Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Người vun xới những “mầm non” Làng Nủ

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang là một nhà khoa học, nhà giáo - người sáng lập, Chủ tịch Trường Marie Curie - thương hiệu hàng đầu của giáo dục Thủ đô. Ở ông luôn toát ra vẻ giản dị, gần gũi, ấm áp, bởi vậy ông luôn nhận được sự yêu kính của bao thế hệ học trò, các em học sinh ở trường thường gọi thầy Khang là “ông nội”. Hiện thời thầy còn là “ông nội” của 22 em bé còn sống sót sau trận bão vừa qua ở Làng Nủ, là người vun xới những “mầm non” bé nhỏ sau thảm họa kinh hoàng của thiên nhiên.

Xuất thân trong một gia đình công chức nghèo đông con, sau này trở thành một thầy giáo trong hoàn cảnh khốn khó thời chiến tranh, bao cấp, thầy Khang thấu hiểu, đồng cảm với những hoàn cảnh kém may mắn, đặc biệt với trẻ em. Bởi vậy ngoài là một thầy giáo tận tâm với nghề, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang luôn mang trong mình mục tiêu sống phấn đấu “làm lá lành”, phấn đấu thoát ra khỏi số phận thiếu thốn, từ “lá rách” thành “lá lành”, để không chỉ lo được cho bản thân, đùm bọc cho người thân mà còn cho cả những thân phận khác đang “rách”, đang khó khăn trong xã hội. Thầy và nhà trường luôn nêu cao triết lý giáo dục: “Dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng còn một điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế”.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Người vun xới những “mầm non” Làng Nủ - 1

Thầy Nguyễn Xuân Khang tận tay chuẩn bị từng gói quà Noel cho các "cháu nội" ở Làng Nủ. Ảnh Doãn Ánh Dương

Thầy Khang tâm sự: “Khi xảy ra trận lũ quét kinh hoàng khiến cả nước bàng hoàng, xót xa, tôi và có lẽ cũng như nhiều người khác, đã ngồi xem truyền hình và khóc nhiều, rồi nảy sinh ý định sẽ “nuôi” các cháu còn sống sót sau trận lũ quét này. Vì tôi đơn giản là một thầy giáo, muốn trẻ con dù trong bất cứ hoàn cảnh gì cũng được tiếp tục đi học”.

Tất nhiên việc nuôi những đứa trẻ không chỉ đơn thuần là chu cấp tiền, với thầy Khang, làm tròn chữ “nuôi” rất khó. “Việc nuôi các con cực kỳ áp lực với tôi. Tôi lo lắng nhiều, không phải bởi chuyện tiền bạc mà tôi lo chúng có học hành tử tế không, có thể đi vững trên đôi chân của mình không, chúng sau này lớn lên trở thành người như thế nào…” - thầy Khang tâm sự. Ngoài việc chu cấp tiền còn cần cho các con tình cảm, có thêm chỗ dựa tinh thần vững chãi vì các chái đa phần là trẻ mồ côi, nhận làm ông nội nuôi các cháu là một việc làm xuất phát từ cảm xúc nhưng không phải cảm xúc nhất thời mà là từ mệnh lệnh trái tim mình, đã làm là làm đến nơi đến chốn.

Thầy Khang cho biết sẽ phối hợp với các đồng nghiệp của thầy ở địa phương theo sát các con, hàng tháng, hàng năm sẽ đánh giá, động viên các con nỗ lực, tạo điều kiện để các con được ít nhất học hết phổ thông, chưa tính đến việc sẽ lo cho các con thêm vật chất khác khi cần thiết. Em bé nhỏ nhất nay mới lên 3, vậy là cần 15 năm nữa để tất cả các con trưởng thành. Nếu trong tương lai, ông nội có đi sớm, thì cũng có con, cháu, những đồng nghiệp trong Trường Marie Curie của ông sẽ tiếp bước.

Ngày 21/12, sau nhiều năm không đi đâu xa, đây là lần đầu tiên thầy Khang rời Hà Nội, vượt chặng đường khó đi dài mấy trăm kilomet trong thời tiết lạnh giá cuối đông lên Làng Nủ, Lào Cai để ông cháu được trực tiếp gặp nhau, để ông trao tận nay những món quà ý nghĩa cho các cháu trước thềm Giáng sinh và năm mới.

