Đặt tên cho bài báo

Tên một bài báo giống như tên một con người vậy. Người ta dễ ấn tượng ngay bởi cái tên. Ví dụ: Chưa hề gặp mặt, nhưng nếu nghe tên một cô gái là Yến, Oanh, Hằng, Thương, Xuân, Nga, Nhung, Thuỷ, Trà, Thanh, Mai, Tuyết... sẽ có cảm giác muốn gặp hơn những cái tên: Chiến, Tiến, Mạnh, Côn, Cần, Thắng, Hùng... những tên mang rõ tính đàn ông. Và nếu mang tên độc đáo hơn lại càng kích thích sự tò mò của người cần gặp (ví như Uyển Mi, Diễm Huyền, Thu Nắng, Mai Sương...).

Tôi đặc biệt quan tâm và để nhiều công sức tìm tên cho những bài báo của mình, không kém gì tư duy nội dung. Nhưng đáng tiếc, rất nhiều trường hợp đã không được bản báo tôn trọng. Từ những cái tên tôi có nhiều dụng công tìm kiếm với hiệu quả thông tin, biểu cảm đáng kể, người ở các toà soạn (có thể là biên tập viên hoặc các nấc trên: thư ký toà soạn, trưởng ban, phó hoặc tổng biên tập) đã sửa lại, trở nên rất tầm thường, hoặc ít nhất là không còn hay, thú vị. Xin dẫn chứng cụ thể:

Một lần, tờ báo nọ đăng truyện ngắn của tôi. Nội dung truyện nói về một cặp vợ chồng kia đều là “người nhà nước”. Vợ là kỹ sư, chồng là cán bộ quản lý. Họ sống với nhau chẳng ra gì. Đặc biệt là người chồng luôn bỏ bê vợ con, chỉ chạy theo 2 việc: Tìm cách ngoi lên chiếc ghế cao hơn, tranh thủ bồ bịch lăng nhăng. Tất nhiên anh ta phải làm một cách kín đáo, không để ai biết.

Bởi vậy mà phải tạo ra vỏ bọc là một gia đình ổn thoả, hạnh phúc. Anh ta đã đánh lừa được mọi người, nhất là hàng xóm và những người cùng cơ quan. Nhưng chính người chồng đang được coi là một người vừa có trình độ chuyên môn, lại cả tư cách đạo đức tốt ở cơ quan, nằm trong tầm ngắm của tổ chức để chuẩn bị đưa lên cao hơn trên nấc thang quyền lực kia lại là kẻ đối xử rất tệ với vợ.

Thậm chí y còn đóng kín cửa, bật dàn máy, tivi thật to để chửi, đánh vợ. Nhưng vì sống hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, lại có hai con nhỏ nên chị không thể ly hôn. Đã vậy thì phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chị cố chịu đựng, không hé răng cho ai về nỗi khổ cực của mình để chồng tiếp tục leo cao. Tôi đặt tên truyện là Nhà mồ (với ý nghĩa ngôi nhà sang trọng kia chẳng khác gì nhà mồ). Khi đăng bị sửa lại là Có một người chồng. Rõ ràng hiệu quả ấn tượng đã giảm sút rõ rệt. (Với cái tên mới có thể là một người chồng rất tốt, ngược lại với chuyện của tôi. Còn tên Nhà mồ thì khẳng định ý nghĩa của truyện ở ngay cái tên).

Đặt tên cho bài báo - 1

Tên một bài báo giống như tên một con người. Người ta dễ ấn tượng ngay bởi cái tên. (Ảnh minh họa)

Lần khác, tôi gửi đến báo khác bài Thơ hay chẳng nên phổ nhạc với nội dung: Theo tôi, những bài thơ hay, rất hoàn chỉnh về mọi phương diện không nên phổ nhạc mà chỉ nên phổ những bài có ý tứ phù hợp với nhạc sĩ, còn thì chưa hoàn chỉnh về các phương diện khác bởi vì khi chuyển thành bài hát, thường các nhạc sĩ phải cắt xén hoặc thêm bớt lời. Nếu phổ nguyên xi sẽ không tránh được sự dài dòng, chẳng thể thành bài hát hay được.

Và như vậy, từ bài thơ hay, nhạc sĩ chỉ có thể phỏng thơ chứ không thể gọi là phổ được. Bài báo của tôi được rất nhiều nhạc sĩ và nhà thơ đồng tình. Nhưng khi đăng trên báo, đã đổi tên thành Mấy ý kiến về phổ thơ. Tôi vui vì bài được đăng thì ít mà bực mình vì bị sửa tên thì nhiều. Bởi vì cái tên mới  không ít người đã bàn. Và mang ý nghĩa chung chung. Cái “tít” bài của tôi nói thẳng vấn đề từ trước đến nay chưa ai nói nên mới và độc đáo.

