Độc đáo chợ nổi trên sông của người dân Nam Bộ

Từ góc độ địa văn hoá có thể chia văn hóa Việt Nam thành nhiều vùng, miền văn hóa khác nhau, trong đó Nam Bộ là một vùng văn hóa phong phú, có nhiều đặc thù, sáng tạo độc đáo trên cái nền chung của văn hoá truyền thống Việt Nam. Như ta đã biết, sông nước là đặc điểm hàng đầu của địa lý Việt Nam. Đất nước của hàng ngàn dòng chảy kể từ 10km trở lên, của hàng trăm cửa sông đổ ra bể sau khi cắt xẻ địa hình thành từng thuỳ, từng dãi hẹp của mấy châu thổ chi chít sông cả, sông con và kênh rạch, mà điển hình nhất là châu thổ Cửu Long ở Nam Bộ với “chín con rồng” phun nước ra biển Đông ào ạt ngày đêm.

Nhắc đến Đồng Bằng Sông Cửu Long ( ĐBSCL) là nhắc đến một vùng sông nước phì nhiêu, với những dòng sông xẻ ngang, xẻ dọc, những con rạch chằng chịt ôm lấy những cánh đồng, làng quê Nam Bộ tạo nên một hình thái giao thông hết sức đa dạng. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của cư dân ở đây từ những ngày đầu vào vùng đất mới lập nghiệp luôn gắn bó với mọi biến động của dòng nước, con sông. Người dân ở đây từ lâu đã cảm nhận sâu sắc đặc điểm thiên nhiên đó và chính họ đã biết tận dụng và phát huy loại phương tiện tối ưu cho việc đi lại vận chuyển trên sông nước. Và từ đây xuất hiện loại hình hoạt động kinh tế khá độc đáo đó là chợ nổi (chợ trên sông), mang đậm dấu ấn của nền “văn minh sông rạch”.

Độc đáo chợ nổi trên sông của người dân Nam Bộ - 1

Chợ nổi Cái Răng

Một vùng sông nước

Thiên nhiên ở ĐBSCL thể hiện rỏ nét tính chất “bán đảo của bán đảo”. Vị trí của đồng bằng không chỉ tiếp giáp với đất liền mà  ba mặt Đông, Tây, Nam của ĐBSCL đều giáp biển với chiều dài 600km. Vì vậy tính chất bán đảo và nhiệt độ gió mùa thể hiện rất rỏ ở vùng đất này.

Mặt khác, do địa hình trũng thấp nên sông chảy chậm, bề ngang mở rộng, giữa sông nổi lên nhiều bãi phù sa gọi là “cù lao” (cù lao ông Hổ, cù lao Giêng,..). Sông ngòi phần lớn đổ ra biển Đông theo hai con sông Tiền và sông Hậu, chỉ có hệ thống nhỏ đổ ra vịnh Thái Lan. Nhìn chung, sông ngòi ở đây nhiều không sao kể xiết, tạo thành một mạng lưới chằng chịt nối liền các vùng trong và ngoài đồng bằng lại với nhau.

Độc đáo chợ nổi trên sông của người dân Nam Bộ - 2

Nhiều khu vực buôn bán đã được hình thành thường là ở cạnh bến sông, ở nơi đầu vàm, ở những ngã ba, ngã tư sông,...

Yếu tố tự nhiên được xem là một điều kiện quyết định thường xuyên đến đời sống sinh hoạt của cư dân trong vùng. ĐBSCL với hệ thống sông rạch phong phú đã tạo ra vùng đất này một đặc trưng sông rạch mà không đâu ở Việt Nam có được “sông rạch dọc ngang la liệt, đi trên sông ấy không phải người thổ dân thuộc đường thì ắt bị cùng đường, lộn trạch…”. Điều này đã được thể hiện rỏ trong câu ca dao: “Không đi thì nhớ thì thương. Đi thì lại mắc cái nương cái cầu”.

Đối với những vùng ven sông, ven các cửa sông lớn cũng hình thành các xóm chài, người ta cư trú ở trên bờ những vùng giáp nước, nơi gặp gỡ của hai, ba con nước, vì nơi đây dễ sông bằng nghề buôn bán, mở hàng quán. Như thế xuất hiện một loại hình cư trú khá đặc biệt, đó là nhữ khu dân cư trên bè, trên mãng,… loại hình cư trú này được thể hiện qua các địa danh còn lưu giữ cho đến nay như: Cái Bè, Nhà Bè,..