Chưa kịp nghỉ ngơi sau hành trình dài, thầy Nguyễn Xuân Khang xúc động thăm và dâng hương lại khu vực vào sớm ngày 10/9 đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng trước khi đến khu tái định cư thôn Làng Nủ thăm các cháu nội ông nhận nuôi. Nhận ra thầy Khang, chị Nguyễn Thị Kim nắm tay thầy, chia sẻ sự xúc động khi may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của thầy từ những ngày đầu tiên gặp hoạn nạn, chị có con gái là bé Hà Khánh Ngân, 3 tuổi, một trong số các bé được thầy Khang nhận nuôi, chị cho biết, con lúc nào cũng hào hứng khoe là “con sẽ có 2 ông nội”.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Người vun xới những “mầm non” Làng Nủ - 2

Cậu bé Hành đón "ông nội" Khang khi ông vừa đặt chân tới khu tái thiết Làng Nủ. Ảnh Doãn Ánh Dương

Lần đầu tiên trực tiếp gặp nhau, ông nội Khang nhận ra từng cháu: Cháu Hoàng Ngọc Lan “là cô bé làm ông khóc nhiều nhất", con mồ côi bố mẹ, mất đi 2 anh trai trong gia đình. Hình ảnh cô bé gầy gò, côi cút nằm trong viện, liên tục khóc với bà ngoại: "Con nhớ bố mẹ, muốn về nhà với các anh" đã thôi thúc thầy phải làm gì đó để dịu bớt nỗi đau của các trẻ em sống sót sau trận lũ ở Làng Nủ.

Cháu Nguyễn Văn Hành, học sinh trường THPT Bảo Yên, là cháu khiến "ông nội" khắc khoải khôn nguôi. Bởi bố Hành mất sớm, 2 mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Thế nhưng trận lũ quét lịch sử đã mang mẹ em đi mất. Khi nghe Hành chia sẻ việc chỉ còn lại một mình trên đời, chắc phải nghỉ học để đi làm kiếm sống, thầy Khang lập tức tìm cách liên lạc để hỗ trợ em tiếp tục học xong lớp 12 và học lên cao nữa và thầy cũng kết nối với ngành giáo dục huyện Bảo Yên để nhờ hỗ trợ.

Cháu Hoàng Thảo Ngọc (lớp 6) mà theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và chuyên gia Nhật Bản, việc cháu sống được là một điều kỳ diệu của y học.

Hai anh em Phúc - Bảo rất đáng yêu, Gia Bảo đã phải chịu đựng cơn đau đớn cả về tinh thần và thể xác do chấn thương đầu, gãy xương đùi phải vết thương giờ đây đã lành nhưng vết sẹo to còn đó, con ngồi lém lỉnh cười đùa trong lòng ông nội Khang…

Thầy Nguyễn Xuân Khang nhớ rõ, kể rõ từng hoàn cảnh mỗi cháu như thế.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Người vun xới những “mầm non” Làng Nủ - 3

"Ông nội" Khang và các cháu nhanh chóng trở nên thân thiết. Ảnh Doãn Ánh Dương

Trong 2 ngày ngắn ngủi ở Làng Nủ, các cháu bé đa phần lúc đầu rất rụt rè nhưng chẳng mấy chốc sự tình cảm, chân thành từ ông nội khiến ông cháu nhanh chóng trở nên gần gũi, thân thiết như một đại gia đình, các cháu tíu tít bên ông cho đến lúc chia tay.

Ông nội và các cháu chính thức nhận nhau, cùng ký cam kết: "Cứ tới ngày 22/12 hàng năm, ông nội và các cháu chụp ảnh gửi cho nhau để biết sức khỏe và sự trưởng thành của mỗi người. Và ngày 22/12/2039, tức 15 năm sau, ông nội 90 tuổi và hai cháu bé nhất là Gia Hân và Khánh Ngân 18 tuổi, tất cả sẽ gặp nhau ở Hà Nội để chụp chung một kiểu ảnh như ngày 22/12/2024 ở Làng Nủ" với lời hẹn ước “Ông giữ gìn sức khỏe, cháu chăm chỉ học hành”.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Người vun xới những “mầm non” Làng Nủ - 4

Ông và các cháu ký lời hẹn ước. Ảnh Doãn Ánh Dương

Thầy Khang nói: "Với các cháu, 15 năm nữa thật dễ dàng nhưng với ông thì không dễ dàng đâu. Nhưng ông có niềm tin và động lực là các cháu nên sẽ cố gắng để thực hiện được".

