Chuyển 2 phôi nhưng may mắn đậu 3 thai, sau sinh mẹ bỉm luôn tay chăm con chưa 1 ngày được kiêng cữ
Dù sau sinh mỗi tháng nuôi con tốn 1 khoản tiền khủng và rất vất vả nhưng vợ chồng Thái Bình vẫn hạnh phúc vì có 3 thiên thần nhỏ đáng yêu.
Hiện nay, 3 thiên thần nhỏ nhà chị Hậu (Kiến Xương, Thái Bình) đã được tròn 8 tháng tuổi và rất ngoan ngoãn, ăn ngủ tốt. Nhìn các con đáng yêu như vậy, không ai nghĩ được bản thân vợ chồng chị lại trải qua hành trình tìm con khá gian nan.
Chị Hậu cho biết, 1 năm sau khi kết hôn vợ chồng chị quyết định thụ tinh nhân tạo (IVF) nhưng sau đó thai ngoài tử cung và tự sinh hóa. Đầu năm 2021, chị Hậu IVF lần 2 nhưng sau đó thai cũng bị sinh hóa.
6 tháng sau đó, người vợ này may mắn có bầu tự nhiên nhưng lại bị thai lưu ở tháng thứ 3. Đến giữa năm 2022, do còn phôi ở viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội nên vợ chồng chị lại dắt díu nhau thực hiện IVF.
Sau 3 lần mang bầu không thành, người vợ trẻ đã bầu tam thai và có 3 con kháu khỉnh. (Ảnh: NVCC)
“Vợ chồng em chuyển tiếp 2 phôi sau gần 3 năm lấy nhau. Hôm thử que lên 2 vạch và beta cao vút khiến 2 cả hai sung sướng vỡ oà nhưng cũng lo lắng bởi bác sĩ bảo beta cao thế dễ thai đôi. Bác sĩ cũng khuyên nếu thai đôi thì giảm thiểu đi. Khi mang bầu ở tuần thứ 7, bác sĩ phát hiện chị đang bầu 3 thai chứ không phải 2 thai”, chị Hậu kể lại.
Chị Hậu cũng giải thích: "Rất nhiều người thắc mắc vì sao vợ chồng em chuyển 2 phôi IVF nhưng lại đậu tam thai. Hiện tượng này hiếm gặp này bác sĩ bảo vẫn xảy ra sau quá trình phân tách phôi. Quá trình phân tách phôi rất khó để đánh giá và quan sát bằng mắt thường. Một số ít trường hợp có thể thấy rõ hiện tượng "phôi phân tách" ở giai đoạn phôi nang".
Khi biết mẹ bầu tam thai, các bác sĩ nhiều lần khuyên vợ chồng chị Hậu nên giảm thiểu thai chỉ giữ lại 1 để an toàn nhất trong thai kỳ. Về nhà, vợ chồng chị suy nghĩ 3 ngày và quyết định giữ lại con. 2 vợ chồng chị Hậu đều nghĩ, mong mãi mới có con, giờ giảm thiểu đi thấy áy náy nếu phải lựa chọn giảm thiểu bất cứ con nào.
Mang bầu 3 thai nhưng cả quãng thời gian bầu bí, chị Hậu chỉ nôn khan đến tháng thứ 4 thì hết. Chị vẫn ăn uống bình thường và không bỏ bữa nào: “Chỉ trừ thực phẩm cay nóng em không ăn còn lại đi làm trưa ở cơ quan vẫn ăn cơm bụi. Đến tháng thứ 4 thì bắt đầu ăn tổ yến nhiều, luôn giữ tinh thần thoải mái. May mắn cả thai kỳ 3 em bé tăng cân đều và phát triển tốt”.
Bản thân chị Hậu đi làm đến tháng thứ 6 mới xin nghỉ nhưng trộm vía chị khỏe mạnh đến tận lúc lên bàn sinh. Chị Hậu tăng 13kg và các bé sinh ra có cân nặng đều cán mốc 1,8kg trở lên.
Do các bé sinh non ở tuần thứ 33 nên việc chăm sóc rất vất vả. (Ảnh: NVCC)
Để chuẩn bị cho chuyến vượt cạn tam thai an toàn, ở 26 tuần chị Hậu khăn gói lên viện Phụ sản Hà Nội nằm dưỡng thai. Những ngày ở đây, chị được chị gái luôn ở bên chăm sóc. Đến tuần thứ 32 bố đẻ mất nhưng chị không về được và phải ở viện một mình.
Tuần 33, bác sĩ siêu âm thấy có 1 bé bị giảm chỉ số não rốn và chỉ định truyền mũi bảo vệ não cho thai nhi và mổ đẻ sớm. Lúc ấy mẹ bầu tam thai vẫn chạy đi làm thủ tục sinh xong mới gọi điện cho chồng từ Thái Bình lên viện. Khi anh xã lên đến nơi cũng là lúc chị đang trong phòng mổ.
“Mổ đẻ xong, 7 tiếng sau em mới được gặp chồng nhưng không được gặp con vì các cháu được đưa lên khoa sơ sinh chăm sóc. Sau 5 ngày lưu viện, em phải thuê nhà ở cùng chị gái trước cổng viện chờ tin của các con mà chẳng có lấy 1 ngày ở cữ, chưa được ăn một bữa cơm cữ nào. Ăn uống ở viện thì toàn đồ nguội mua sẵn, 3 bé nhà em phải nằm 2 nơi và chỉ được đi thăm vào ngày thứ 3, thứ 6. Ngày thứ 9 sau sinh em mới được đón bé đầu về nhà”, mẹ bỉm kể về những nhọc nhằn chăm sóc con sinh non.
Ngay cả khi con đã được 8 tháng tuổi, vợ chồng chị Hậu vẫn ngỡ như 1 giấc mơ. (Ảnh: NVCC)
Ngoài ra, chị Hậu cũng nhờ các cô điều dưỡng ở khoa sơ sinh hướng dẫn cách chăm sóc bé. Vì thế khi bé thứ 2 được xuất viện mẹ bỉm đã biết chăm con thành thạo hơn. Tuy nhiên chị vẫn lo vì vẫn còn 1 bé bị phổi, bẩn ruột, nhiễm khuẩn chưa tìm ra nguyên nhân phải nằm viện.
“Chồng em đã thuê 1 người lên chăm con cùng vợ và có thêm 2 người thân trong nhà hỗ trợ. Chăm 3 con sơ sinh sinh non nhiều vất vả không thể kể hết. Con út nằm viện tròn 1 tháng 3 ngày mới được ra thì cả nhà mới được về quê ăn Tết”, chị Hậu nói.
Từ khi về nhà dù có sự hỗ trợ của chị dâu và cô cháu gái nhưng mẹ bỉm vẫn phải thuê thêm 2 người cùng phụ chăm 3 con. Thời gian đầu khó khăn vì các con còn quá nhỏ, con vẫn hay chớ và ăn đêm liên tục. Trong khi đó, chị Hậu bị mất sữa phải nuôi 3 con bằng sữa ngoài. Bản thân mẹ bỉm lúc nào cũng thiếu ngủ, mệt mỏi vì sau sinh không được nghỉ ngơi. Nhưng tất cả mọi khó khăn ấy vợ chồng chị Hậu đều dần vượt qua được khi mỗi ngày nhìn các con khôn lớn.
Dù chăm con mọn vất vả nhưng vợ chồng chị Hậu rất hạnh phúc mỗi ngày nhìn các con khôn lớn. (Ảnh: NVCC)
Được biết hiện nay, chỉ tính tiền bỉm sữa 1 tháng cho 3 con, vợ chồng chị Hậu đã tốn khoảng 15 triệu đồng chưa kể những chi phí khác.
“Có con là điều vợ chồng em thấy hạnh phúc nhất, chồng em là trưởng họ nên anh vui sướng lắm. Đến giờ khi các con đã được 8 tháng, vợ chồng em vẫn thấy như 1 giấc mơ. Do được chồng quan tâm chia sẻ nên cuộc sống của em không thay đổi quá nhiều. Hàng ngày nhìn các con khỏe mạnh, đáng yêu lớn lên là chúng em quên hết mệt mỏi. Con 8 tháng cũng là lúc em phải đi làm lại nên ở nhà chồng em và các bác hỗ trợ chăm con thêm”, mẹ bỉm nói.
Bình luận