Trẻ nói "Con ghét bố mẹ", phụ huynh có EQ cao sẽ đáp lại theo cách này
Bố mẹ hiểu rõ về những thay đổi về mặt cảm xúc, có thể tạo ra môi trường an toàn và tích cực cho trẻ phát triển.
Trẻ nhỏ trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, và trong mỗi thời điểm đó, cảm xúc có xu hướng thay đổi mạnh mẽ. Việc hiểu rõ về sự biến đổi này là rất quan trọng để bố mẹ có thể hỗ trợ con điều chỉnh hiệu quả.
Chắc hẳn trong hành trình nuôi dạy, không ít lần bố mẹ phải đối mặt với những câu nói gây sốc, như "Con ghét bố mẹ." Câu nói này gợi ra nhiều suy nghĩ về tâm lý và cảm xúc của trẻ. Vậy, khi trẻ nói "Con ghét bố mẹ", điều gì thực sự ẩn chứa sau những từ ngữ đó?
Thực tế, trẻ nhỏ thường chưa phát triển đầy đủ khả năng diễn đạt cảm xúc. Đôi khi lời nói vô tinhg có thể phản ánh những cảm xúc sâu sắc hơn như thất vọng, tức giận, hoặc cảm giác không được hiểu và chấp nhận. Trẻ có thể cảm thấy bị áp lực từ việc học hành, từ những kỳ vọng của bố mẹ về thành tích hoặc hành vi.
Ảnh minh họa.
Hay khi trẻ cảm thấy không được quan tâm đủ, có thể sử dụng câu nói này như một cách để thu hút sự chú ý. Nhiều trường hợp xảy ra xung đột nhỏ trong gia đình, như không đồng ý về cách cư xử hoặc quy tắc, có thể khiến trẻ cảm thấy tức giận.
Nhiều trường hợp câu nói trên không đơn thuần là lời nói ngẫu nhiên. Nó là một biểu hiện của những cảm xúc phức tạp mà trẻ đang trải qua. Vì vậy, bố mẹ nên nhìn nhận như một cơ hội để hiểu rõ hơn về tâm lý và nhu cầu của trẻ. Bằng cách lắng nghe và tạo không gian cho trẻ bày tỏ, gia đình có thể xây dựng một mối quan hệ vững chắc hơn và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.
Khi trẻ nói "con ghét bố mẹ", điều gì thường xảy ra ngay trước câu nói đó?
Câu nói “con ghét bố mẹ” thường không đơn thuần xuất phát từ sự ghét bỏ thật sự, mà là một phản ứng cảm xúc bộc phát khi trẻ cảm thấy bị tổn thương, bất lực hoặc không được đáp ứng nhu cầu.
Trong đa số trường hợp, ngay trước khi trẻ thốt ra câu nói này, đã có một tình huống khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng cảm xúc. Có thể đó là lúc trẻ bị bố mẹ giới hạn điều gì đó – như cấm chơi điện thoại, từ chối mua đồ chơi, hoặc ép phải làm điều trẻ không muốn. Cũng có khi trẻ vừa trải qua một cuộc tranh cãi, bị mắng, hoặc cảm thấy bị so sánh không công bằng với anh chị em trong nhà.
Đặc biệt, những đứa trẻ còn nhỏ chưa có đủ kỹ năng ngôn ngữ và điều tiết cảm xúc thường sẽ sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để thể hiện sự tức giận hoặc cảm giác bị tổn thương.
Đó là cách trẻ “phát tín hiệu” rằng: Con đang gặp khó khăn trong việc hiểu và quản lý cảm xúc của mình, và con cần được người lớn lắng nghe và giúp đỡ, chứ không phải trừng phạt.Vì vậy, khi nghe trẻ nói câu đó, điều quan trọng không phải là phản ứng ngay với sự giận dữ, mà là hiểu rằng đằng sau lời nói ấy là một nhu cầu cảm xúc chưa được đáp ứng.
Trước câu nói này của trẻ, bố mẹ nên đối đáp thế nào?
Câu nói “con ghét bố mẹ” thường chạm đến cảm xúc sâu sắc của bố mẹ – khiến họ buồn bã, giận dữ, thậm chí cảm thấy mình thất bại trong vai trò làm bố mẹ. Tuy nhiên, điều quan trọng là bố mẹ không nên phản ứng vội vàng theo cảm xúc.
Thay vào đó, hãy nhìn nhận lời nói này như một tín hiệu cảm xúc: Trẻ đang không thể diễn đạt được những bức xúc, thất vọng hoặc cảm giác bị tổn thương theo cách tích cực hơn.
