"Mẹ ơi, bị bạn đánh con có đánh lại không?" Câu trả lời không đúng sẽ đẩy con vào khó khăn hơn
Cách mẹ trả lời giúp trẻ phát triển kỹ năng sống, biết bảo vệ bản thân và trở thành người có trách nhiệm.
Trẻ lớn lên có nhiều mối quan hệ hơn, không thể tránh khỏi xung đột với bạn bè. Thậm chí, nhiều trường hợp trẻ bị bắt nạt, điều này ảnh hưởng đến tâm lý, tác động lớn đến sự phát triển xã hội. Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu khám phá các mối quan hệ phức tạp hơn, từ tình bạn đến sự cạnh tranh, và đôi khi, những mâu thuẫn xảy ra là điều tự nhiên.
Xung đột có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như bất đồng ý kiến, sự ganh đua trong học tập, hoặc những hiểu lầm không đáng có... Những tình huống này khiến trẻ cảm thấy bối rối và lo lắng. Việc bị bắt nạt, dù là về mặt thể chất hay tinh thần, có thể để lại những vết thương tinh thần.
Ảnh minh họa.
Đứng trước trường hợp này, nhiều trẻ bố rối "Mẹ ơi, bị bạn đánh, con có được phép đánh lại không?" Đây là một câu hỏi nhạy cảm và quan trọng, câu trả lời của mẹ ảnh hưởng đến cách trẻ xử lý xung đột mà còn định hình giá trị và quan điểm của trẻ về bạo lực và hòa bình.
Vì vậy, để đối phó với những tình huống này, trước tiên trẻ cần được trang bị kỹ năng giải quyết xung đột và tư duy phản biện. bố mẹ và giáo viên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ cách giao tiếp hiệu quả, cách bày tỏ cảm xúc và cách thương lượng để tìm ra giải pháp cho các mâu thuẫn.
Cụ thể, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi gợi ý cho bố mẹ một số cách trả lời phù hợp, giúp trẻ hình thành kỹ năng xã hội, tăng cường sự tự tin, dám đối mặt với những tình huống khó khăn trong tương lai.
Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.
Trong trường hợp trên người nên trả lời thế nào cho hợp lý? Trẻ có nên đánh trả không?
Đây là một câu hỏi rất phổ biến và tưởng chừng đơn giản, nhưng ẩn sau đó là một bài học lớn về cách trẻ học cách xử lý xung đột. Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không nên khuyến khích trẻ đánh trả như một hình thức trả thù hay phản ứng cảm xúc.
Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được dạy cách tự bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm. Bố mẹ nên trả lời con một cách bình tĩnh và gần gũi, ví dụ như: “Mẹ hiểu khi con bị bạn đánh, con sẽ rất tức giận và muốn phản ứng lại. Nhưng mình không nên đánh bạn, vì điều đó có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn và khiến con bị tổn thương thêm. Nếu con cảm thấy bị nguy hiểm, con có thể hét lớn, chạy đi hoặc tìm người lớn giúp đỡ. Sau đó hãy kể lại cho mẹ hoặc cô giáo để mẹ có thể bảo vệ và giúp con giải quyết chuyện này.”
Điều quan trọng là giúp trẻ phân biệt giữa “tự vệ” và “đánh trả”. Trẻ có quyền tự vệ khi an toàn cá nhân bị đe doạ – ví dụ như che đầu, đẩy bạn ra để thoát thân. Nhưng trẻ cần được học rằng dùng vũ lực để đáp trả không phải là cách giải quyết lành mạnh.
Ngoài ra, bố mẹ nên dạy con kỹ năng xử lý tình huống thông qua các trò chơi đóng vai, mô hình ba bước (nhận diện – phản ứng – tìm kiếm sự giúp đỡ), và ngôn ngữ cảm xúc (ví dụ: “Con thấy không vui khi bạn đánh con”).
Đây là cách hiệu quả giúp trẻ phát triển sự tự tin, kiểm soát cảm xúc và năng lực giải quyết vấn đề không bạo lực. Nếu bố mẹ chỉ đơn giản nói “đánh lại đi cho bạn sợ”, điều đó có thể khiến trẻ hình thành tư duy rằng bạo lực là quyền lực. Về lâu dài, trẻ có thể mất khả năng kiểm soát cảm xúc và dễ bị hiểu lầm, thậm chí bị trừng phạt ở trường học.
Bố mẹ nên đứng về phía con, lắng nghe và hướng dẫn con cách bảo vệ mình thông minh thay vì phản ứng bằng bạo lực. Trẻ cần cảm thấy rằng dù gặp chuyện gì, bố mẹ luôn là nơi an toàn để tìm kiếm lời khuyên và sự hỗ trợ.
Có cách nào giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn khi trở lại trường học sau khi bị đánh?
Trải nghiệm bị bạn đánh, dù nhẹ hay nghiêm trọng, đều có thể để lại cảm giác bất an, lo lắng hoặc mất niềm tin ở môi trường học đường nơi trẻ từng cảm thấy thân quen. Do đó, điều quan trọng là người lớn cần xoa dịu tổn thương cảm xúc của trẻ, khôi phục lại cảm giác an toàn, và xây dựng lòng tin nơi trẻ một cách từng bước. Dưới đây là một số cách thiết thực để hỗ trợ trẻ:
Lắng nghe và công nhận cảm xúc của trẻ
Trẻ cần được lắng nghe mà không bị phán xét, kể cả khi câu chuyện của trẻ chưa rõ ràng hay còn cảm tính. Thay vì nói “Có gì đâu mà sợ”, hãy nói: “Mẹ thấy con rất buồn và lo lắng. Con có muốn kể cho mẹ nghe chuyện đã xảy ra không?” Việc công nhận cảm xúc giúp trẻ biết rằng nỗi sợ của mình là hợp lý và có người lớn đứng về phía mình.
Phối hợp với nhà trường để đảm bảo an toàn vật lý và tâm lý
Phụ huynh nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu hoặc nhân viên tư vấn tâm lý học đường để:
- Theo dõi sát tình hình của trẻ và nhóm bạn liên quan.
- Bố trí chỗ ngồi hoặc người bạn đồng hành thân thiện bên cạnh trẻ.
- Có biện pháp giáo dục, không đổ lỗi, đối với cả trẻ bị đánh lẫn trẻ có hành vi đánh bạn. Khi trẻ thấy người lớn can thiệp rõ ràng và có trách nhiệm, trẻ sẽ cảm thấy được bảo vệ nhiều hơn.
Dạy kỹ năng phòng vệ và ứng xử tích cực
Trẻ cần biết:
- Cách nói “Không được làm vậy, tớ không thích!” một cách dứt khoát.
- Khi nào cần rời khỏi tình huống và tìm người lớn trợ giúp.
- Cách nhận diện bạn tốt – bạn xấu và thiết lập ranh giới cá nhân. Bố mẹ có thể luyện tập với trẻ qua đóng vai, kể chuyện, minh họa bằng hình ảnh để trẻ ghi nhớ dễ hơn.
Tăng cường trải nghiệm tích cực tại trường
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động trẻ yêu thích tại lớp như vẽ tranh, thể thao, kể chuyện… để trẻ có cảm giác vui vẻ trở lại. Cảm giác “trường học là nơi con có thể tận hưởng” sẽ giúp xoa dịu nỗi sợ từ lần va chạm trước đó.
Luôn giữ vai trò người đồng hành, không đổ lỗi
Đừng hỏi: “Con đã làm gì khiến bạn đánh con?”. Thay vào đó hãy hỏi: “Lúc đó con cảm thấy thế nào?”, “Con mong điều gì sẽ xảy ra khác đi?” Trẻ chỉ cảm thấy an toàn trở lại khi biết mình được hiểu, được bảo vệ và được tin tưởng, kể cả khi còn những khúc mắc.
Tạo cho trẻ cảm giác an toàn sau một sự cố bạo lực ở trường không chỉ là chuyện xử lý một lần, mà là quá trình đồng hành, truyền cảm giác tin cậy và chủ động cho trẻ. Khi trẻ hiểu rằng mình không đơn độc và luôn có người lớn sát cánh, trẻ sẽ mạnh mẽ hơn mỗi ngày khi quay lại lớp học.
Trường hợp phụ huynh bên kia không hợp tác, không nhận được hỗ trợ đúng từ nhà trường, bố mẹ nên làm gì để ngăn tình trạng con bị bắt nạt?
Đây là một thực tế đáng tiếc nhưng không hiếm gặp. Trong khi lý tưởng là các bên cùng phối hợp để bảo vệ trẻ, thì đôi khi bố mẹ phải tự mình chủ động hơn để đảm bảo sự an toàn và ổn định tâm lý cho con. Có một số hướng đi thiết thực sau:
Ghi chép và lưu giữ bằng chứng rõ ràng
Ngay từ khi trẻ phản ánh bị bắt nạt, phụ huynh nên ghi lại đầy đủ thông tin: thời gian, địa điểm, ai liên quan, hành vi cụ thể, phản ứng của giáo viên (nếu có), ảnh hoặc ghi âm nếu phù hợp. Việc này không nhằm gây căng thẳng mà giúp bố mẹ có căn cứ rõ ràng khi làm việc với nhà trường. Tránh tình trạng “lời nói trẻ con” bị xem nhẹ.
Gửi phản ánh chính thức đến ban giám hiệu hoặc phòng ban liên quan
Nếu đã thông báo với giáo viên nhưng không được giải quyết thỏa đáng, bố mẹ có thể:
- Gửi văn bản kiến nghị chính thức đến ban giám hiệu, phòng công tác học sinh – sinh viên hoặc tổ tư vấn học đường.
- Yêu cầu được đối thoại trực tiếp với đại diện nhà trường. Cách viết cần khách quan, có thiện chí hợp tác, nhấn mạnh mong muốn đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh – không chỉ riêng con mình.
Hỗ trợ tâm lý cho trẻ tại nhà
Trong khi chờ đợi nhà trường phản hồi, bố mẹ vẫn cần:
- Trấn an tinh thần trẻ, lắng nghe và không trách mắng trẻ vì “yếu đuối” hay “mách lẻo”.
- Tăng cường thời gian chất lượng: chơi cùng, ôm trẻ nhiều hơn, khẳng định rằng “Con không cô đơn. Bố mẹ tin con và luôn đứng về phía con.”
- Nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu sang chấn (sợ đi học, mất ngủ, lo âu…), nên gặp chuyên viên tâm lý trẻ em để can thiệp sớm.
Kích hoạt mạng lưới hỗ trợ cộng đồng
Nếu cả phụ huynh bên kia lẫn nhà trường đều thiếu hợp tác, bố mẹ có thể:
- Tìm sự hỗ trợ từ hội phụ huynh, nhóm bố mẹ trong lớp, vì sức ép từ tập thể thường hiệu quả hơn.
- Trong một số trường hợp, có thể liên hệ Phòng Giáo dục, Trung tâm bảo vệ trẻ em, hoặc tổ chức tư vấn độc lập để can thiệp nếu có dấu hiệu bạo lực kéo dài.
Tạm thời thay đổi môi trường nếu cần thiết
Nếu mọi biện pháp không hiệu quả và tình trạng bắt nạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ, việc cân nhắc chuyển lớp hoặc trường cũng có thể là một giải pháp tình thế hợp lý. Tuy nhiên, cần hỗ trợ trẻ chuẩn bị tâm lý kỹ càng để tránh cảm giác bị “trốn chạy” hay “bị đổ lỗi”.
