Trẻ dậy thì lười biếng, ích kỷ,.. bố mẹ càng nghiêm khắc càng khó dạy con, hãy làm theo cách từ chuyên gia
Giai đoạn dậy thì là thời điểm quan trọng và đầy thách thức trong cuộc sống của trẻ.
Tuổi dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đánh dấu sự chuyển mình từ trẻ thơ sang tuổi thanh niên. Trong quá trình này, trẻ trải qua những thay đổi về thể chất, như sự phát triển nhanh chóng về chiều cao, cân nặng, có sự biến đổi đáng kể về tâm lý và hành vi. Những thay đổi này có thể dẫn đến nhiều thách thức cho cả trẻ và bố mẹ.
Trẻ em ở độ tuổi này thường phải đối mặt với những cơn bão cảm xúc, từ vui vẻ, hào hứng đến buồn bã và tức giận. Đây là thời điểm trẻ bắt đầu tìm kiếm danh tính cá nhân, khám phá những sở thích và giá trị riêng, dẫn đến sự hình thành các mối quan hệ mới với bạn bè.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến trẻ cảm thấy khó khăn trong việc kết nối với gia đình, vì trẻ thường gắn kết với bạn bè hơn bố mẹ.
Nhiều bậc phụ huynh nhận thấy rằng trẻ tuổi dậy thì thường trở nên lười biếng, ích kỷ và thường xuyên thể hiện thái độ hỗn hào với bố mẹ. Sự lười biếng có thể xuất phát từ việc trẻ cảm thấy quá tải với áp lực học tập, những kỳ vọng cao từ bố mẹ và sự chuyển tiếp sang các trách nhiệm mới.
Ảnh minh họa.
Tính ích kỷ cũng thường xuất hiện trong giai đoạn này, khi trẻ bắt đầu tập trung hơn vào bản thân và những nhu cầu cá nhân. Trẻ có thể không còn quan tâm đến cảm xúc của người khác, bao gồm cả sự hỗ trợ và giúp đỡ từ người thân.
Thêm vào đó, khi trẻ cảm thấy không được hiểu hoặc không được tôn trọng, thường phản ứng bằng cách chống đối, sử dụng ngôn ngữ hoặc hành vi thiếu kiềm chế.
Trong những trường hợp trên, việc hiểu và thông cảm với những thay đổi mà trẻ đang trải qua là rất quan trọng. Bố mẹ cần nhận thức rằng những hành vi này không phải là sự chống đối vô lý, mà thường xuất phát từ sự lo lắng, áp lực và mong muốn khẳng định bản thân của trẻ.
Mặc dù trẻ có thể trở nên lười biếng, ích kỷ và hỗn hào, nhưng với sự hỗ trợ và hướng dẫn phù hợp, trẻ có thể vượt qua những khó khăn này để phát triển thành những người trưởng thành có trách nhiệm và tự tin. Sự thấu hiểu và giao tiếp cởi mở giữa bố mẹ và con sẽ là chìa khóa giúp xây dựng một mối quan hệ vững chắc, lành mạnh trong gia đình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Nhiều bà mẹ phản ánh con mình khi bước vào tuổi dậy thì (đặc biệt các bé gái) dần trở nên lười biếng, ích kỷ, thường xuyên nói hổn với bố mẹ, theo chuyên gia nguyên nhân do đâu?
Về vấn đề này, chúng ta có thể phân ra làm hai nhóm nguyên nhân, khách quan và chủ quan.
Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì (đặc biệt ở các bé gái), đặc thù tâm lý quan trọng nhất là mong muốn được làm người lớn, có chính kiến, quan điểm riêng, không phụ thuộc vào bố mẹ. Lúc nhỏ, trẻ có nhu cầu được công nhận, thể hiện sự vâng lời, nhưng khi trẻ bước vào tuổi dậy thì nhận thức đã thay đổi, kèm theo tư duy phản biện phát triển mạnh mẽ.
Nói một cách dễ hiểu hơn, trẻ ở độ tuổi dậy thì sẽ trở nên ngỗ nghịch trong giao tiếp, hay cách thể hiện bản thân. Nhiều trường hợp, trẻ xem sự lười biếng, ích kỷ không phải là bản chất, mà là thể hiện cá nhân. Đây là nguyên nhân chủ quan từ chính nhận thức của trẻ.
Một nhóm nguyên nhân khác khách quan hơn, thường xuất phát từ cách dạy của bố mẹ. Có thể trước đó, bố mẹ chưa dạy con đủ về các nguyên tắc, chuẩn mực phù hợp, hoặc đặt áp lực rằng trẻ phải luôn vâng lời người lớn. Vì vậy, cho đến khi trẻ bước vào tuổi dậy thì và nhận ra bản thân không cần phải nghe theo lời sắp đặt, hay thỏa hiệp. Lúc này, trẻ sẵn sàng thể hiện những hành vi chống đối, giống như giải tỏa sự cam chịu trong những năm tháng trước đây.
Do đó, với nhóm nguyên nhân khách quan này, bố mẹ cần xem lại cách giáo dục gia đình. Bởi nhiều trường hợp phản ứng của trẻ là cách thể hiện quan điểm riêng.
Bố mẹ nên phản ứng như thế nào khi trẻ có thái độ hỗn hoặc không tôn trọng người lớn trong nhà?
Đầu tiên, bố mẹ nên giữ bình tĩnh, cần thảo luận với nhau để tìm hiểu nguyên nhân của sự việc này của con. Sau đó, bố mẹ nên khuyến khích trẻ cởi mở trò chuyện, rõ ràng và lắng nghe. Điều quan trọng lắng nghe là để chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau.
Tiếp theo, tìm hiểu vì sao trẻ trở nên như vậy, ở bước này có thể kết thúc vấn đề bằng lời xin lỗi giữa hai bên. Nhưng nếu phát hiện nguyên nhân đến từ cả hai, thì bố mẹ cần lên chiến lược rõ ràng nhằm quay trở lại thiết lập nề nếp trong gia đình. Ở đó, bố mẹ không tạp áp lực, áp bức con, và con cũng không có thái độ mất tôn trọng với bố mẹ.
Có sự khác biệt nào giữa việc giáo dục trẻ trai và trẻ gái trong giai đoạn này không?
Dựa trên các nghiên cứu về tâm lý giữa bé trai và bé gái trong độ tuổi dậy thì sẽ có nhiều sự khác biệt.
Mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau về thời điểm dậy thì, cho nên bố mẹ cần có phương pháp giáo dục phù hợp, đặc thù đối với từng đứa trẻ.
Thực tế, người bố phù hợp hơn để nuôi dạy, làm bạn, hướng dẫn bé trai. Và ngược lại, mẹ nên chú tâm nhiều hơn đến bé gái. Theo đặc thù giới tính, hay về nhu cầu thì việc cùng giới sẽ dễ dàng chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn trong giai đoạn này.
Đối với một số hành vi hung tính, chống đối ở bé trai sẽ mạnh mẽ hơn sẽ mạnh hơn các bé gái.
Một số nghiên cứu về trầm cảm ở trẻ tuổi dậy thì, việc dẫn tới các hành vi cực đoan ở bé gái cao, nhưng ngược lại tỷ lệ thực hiện các hành vi cực đoan thành công ở bé trai chiếm số cao hơn. Sự khác biệt này là do các bé gái có phần nhảy cảm, không có nhiều sự quyết đoán, trong khi đó các bé trai khi đã hình thành ý định trong tâm trí, sẽ quyết liệt hơn.
Vì vậy, bố mẹ cần quan sát sự khác nhau giữa bé trai và bé gái, tính cách, thứ tự sinh trong gia đình... từ đó tìm kiếm phương pháp điều chỉnh phù hợp, từ mềm mỏng, nhẹ nhàng cho đến nghiêm khắc, kỷ luật hơn.
Khi trẻ không thay đổi hành vi dù đã được nhắc nhở, giáo dục nghiêm khắc nhiều lần, bố mẹ nên làm gì?
Bố mẹ nên xem lại phương pháp giáo dục trẻ có phù hợp chưa, bố mẹ mong muốn uốn nắn con nhưng có thể đang vô tình tạo ra phản ứng ngược. Thay vì nuôi dạy, bố mẹ lại phàn nàn, chỉ trích hoặc lên án. Khi trẻ nhận thấy sự thách thức, phản ứng thông thường sẽ đáp lại, và cảm thấy như được thỏa mãn bởi đối đầu thành công với bố mẹ.
Trường hợp, bố mẹ áp dụng phương pháp giáo dục chân thành, thiện chí nhưng trẻ vẫn không thay đổi, lúc này cần xem xét nhờ đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý có chuyên môn về trẻ tuổi dậy thì.
Nhiều nghiên cứu hay cuộc khảo sát phát hiện ra rằng, những vấn đề về sức khỏe tinh thần thường dễ nảy sinh ở giai đoạn trẻ dậy thì, vì vậy bố mẹ nên cân nhắc đến sự hỗ trợ từ chuyên gia, tổ chức có uy tín.
Bình luận