Trong đa số trường hợp, câu nói ấy xuất hiện khi trẻ có nhu cầu cảm xúc chưa được đáp ứng như trên vừa nói. Và thông thường, trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, vẫn chưa đủ khả năng điều tiết cảm xúc và sử dụng ngôn ngữ phù hợp để bộc lộ sự tức giận. Vì vậy, “ghét” trở thành một từ mạnh mà trẻ mượn để thể hiện sự phản kháng, giống như một “tiếng nổ” cảm xúc nhất thời.
Trong những khoảnh khắc như vậy, phản ứng lý tưởng của bố mẹ là giữ bình tĩnh và đồng cảm, thay vì mắng mỏ hoặc đáp trả. Một câu nói đơn giản như: “Mẹ nghe con nói vậy, chắc con đang rất buồn hoặc giận mẹ lắm”, hoặc “Bố hiểu là có điều gì đó khiến con cảm thấy không vui”.
Cách nói này sẽ có tác dụng giảm căng thẳng, tạo cho trẻ cảm giác được thấu hiểu, và giúp mở ra một cuộc trò chuyện thay vì đẩy mối quan hệ đi xa hơn.Khi trẻ đã nguôi ngoai, bố mẹ có thể nhẹ nhàng hướng dẫn con cách diễn đạt cảm xúc một cách phù hợp hơn.
Ví dụ: “Lần sau, nếu con thấy bực vì mẹ không cho con chơi thêm, con có thể nói: con giận mẹ vì mẹ không cho con chơi thêm, như vậy mẹ sẽ hiểu con hơn, thay vì nói ghét mẹ, sẽ làm mẹ buồn nhé”.
Việc này không chỉ giúp trẻ học được ngôn ngữ cảm xúc lành mạnh, mà còn rèn luyện kỹ năng tự điều chỉnh cảm xúc – một kỹ năng thiết yếu trong phát triển tâm lý lành mạnh.
Điều quan trọng bố mẹ cần nhớ là: đừng xem đó là một sự xúc phạm hay sự thật tuyệt đối, mà hãy coi đó như một cơ hội để con học cách kiểm soát cảm xúc và để bố mẹ xây dựng mối quan hệ gần gũi, tin cậy hơn với con. Sự điềm tĩnh, kiên nhẫn và sẵn sàng lắng nghe của bố mẹ chính là nền tảng giúp trẻ vượt qua những cơn “bão cảm xúc” một cách an toàn và trưởng thành hơn.
Chuyên gia có nghĩ trẻ đang cố gắng thu hút sự chú ý về mặt tình cảm từ bố mẹ không?
Chắc chắn là có. Trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp, khi trẻ buông ra những lời lẽ mạnh như “con ghét bố mẹ”, đó không hẳn là sự ghét bỏ thật sự, mà là một cách biểu hiện méo mó của nhu cầu được chú ý, được yêu thương và được kết nối về mặt cảm xúc.
Trẻ có thể đang cảm thấy mình bị “bỏ rơi” trong mối quan hệ với bố mẹ – không phải là bị bỏ mặc về thể chất, mà là thiếu sự hiện diện về mặt cảm xúc: thiếu thời gian trò chuyện, thiếu ánh mắt lắng nghe, thiếu cái ôm an ủi khi buồn bực.
Trẻ em chưa đủ khả năng nhận diện và diễn đạt những nhu cầu cảm xúc sâu bên trong một cách rõ ràng. Vì vậy, khi không được chú ý theo cách tích cực, trẻ có thể vô thức tìm kiếm sự chú ý thông qua hành vi tiêu cực – bao gồm cả những câu nói gây sốc như vậy.
Trong tâm lý học, chúng tôi gọi đó là “negative attention-seeking” – nghĩa là trẻ sẵn sàng nhận lấy sự chú ý dù là theo cách tiêu cực, miễn là chúng cảm thấy “bố mẹ vẫn đang để tâm đến con”.
Điều này không có nghĩa là trẻ đang thao túng hay làm nũng một cách cố tình, mà là do trẻ chưa có kỹ năng giao tiếp cảm xúc hiệu quả. Và ở đây, vai trò của bố mẹ là giúp trẻ gọi tên cảm xúc, nhận diện nhu cầu và tạo không gian an toàn để con được bộc lộ.Vì thế, thay vì gạt phăng hay phản ứng tức giận với những lời nói như “con ghét bố mẹ”, bố mẹ nên tự hỏi: “Phải chăng con đang cần được mình quan tâm nhiều hơn?” hay “Liệu con có đang cảm thấy bị tổn thương hoặc không được thấu hiểu ở đâu đó?”
Trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp bố mẹ xây dựng lại cây cầu kết nối cảm xúc với con – điều quý giá hơn bất kỳ hình phạt hay lời lý giải nào trong lúc con đang rối bời. Bởi sau tất cả, trẻ em không ghét bố mẹ – trẻ chỉ đang kêu gọi tình yêu theo cách mà các em biết làm trong khoảnh khắc ấy.
Bố mẹ nên làm điều gì để thay đổi hình ảnh trong mắt trẻ? Đồng thời giúp trẻ bày tỏ cảm xúc bằng lời nói tích cực hơn?
Đây là một câu hỏi rất thực tế và quan trọng. Trước hết, bố mẹ cần hiểu rằng hình ảnh của mình trong mắt trẻ không được xây dựng từ lời nói, mà từ chính những hành động hàng ngày – cách bố mẹ lắng nghe, phản hồi, và đồng hành với cảm xúc của con.
Khi trẻ nhìn thấy một người lớn kiên nhẫn, nhất quán, biết tôn trọng và thấu hiểu, hình ảnh ấy dần in sâu trong tâm trí và trở thành nền tảng để trẻ tin tưởng, hợp tác và học theo.Để thay đổi hoặc cải thiện hình ảnh trong mắt trẻ, bố mẹ có thể bắt đầu từ những điều đơn giản nhưng nhất quán:
Lắng nghe tích cực và hiện diện thực sự. Trẻ em rất nhạy cảm với sự hiện diện cảm xúc. Khi con nói, hãy dành ánh mắt, gác điện thoại, và thể hiện rằng bố mẹ thực sự quan tâm. Một cái gật đầu, một câu hỏi như “con cảm thấy sao?”, hay đơn giản là ngồi yên cạnh con lúc con khóc – đều là những hành động mạnh mẽ giúp gắn kết.Làm mẫu cho con trong cách diễn tả cảm xúc
Trẻ học cách diễn đạt cảm xúc từ chính cách bố mẹ thể hiện. Nếu bố mẹ có thể nói: “Mẹ đang buồn vì hôm nay có chuyện không vui, mẹ sẽ nghỉ một lát rồi mẹ sẽ ổn”, trẻ sẽ dần học được cách nói ra cảm xúc một cách thành thật mà không phải la hét hay phủ định tình cảm.Dạy trẻ gọi tên cảm xúc bằng từ ngữ đơn giản
Bố mẹ có thể sử dụng các tình huống trong ngày để giúp trẻ mở rộng “từ điển cảm xúc”: “Con có vẻ bực mình vì bạn không chơi với con?”, “Có phải con đang thất vọng vì không được đi công viên không?”. Khi trẻ hiểu rõ cảm xúc của mình, chúng ít có xu hướng sử dụng những câu cực đoan như “ghét bố mẹ”.Phản hồi bằng sự công nhận và hướng dẫn
Thay vì la mắng khi trẻ nói những điều tiêu cực, hãy phản hồi bằng cách công nhận cảm xúc và đưa ra gợi ý: “Mẹ biết con đang giận, nhưng thay vì nói ‘ghét’, con có thể nói ‘con không vui đâu’ – mẹ sẽ lắng nghe con rõ hơn đó”. Điều này giúp trẻ vừa được đồng cảm, vừa được học cách điều chỉnh hành vi.Dành thời gian “chất lượng” với con
Đôi khi chỉ cần 15 - 20 phút mỗi ngày để cùng đọc sách, vẽ tranh, trò chuyện không mục đích… cũng đủ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự hiện diện của bố mẹ, từ đó giảm đi nhu cầu “gây chú ý tiêu cực”.
Cuối cùng, bố mẹ cần kiên nhẫn với quá trình phát triển cảm xúc của trẻ. Không phải ngày một ngày hai là con có thể thay đổi cách biểu đạt.
Nhưng nếu mỗi ngày bố mẹ gieo một chút yêu thương, một chút hiểu biết, thì hình ảnh mà trẻ mang theo về bố mẹ sẽ dần trở thành hình ảnh của sự an toàn, tin cậy và yêu thương vô điều kiện. Và chính từ đó, trẻ sẽ học cách bày tỏ cảm xúc tích cực – vì trẻ tin rằng cảm xúc của mình được đón nhận một cách trọn vẹn.
Bình luận