Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động và phát triển

Ngày 10/6, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi - Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016” với sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của gần 80 chuyên gia, các nhà báo, các luật sư, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học về Luật Báo chí 2016.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo khoa học thường niên "Diễn đàn báo chí tháng Sáu” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Đồng thời, cũng là hội nghị tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016, là một trong những chương trình công tác năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao gắn với nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động và phát triển - 1

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Những vấn đề cần sửa đổi trong Luật Báo chí 2016

Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Sau 6 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí. Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, qua 6 năm thi hành, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động và phát triển - 2

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TTXVN)

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30-3-2022 báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí 2016 và kiến ​​nghị sửa đổi, bổ sung. Qua rà soát, có 27 nội dung, nhóm nội dung còn có quy định bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của luật báo chí. Những vấn đề này cho thấy, Luật Báo chí cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động và phát triển.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trình Chính phủ trong năm 2023.

“Các ý kiến đánh giá của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau tại hội thảo sẽ đưa ra cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan về hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, đề xuất và kiến nghị những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho rằng, Luật Báo chí sau nhiều năm áp dụng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, cần thiết được sửa đổi để theo kịp được với tốc độ phát triển hiện nay. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm xây dựng Dự án Luật này trình Chính phủ sớm nhất để có thể đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Để Luật Báo chí theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại 

Tại Hội thảo, TS Phan Văn Kiên, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân báo chí đang có nhiều thay đổi, chuyển mình không ngừng và đa chiều như hiện nay.

Tuy nhiên, trong Luật hiện hành vẫn còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với hình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí hiện nay. Chẳng hạn như, có nên phân cấp “Thẻ nhà báo” và “Thẻ phóng viên” hay không; hoặc nên bổ sung vấn đề nếu đăng sai trên báo in với mức độ nghiêm trọng, dù đã đăng cải chính xin lỗi, còn cần thu hồi số báo đã phát hành để tránh những thiệt hại về mặt thông tin.

Để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại, theo Nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo, làm luật trên toàn quốc.

Trước thực tiễn của việc sửa đổi Luật Báo chí 2016, Hội thảo đi sâu vào các vấn đề chính: Đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016 và phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí; phân tích, dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển báo chí hiện đại, những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Hội thảo cũng đề xuất giải pháp, cơ chế, phương thức thi hành Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và giữ gìn sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất