Đưa vợ đi sinh, chồng chưa kịp thấy mặt con đã ngất xỉu, được ưu ái 1 giường riêng để tĩnh dưỡng
Một chuyên gia nổi tiếng về sinh nở từng khẳng định rằng việc chồng đồng hành cùng vợ trong phòng sinh có thể không phải là lựa chọn phù hợp.
Ngoài việc ảnh hưởng đến tâm trạng của người mẹ, điều này còn có thể để lại những hình ảnh khó quên, thậm chí ám ảnh người chồng, gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ vợ chồng sau này.
Dẫu vậy, ngày càng nhiều ông chồng chọn cùng vợ bước vào phòng sinh. Họ không chỉ muốn sẻ chia mà còn thêm yêu thương vợ hơn sau khi chứng kiến sự vất vả của quá trình vượt cạn. Thế nhưng, có nên hay không để người chồng cùng vợ vào phòng sinh vẫn là chủ đề gây tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn của các bà mẹ bỉm sữa.
Một câu chuyện hài hước nhưng cũng đầy cảm xúc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã minh chứng rõ nét về những tình huống khó lường trong phòng sinh. Một người vợ tên Corianne kể lại khoảnh khắc đáng lẽ là hạnh phúc nhất đời mình khi chào đón đứa con đầu lòng, nhưng mọi sự chú ý trong phòng sinh lại đổ dồn vào chồng cô – vì anh đã ngất xỉu ngay lúc vợ chuyển dạ.
Đúng lúc vợ chuyển dạ thì chồng ngất xỉu.
Đoạn video dài 11 giây ghi lại cảnh Corianne nằm trên giường sinh, được một y tá chăm sóc, trong khi góc màn hình xuất hiện đôi chân của chồng cô là Cody. Người đàn ông 32 tuổi này nằm co ro trên sàn, được một y tá khác chăm sóc với túi nước đá và nước trái cây để hồi sức. Cảnh cuối video là Cody nằm nghỉ trên ghế sofa, đắp chăn thoải mái – trái ngược hẳn với sự vất vả của vợ mình.
Người chồng được nằm nghỉ trên ghế sofa sau khi bị ngất xỉu.
Corianne chia sẻ: “Chồng tôi sợ kim tiêm. Anh ấy chỉ nhìn thấy kim là xỉu ngay".
Câu chuyện của Corianne thu hút hàng triệu lượt xem và nhiều bình luận đồng cảm hoặc hài hước từ cộng đồng mạng:
- “Chồng tôi phải ngồi xe lăn ra khỏi phòng sinh sau khi tôi sinh mổ”.
- “Ai mới thực sự là bệnh nhân ở đây vậy?”
- “Chồng tôi ngất đến 2 lần trước khi tôi kịp lên bàn mổ cấp cứu”.
Dù vậy, nhiều người mẹ vẫn mong muốn chồng có mặt trong phòng sinh để cảm thấy an toàn và giảm bớt nỗi đau. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây lại đưa ra quan điểm khác.
Nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của chồng có thể tăng cơn đau cho mẹ
Theo một báo cáo của tờ Daily Telegraph, nghiên cứu từ Đại học College London và Đại học Hertfordshire (Anh) đã phát hiện rằng sự hiện diện của chồng trong phòng sinh không giúp giảm đau cho mẹ bầu mà đôi khi còn làm tăng cảm giác đau đớn.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi phản ứng của 39 phụ nữ khi họ trải qua cơn đau với hoặc không có sự hiện diện của chồng. Kết quả cho thấy, mức độ đau đớn phụ thuộc nhiều vào tâm lý và tính cách của người mẹ hơn là sự có mặt của người chồng.
Tiến sĩ Katerina Fotopoulou, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định: “Việc chồng có nên vào phòng sinh hay không phụ thuộc vào cách người mẹ đối mặt với cơn đau. Nếu chồng không có tâm lý vững vàng, tốt nhất nên ở ngoài.”
Vai trò của người chồng không chỉ gói gọn trong phòng sinh
Mang thai và sinh con là hành trình dài đầy khó khăn. Trước khi sinh, người chồng có thể đóng vai trò lớn trong việc chuẩn bị đồ đạc cần thiết, chăm sóc sức khỏe và tinh thần của vợ.
Sau khi sinh, việc hỗ trợ mẹ và bé trong những ngày đầu tiên, đảm bảo chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý cũng là trách nhiệm quan trọng. Một người chồng đủ tốt không chỉ nằm ở việc có mặt trong phòng sinh mà là sự tham gia tích cực vào quá trình chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Đối với những người chồng sợ máu hoặc không có tâm lý vững, việc không vào phòng sinh không có nghĩa là thiếu quan tâm. Quan trọng hơn, họ cần chia sẻ trách nhiệm trong suốt hành trình làm cha, từ lúc chuẩn bị đến khi cùng vợ nuôi dạy con nhỏ.
Cuối cùng, việc chồng có nên vào phòng sinh hay không phụ thuộc vào sự thống nhất giữa hai vợ chồng và tình hình cụ thể của mỗi gia đình. Hãy lựa chọn sao cho phù hợp nhất với sức khỏe và tâm lý của cả hai bên.
Bình luận