Hoa khôi một chân lấy chồng cùng hoàn cảnh: Con trai 22 tháng tuổi biết đòi nạng giúp mẹ khi có người trêu

Câu chuyện của gia đình chị Lệ Thu trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người về tấm gương nghị lực và nuôi dạy con.

Thời gian qua, những hình ảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Thu (sinh năm 1994, Bắc Giang) và ông xã Đoàn Ngọc Bảo (sinh năm 1993, Ứng Hòa) được lan truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cặp đôi có một con trai 23 tháng tuổi là bé Đoàn Minh Trí. Đáng chú ý, cả chị Thu và anh Bảo đều chỉ có một chân.

Việc nuôi dạy con vốn luôn có nhiều khó khăn và thử thách. Với một gia đình đặc biệt như thế, chị Thu và anh Bảo sẽ xoay xở như thế nào để chăm sóc con trai một cách tốt nhất. Chị thổ lộ: “Khi có con, bản năng làm cha mẹ của mình trỗi dậy. Mình tự nhiên biết làm thế nào để chăm con chu đáo và cẩn thận nhất”. Đến thời điểm hiện tại, cặp vợ chồng 9X tự lực vun đắp cho tổ ấm nhỏ, được yêu mến vì lúc nào cũng lạc quan và tích cực. 

Hoa khôi một chân lấy chồng cùng hoàn cảnh: Con trai 22 tháng tuổi biết đòi nạng giúp mẹ khi có người trêu - 1

Trên thực tế, chuyện tình của chị Thu và anh Bảo đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng từ nhiều năm trước. Chị Thu mất chân trong một tai nạn vào năm lớp 5. Với bản lĩnh phi thường, cô gái nhỏ đến từ vùng quê Bắc Giang vượt qua nỗi đau, kiên trì học tập và tự tin hòa nhập vào cuộc sống đời thường. Năm 2019, chị lọt vào top 10 Liên hoan “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” và hiện làm công việc kế toán. 

Chị Thu gặp anh Bảo - một chàng trai cùng cảnh ngộ, mất chân từ bé vì căn bệnh phù chân voi, trên mạng xã hội. Anh Bảo đam mê thể thao, từng tham gia một "game show" thể thao mạo hiểm nổi tiếng trên truyền hình và tham gia bộ môn trượt tuyết dành cho người khuyết tật trong Thế vận hội Thể thao mùa đông được tổ chức tại Hàn Quốc. Họ tìm được sự đồng cảm ở đối phương, quyết định tiến đến hôn nhân và trở thành hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều người với lối sống tích cực, lạc quan, nghị lực.

Hoa khôi một chân lấy chồng cùng hoàn cảnh: Con trai 22 tháng tuổi biết đòi nạng giúp mẹ khi có người trêu - 2

Hoa khôi một chân lấy chồng cùng hoàn cảnh: Con trai 22 tháng tuổi biết đòi nạng giúp mẹ khi có người trêu - 3

Cùng lắng nghe chị Lệ Thu chia sẻ về gia đình nhỏ của mình, cách họ nuôi dạy con để hiểu hơn về tổ ấm của cặp đôi “lính chì” này nhé!

Chào chị, lần đầu biết tin làm mẹ, cảm xúc của chị như thế nào?

Sau khoảng 1 tháng kết hôn thì mình biết tin có thai. Cả hai vợ chồng đều rất bất ngờ vì chưa hề lên kế hoạch sinh con. Lúc trước khi cưới, vợ chồng mình cũng bàn với nhau phải đi khám sức khỏe vì lo lắng cả hai vợ chồng đều khuyết tật như thế thì sẽ ảnh hưởng đến chuyện con cái. Thế nhưng chưa kịp đi khám thì đã có con. Mình cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc. Trong suốt quá trình thai kỳ, 2 vợ chồng cũng đều đặn đi khám các mốc để xem con có bị ảnh hưởng gì không và rất vui vì con có chỉ số bình thường.

Hai vợ chồng chưa chuẩn bị tâm lý, kiến thức hay kinh tế cho việc có con nhưng khi con đến thì mình vui vẻ đón nhận, học cách thích nghi với mỗi giai đoạn bầu bí, con sơ sinh, nuôi dạy con. Bản năng làm bố mẹ giúp chúng mình làm tốt mọi việc. 

Đối với nhiều gia đình, ngày con chào đời luôn là một kỷ niệm đặc biệt đáng nhớ. Gia đình chị thì sao?

Mình là một người phụ nữ khá may mắn vì khi sinh con, mình có chồng ở bên cạnh. Thời điểm đó, mình sinh mổ chủ động vì trong những tuần cuối thai kì, mình gặp một chút vấn đề sức khoẻ và được bác sĩ yêu cầu mổ sớm hơn ngày dự sinh. Hôm sau đi đẻ thì hôm trước mình vẫn đi làm bình thường. 

Có một chuyện khá hài hước là khi đi sinh, mình là người cầm tay lái, chồng mình xách làn ngồi phía sau. Vì bụng bầu mình to quá, ngồi sau hơi bất tiện nên mình chủ động cầm tay lái luôn.

Mình không có một chút lo lắng nào cả cho đến khi nằm trên bàn sinh, mình mới hơi lo. May mắn là chồng luôn ở bên cạnh động vien an ủi. Chỉ mười mấy phút là con ra với mình rồi. Lúc nghe con cất tiếng khóc đầu đời, mình cảm thấy nhẹ nhõm vì đã đưa con đến thế giới an toàn. Lần đầu tiên nhìn thấy con, mình đã nói với chồng là: "Con mình trắng thế". Vì cả bố và mẹ đều đen mà con trắng nên cũng vui. Ai ngờ đâu mấy ngày sau, con đen như củ than.

Vợ chồng mình có hoàn cảnh khá đặc biệt, có bao giờ anh chị gặp khó khăn trong việc chăm sóc con nhỏ?

Hai vợ chồng mình đều mất chân nên việc chăm sóc con tất nhiên sẽ khó khăn hơn bình thường. Ví dụ như trong việc bế con, mọi người sẽ làm dễ dàng hơn. Còn vợ chồng mình cứ như “chim chích” nhảy lò cò khắp nhà. Người khác nhìn vào họ sẽ hơi lo ngại, kiểu: “Cẩn thận, coi chừng té ngã”. Thế nhưng như mình đã nói, khi có con thì bản năng làm bố làm mẹ sẽ trỗi dậy giúp làm được những việc tưởng chừng như không thể.

Bế con chỉ với một chân nên mình cũng rất cẩn thận, nếu sàn nhà tắm trơn thì mình mang dép vào. Mình cũng không có kinh nghiệm gì quá đặc biệt. Mình muốn con mình vui, khoẻ, an toàn thì tự nhiên mình sẽ cẩn trọng và để ý hơn trong mọi việc.

Hoa khôi một chân lấy chồng cùng hoàn cảnh: Con trai 22 tháng tuổi biết đòi nạng giúp mẹ khi có người trêu - 4

Hoa khôi một chân lấy chồng cùng hoàn cảnh: Con trai 22 tháng tuổi biết đòi nạng giúp mẹ khi có người trêu - 5

Trong gia đình, vợ chồng chị phân chia việc chăm sóc và nuôi dạy con ra sao?

Thật ra, trong công việc nhà, hai vợ chồng mình không có sự phân chia rõ ràng. Bình thường, vợ làm việc nọ, chồng làm việc kia. Tụi mình nhìn nhau mà sống và chủ động trong mọi việc.

Trong việc chăm sóc con cái, hai vợ chồng cũng thống nhất với nhau là dành cho con nhiều thời gian trong những chặng đầu đời vì tuổi thơ con chỉ có một. Thế nên bố mẹ cũng muốn đồng hành cùng con, ở bên con cuối tuần hay những buổi tối rảnh thì đưa con đi chơi công viên.

Con trai chị có biết bố mẹ bị đau chân? Con có hành động hay lời nói nào khiến anh chị cảm động?

Hiện tại con chưa nói được nhiều. Thế nhưng mình nghĩ là con chưa biết nói thôi chứ con cũng hiểu chân bố mẹ bị như thế. Bởi vì mỗi khi bố lắp chân giả, con cũng biết lấy những dụng cụ để đi chân giả rồi đưa cho bố. Con cũng biết nạng là phương tiện đi lại của mẹ, nên ai mà trêu lấy nạng của mẹ, con sẽ phản ứng và đòi lại giúp mẹ. Khi bế bé, nếu mẹ không đi nạng và bố không đi chân, con sẽ tỏ ra là muốn bố mẹ đi chân và đi nạng để bế con chắc hơn. 

Có lẽ con cũng hiểu được bố mẹ mất chân như thế và nhận thức được nhưng vì chưa biết nói nên con chưa thể hiện được nhiều. 

Hoa khôi một chân lấy chồng cùng hoàn cảnh: Con trai 22 tháng tuổi biết đòi nạng giúp mẹ khi có người trêu - 6

Hoa khôi một chân lấy chồng cùng hoàn cảnh: Con trai 22 tháng tuổi biết đòi nạng giúp mẹ khi có người trêu - 7

Vợ chồng anh chị là tấm gương về nghị lực sống và thái độ lạc quan được nhiều người yêu mến. Anh chị sẽ giáo dục điều này cho con trai như thế nào?

Vợ chồng mình luôn cố gắng trở thành những tấm gương tốt, tạo ra môi trường trưởng thành lành mạnh và tích cực để con trở thành một em bé vui vẻ, lạc quan.

Có thể nói là hai vợ chồng khá may mắn. Trong quá trình tìm bệnh viện để sinh hay tìm trường cho con học thì các bác sĩ và thầy cô cũng biết hoàn cảnh của gia đình nên hỗ trợ tạo điều kiện nên gia đình mình cũng sớm hòa nhập và thích nghi, không cảm giác lạc lõng hay khác biệt so với mọi người. Nhờ vậy lúc nào mình cũng cảm thấy tự tin, vui vẻ và thoải mái. 

Được biết thời gian qua, vợ chồng chị đã cho con trai đến trường. Cảm xúc của chị trong lần đầu tiên con đi học ra sao? 

Ngày đầu tiên cháu đi học là vào ngày mùng 5/7. Giống như những ông bố bà mẹ khác, ngày đầu tiên con đi học, mình khá lo lắng. Không biết con đang ở nhà với bố mẹ thì đi học con có thích nghi với môi trường mới không. Tâm lý ở nhà lúc nào cũng nghĩ là con đang làm gì, con có khóc không,....? Luôn suy nghĩ đến một ngày của con ở lớp như thế nào?

Trong ngày đầu tiên đi học, con tưởng là được đi chơi nên rất vui vẻ, lúc đón về con cũng không khóc. Lúc đó vợ chồng mình còn nghĩ là con quen với việc đi học. Thế nhưng từ buổi thứ 2 con biết không phải đi chơi nên nguyên tuần đầu tiên, con khóc. Đến trường thì con đòi về, đêm ngủ con cũng khóc nên hai vợ chồng mình cũng sợ, không biết vì sao con khóc nhiều như thế? Lúc đó mình còn nghĩ có khi nào không cho con đi học được, phải nghỉ luôn không? Vợ chồng mình cũng động viên nhau, cố gắng cho con đi học 1 tháng xem sao.

Trộm vía là từ tuần thứ 2 cháu cũng đã quen với môi trường, với cô giáo và các bạn. Cháu không còn khóc nữa, thích đi học. Buổi sáng bố mẹ bảo đi học là tự xách balo lên và đi.

Vợ chồng chị có chuẩn bị gì để con trai thích nghi với môi trường lớp học?

Trước khi cho con đi học, vợ chồng mình cũng trao đổi với con hàng ngày là sắp tới con sẽ đi học, đến lớp sẽ có cô giáo và các bạn chơi cùng con, học cùng con,... Nói chuyện trước như thế để con không bỡ ngỡ. Thực ra dù con còn nhỏ nhưng vợ chồng mình vẫn nói chuyện với con nhiều vì tin là con sẽ hiểu, chỉ là con không thể hiện ra thôi.

Hình ảnh vợ chồng chị dự lễ khai giảng con được nhiều người chú ý. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Hôm đấy, vì là lễ khai giảng của con nên cả bố và mẹ đều sắp xếp để dự lễ và chụp ảnh kỷ niệm. Thật ra hình ảnh của 2 vợ chồng cũng khá là lạ so với mọi người, bởi vì mình khác biệt mà. Có nhiều phụ huynh và thầy cô nhìn. Vợ chồng mình cũng cùng mọi người chuẩn bị và hỗ trợ cho buổi lễ. 

Hoa khôi một chân lấy chồng cùng hoàn cảnh: Con trai 22 tháng tuổi biết đòi nạng giúp mẹ khi có người trêu - 8

Vợ chồng mình đơn giản chỉ muốn chụp một bức hình kỷ niệm thôi thế nhưng không ngờ nó được chia sẻ rộng rãi như thế. Trên mạng thì bạn bè cứ tag tên mình vào các trang. Mình cũng đọc được nhiều bình luận chúc mừng gia đình. Mình khá vui khi nhận được những lời chúc cũng như những lời chia sẻ của mọi người.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Huyền Đỗ

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống