Cho cháu nội, cháu ngoại 50 triệu sau thi đại học, phản ứng khác biệt của hai đứa khiến tôi lạnh lòng
Trước bữa cơm, tôi với ông nhà đã chuẩn bị sẵn 100 triệu, chia thành hai phong bì, mỗi cháu 50 triệu. Tôi định bụng sẽ đưa tận tay các cháu để chúng tự quyết định chi tiêu.
Tôi và ông nhà đều là giáo viên đã nghỉ hưu. Hai ông bà già cũng gọi là có chút của để dành, hàng tháng có lương hưu, lại có khoản tiết kiệm riêng, nên cuộc sống vẫn ổn định, không phải lo nghĩ nhiều.
Chúng tôi có hai con, một trai, một gái. Dù hai đứa cách nhau 5-6 tuổi nhưng con cái của chúng lại sinh cùng năm, thế là cháu nội và cháu ngoại bằng tuổi nhau. Cũng vì thế, từ nhỏ tôi luôn cố gắng đối xử với hai cháu thật công bằng, không phân biệt nội - ngoại.
Mẹ của con rể tôi mất sớm, nên khi cháu ngoại chào đời cũng chẳng có ai phụ giúp, một mình con gái tôi tự tay nuôi nấng. Khi cháu còn nhỏ, con bé còn tự chăm được, nhưng lớn hơn chút thì đi làm, không thể quán xuyến hết. Vậy là cháu ngoại được gửi sang nhà tôi, tôi chăm sóc cháu y như cháu nội.
Thời điểm ấy, tôi cũng vừa nghỉ hưu. Cả ngày ở nhà quanh quẩn lo cho hai đứa nhỏ, coi đó là niềm vui tuổi già.
Nhiều người bảo tôi tự chuốc lấy khổ, ngày nào cũng bận rộn với trẻ con. Nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi yêu trẻ, thương cả con trai, con gái, lẫn hai đứa cháu.
Có lẽ do làm thầy cô bao năm, tôi lại càng đặt nhiều kỳ vọng vào việc học hành của chúng. Từ nhỏ tôi đã dạy các cháu học chữ, kèm từng nét bút, dẫn đi học thêm, cuộc sống cứ vậy mà trôi qua đầy đủ, ý nghĩa.
Từ nhỏ tôi đã dạy các cháu học chữ, kèm từng nét bút. (Ảnh minh họa)
Người ngoài hay nói nhà nào cũng thiên vị cháu nội, lạnh nhạt với cháu ngoại. Nhưng tôi không như vậy. Cháu ngoại không có bà nội, tôi càng thương cháu hơn. Có gì ăn cũng chia đều, mua đồ chơi cũng chia đều, chưa từng có chuyện thiên vị.
Sau này, hai đứa đi học, tôi đỡ vất vả hơn. Chúng tự lo được chuyện ăn uống, học hành. Tôi chỉ còn giúp chúng tìm thầy giỏi, đóng học phí, lo cho việc học thêm.
Tự hỏi lòng, tôi thấy mình thực sự đã đối xử với hai cháu công bằng. Cho tiền cũng chia đều, chăm sóc cũng như nhau, ăn uống, vui chơi không hề phân biệt. Tôi cũng chẳng mong các cháu sau này phải báo hiếu, chỉ cầu mong chúng sống tốt, thành người.
Thế nhưng, sau kỳ thi đại học, hai đứa lại có những biểu hiện khiến tôi chạnh lòng. Tôi cứ nghĩ chúng sẽ hiểu tấm lòng công bằng của ông bà, nào ngờ sự khác biệt lại hiện rõ ràng.
Đêm hôm đó, cả gia đình tụ họp ăn mừng hai cháu hoàn thành kỳ thi. Con trai, con gái, con dâu, con rể, ông bà sui gia, mọi người tụ họp đông đủ.
Trước bữa cơm, tôi với ông nhà đã chuẩn bị sẵn 100 triệu, chia thành hai phong bì, mỗi cháu 50 triệu. Tôi định bụng sẽ đưa tận tay các cháu để chúng tự quyết định chi tiêu.
