Đề tài sông nước Nam Bộ qua những bài vọng cổ nhịp 32

Sông ngòi chằng chịt là một nét đặc trưng của thiên nhiên Nam Bộ từ khi người lưu dân đặt chân khai khẩn vùng đất này. Sông nước không chỉ là môi trường thiên nhiên, không gian sinh hoạt vật chất mà còn gắn với đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ. Từ đấy, đề tài sông nước đã đi vào văn chương, nghệ thuật mà trong đó bài “Vọng cổ nhịp 32” là một điển hình. Những bài vọng cổ viết đề tài sông nước đã trở thành những tác phẩm được công chúng yêu thích, là sản phẩm văn hóa độc đáo của con người gắn với môi trường sinh thái nơi đây.

Vọng cổ nhịp 32

Vọng cổ được sinh ra ở vùng đất mới Nam Bộ. Vọng cổ nhịp 32 có nguồn gốc từ bài “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời tại Bạc Liêu khoảng năm 1919. Sau vài năm “Dạ cổ hoài lang” ra đời, các nhạc sĩ, soạn giả Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa (nghệ sĩ Năm Nghĩa), Trần Tấn Trung (soạn giả Mộng Vân)  đã phát triển bản bản đờn “Dạ cổ hoài lang” từ nhịp 2 đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và gọi tên là vọng cổ. Đến khoảng năm 1941, nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ) lại mở rộng lòng bản và tăng nhịp thức mỗi câu là 32 nhịp nên gọi là Vọng cổ nhịp 32. Do được tăng nhịp, so với vọng cổ nhịp 4, 8, 16 thì vọng cổ nhịp 32 nổi trội hơn về tính chất âm nhạc, tính chất văn học,… thuận lợi trong việc các tác giả chuyển tải nội dung, phản ánh cuộc sống, diễn đạt tâm tư, tình cảm của con người một cách thật đa dạng. Vọng cổ nhịp 32 đã trở thành một bài bản cổ nhạc phổ biến luôn có mặt trong sinh hoạt từ dân gian cho đến biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp.

Đề tài sông nước Nam Bộ qua những bài vọng cổ nhịp 32 - 1

Người dân Nam Bộ từ thuở khai hoang mở đất đã gắn bó với sông nước, ruộng đồng.

Đề tài sông nước qua những bài vọng cổ nhịp 32

Đề tài là những phạm vi được đề cập đến trong tác phẩm nghệ thuật. Là sản phẩm tinh thần của người dân Nam Bộ bắt nguồn từ chính cuộc sống nơi đây, bài vọng cổ cũng như những thể loại văn học khác phản chiếu đời sống của con người và cảnh quan thiên nhiên ở mảnh đất này. Điều kiện thiên nhiên ở Nam Bộ chính là môi trường sinh thái đã hình thành và tác động đến tư duy sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ hay nói cách khác, bằng cảm quan sinh thái, các tác giả ở vùng sông nước này đã cho ra đời những tác phẩm vọng cổ lấy sông nước làm đề tài xây dựng nên ca từ và hình tượng nghệ thuật mang đậm dấu ấn của không gian văn hóa sông nước Nam Bộ.

Người dân Nam Bộ từ thuở khai hoang mở đất đã gắn bó với sông nước, ruộng đồng. Để có những ruộng vườn tươi xanh, người lưu dân đã đổ bao công sức trong quá trình lao động, khai khẩn. Sông nước như những chứng nhân của lịch sử dân tộc từ thời tiền nhân xuôi theo con nước khai hoang mở đất: “Vùng đất phương Nam chập chùng sóng nước, lưu dấu người xưa mở cõi kiêu hùng… Cánh chim bằng khuấy động Cửu Long Giang, chuyển Đồng Tháp hoang vu thành vùng đất phì nhiêu màu mỡ. Thôn xóm bây giờ rợp bóng dừa xanh, hoa trái xum xuê sắc màu rực rỡ” (trích Bài ca đất phương Nam; Nhạc: Lư Nhất Vũ, Lê Giang; Vọng cổ: Hoàng Thành).

Vọng cổ là sản phẩm tinh thần của cư dân vùng sông nước nên hình ảnh những dòng sông luôn xuất hiện trong các tác phẩm là một điều rất tự nhiên. Bởi lẽ, những dòng sông đã gắn bó với người lưu dân từ thuở xuôi theo dòng nước mà đi lập nghiệp. Trong cuộc sống thanh bình, những dòng sông cung cấp cho con người nước ngọt mát lành, cá tôm đầy ắp: “Người tụ về đây chung sức chung lòng. Kìa chín nhánh Cửu Long qua đồng lúa hát, nối tiếp chuyến tàu tôm cá bạc ra khơi. Miền đất ngọt ngào vươn sức sống sinh sôi, trong gian khó có bao giờ chùn bước” (trích “Gặt mùa trên sóng Cửu Long”; Tác giả: Liên Phương).

