30 tuổi làm may ở tổng đội sông Đà còn anh Đức đã bước sang tuổi 37, là một giáo viên. Kết hôn ở độ tuổi khá muộn nên sau một năm không thấy có tin vui, anh chị đã bắt đầu hành trình tìm kiếm con ngay lập tức.
Từ đông y đến Tây y rồi đông tây y kết hợp nhưng năm này qua năm khác anh chị vẫn mong chờ trong vô vọng. Một năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm,… rồi đến 10 năm, 11 năm, 12 năm, trong khi tuổi thanh xuân của anh chị cứ thế mãi trôi qua, mái tóc anh chị cũng đã dần điểm bạc, gương mặt sạm nám dần vì màu thời gian, vì bao mồ hôi, nước mắt khi bạn bè có con cái đã lớn khôn còn anh chị vẫn mòn mỏi ngóng trông con. Không biết bao nhiêu lần chị Phấn tủi thân, nghĩ đến việc từ bỏ nhưng anh Đức luôn là động lực, là chỗ dựa để cùng chị vượt qua tất cả.
Năm 2016, sau 12 năm uống thuốc Nam thuốc Bắc, kết hợp Tây y không thành công chị Phấn quyết định theo hẳn sự tiến bộ của khoa học hiện đại, theo hẳn Tây y. Tuy nhiên hy vọng rồi lại thất vọng khi chị đi đến 3 bệnh viện lớn ở Hà Nội chữa trị mà vẫn không thành công. Thậm chí, có bác sĩ còn từ chối điều trị cho chị vì khả năng thành công quá mong manh.
“Mình đi khám 3 bệnh viện, người ta bảo bị tắc vòi trứng, phải mổ đến 4 lần mà vẫn không có thai được. Thậm chí 2 lần mình chuyển phôi còn bị chửa ngoài dạ con nữa”, chị Phấn tâm sự.
Chị Phấn bộc bạch, có nhiều lần, chị đã tự nói với lòng mình rằng “thôi, buông xuôi” nhưng nghĩ đến con cái hiếm, chị lại quyết tâm đi tìm. Dù buồn tủi, dù thất vọng nhiều nhưng chị chỉ nhụt chí trong khoảnh khắc, tầm 10 ngày, nửa tháng chị lại tiếp tục hành trình tìm con.
Năm 2019, chị quyết định sang Bệnh viện Bưu điện để tiến hành hỗ trợ sinh sản, làm IVF. Và khi đến đây, sau khi được khám, xét nghiệm gen tất cả, chị mới biết mình bị xoắn ở đáy tử cung khiến khó có con. Bác sĩ đã phải làm phẫu thuật kẹp duỗi rồi mới tiến hành IVF cho chị. Cuối cùng sau khi chọc hút trứng, chị tạo được 12 phôi và nuôi 4 phôi lên ngày 5. Lần chuyển phôi đầu tiên chị đã thành công khi đậu cả 2 phôi.
“Khi biết tin có thai, vợ chồng mình vỡ òa trong hạnh phúc. Cả nhà vui mừng vì sau gần 20 năm tìm kiếm vợ chồng mình cũng đã có con”, chị Phấn chia sẻ niềm vui của mình.
Chị nhọc nhằn gần 20 năm mới tìm được con.
Nói đến đây, chị Phấn cười cho biết, nghĩ lại chị vay tiền giỏi bởi để tìm con chị quyết định nghỉ làm từ năm 2007, một mình chồng chèo chống kinh tế. Tính đến nay, chi phí thống kê trên hành trình tìm con của anh chị đã tốn hết hơn 1 tỷ. May mắn khi tiến hành IVF ở Bệnh viện Bưu điện, chị được hỗ trợ 30 triệu nên cũng đỡ phần nào gánh nặng kinh tế.
Khó khăn trên hành trình tìm con nhưng chị Phấn mang bầu khá thuận lợi. Cả thai kỳ chị tăng 18kg. Dù mang bầu ở tuổi 47 nhưng chị rất khỏe mạnh, không hề nghén ngẩm. Chị ăn uống bình thường và lần nào đi khám thai cũng phát triển bình thường. Tuy nhiên sau đó chị vô cùng lo lắng vì một thai bị lưu phải đến Bệnh viện Phụ sản Trung Ương bác sĩ hỗ trợ lấy thai lưu ra, đảm bảo an toàn cho em bé còn lại.
Mang bầu 35 tuần nhập viện gấp cứu con
Chị Phấn sinh bé ở tuần thứ 35. Kể về ngày đi sinh của mình, chị Phấn cho biết, khi mang bầu 35 tuần, chị đến viện đăng ký làm hồ sơ sinh. Ngày hôm đó thời tiết nắng nóng 38-40 độ khiến huyết áp chị tăng cao, các bác sĩ đã đưa chị vào phòng mổ cấp cứu luôn.
Vì con sinh non nên khi con chào đời chị Phấn không được nhìn thấy con, bé được chuyển lên phòng chăm sóc đặc biệt. Mãi đến sau sinh 6 ngày chị mới được gặp con.
“Mổ xong mình buồn lắm, chỉ mong gặp con. Mình mới mổ còn tự đi xuống để gặp con nhưng không được. Đáng ra hai mẹ con tách nhau 10 ngày nhưng sau 6 ngày bé ăn uống khỏe, 2 mẹ con đã được gặp nhau. Bé sinh non nhưng chào đời nặng 3kg”, chị Phấn cho biết.
Chị và con gái đến tham dự Ngày hội tư vấn vô sinh, hiếm muộn 2022 của Bệnh viện Bưu điện.
Bé sinh non nhưng trộm vía chị Phấn không gặp khó khăn trong việc nuôi con. Bé ăn uống đều đặn nên phát triển tốt. Đối với chị Phấn, anh Đức, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Đặc biệt, khi con biết gọi bố, mẹ lần đầu tiên, nhìn thấy nụ cười của con, bao khó khăn, vất vả, bao giọt mồ hôi, công sức của anh chị đã được đền đáp xứng đáng.
“Mình xin cám ơn đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đã nhiệt tình giúp đỡ bệnh nhân. Các vợ chồng hiếm muộn đừng bao giờ mất hy vọng, rồi ánh sáng sẽ xuất hiện phía cuối con đường hầm”, chị Phấn nhắn nhủ.
Bình luận