Con gái danh hài Xuân Hinh mang bầu bị tiểu đường thai kỳ, đến bữa phải bấm giờ vì ăn quá chậm
Linh Bùi đã chia sẻ một ngày ăn của mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ mà bản thân mình trải qua.
Con gái Xuân Hinh tiết lộ “một ngày ăn của mẹ bầu tiểu đường”
Linh Bùi, con gái nghệ sĩ Xuân Hinh kết hôn cùng ông xã Đức Triệu vào cuối năm 2022. Cuối tháng 12/2024, Linh Bùi thông báo tin vui đã bầu được 4 tháng. Cô cho biết em bé đến với mình hoàn toàn bất ngờ vì trước đó vợ chồng cô có kế hoạch 2-3 năm nữa mới sinh con để tập trung cho sự nghiệp. Cặp đôi trải qua nhiều cảm xúc từ hạnh phúc đến lo lắng. Nhưng Đức Triệu thổ lộ rằng, với anh, em bé như một phép màu.
Con gái Xuân Hinh báo tin vui hồi cuối năm 2024, sau 2 năm kết hôn.
Mới đây Linh Bùi đã đăng tải một video ghi lại một ngày ăn uống và sinh hoạt của bà bầu bị tiểu đường thai kỳ, khiến nhiều mẹ bầu đồng cảm. Bà xã của “cực phẩm” Người Ấy Là Ai dí dỏm: “Chào mừng các bạn đã đến với một ngày cùng bà mẹ tiểu đường!” Dù đang đi du lịch, cô vẫn tuân thủ chế độ ăn sáng như ở nhà: “Ngày nào cũng trứng, bánh mì đen, phết bơ, sữa không đường, sữa chua không đường”. Với mứt cam, thèm lắm nhưng cô chỉ dám cắn một miếng.
Linh thừa nhận, trước đây cô từng “nghiện” bánh mì, nhưng khi phát hiện bị tiểu đường thai kỳ, thói quen này đã “rơi vào dĩ vãng rồi” và chỉ ăn bánh mì đen. Bữa trưa của Linh có salad, ba chỉ rang cháy cạnh, cơm trắng, canh nghêu. Bữa tối cô vẫn ăn như cơm nhà như rau, trứng chiên, thịt rang cháy cạnh, ngô chiên, hàu nướng.
Khi đi du lịch, Linh vẫn ăn sáng như ở nhà, ngày nào cũng thực đơn giống nhau như vậy.
Cô phải từ bỏ món bánh mì yêu thích. Bữa trưa và tối, cô vẫn ăn cơm trắng và những món đậm chất cơm nhà.
Đặc biệt, Linh chia sẻ: “Ăn bấm giờ, vì ăn quá chậm. Bình thường mình ăn mỗi bữa 1 tiếng, bây giờ chỉ được nửa tiếng thôi”. Mỗi bữa ăn, cô canh giờ nghiêm ngặt, chỉ ăn trong vòng 30 phút để đảm bảo tốc độ hấp thu vừa đủ, không làm đường huyết tăng cao đột ngột.
Linh Bùi phải bấm giờ vì ăn quá chậm.
Đo đường huyết liên tục và vận động nhẹ nhàng
Linh chia sẻ kết quả đo đường huyết sau mỗi bữa ăn như một cách theo dõi và động viên chính mình. Đầu tiên là 2 tiếng sau ăn sáng, kết quả 5.5 – cô vui mừng khi kết quả kiểm tra nằm trong mức an toàn. Tuy nhiên, không phải lúc nào chỉ số cũng lý tưởng. “6.3 – Thế này là cũng cao hơn bình thường rồi đấy. Nhưng vẫn trong vòng an toàn”, Linh Bùi thành thật. Kết thúc một ngày, Linh tiếp tục đo đường huyết sau bữa cơm hơi nhiều tinh bột, cô thở phào nhẹ nhõm: “May quá, 6.2!”.
Cảm giác hồi hộp của bà bầu mỗi lần lấy máu đầu ngón tay và test tiểu đường.
Giữa các bữa ăn, Linh duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ, vừa tốt cho thai nhi, vừa hỗ trợ ổn định đường huyết. Cô vui vẻ khi dạo bộ cùng chồng, tạo sự thoải mái cho chính mình dù lịch trình kiểm soát khá nghiêm ngặt.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian mang thai, ảnh hưởng tới cả mẹ và bé nếu không được kiểm soát đúng cách. Việc duy trì chế độ ăn hợp lý, đo đường huyết đều đặn và vận động nhẹ nhàng như cách Linh Bùi đang làm là những biện pháp được bác sĩ khuyến khích.
Cô nàng luôn có sự đồng hành của ông xã Đức Triệu.
Thông qua những chia sẻ chân thật, nhẹ nhàng và đôi khi rất hài hước, Linh Bùi đang giúp nhiều mẹ bầu bớt áp lực, hiểu rằng việc bị tiểu đường thai kỳ không quá đáng sợ, quan trọng là hiểu cơ thể mình và kiên trì đồng hành với con trong suốt thai kỳ. Bên dưới bình luận, rất nhiều chị em đã và đang gặp phải trình trạng này đã có những chia sẻ thực tế cùng Linh.
Tiểu đường thai kỳ: Những điều mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian mang thai, thường xảy ra ở khoảng tuần thứ 24–28. Nếu không kiểm soát tốt, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là những lưu ý quan trọng giúp mẹ bầu hiểu và đối phó hiệu quả với tiểu đường thai kỳ.
1. Theo dõi đường huyết thường xuyên
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần đo đường huyết đều đặn, đặc biệt là vào buổi sáng trước ăn và 1–2 tiếng sau mỗi bữa ăn.
Mức đường huyết lý tưởng:
Trước ăn: Dưới 95 mg/dL (5.3 mmol/L)
Sau ăn 1 giờ: Dưới 140 mg/dL (7.8 mmol/L)
Sau ăn 2 giờ: Dưới 120 mg/dL (6.7 mmol/L)
2. Ăn uống khoa học, đúng giờ
Chia nhỏ bữa ăn: 3 bữa chính + 2–3 bữa phụ trong ngày để tránh tăng đường huyết đột ngột.
Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI thấp):
Gạo lứt, bánh mì đen, yến mạch, khoai lang
Rau xanh, trái cây ít đường (bưởi, táo, kiwi…)
Thịt nạc, cá, đậu phụ, sữa không đường
Hạn chế tuyệt đối:
Đồ ngọt, nước ngọt, bánh kẹo
Cơm trắng ăn quá nhiều
Các món chiên rán nhiều dầu mỡ
3. Kiểm soát tốc độ ăn và lượng tinh bột
Ăn chậm, nhai kỹ, giới hạn thời gian mỗi bữa ăn khoảng 30 phút để cơ thể hấp thu từ từ.
Không nên ăn quá nhiều tinh bột trong một bữa dù là loại có lợi (gạo lứt, bánh mì đen...), nên chia đều trong ngày.
4. Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày
Đi bộ sau ăn khoảng 30 phút giúp ổn định đường huyết hiệu quả.
Mỗi ngày nên duy trì vận động nhẹ nhàng khoảng 30–45 phút, chia thành nhiều lần nếu cần.
Tránh nằm hoặc ngồi yên sau ăn vì dễ khiến đường huyết tăng cao.
5. Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng
Căng thẳng kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết.
Ngủ đủ giấc, tránh lo lắng quá mức, có thể thiền, nghe nhạc, đọc sách để thư giãn đầu óc.
6. Tái khám và làm xét nghiệm định kỳ theo chỉ định bác sĩ
Mẹ bầu nên tuân thủ lịch khám, xét nghiệm, siêu âm… để theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Nếu đường huyết không ổn định dù đã ăn kiêng và tập luyện, bác sĩ có thể chỉ định dùng insulin – không gây hại cho thai nhi nếu dùng đúng cách.
7. Sau sinh cần theo dõi đường huyết tiếp tục
Phần lớn mẹ bầu sẽ trở lại bình thường sau sinh, nhưng vẫn có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 trong tương lai.
Nên xét nghiệm đường huyết lại sau sinh 6–12 tuần và duy trì theo dõi định kỳ hằng năm.
Lưu ý: Tiểu đường thai kỳ nếu được phát hiện sớm và kiểm soát tốt, mẹ vẫn có thể sinh con khỏe mạnh. Điều quan trọng là sự chủ động của mẹ và đồng hành cùng bác sĩ trong suốt thai kỳ.
Bình luận