Đề tài sông nước Nam Bộ qua những bài vọng cổ nhịp 32 - 2

Vọng cổ là sản phẩm tinh thần của cư dân vùng sông nước nên hình ảnh những dòng sông luôn xuất hiện trong các tác phẩm là một điều rất tự nhiên.

Trong công cuộc kháng chiến chống quân thù, dòng sông là hình ảnh quê hương. Sông và con người  hứng chịu những mất mác đau thương. Những trận chiến đánh đuổi quân thù trên sông, dòng sông trở thành mặt trận, đường ra mặt trận. Màu xanh của dòng sông là màu xanh của niềm tin mạnh mẽ, của tinh thần quật khởi. “Quyết giữ màu xanh quê mẹ” là bài vọng cổ được tác giả Ngô Hồng Khanh viết trong những năm kháng chiến chống Mỹ của dân tộc: “Em ơi, mỗi tấc đất, mỗi dòng sông đều mang nặng vết thương đau nhưng ngày đêm vẫn bốc cao lửa hờn căm. Màu xanh đất mẹ vẫn nảy mầm hi vọng như bao tấm lòng, quê mình đi diệt thù”. Sông như một phần cơ thể máu thịt mà con người phải giữ gìn, bảo vệ.

Ngược lại, sông cũng là nơi cưu mang, chở che con người trong trận chiến. Cũng trong những tháng năm chiến đấu chống quân thù, tác giả Huyền Nhung đã viết về quê hương Long An với hình ảnh dòng sông Vàm Cỏ: “Mấy mươi năm sông cùng ta ra trận là mấy mươi lần chở nặng chiến công. Nắng dãi mưa dầm có tình mẹ chắt chiu, dòng sông tôi yêu chở nhiều nhung nhớ.

Dòng sông quê hay dòng sữa mẹ hiền

Chở che bom đạn nuôi đàn con yêu tháng năm” (trích Dòng sông quê em; Nhạc: Trương Quang Lục - Vọng cổ: Huyền Nhung).

Qua hình ảnh sông nước, các tác giả đã làm nổi bật lên hình tượng người dân phương Nam thật chất phát, mộc mạc, hiền hòa trong cuộc sống nhưng thật mạnh mẽ, anh hùng trong chiến đấu. Trên những dòng sông của quê hương, bao lớp thanh niên trai tráng đã dũng cảm xông pha đánh đuổi quân thù, những cô du kích vững tay chèo đưa các anh vào trận đánh. Sông nước và con người phương Nam đã góp phần tạo nên những hình tượng kiêu hùng mà đầy chất thơ trong bài vọng cổ “Trên dòng sông Hậu”: “Ngày ấy quen nhau trên chiếc xuồng con em đưa anh vào trận đánh. Cành lá ngụy trang rung rinh in đáy nước, cũng vẫn chiếc áo bà ba mái dầm quen thuộc nón lá che nghiêng mái tóc dài tha thướt ơi cô gái Hậu Giang trang nghiêm mà lộng lẫy vô cùng” (trích “Trên dòng sông Hậu”; Nhạc: Trần Thiện Thanh - Vọng cổ: Huyền Nhung).

Những dòng sông, những chiếc cầu là nơi chứng kiến những cuộc tiễn đưa, những chàng trai lên đường chiến đấu, những cô gái hậu phương son sắt đợi chờ. Trong bài “Thương nhau hát Lý qua cầu”, tác giả Thanh Bình đã viết:

Nam: “Em ơi đường hành quân nhánh sông nào cũng đẹp. Đất nước những nhịp cầu giăng nỗi nhớ về nhau”.

Nữ: “Người yêu dấu có xa đâu. Thương nhau hát Lý qua cầu nghe anh”.

Khi đất nước thanh bình, sạch bóng quân thù, dòng sông là không gian bình yên, là nơi tự hào chứa chan những ước mơ, những kỷ niệm êm đềm: “Anh sẽ giữ màu xanh trên dòng sông Vàm Cỏ, giữ êm đềm kỷ niệm của tuổi thơ… Nghe tiếng em ca trên dòng sông giải phóng, lòng lâng lâng như giấc mộng ban đầu”. (trích “Dòng sông quê em”; Nhạc: Trương Quang Lục - Vọng cổ: Huyền Nhung).

Những dòng sông chở nặng phù sa, dồi dào tôm cá mang lại cuộc sống bình yên, quê hương tươi đẹp. Người và sông nước quê hương rộng mở, thân thiện đón chào du khách đến thăm: “Sông Hậu hiền hòa chở nặng phù sa tươi sắc, cho đất Cần Thơ có trái ngọt gạo thơm. Ngày từng ngày người về đây tấp nập, chén trà gừng Ô Môn làm ấm lòng khách phương xa” (trích “Cần Thơ thơ mộng”; Tác giả: Đỗ Dũng).

Hình tượng sông nước vừa mang giá trị của cảnh quan thiên nhiên hiện hữu trong đời sống vừa mang giá trị liên tưởng trong tâm cảm của chủ thể trữ tình. Sông trong những bài vọng cổ có thể là một dòng sông có tên gọi cụ thể gắn với địa danh, nơi chốn nhất định như: Sông Tiền, sông Hậu, sông Mỹ Thuận, rạch Cái Thia…: “Con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu, con sáo sang sông con sáo đậu hiên nhà. Trời tháng tư em mặc áo hoa cà. Qua ngõ nhà anh, em kéo nghiêng vành nón, giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng” (trích “Hoa tím bằng lăng” - Vọng cổ: Linh Châu) hay “Tôi vẫn hát bài tình ca châu thổ, anh cứ về nơi đó dòng sông, gặt mùa trên sóng Cửu Long, Tiền Giang sông Hậu chung tấm lòng sắt son” (trích “Gặt mùa trên sóng Cửu Long”; Tác giả: Liên Phương).

Có những dòng sông không có tên gọi cụ thể nhưng tất cả đều là hình ảnh quê hương thu nhỏ trong lòng của mỗi người với những kỷ niệm, ký ức, hình ảnh thân thương. Sông nước là hình ảnh của quê, sông nước khơi gợi nỗi nhớ trong lòng người xa xứ, nói đến dòng sông, bến nước là nói đến một góc quê hương trong đời sống thực cũng như trong tâm trí của con người: “Dòng sông nào chảy giữa lòng tôi. Như con sóng nôn nao thương về quê ngoại. Lâu quá không về nên ngoại buồn ngoại lẫy: “Nặng gánh gia đình nên bỏ ngoại phải không con?” (trích “Về quê ngoại”; Tác giả: Nguyễn Minh Tuấn).

Sông vốn là nơi chốn, là không gian để con người sinh sống, hoạt động. Khi trở thành hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, dòng sông từ hình ảnh mang tính hiện thực qua quá trình nhận thức, sáng tạo của các tác giả và bằng các phương thức tu từ nghệ thuật, sông nước mang ý nghĩa liên tưởng đến những vấn đề khác của con người như: thân phận cá nhân, cuộc đời, các trạng thái tâm lý, tình cảm của con người…

Từ trong cuộc sống sinh hoạt mưu sinh, sông nước gắn với những số phận lênh đênh, gạo chợ nước sông, cuộc sống của khách thương hồ: “Thân già gạo chợ nước sông. Khỏe thì đưa khách, mệt nằm xả hơi. Sang giàu mặc kẻ đưa bơi. Công danh như thể bèo trôi giữa dòng… Còn trời, còn nước, còn sông, còn cây đa cũ còn ông chèo đò" (trích “Ông lão chèo đò”; Soạn giả: Viễn Châu).

Sang sông, dòng sông với bến trong bến đục lại tượng trưng cho sự may rủi trong hôn nhân của người con gái: “Mẹ ơi, thân con gái mười hai bến nước, biết bến nào trong biết sông nào đục, biết rủi hay may một ngày xuất giá theo chồng" (trích "Con gái của mẹ"; Nhạc: Giao Tiên -Vọng cổ: Loan Thảo).

Đề tài sông nước Nam Bộ qua những bài vọng cổ nhịp 32 - 3

Qua đề tài sông nước, các tác giả đã gởi vào những bài vọng cổ nhịp 32 những cảm quan thẩm mỹ về tình yêu quê hương, về đời sống, văn hóa, tinh thần của con người Nam Bộ.

Những con sông chằng chịt, sông dài, sông rộng làm người ta liên tưởng đến chiều kích không gian và thời gian nghệ thuật. Dòng sông ví như dòng đời, những ngã sông như những ngã rẽ của cuộc đời, ghi dấu sự gặp gỡ, sum hợp hay chia tay… với những ngõ ngách tâm tư, vui buồn của con người : “Hỡi ơi! Con sông Phụng Hiệp nó chia ra bảy ngã, mà lệ của tôi sao nó cứ lai láng tuôn dòng. Có ai hiểu được tấm lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy. Sông sâu bên lỡ, bên bồi. Tình anh bán chiếu trọn đời không phai". (trích Tình anh bán chiếu; Soạn giả: Viễn Châu). Bờ sông là nơi hẹn hò, gắn với tình yêu đôi lứa. Bến sông, con đò là hai hình ảnh song hành về tình yêu nam nữ, bến sông là biểu tượng của sự chung thủy đợi chờ: “Điệp ơi, mai anh lên chốn thành đô có nhà xe rực rỡ. Xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ, chốn quê xưa em vò võ mong chờ” (trích “Lan và Điệp”; Nhạc: Mạc Phong Linh - Vọng cổ: Loan Thảo).

