Có 3 câu bố mẹ nên giữ chặt trong lòng, vô tình nói ra sẽ làm tổn thương trẻ
Những câu nói vô tình hoặc phản ứng tức thời của bố mẹ có thể để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí trẻ.
Việc nuôi dạy trẻ không phải là điều dễ dàng. Ngoài việc lo lắng về thức ăn, quần áo, nhà ở, phương tiện đi lại, học tập và sự phát triển, bố mẹ còn phải đặc biệt chú ý đến cách trò chuyện với con.
Giao tiếp là một phần quan trọng trong quá trình giáo dục và hình thành nhân cách của trẻ. Những lời nói của bố mẹ ảnh hưởng đến tâm lý, định hình cách mà trẻ nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh.
Một số bố mẹ rất yêu thương con, nhưng đôi khi không thể kiểm soát được những lời nói có thể tổn thương trẻ. Những câu nói vô tình hoặc phản ứng tức thời có thể để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí, ảnh hưởng đến sự tự tin và cảm giác an toàn.
Trẻ nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi những lời nói của người lớn, vì vậy bố mẹ cần cẩn trọng, nên hạn chế nói 3 kiểu câu sau đây với con.
“Mẹ ước không sinh ra con”
Có thể bố mẹ tức giận và muốn thể hiện sự thất vọng, nhưng với trẻ, đây là sự phủ nhận ý nghĩa tồn tại của mình.
Trẻ em, khi mới chập chững vào đời, là những tâm hồn nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Con cái là kết quả của tình yêu thương của bố mẹ. Khi trẻ đến với thế giới này, điều mong muốn nhất là tình yêu thương và sự công nhận. Mỗi cái ôm, lời khen hay đơn giản chỉ là sự hiện diện của bố mẹ đều mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và giá trị.
Khi bố mẹ nói "Bố mẹ không nên sinh ra con", trẻ sẽ cảm thấy mình đã phạm sai lầm và là gánh nặng. Khiến trẻ cảm thấy mình không xứng đáng tồn tại, chỉ đem lại phiền phức cho người lớn.
Chấn thương tâm lý này có thể theo trẻ suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến cách tương tác với người khác, nhìn nhận bản thân.
Nhiều người lớn mang trong mình những vết thương từ thời thơ ấu, họ có thể thành công trong sự nghiệp, nhưng trong sâu thẳm, vẫn cảm thấy thiếu thốn tình yêu và sự công nhận đã khát khao. Những cảm giác này dễ dẫn đến sự lo âu, trầm cảm và nhiều vấn đề tâm lý khác.
"Nhìn con nhà người ta mà học hỏi"
Nhiều phụ huynh vô thức so sánh con mình với con người khác, vô tình gây ra nhiều áp lực cho trẻ.
Trẻ em nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi suy nghĩ, nhận định của người lớn, và khi cảm thấy bị so sánh với người khác, dễ rơi vào trạng thái tự ti, cảm thấy mình không đủ tốt.
Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Bố mẹ thường so sánh sẽ làm giảm sự tự tin, trẻ sinh ra cảm xúc ghen tị và oán giận.
Trẻ có thể cảm thấy mình không bao giờ đủ giỏi, không bao giờ đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ. Ảnh hưởng đến việc trẻ ngừng cố gắng, từ bỏ sở thích.
Hơn nữa, khi trẻ cảm thấy bị áp lực để trở thành một phiên bản nào đó mà bố mẹ mong muốn, có thể mất đi bản sắc riêng.
Trẻ có thể dần đánh mất niềm vui trong việc học tập và khám phá thế giới xung quanh. Nếu tiếp tục sống trong áp lực so sánh, có thể phát triển những vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm, và thậm chí là các rối loạn hành vi.
Vì vậy, bố mẹ nên khám phá thêm điểm mạnh, khuyến khích trẻ phát huy, thay vì yêu cầu bắt chước người khác.
Hãy dành thời gian để tìm hiểu sở thích, năng khiếu và những gì làm cho trẻ trở nên đặc biệt. Mẹ có thể động viên trẻ tham gia các lớp học nghệ thuật, thể thao, hoạt động ngoại khóa khác....
"Mẹ làm tất cả điều này là vì con"
Bố mẹ sẵn sàng làm mọi thứ, từ những công việc hàng ngày đến những quyết định quan trọng, chỉ nhằm mang lại điều tốt nhất cho con.
Mọi nỗ lực và cố gắng của mẹ không phải chỉ là vì trách nhiệm mà còn xuất phát từ tình yêu thương sâu sắc, mong muốn con có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và trọn vẹn.
Tuy mang ý nghĩa tích cực về tình yêu thương và sự hy sinh của bố mẹ, nhưng cũng có thể tạo ra áp lực cho trẻ. Trẻ có thể cảm thấy gánh nặng trách nhiệm phải đáp ứng kỳ vọng, mọi hành động, mọi nỗ lực đều phụ thuộc vào việc mình phải thành công hoặc làm bố mẹ hài lòng.
Áp lực này khiến trẻ cảm thấy mình phải luôn hoàn hảo, không được phép mắc sai lầm hay thất bại. Điều này có thể gây ra lo âu, căng thẳng, hay không đủ tốt, không xứng đáng với tình yêu thương.
Hơn nữa, câu nói này dễ khiến trẻ cảm thấy mình là nguyên nhân của mọi áp lực trong gia đình. Khi mọi thứ mẹ làm đều vì con, nếu mình không thành công, mình sẽ gây ra nỗi thất vọng. Điều này có thể làm trẻ tự ti, không dám thử nghiệm hay khám phá bản thân vì sợ làm bố mẹ buồn.
Để giảm bớt áp lực này, bố mẹ có thể điều chỉnh cách diễn đạt của mình. Thay vì nhấn mạnh rằng mọi thứ mẹ làm đều vì con, hãy tạo ra một môi trường khuyến khích trẻ phát triển bản thân một cách tự do và thoải mái, hiểu rằng tình yêu thương từ bố mẹ không phụ thuộc vào thành công hay thất bại của trẻ.
Bình luận