Khi không khí bữa ăn sôi nổi hơn, tôi lấy phong bao ra, cười nói:
- Trước kỳ thi ông bà đã hứa rồi. Bất kể điểm số thế nào, ông bà vẫn thưởng cho hai đứa. Nhớ tiêu cho đúng chỗ đấy nhé.
Cháu nội nhanh nhảu đứng dậy nhận ngay phong bao, tôi dặn dò:
- Cháu đừng tiêu bậy bạ nhé, vào đại học rồi thì mua cái máy tính mà học hành.
Nó gật đầu rồi đưa tiền cho mẹ giữ. Con dâu tôi cũng nói thêm:
- Con đưa mẹ giữ trước nhé, sau này cần mua gì thì bảo mẹ.
Cháu nội cũng lễ phép cảm ơn tôi. Tôi vui vẻ bảo hai đứa cứ nghỉ ngơi, chuẩn bị chọn trường, chọn ngành.
Đêm hôm đó, cả gia đình tụ họp ăn mừng hai cháu hoàn thành kỳ thi. (Ảnh minh họa)
Đến lượt cháu ngoại, tôi cũng đưa phong bao, nói lời y như vậy. Nhưng cháu ngoại chỉ lặng lẽ gật đầu, không vội vàng nhận. Con gái tôi lên tiếng:
- Mẹ à, thôi đừng cho nó nữa. Máy tính, điện thoại bọn con mua hết rồi. Mẹ với bố cứ giữ lại tiền mà tiêu, chuyện của con cái bọn con tự lo.
Không rõ con gái tôi thật lòng hay khách sáo, nhưng tôi vẫn đưa phong bao cho cháu ngoại. Cháu nhận, nhưng rất rụt rè.
Sau bữa ăn, khi mọi người nói chuyện về kế hoạch nghỉ hè, cháu nội nói muốn đi Đà Nẵng chơi với bạn. Cháu ngoại bảo chưa nghĩ ra sẽ đi đâu. Cháu nội liền rủ rê:
- Hay anh đi cùng bọn em luôn đi, cho vui.
Nói rồi nó quay sang tôi, hào hứng:
- Bà ơi, bà cho con thêm 15 triệu nữa nhé, con muốn mua flycam quay cảnh trên trời, về cho bà xem.
Nó thao thao giới thiệu nào là flycam bay cao 5-6 nghìn mét, tự động quay video, bám theo người di chuyển. Tôi không nỡ làm cháu cụt hứng nên đồng ý, nhưng cũng nói rõ:
- Bà mua hai cái, mỗi đứa cháu một cái cho công bằng.
Cháu ngoại nghe vậy thì lập tức từ chối:
- Con không chơi cái đó, con không cần đâu.
Khi không khí đang sôi nổi, tôi đã mang 2 phong bì đã chuẩn bị sẵn đưa cho 2 cháu. (Ảnh minh họa)
Tôi hỏi cháu thích gì, muốn mua gì thì cứ nói, ông bà sẽ mua riêng cho. Nhưng cháu chỉ nói:
- Con chẳng thích gì cả. Máy tính với điện thoại cũng có rồi. Cái gì cần, con để mẹ con mua. Ông bà giữ tiền lo cho mình đi, đừng lo cho bọn con nữa.
Câu nói ấy khiến tôi thực sự xúc động. Cháu ngoại lại còn dặn thêm:
- Ông bà nhớ giữ gìn sức khỏe, không thì đi chơi đi cho khuây khỏa cũng được, đừng tiết kiệm quá.
Tôi chỉ biết gật đầu nhưng lòng rưng rưng. Con dâu tôi cũng vội tiếp lời:
- Nhìn cu Thắng (tên cháu ngoại tôi) mà xem, ngoan quá trời.
Thế mà cháu nội lại ậm ừ cho qua, còn buông một câu khiến tôi lạnh lòng:
- Ông bà cho cháu là chuyện bình thường mà, ai mà chẳng vậy. Cứ làm ra vẻ để ông bà thương hơn.
Đối xử công bằng suốt bao năm, vậy mà cuối cùng, hai đứa trẻ vẫn khác nhau. Một đứa vô tư coi đó là chuyện đương nhiên, một đứa thì luôn nghĩ cho ông bà. Không biết là do tôi làm sai chỗ nào, hay đây vốn là sự khác biệt tự nhiên giữa người với người?
Bình luận