Một tác phẩm nghệ thuật luôn thống nhất giữa nội dung và hình thức. Nội dung tác phẩm là hiện thực khách quan đã được đồng hóa thẩm mỹ bởi chủ thể sáng tạo. Hình thức tác phẩm là cách thể hiện nội dung của tác giả. Bài vọng cổ là một tác phẩm nghệ thuật gồm lời ca và âm nhạc. Hình thức để chuyển tải nội dung của bài vọng cổ không chỉ là hình thức của ngôn từ nghệ thuật mà còn là hình thức nghệ thuật được thể hiện bằng giai điệu.

Để chuyển tải đề tài sông nước trong bài vọng cổ nhịp 32 đạt hiệu quả về biểu đạt, các tác giả luôn chọn những hình thức nghệ thuật phù hợp. Những điệu lý, những câu hò, những bài bản nhạc Tài tử, nhạc Cải lương Nam Bộ… được các tác giả khéo léo hòa kết trong cấu trúc âm nhạc của bài Vọng cổ nhịp 32. Đó là những bài bản hết sức đặc trưng mà chỉ những chủ nhân của môi trường thiên nhiên sông nước mới sáng tạo nên như điệu “Hò chèo ghe”, điệu “Lý qua cầu”, điệu “Lưu thủy trường”, “Lưu thủy hành vân”…

Ví dụ: Trong bài “Tình anh bán chiếu”, soạn giả Viễn Châu dùng câu hò chèo ghe để nói lối vào câu 1 của bài vọng cổ:

“Hò … ơ … Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em không gặp … hò … ơ … tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm.

Câu 1: Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào...”

Bài vọng cổ “Thương nhau hát Lý qua cầu”, tác giả Thanh Bình khắc họa được hình ảnh đáng yêu, chung thủy của cô gái hậu phương qua bài “Lý qua cầu” để hòa kết âm nhạc: “Chờ nhau chung thủy chung bên cầu. Dòng đời tươi thắm như dòng sông nào ai chẳng bồi hồi… Đường hành quân xa, ven triền sông luống nhớ quê nhà. Đường lên biên giới, cánh chim nào bay phơi phới. Con sóng chồm qua lòng anh hát với em điệu Lý qua cầu".

Âm giai dìu dặt của điệu “Lưu thủy hành vân” thì hết sức phù hợp, giàu sức gợi về hình ảnh những cánh cò trắng điểm tô trên những đồng lúa, bưng biền của vùng đất Tây Nam Bộ trong bài “Bên chiều thương nhớ” của tác giả Nguyễn Chi: “Trong nắng rộng cò bay, bay trắng bưng. Đồng lúa lên xanh biền. Thương sao ánh mắt tươi duyên trong vành nón nghiêng. Đời cất cao khúc nhạc thanh bình”. Hay bài “Chị tôi” được tác giả Hà Nam Quang mở đầu bằng điệu hát ru tạo niềm thương cảm trong lòng người nghe về hình ảnh người chị lam lũ, buôn bán trên sông để nuôi đàn em thơ: “Ầu ơ … Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi. Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”.

Đề tài sông nước Nam Bộ được phản ánh qua những bài vọng cổ nhịp 32 càng thêm giàu sức biểu đạt, biểu cảm bằng tài năng sáng tạo nghệ thuật của các tác giả, sự thống nhất chặt chẽ giữa nội dung và hình thức nghệ thuật.

Kết luận

Từ ngày xưa cho đến hôm nay, người dân Nam Bộ luôn sống gắn bó với môi trường sông nước, thuận theo đặc trưng môi trường sinh thái của vùng mà lao động, dựng xây, bảo vệ quê hương và sáng tạo nên những giá trị vật chất cũng như tinh thần, phản chiếu tất cả đời sống sinh hoạt của con người ở nơi đây. Qua đề tài sông nước, các tác giả đã gởi vào những bài vọng cổ nhịp 32 những cảm quan thẩm mỹ về tình yêu quê hương, về đời sống, văn hóa, tinh thần của con người Nam Bộ. Nếu ai đã một lần nghe những bài vọng cổ sẽ thêm yêu mến con người, không gian sinh thái và những giá trị văn hóa nghệ thuật của mảnh đất này.

Tài liệu tham khảo:

Đỗ Dũng (2013): Đặc điểm ngôn ngữ của ca từ Vọng cổ. TP. HCM: Văn hóa - Văn nghệ.

Trần Ngọc Thêm (2014). Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ.

TP. HCM: Văn  hóa - Văn nghệ.

Trần Phước Thuận (2007). Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu, Hà Nội: Văn hóa Thông tin.

Châu Hoài Phương

Tin liên quan

Tin mới nhất