Khi giảm nhỏ lửa trên bếp gas, bạn nên vặn núm theo hướng nào? 90% người dùng đang làm sai
Câu trả lời này tưởng chừng đơn giản nhưng rất nhiều người trả lời sai. Chỉ một thao tác nhỏ như vặn sai chiều núm bếp gas điều chỉnh cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi sử dụng bếp gas, không ít người từng thắc mắc, việc vặn núm điều chỉnh theo chiều kim đồng hồ hay ngược chiều kim đồng hồ đều có thể làm giảm lửa. Vậy có quy định cụ thể nào yêu cầu người dùng phải xoay theo một chiều nhất định để đảm bảo an toàn không? Câu trả lời là có.
Theo các chuyên gia, phần lớn các loại bếp gas hiện nay đều nên vặn ngược chiều kim đồng hồ để giảm nhỏ lửa. Đây không chỉ là vấn đề tiện dụng mà còn liên quan trực tiếp đến an toàn trong sử dụng.
Vặn bếp gas theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ để giảm lửa có gì khác biệt?
Khi vặn theo chiều kim đồng hồ, cả vòng trong và vòng ngoài của ngọn lửa đều giảm cùng lúc. Ngược lại, khi vặn ngược chiều kim đồng hồ, ngọn lửa vòng ngoài sẽ giảm trước, sau đó vòng trong mới bắt đầu nhỏ lại.
Vấn đề đáng lưu ý là, nếu người dùng giảm lửa bằng cách vặn theo chiều kim đồng hồ, núm điều chỉnh có thể dừng ở vị trí không chính xác, khiến bếp gas rơi vào trạng thái “mở không đủ, đóng không xong”. Điều này làm tăng nguy cơ tắt lửa ngoài ý muốn và rò rỉ khí gas, đặc biệt khi lực vặn không đúng.
4 nguy cơ cần tránh khi dùng bếp gas
Bên cạnh thao tác vặn núm bếp gas đúng cách, người dùng cần lưu ý đến một số tình huống dễ gây mất an toàn dưới đây:
- Khí đốt cháy không hoàn toàn
Dấu hiệu nhận biết là màu sắc ngọn lửa bất thường. Ngọn lửa an toàn phải có màu xanh dương. Nếu xuất hiện màu vàng, đỏ hoặc xanh lá, đó có thể là tín hiệu đốt cháy không hoàn toàn, đi kèm với nguy cơ sinh ra khí CO (carbon monoxide) độc hại và rò rỉ gas.
Khi phát hiện hiện tượng trên, cần ngay lập tức tắt bếp, kiểm tra đầu ra khí và ống dẫn gas, đồng thời liên hệ kỹ thuật viên chuyên nghiệp nếu cần thiết.
- Dùng bật lửa để châm lửa
Khi bếp không đánh lửa được, nhiều người sử dụng bật lửa để mồi. Hành động này rất nguy hiểm.
Nguyên nhân là nếu bếp không cháy do hết pin, van gas thường đã tự động khóa, bật lửa cũng không thể mồi được. Nếu lỗi do bộ phận đánh lửa, việc châm thủ công dễ gây lệch nhịp giữa cấp khí và đánh lửa, làm tăng nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, bật lửa bị hơ nóng cũng có thể phát nổ, gây bỏng hoặc cháy lan.
- Sử dụng bột mì, tinh bột gần bếp gas
Các loại bột như bột mì, bột ngô, bột đường, sữa bột... đều có thể phát nổ nếu gặp lửa trong điều kiện phù hợp. Những loại bụi bột này có tính cháy cao, nếu phân tán trong không khí và gặp nguồn nhiệt, có thể gây ra nổ bụi với nhiệt độ lên đến 2.000–3.000°C, áp suất nổ lên tới 700 Pa.
Vì thế, người dùng cần tránh sử dụng các loại bột gần bếp, đồng thời giữ không gian thông thoáng và vệ sinh sạch bột thừa trên bề mặt và sàn nhà.
- Nấu ăn không có người trông coi
Việc nấu các món hầm, ninh cháo... thường kéo dài, khiến nhiều người bật bếp rồi rời khỏi bếp, thậm chí để nồi nấu qua đêm. Hành vi này ẩn chứa nhiều rủi ro.
Cụ thể, nước sôi trào có thể làm tắt lửa, dẫn đến rò rỉ khí nếu bếp không có chế độ tự ngắt. Vật dụng xung quanh có thể bị quá nhiệt và bắt lửa, gây cháy lan.
Do đó, khi rời khỏi bếp, người dùng phải tắt bếp gas ngay, không để bếp hoạt động khi không có người giám sát.
Bếp gas là thiết bị phổ biến trong mọi gia đình, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu sử dụng sai cách. Chỉ một thao tác nhỏ như vặn sai chiều núm điều chỉnh cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cho nên, người dùng cần trang bị kiến thức đúng, sử dụng bếp một cách cẩn trọng và luôn ưu tiên an toàn cho bản thân và gia đình.
Xem thêm: Tại sao không nên nấu ăn ở ngăn bên trái của bếp gas? Đây là 2 lý do
Bình luận