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Người vun xới những “mầm non” Làng Nủ - 5

Thầy Nguyễn Xuân Khang thăm phòng nội trú ở trường Phúc Khánh và đề nghị với ban giám hiệu nhà trường việc ông sẽ trang bị thêm mới những vật dụng cần thiết cho các cháu có điều kiện ăn nghỉ, sinh hoạt tốt hơn. Ảnh Doãn Ánh Dương

Bà con Làng Nủ đều cảm động trước tình cảm của ông cháu. Chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ cháu Hoàng Thị Hiểm được thầy Khang nhận nuôi không giấu nổi sự vui mừng: “Em vô cùng cảm ơn thầy, nhờ sự hỗ trợ của thầy mà em bớt đi gánh nặng khi là mẹ đơn thân nuôi 2 con”. Được biết, sau khi biết được hoàn ảnh của chị Hồng còn có một cháu nữa là Hoàng Văn Huyên (14 tuổi) do mắc bệnh hiểm nghèo từ nhỏ không được đi học nên nhà trường không nắm được để lập danh sách nhận nuôi, vậy là  thầy Khang đã đề nghị nhận nuôi thêm Huyên nữa là cháu thứ 23.

Đại diện thân nhân các bé đều cam kết sẽ cho các con được học hành thật tốt để không phụ tấm lòng của thầy.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Người vun xới những “mầm non” Làng Nủ - 6

Người dân địa phương mang quà quê tặng thầy Khang trước lúc chia tay. Ảnh Doãn Ánh Dương

Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh chia sẻ: Ở địa phương các thế hệ cùng thời như các thầy cô giáo trở đi chưa chú trọng nhiều đến học tập nên đa phần giáo viên ở đây đều là người ở nơi khác đến công tác, sau này việc học hành được chú trọng hơn, đặc biệt khi có được sự hỗ trợ từ thầy Khang, chắc chắn việc học hành của các em học sinh sẽ được quan tâm hơn nữa hứa hẹn một tương lai tươi sáng. “Các em mất đi chỗ dựa nhưng ngay lập tức nhận được sự giúp đỡ của thầy Khang. Tôi luôn dặn các em hãy ghi nhớ, biết ơn sự giúp đỡ của thầy Khang, bây giờ còn nhỏ, sau này nhất định phải luôn nhớ công ơn và tìm gặp thầy” - thầy Vinh tâm sự.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Người vun xới những “mầm non” Làng Nủ - 7

Bé Ngọc Lan thơm má ông lúc chia tay. Ảnh Doãn Ánh Dương

Được biết, đây không phải lần đầu tiên nhà giáo Nguyễn Xuân Khang hỗ trợ học sinh vùng cao. Năm 2022, trường Marie Curie dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh tiểu học ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, duy trì tới khi các em học xong tiểu học. Trước tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở đây, thầy Khang chi 6-12 tỷ đồng hỗ trợ 30 sinh viên địa phương học đại học chuyên ngành này. Mỗi tháng, một sinh viên được hỗ trợ 5 triệu đồng, kéo dài trong 4 năm.

Ngoài ra nhà giáo Nguyễn Xuân Khang còn đang thực hiện dự án xây dựng tặng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang trường liên cấp trị giá 100 tỷ đồng.

Trận bão lũ kinh hoàng đã đi qua, đau thương đã ở lại phía sau, Làng Nủ giờ đây hồi sinh một cách kỳ diệu khi được khi được Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước chung tay giúp đỡ. Như Thủ tướng Phạm Minh  Chính phát biểu trong Lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ: "Giá trị lớn nhất mà bà con Làng Nủ đạt được không chỉ là ở những ngôi nhà mới xây hay những con đường thẳng tắp mà là ở chính tinh thần đoàn kết, đặc biệt là sự sẻ chia của cả cộng đồng".

Góp phần vào sự hồi sinh kỳ diệu ấy không thể không nhắc tới sự sẻ chia của thầy Nguyễn Xuân Khang, người đặc biệt quan tâm tới giáo dục, tới những “mầm non” - tương lai của Làng Nủ, xem giáo dục chính là khoản đầu tư đáng giá nhất cho sự phát triển bền vững.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Người vun xới những “mầm non” Làng Nủ - 8

Bức ảnh đặc biệt đầu tiên của ông và các cháu. Ảnh Doãn Ánh Dương

Ngày 12/1/2025, tại lễ trao giải WeChoice Awards 2024, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang được vinh danh là "Đại sứ truyền cảm hứng" - Người có dấu ấn đáng nhớ và ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng trong suốt năm qua.

Theo ghi nhận của giải thưởng WeChoice Awards 2024, thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie đã vượt qua mốc 1 triệu lượt vote từ khán giả. Đây được xem là “hiện tượng” trong lịch sử 10 năm nay của WeChoice khi có một thầy giáo đạt được con số ấn tượng này.

Như câu nói nổi tiếng của William A. Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”, hành trình và những việc làm nhân văn, cao đẹp của thầy giáo Nguyễn Xuân Khang đã lan tỏa tình yêu thương, sự tử tế, tiếp thêm cảm hứng để mỗi người sống đẹp hơn mỗi ngày. Thầy Nguyễn Xuân Khang thực sự là một người thầy vĩ đại.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (cùng nhà giáo Văn Như Cương) được coi như người đầu tiên khai mở mô hình giáo dục tư ở Hà Nội sau năm 1975 với sự ra đời của trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh. Năm 1992, thầy Nguyễn Xuân Khang rời khỏi Lương Thế Vinh, đứng ra thành lập trường Marie Curie - một thương hiệu hàng đầu của giáo dục Thủ đô hiện nay.

Hệ thống giáo dục Marie Curie gồm cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ngoài trụ sở chính tại Khu đô thị Mỹ Đình, nhà trường đã phát triển thêm ba cơ sở là Trường Tiểu học Marie Curie II tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie Hà Đông tại phường Văn Phú, quận Hà Đông và Trường Marie Curie ở Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên với quy mô cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Nguyễn Chi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Út Lan – Nữ Idol TikTok Live chinh phục khán giả nhờ giọng ca vàng

Út Lan – Nữ Idol TikTok Live chinh phục khán giả nhờ giọng ca vàng

Lê Phương Lan, hay còn được biết đến với biệt danh Út Lan, là một trong những nữ idol TikTok Live đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Ở tuổi 34, Út Lan không chỉ là một hiện tượng trên nền tảng TikTok mà còn là một nghệ sĩ tài năng với bề dày kinh nghiệm nghệ thuật đáng ngưỡng mộ.

Ba tuyển tập thơ nhạc Phạm Hồng Điệp: theo cùng dặm dài đất nước

Ba tuyển tập thơ nhạc Phạm Hồng Điệp: theo cùng dặm dài đất nước

Cuối năm 2024, Phạm Hồng Điệp vừa cho ra mắt 3 tuyển tập thơ - nhạc: "Miền Đất Việt", "Biển gọi em về", "Tuổi thơ trên đồng" đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành, tập hợp 200 bài thơ mà anh sáng tác trong khoảng 3 năm trở lại đây, trong đó có tới 138 bài đã được nhiều nhạc sĩ tên tuổi lựa chọn và phổ nhạc. Một số lượng tác phẩm đồ sộ.

Món quà trời ban (truyện ngắn)

Món quà trời ban (truyện ngắn)

An lặng lẽ nhìn quanh, đôi mắt ngấn lệ. Cô chợt nhận ra rằng mình chưa bao giờ cô đơn. Những người thợ khuyết tật, dù thiếu đi một phần cơ thể, nhưng lại có những trái tim đầy nhiệt huyết và lòng nhân hậu...

Tham tán văn hoá Đại sứ quán Trung Quốc thăm và làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Tham tán văn hoá Đại sứ quán Trung Quốc thăm và làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Chiều ngày 21/1, ông Hình Cửu Cường - Tham tán văn hoá Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chủ trì buổi tiếp đón.

Trịnh Gia Huy – Đại sứ truyền thông của chương trình “Tết Việt - Sắc màu giao thoa” năm 2025

Trịnh Gia Huy – Đại sứ truyền thông của chương trình “Tết Việt - Sắc màu giao thoa” năm 2025

Trịnh Gia Huy, cái tên đầy triển vọng của showbiz nhí Việt Nam vừa chính thức được lựa chọn làm Đại sứ truyền thông của chương trình “Tết Việt - Sắc màu giao thoa” năm 2025. Với thần thái sang trọng, cuốn hút cùng bảng thành tích đáng nể, Gia Huy trở thành gương mặt tiêu biểu trong việc lan tỏa giá trị văn hóa Việt và kết nối tinh thần giao thoa quốc tế.