"Mẹ ơi, bạn cùng lớp không chơi với con" mẹ trả lời đúng sẽ thay đổi số phận con
Bố mẹ cần tìm hiểu kỹ về tình huống, thông qua việc trò chuyện với trẻ về những gì đã xảy ra trong lớp học.
Trẻ em, nhất là trong độ tuổi mầm non và tiểu học, rất nhạy cảm với các mối quan hệ xã hội. Việc không được chơi cùng bạn bè có thể khiến trẻ cảm thấy cô đơn, bị cô lập, hoặc thiếu thốn tình bạn. Khi trẻ chia sẻ cảm xúc này, cho thấy sự tin tưởng và mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ bố mẹ.
Tình bạn là một phần thiết yếu trong sự phát triển của trẻ. Qua những mối quan hệ bạn bè, trẻ học được cách giao tiếp, hợp tác, và giải quyết xung đột. Việc không có bạn chơi có thể ảnh hưởng đến sự tự tin và khả năng xã hội của trẻ trong tương lai. Do đó, bố mẹ cần giúp trẻ xây dựng và duy trì mối quan hệ bạn bè lành mạnh.
Ảnh minh họa.
Khi nghe trẻ "Mẹ ơi, bạn cùng lớp không chơi với con", bố mẹ nên có phản ứng thích hợp. Thay vì chỉ an ủi trẻ, bố mẹ có thể hỏi thêm về tình huống để hiểu rõ hơn. Ví dụ: "Tại sao bạn không chơi với con?" hoặc "Con đã thử mời bạn chơi chưa?"
Hay bố mẹ hướng dẫn trẻ những kỹ năng giao tiếp và cách làm quen với bạn mới. Ví dụ, dạy trẻ cách thể hiện bản thân, chia sẻ đồ chơi hoặc tham gia vào các hoạt động nhóm...
Thực tế, đây cũng là cơ hội để bố mẹ giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội, cảm xúc và xây dựng mối quan hệ tích cực. Bằng cách lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ trẻ, bố mẹ giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong mối quan hệ bạn bè, xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển về sau. Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui sẽ đưa ra phân tích sâu sắc hơn, cũng như gợi ý bố mẹ cách phản ứng phù hợp.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Trẻ chia sẻ rằng không có bạn chơi cùng, liệu điều đó có thể liên quan đến bắt nạt không?
Trước tiên, khi nghe điều này bố mẹ nên quan sát cảm xúc của trẻ (Ví dụ, trẻ buồn tủi, khó chịu, hay xem đó là điều bình thường, không phải vấn đề lớn quá quan tâm.
Đối với vấn đề này, có thể xảy ra 2 tình huống bắt có bắt nạt và không. Thông thường, đây là trường hợp bắt nạt thụ động, bởi người gây bắt nạt không trực tiếp thể hiện sự tức giận hay tiêu cực mà sử dụng những cách gián tiếp để gây ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ.
Việc nhận diện hành vi này là rất quan trọng. Bố mẹ cần tìm hiểu kỹ về tình huống, có thể thông qua việc trò chuyện với trẻ về những gì đã xảy ra trong lớp học. Điều này giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, đồng thời tạo cơ hội cho trẻ bày tỏ cảm xúc của mình một cách thoải mái.
Khi trẻ bị các bạn cùng lớp cô lập, bố mẹ nên phản ứng lại cảm xúc đó như thế nào?
Như ở trên đã nói, bố mẹ nên phản ứng tùy vào tâm thế đứa trẻ đối diện với việc này. Theo kinh nghiệm quan sát của tôi, việc một nhóm bạn trước đây từng chơi thân thiết với nhau, nhưng về sau không còn gắn kết nữa là trường hợp phổ biến.
Có thể đối với các bé độ tuổi mẫu giáo, cấp 1 sẽ có phần phức tạp và rủi ro ảnh hưởng tâm lý sẽ cao hơn ở cấp 2, trẻ cấp 3 theo xu hướng khác. Vì vậy, cách trẻ nhìn nhận vấn đề này như quy luật tự nhiên, bài học hay tổn thương tâm lý...
Nếu trẻ xem chuyện này khiến bản thân tổn thương, lúc này bố mẹ cần quan tâm và phục hồi cảm xúc của con.
Trường hợp trẻ nhìn nhận vấn đề này như một bài học "Mẹ ơi, con không hiểu tại sao bạn không chơi với con"... Bố mẹ nên trò chuyện, diễn giải "Con có sẵn sàng cho việc bị cô lập không" "Con sẽ quyết định giải quyết chuyện này chứ?" "Đâu là các bước để con giải quyết thành công..."
Nếu trẻ không có bạn chơi cùng, điều đó có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ ra sao?
Chúng ta có thể xét theo hai góc độ. Nếu trẻ rơi vào trường hợp không có bất kỳ bạn nào chơi cùng, điều này rất ảnh hưởng đến sự tự tin, đặc biệt trẻ độ tuổi cấp 2 càng dễ bị tác động. Bởi ở độ tuổi dậy thì, mối quan hệ bạn bè sẽ quyết định phần lớn tính cách của trẻ.
Nếu trẻ thay đổi nhóm bạn chơi "Bạn không chơi với con nữa, nhưng con sẽ chơi với bạn khác" theo góc nhìn tích cực giúp trẻ nhìn nhận lại mối quan hệm chọn lọc lại bạn bè.
Vì vậy, điều quan trọng nên xem xét là việc không có bạn chơi có khiến trẻ giảm đi giá trị bản thân không. Ví dụ, nếu trẻ tin "Mình không xinh" "Mình học kém nên không có ai chơi cùng". Nhưng cũng có trường hợp trẻ nhìn nhận "Mình quá tốt nên không còn phù hợp chơi với nhóm bạn này" sẽ đưa vấn đề đi theo nhiều hướng khác nhau.
Bố mẹ có thể làm gì để tạo ra một môi trường hỗ trợ giúp trẻ dễ dàng kết bạn hơn?
Điều quan trọng đầu tiên bố mẹ nên giúp trẻ định hình: Con là ai, Con có thể phát triển trong môi trường như thế nào? Tại sao con cần có bạn bè? Như thế nào là người bạn tốt...
Sau đó, bố mẹ cùng trẻ thảo luận về các mối quan hệ bạn bè xung quanh "Ở lớp con mẹ thấy bạn A rất thân thiện" "Trong xóm mình có bạn B biết giup đỡ người lớn" hay "Mẹ thấy bạn C rất hợp để chơi với con"... Bạn bè có nhiều điểm chung về sở thích, cách giáo dục, độ tuổi, lối sống sẽ dễ dàng kết nối với nhau và tìm kiếm người bạn phù hợp.
Trong mọi trường hợp, khi trẻ gặp vấn đề về tình bạn, bố mẹ nên là người tham vấn, hướng dẫn trẻ tìm hiểu nguyên nhân và các bước giải quyết nếu cần.
Bình luận