Trường hợp đáng nói thứ 3 là khi tôi gửi bài Một phù thuỷ ca khúc và những dư âm còn mãi với thời gian đến một tờ báo thì bị đổi tên là Nguyễn Văn Tý và những bài hát của ông. Cái tên mới quả là dễ dãi, chẳng nói lên điều gì (vì như vậy thì bất cứ nhạc sĩ nào cũng có thể lấy cái tên bài như vậy khi viết về họ). Còn tên của tôi thì chỉ phù hợp với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vì ông đúng là “phù thuỷ” trong lĩnh vực sáng tác bài hát. Và một ý nữa ở cái từ “dư âm”. Đây chính là tên một bài hát rất nổi tiếng của ông mà công chúng nhiều thế hệ rất yêu thích, truyền tụng.

Một trường hợp cực kỳ đáng tiếc và... buồn cười khác là một bài báo mang tính lý luận rất thú vị của tôi về âm nhạc bị đề nghị sửa “tít”. Đó là bài Nhạc sĩ nốt và nhạc sĩ chữ. Ý tôi là ở nước ta số nhiều nhạc sĩ chỉ là “nhạc sĩ nốt” tức ngoài các nốt nhạc hầu như không hiểu biết gì về những lĩnh vực văn nghệ, văn hóa xã hội khác (văn, thơ, sân khấu, điện ảnh, hội họa, lịch sử, dân tộc, triết học, ngôn ngữ...). Số này gọi là “nhạc sĩ nốt”.

Số còn lại rất ít, chỉ chiếm tỷ lệ chừng vài phần trăm thì ngoài sự tinh thông về âm nhạc còn hiểu biết sâu rộng về những lĩnh vực nói trên - tức có “phông” văn hóa sâu sắc, có trình độ lý luận cao. Số này gọi là “nhạc sĩ chữ”, tức là có nhiều chữ trong đầu. Một tờ báo nọ tỏ ra tôn trọng tôi, đã cho biên tập viên “a-lô” xin phép đổi tên lại là Giới nhạc sĩ cần nâng cao trình độ hiểu biết. Tôi không đồng ý và nói rằng cái “tít” của bản báo là không tế nhị, có vẻ khệnh khạng, răn các nhạc sĩ. Như vậy ắt là họ sẽ phản ứng.

“Tít” của tôi độc đáo, thú vị hơn hẳn. Ai cũng thấy như vậy khi được tôi tham khảo ý kiến. Họ đưa ra một “tít” khác: Mặt bằng văn hóa của nhạc sĩ Việt Nam hiện nay. Tôi thấy cũng không ổn nên vẫn không đồng ý. Cuối cùng, hai bên vẫn không “gặp” được nhau. Tôi đành rút bài về, gửi đăng báo khác thì được báo này rất hưởng ứng, đánh giá cao bài viết và thích thú với cái “tít” của tôi.

Còn nhiều trường hợp rất đáng tiếc khác tôi không thể dẫn hết.

Trong khi những cái tên của tôi đặt cho các bài báo bị sửa đi như đã nói thì lại xuất hiện quá nhiều cái tên mòn cũ, nhàm chán mà chẳng hề thấy các nhà biên tập thay đổi, ví như “Nét mới ở...”, “Thấy gì qua...” và một vài kiểu tên bài đã trở thành rập khuôn rất mòn, xuất hiện quá nhiều là: “Người thổi hồn vào...” (Hoặc “Người thổi hồn cho...”); “Có hay không việc...”...

Tất nhiên là người biên tập lại “tít” phải có lý do, chứ không ai vô cớ. Nhưng rất nhiều khi cái lý họ đưa ra rất thiếu thuyết phục, ví dụ: Truyện Nhà mồ họ không để tên cũ vì “nghe gớm quá, gây cảm giác chết chóc, u ám” (lời giải thích lý do sửa với tôi). Thật là lạ. Đó chính là chủ đích của tôi muốn người đọc cảm nhận sau khi đọc hết truyện. Vậy thì cái tên của tôi là đích đáng, sao phải sửa bằng cái tên khác quá tầm thường?

Chẳng hiểu các tác giả khác thế nào, chứ tôi có khi bài đã xong mà nghĩ mãi vẫn không ra cái tên vừa ý. Vậy nên khi người viết đã dụng công thì người biên tập cũng nên tôn trọng, nếu muốn sửa hãy suy nghĩ kỹ và cần trao đổi lại với tác giả.

Theo tôi, “tít” phải đạt được những yêu cầu: Độc đáo, không đi theo vết mòn những “mô-típ” đã quen thuộc và phải thâu tóm được vấn đề chính của bài viết.

Đôi điều góp cùng các tòa báo. Rất mong được sự cảm thông và đồng tình.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất