Khen ngợi kiểu này dễ khiến trẻ tổn thương nhất, chuyên gia mách 3 cách khen con hay
Lời khen từ bố mẹ có ảnh hưởng nhất định đến cảm xúc, quá trình phát triển nhận thức và tính cách của trẻ.
Nhiều người cho rằng khen ngợi ai đó thì dễ, chỉ khen thật chăm chỉ là ổn. Tuy nhiên, trên thực tế, kiểu khen ngợi máy móc này có thể dễ dàng bị trẻ lớn phát hiện và làm tổn thương trẻ.
Haim G. Ginott, Tiến sĩ Tâm lý học, đã từng viết "Khen ngợi, giống như uống penicillin, không thể tùy tiện sử dụng. Có những tiêu chuẩn nhất định khi sử dụng thuốc mạnh, cần phải cẩn thận. Tiêu chuẩn bao gồm thời gian và liều lượng, bởi vì nó có thể gây ra phản ứng dị ứng." Điều này cho thấy tầm quan trọng khi bố mẹ khen ngợi con đúng cách.
Những lời khen có thể phản tác dụng
Khen ngợi theo kết quả
Một số bậc bố mẹ chỉ khen ngợi con khi con đạt thành tích tốt như đạt điểm tối đa, đạt hạng nhất trong các cuộc thi, hay có thành tích xuất sắc trong hoạt động tập thể… Hầu như không che giấu sự kỳ vọng của mình về kết quả tốt.
Về lâu dài, kiểu phản hồi này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng bố mẹ chỉ yêu thương “cái tôi” làm tốt.
Ví dụ, nếu trẻ đạt được 90 điểm trong một bài kiểm tra toán nào đó, bố mẹ thường dùng những lời khen ngợi: “Mẹ tự hào về con”, “Con thật tuyệt vời”, “Con học chăm chỉ quá”. Thoạt nhìn, những lời khen như vậy không có gì sai.
Câu hỏi đặt ra là, nếu trẻ đạt được 70 điểm, bố sẽ phản ứng thế nào? Nhiều trường hợp bố mẹ im lặng, có thể không giấu được vẻ thất vọng, hay thậm chí tức giận.
Khi trẻ ngầm hiểu được những lời khen không chân thành, sẽ cảm thấy chán nản, thậm chí là tuyệt vọng.
Ẩn ý trong những lời khen trên là "Mẹ sẽ chỉ rất tự hào khi con thể hiện tốt, và sẽ rất thất vọng nếu con không đạt được kỳ vọng". Khi trẻ ngầm hiểu được những điều này, sẽ cảm thấy chán nản, thậm chí là tuyệt vọng.
Tuy nhiên, rất có thể 70 điểm đã là kết quả nỗ lực hiện tại, nhưng bố mẹ chỉ khen ngợi kết quả mà hoàn toàn bỏ qua những đóng góp quý báu của trẻ trong cả quá trình. Do đó, điều mà kiểu khen ngợi này dạy rằng chỉ khi thể hiện tốt, mới có thể nhận được tình yêu và sự động viên, trực tiếp bỏ qua những điều quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành như sự chăm chỉ và tiến bộ.
Lời khen ngợi hướng đến kết quả cuối cùng sẽ khiến đứa trẻ sợ thất bại, bởi vì liên quan trực tiếp đến việc liệu trẻ được yêu thương và có giá trị hay không.
Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng con mình tính cạnh tranh và sợ thua cuộc, thực ra điều trẻ sợ không phải là thất bại mà là sau đó trẻ sẽ không được yêu thương, quan tâm.
Khen chiếu lệ và sai sự thật
Đây là cách khen thường thấy trong cuộc sống hàng ngày nhưng chúng ta chưa nhận ra. Những việc trẻ dễ dàng làm được như ăn uống, nhưng bố mẹ có xu hướng khen ngợi con làm gì cũng là nhất như "Giỏi quá" "Tốt lắm" "Con giỏi nhất!"
Vậy cách khen ngợi này có vấn đề gì? Thực tế là cách này không đủ xác thực và chân thành. Nhìn bề ngoài, trẻ sau khi nghe được những lời này sẽ rất vui vẻ, nhưng trên thực tế, trẻ có thể nhanh chóng phân biệt được sự thật trong lời nói của người lớn, nhận ra lời khen không đủ chân thành.
Ví dụ, sau khi trẻ vẽ xong một bức tranh và đưa cho bố mẹ xem, bố mẹ chỉ nhìn lướt qua và nói: Đẹp quá.
Nhiều trẻ sẽ nhận ra và phản ứng: “Mẹ luôn nói đẹp mà không thèm nhìn!”
Những lời khen này không có sự kết nối, hay chi tiết cụ thể trong những lời khen ngợi như vậy nên khó truyền cảm hứng đến trẻ. Một số trẻ thậm chí còn cảm thấy mình không xứng đáng với những lời khen ngợi này, thay vào đó, càng trở nên thu mình và kém tự tin hơn.
Những lời khen chiếu lệ thường khó truyền cảm hứng đến trẻ.
Khen ngợi quá mức tài năng của trẻ
Trẻ nên được hiểu biết thực sự về bản thân chứ không phải cái tôi bị thổi phồng. Nếu lời khen không phản ánh đúng thực tế, trẻ rất dễ hình thành nhận thức sai lầm về bản thân.
Ví dụ: "Con rất thông minh!" "Con thật tuyệt vời!" "Con thật tài năng!"
Tuy nhiên, khi nhận ra tài năng của mình chỉ ở mức tầm thường, trẻ có thể thất vọng. Ví dụ, khi trẻ gặp khó khăn trong học tập, thường ngay lập tức tự nhủ: “Hóa ra mình không đủ thông minh!” nhưng thực tế là do trẻ thiếu nỗ lực.
Nhiều trẻ nhạy cảm không chịu được sự chỉ trích và thường khoe khoang về điều đó, nhìn nhận bản thân không đúng đắn, sợ thử thách, mạo hiểm vì sợ nhân cách “thông minh” và “tài năng” của mình sẽ sụp đổ. Khi khen ngợi quá mức, trẻ sẽ mất khả năng nhìn nhận bản thân một cách chính xác.
Vậy bố mẹ nên khen con như thế nào?
Trên thực tế, lời khen ngợi của bố mẹ đều có ý tốt và trẻ cũng mong mỏi sự khẳng định từ người lớn. Nhưng khen ngợi cần có mục đích rõ ràng, đó là để trẻ chú ý đến việc mình đang làm và khuyến khích trẻ làm tốt hơn, chứ không phải chạy theo những nhận xét tích cực từ người khác.
Để làm được điều này, bố mẹ nên có khả năng chấp nhận những thành tích cũng như những sai lầm, thất bại của con. Nghĩa là: Khen ngợi vì đã nhìn thấy nỗ lực của trẻ. Vì vậy, khi khen ngợi con, bố mẹ có thể tham khảo những cách sau đây.
Hãy khen ngợi quá trình và sự nỗ lực
Đầu tiên, bố mẹ hãy khen ngợi con vì những nỗ lực trong cả quá trình, thay vì chỉ khen ngợi kết quả thành công.
Ví dụ "Con đã làm bài kiểm tra này một cách nghiêm túc và học tập chăm chỉ. Bố mẹ thấy điều đó, hy vọng con sẽ tiếp tục học tập chăm chỉ nhé!"
Bằng cách này, trẻ sẽ biết mình đã tiến bộ như thế nào, ngay cả khi thất bại lần sau, cũng sẽ suy ngẫm xem liệu mình đã làm việc chưa đủ chăm chỉ và sẽ tích cực hơn khi đối mặt với những thất bại.
Người lớn không cần khen ngợi tài năng bẩm sinh của trẻ quá nhiều, ngược lại, sự kiên trì, dũng cảm, siêng năng, chăm chỉ, thái độ nghiêm túc... những điều này rất đáng để tán dương trẻ.
Bố mẹ hãy khen ngợi con vì những nỗ lực trong cả quá trình.
Khen ngợi chi tiết cụ thể
Tiếp theo là khen ngợi chi tiết, càng cụ thể càng tốt.
Ví dụ, khi trẻ vẽ một bức tranh, mẹ có thể nói: "Con kết hợp màu sắc trong bức tranh rất đẹp, làm sao con lại nảy ra ý tưởng này vậy?"
Mô tả càng cụ thể thì lời khen sẽ càng thuyết phục. Và với kiểu khen ngợi có chủ đích này, trẻ sẽ biết mình phải rèn luyện bản thân như thế nào.
Khen ngợi phải chân thành, chân thật
Khi khen ngợi trẻ, không chỉ ở ngôn ngữ mà quan trọng hơn là thái độ. Bố mẹ hãy nhìn vào mắt và ghi nhận dựa trên những sự thật khách quan. Ngay cả khi đứa trẻ chỉ tiến bộ một chút, hãy trao cho trẻ thái độ chấp nhận và sự động viên. Chỉ bằng sự chân thành, trẻ mới cảm thấy được nhìn nhận.
Trong cuốn "Nuôi dạy con chống mong manh" có viết một đoạn:
"Chúng ta thường cố gắng làm cho con mình hạnh phúc hơn vì không thể chịu đựng được sự thất bại. Tuy nhiên, không nhận ra rằng chiến lược nuôi dạy tốt nhất là để trẻ nhận ra rằng dù trẻ có đến đâu, bố mẹ vẫn sẽ yêu thương. Khi tình yêu bố mẹ không dựa trên thành tích, sẽ kiên nhẫn và chân thành hơn khi đánh giá con mình".
Ngay cả khi trẻ chỉ tiến bộ một chút, hãy trao cho trẻ thái độ chấp nhận và sự động viên.
Bình luận