Tôi và mẹ chồng mang thai cùng lúc, chồng đưa ra một yêu cầu khiến tôi sững sờ
Trước đây, chồng tôi từng khuyên bà tái hôn nhiều lần cho bớt cô đơn nhưng bà không đồng ý. Cứ nghĩ bà sẽ ở vậy, nhưng không ngờ giờ đây bà lại mang thai.
Sau khi kết hôn nửa năm, tôi mang thai con đầu lòng. Cảm giác ấy vừa hồi hộp, vui mừng vừa có chút lo lắng vì tôi sắp bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời. Chồng tôi vui không kém, ngày nào anh cũng gửi hình thức ăn dinh dưỡng, nhạc thai giáo. Tôi thấy mình thật may mắn khi lấy được một người chồng tâm lý như vậy.
Nhưng chỉ 2 tuần sau, cả gia đình rơi vào một cơn chấn động. Mẹ chồng tôi, 45 tuổi, cũng mang thai.
Bà luôn ở vậy sau khi bố chồng tôi mất. Trước đây, chồng tôi từng khuyên bà tái hôn nhiều lần cho bớt cô đơn nhưng bà không đồng ý. Cứ nghĩ bà sẽ ở vậy, nhưng không ngờ giờ đây bà lại mang thai.
Hỏi ra mới biết, trong một chuyến du lịch, bà gặp lại mối tình đầu. Ông cũng góa vợ, sống một mình ở quê. Họ lặng lẽ yêu nhau, và khi biết tin có thai, bà quyết giữ lại đứa bé.
- Đây là món quà bất ngờ của ông trời. Mẹ không muốn bỏ lỡ.
Nhưng khi hỏi người đàn ông kia có chịu trách nhiệm với bà không, thì bà lại im lặng. Chuyện này thật khó chấp nhận, nhưng tôi vẫn cố gắng giữ bình tĩnh. Nhưng một đêm, khi tôi đang soạn đồ sơ sinh của con thì chồng tôi bước vào với vẻ mặt nặng nề.
Chồng đã đề nghị tôi về nhà ngoại khi tôi mang bầu. (Ảnh minh họa)
- Em à… mẹ dạo này yếu, tâm trạng bất ổn. Bác sĩ dặn tránh áp lực, mâu thuẫn… mà em và mẹ lại hay cãi vã nên anh nghĩ… em tạm về nhà ngoại một thời gian. Chờ mẹ sinh xong rồi hẵng về lại. Hơn nữa, một mình anh khó lòng chăm sóc được 2 bà bầu.
Tôi sừng sỡ, liền vặn hỏi:
- Em đang mang thai, sao anh lại bắt em rời khỏi nhà?
- Không phải bắt, chỉ là để mẹ yên tâm và cũng để anh tập trung chăm sóc mẹ. Em còn có mẹ ruột chăm sóc, còn mẹ anh thì...
Tôi buông cái áo trên tay. Những lời nói ấy khiến tôi thấy mình như người dưng. Ngôi nhà mà tôi tưởng sẽ cùng anh nuôi con lớn lên, giờ lại là nơi tôi bị mời ra vì… không tiện.
Sáng hôm sau, tôi thu dọn đồ về nhà mẹ ruột. Không giận dỗi, chỉ là tôi cần một nơi con tôi được chào đón. Chồng vẫn qua thăm, nhưng giữa chúng tôi dường như lại có thêm một bức tường vô hình ngăn cách.
Tôi sinh con trai vào một buổi sáng tháng 12. Trời se lạnh, nhưng lòng tôi ấm lạ kỳ. Khi nghe tiếng khóc đầu tiên, tôi òa khóc theo. Không vì đau, mà vì biết mình đã giữ được điều quý giá nhất.
Tôi sinh con trai vào một buổi sáng tháng 12. (Ảnh minh họa)
Hôm đó, chồng tôi có mặt ở bệnh viện từ sớm, mắt anh đỏ hoe khi bế con rồi nói lời cảm ơn với tôi. Ngày tôi về nhà, mẹ chồng ra tận cổng đón, trên tay bế bé Bông (con gái bà), cũng vừa đầy ba tháng tuổi. Bà nhìn thấy cháu nội, đôi mắt rưng rưng:
- Mẹ xin lỗi. Mẹ từng ích kỷ quá. Mẹ đã không nghĩ cho cảm xúc của con.
Khoảnh khắc đó, tôi chỉ thấy trong ánh mắt bà là một người đàn bà lớn tuổi, đang học lại cách làm mẹ, và học cả cách làm mẹ chồng một lần nữa. Lúc đó, mọi nỗi uất ức trong tôi bỗng chốc tan biến, không còn oán giận nữa.
Từ ngày hai đứa trẻ cùng lớn lên trong một mái nhà, không khí gia đình tôi dần thay đổi. Tôi và mẹ chồng không còn giữ khoảng cách. Bà không còn là người phụ nữ khiến tôi thấy áp lực, mà là một người mẹ, một người bà đầy tình thương. Chúng tôi cùng nhau ru con ngủ, chia nhau từng bữa ăn, có khi còn bật cười vì những chuyện nhỏ nhặt mà trước kia chẳng ai buồn nói.
Chồng tôi cũng biết lắng nghe tôi hơn và không để tôi một mình trong những lúc mệt mỏi, tình cảm vợ chồng ngày càng gắn bó. Tôi nhận ra, không phải mọi tổn thương đều cần thời gian dài để quên. Đôi khi, chỉ một lời xin lỗi, một ánh mắt chân thành cũng đủ khiến lòng người dịu lại. Gia đình không hoàn hảo, nhưng nếu ai cũng biết nghĩ cho nhau, thì đó vẫn là nơi bình yên nhất để trở về.
Bình luận