Khi đối mặt với một hệ thống chưa thực sự lắng nghe, bố mẹ cần trở thành “người đại diện mạnh mẽ” cho con – bình tĩnh nhưng kiên quyết, mềm mỏng nhưng rõ ràng. Điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo cho trẻ cảm thấy an toàn, được yêu thương, và biết rằng có người lớn đang hành động vì mình.
Thưa chuyên gia, nhiều người hiến kế rằng nên cho trẻ học võ, chơi thể thao khỏe mạnh... để phòng thân, chuyên gia nghĩ đây có phải là cách tốt không? Chuyên gia gợi ý những cách khác giúp trẻ tự bảo vệ tốt bản thân?
Việc cho trẻ học võ hoặc tham gia thể thao chắc chắn mang lại nhiều lợi ích tích cực, không chỉ về mặt thể chất mà còn giúp trẻ: • Tăng sự tự tin, rèn luyện tính kỷ luật.
Biết kiểm soát cảm xúc và có ý thức rõ ràng hơn về ranh giới cơ thể, quyền được bảo vệ của bản thân. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp duy nhất, và không nên hiểu học võ là để “đánh lại” khi bị bắt nạt.
Võ thuật đúng nghĩa là để tự vệ, kiểm soát bản thân và tránh xung đột – không phải để trả đũa. Trẻ cũng cần được dạy rõ: “Mạnh mẽ không phải là người dùng nắm đấm, mà là người biết cách giữ bình tĩnh và giải quyết vấn đề khôn ngoan.” Những cách giúp trẻ tự bảo vệ bản thân hiệu quả hơn:
Dạy trẻ nhận diện ranh giới an toàn cá nhân
Trẻ cần hiểu rõ rằng cơ thể mình là của mình, không ai có quyền làm tổn thương hay chạm vào nếu trẻ không đồng ý. Việc này có thể dạy qua các trò chơi, tranh ảnh hoặc mô hình dễ hiểu.
Rèn kỹ năng phản xạ trong tình huống bất lợi
Bố mẹ có thể dạy trẻ một số phản ứng đơn giản:
- Hét to “Dừng lại!” hoặc “Cô giáo ơi giúp con!” để gây sự chú ý.
- Tránh xa nhanh khỏi người làm hại.
- Chạy đến nơi có người lớn, không núp hoặc chịu đựng một mình. Đây là những kỹ năng “sinh tồn xã hội” mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng nên được học – giống như học bơi hay học cách băng qua đường.
Rèn khả năng giao tiếp rõ ràng, dứt khoát
Nhiều trẻ bị bắt nạt vì không biết nói “không” hoặc bối rối trước tình huống bất công. Bố mẹ có thể giúp trẻ luyện cách trả lời:
“Tớ không chơi kiểu đó.” “Bạn làm thế là sai, tớ sẽ nói với cô giáo.” Tự tin trong lời nói giúp trẻ giảm nguy cơ bị bắt nạt và tạo cảm giác kiểm soát.
Xây dựng lòng tự trọng và tinh thần đồng đội
Trẻ cần cảm thấy mình có giá trị, được tôn trọng trong môi trường học tập và gia đình. Hãy khích lệ trẻ tham gia nhóm bạn tích cực, hoạt động thiện nguyện, câu lạc bộ… vì trẻ ít bị bắt nạt hơn khi có sự kết nối xã hội tốt.
Dạy trẻ luôn nói với người lớn khi gặp vấn đề
Trẻ cần biết rằng việc “nói ra” không phải là mách lẻo, mà là cách bảo vệ mình và người khác. Hãy dạy trẻ tìm đúng người để chia sẻ: bố mẹ, giáo viên, nhân viên tư vấn học đường…
Theo đó, học võ là một phương tiện hữu ích nếu đi kèm với định hướng đúng. Nhưng để thực sự giúp trẻ tự bảo vệ mình, chúng ta cần trang bị cho các em một “bộ công cụ” đầy đủ hơn: tự nhận thức – phản ứng phù hợp – kết nối xã hội – và sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ người lớn.
Bình luận