Trong khi những người sống bằng nghề làm ruộng thường dựng nhà rãi rác trên đồng thì “những người đi ghe thường cư trú tập trung ở bến sông, ngịn lạch hợp thành những xóm chùm, mỗi xóm thường theo cùng một nghề”. Đây là một xu thế tự nhiên và cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của họ. Những người ở cùng địa phương theo cùng một nghề dễ dàng trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau nắm bắt những thông tin về giá cả thị trường, tránh bị lỗ lã khi mua bán,.. Và từ đây, hình thành một phương thức hoạt động kinh tế khá đặc biệt, đó là chợ nổi trên sông.

Có thể nói ngay từ buổi đầu đặt chân lên vùng đất này, con người đã phải thích ứng với môi trường sinh sống để tạo dựng một không gian sống phù hợp với mình. Trong đó, việc hình thành chợ trên sông được xem là một hệ quả của sự sắp đặt này.

Chợ trên sông, dấu ấn đậm nét của “ văn minh sông rạch”.

Độc đáo chợ nổi trên sông của người dân Nam Bộ - 3

Hình ảnh chợ nổi trên sông từ lâu đã gắn bó và trở nên quen thuộc trong mọi hoạt động đời sống vật chất và tinh thần của người dân Nam Bộ.

Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã viết “ Ở Gia Định chổ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hoặc để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán rất tiện lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm đi lại không ngớt…”. Rõ ràng từ bao đời nay, sinh hoạt của người dân ĐBSCL đều lấy dòng sông, con nước làm phương tiện để sinh tồn. Và chợ, nơi không thể thiếu trong đời sống văn hoá xã hội, cũng không nằm ngoài quy luật của vùng quê sông nước.

Chợ là một bộ mặt văn hoá gắn chặt với sinh hoạt đời sống của nhiều tầng lớp xã hội của một vùng đất. Quá trình hình thành và phát triển của chợ mang đậm dấu ấn của một thời kỳ lịch sử. Chẳng phải ngẩu nhiên một triết gia người Ý_ Malaparte gọi “chợ là viện hàn lâm”, “ chợ là viện bảo tàng”. Nếu đình làng ở nơi đất mới biểu thị cho tính cộng đồng và đáp ứng những nhu cầu về tâm linh và sinh hoạt văn hoá vốn đã từng ăn sâu trong ký ức, tập quán của họ từ nơi quê cũ, thì chợ nhằm giải quyết những nhu cầu thực tế về mặt kinh tế trong đời sống hằng ngày. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng có nhận xét rất tinh tế “ chợ là cái hàn thử biểu của kinh tế_ văn hoá nơi đó.”.

Khác với nhiều vùng khác ở nước ta, Nam Bộ đã sớm hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hoá như một động lực hữu hiệu cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá vùng. Kinh tế hàng hoá phát triển sớm ở vùng này đã hình thành nên việc buôn bán bằng đường sông, một hoạt động kinh tế đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long: “Đạo nào vui bằng đạo đi buôn.  Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông”. Sách Gia Định thành thông chí đã mô tả quang cảnh đi lại, mua bán trên sông thời bấy giờ như sau: “theo con nước lớn, nước ròng, ghe thuyền chèo chống, ca hát ngày đêm tấp nập…”

Chợ thì thường được đặt ở nơi trung tâm của khu dân cư, tiện đường đi lại. Đối với chợ trên sông cũng thế, nhiều khu vực buôn bán đã được hình thành thường là ở cạnh bến sông, ở nơi đầu vàm, ở những ngã ba, ngã tư sông,.. Do đó, cũng thường có tên gọi “chợ ngã ba”, “ chợ ngã tư ”. Tên chợ thường dược lấy tên đất như: chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp, chợ Cái Răng, chợ nổi Cái Bè ( Tiền Giang ), chợ nổi Năm Căn ( Cà Mau ), chợ nổi Long Xuyên ( An Giang ),..

Những người dân từ bao nhiêu miền quê xuôi ghe thuyền xuống đây họp chợ. Họ chở các loại sản phẩm của mình ra chợ bán từ quày dừa đến cọng rau. Ghe thương lái miền trên theo con nước chở hàng phố thị, những đặc sản miền xa về nhóm cho đông hơn buổi họp chợ trên sông. Ở đây, có đủ mọi sản phẩm từ nhũng vật dụng quen thuộc trong cuộc sống như cuốc, rựa, nôm, khăn, bầu rượu, đèn lồng,.. đến những loại thức ăn như bún, hột vịt lộn, cháo lòng, chè, bánh,.. và đủ các loại trái cây từ miền xuôi đến miền ngược như: dừa, dưa hấu, cóc, ổi, mận, nhãn, quýt,… có cả những sản phẩn khác như nồi đất, sành sứ, pate hộp ngoại nhập,…Nói chung những sản phẩm gì ở chợ phố có thì ở những phiên chợ nổi trên sông cũng có thể đáp ứng, phục vụ cho những khách hàng, “ thượng đế ” đi chợ bằng phương tiện thủy.

Độc đáo chợ nổi trên sông của người dân Nam Bộ - 4

Chợ nổi trên sông bày biện ra trước mắt ta cả một nền văn hoá vùng, nơi mà mọi lề thói sinh hoạt, tâm tính của người dân thể hiện qua phong cách mua bán, cư xử đối đãi với nhau.

Một nét độc đáo riêng của chợ nổi trên sông là, bán món gì thì treo món ấy lên một cây sào cắm ở mũi thuyền để tiếp thị sản phẩm mình. Chợ đuợc họp từ tờ mờ sáng, ghe thuyền bơi chèo hối hả cùng tiếng cười nói rộn rã thi nhau đến chợ, người mua kẻ bán dập dềnh trên sông nước, í ới bớt một, thêm hai,.. có cả quầy càphê, ăn sáng lưu động trên sông để phục vụ cho bà con tiểu thương và khách hàng đi chợ. Nắng dần  lên cao thì chợ cũng thưa dần… mạch sống của sôi động của dân quê diễn ra từng phút, từng giây.

Chợ nổi trên sông bày biện ra trước mắt ta cả một nền văn hoá vùng, nơi mà mọi lề thói sinh hoạt, tâm tính của người dân thể hiện qua phong cách mua bán, cư xử đối đãi với nhau. Ngoài những hoạt động buôn bán kinh tế thuần tuý như bao ngôi chợ quê khác, các chợ nổi ở đây còn là nơi cung cấp thông tin, bổ sung những kiến thức xã hội cho con người. Những người dân ở các vùng tụ tập lại cùng trao đổi và nắm bắt những thông tin khắp nơi, cũng như học hỏi những kinh nghiệm do thuyền buôn từ nhiều nơi mang đến. Đặc biệt hơn, ở chợ nổi đã tạo nên bản sắc riêng đó là nơi đây thường diễn ra các hình thức nghệ thuật mang đậm phong cách Nam Bộ : hát cải lương, đờn ca tài tử, hò đối đáp trên sông,…

Với những câu hò, lời hát, họ đã đến với nhau thật nhẹ nhàng, nhưng cũng không kém phần quyết liệt: “ Ví dầu tình có dở dang. Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về ”. Đã có nhiều chàng trai, cô gái đến đây tìm được người bạn đời của mình. Sông nước phương Nam mênh mông và gần gũi bởi những dáng áo bà ba hiền lành chất phác, những điệu hò mộc mạc chân tình và những chợ quê giữa bốn bề sông nước êm đềm… những nơi này nhanh chóng trở thành những tụ điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí, du lịch của du khách thập phương. Như vậy chợ trên sông còn đảm nhận thêm một chức năng “chuyển tải văn hóa ” đi đến mọi miền trong khu vực, từ phố thị đến những làng quê hẻo lánh, tạo thêm sức sống của nền văn minh sông nước Nam Bộ.

Hình ảnh chợ nổi trên sông từ lâu đã gắn bó và trở nên quen thuộc trong mọi hoạt động đời sống vật chất và tinh thần của người dân Nam Bộ. Ngày nay dẫu rằng đưởng bộ đã phát triển đến tận những miền quê hẽo lánh, nhưng chợ trên sông vẫn tiếp tục tồn tại như một nét văn hoá đặc sắc của người dân Nam Bộ. Có thể thấy rằng chính yếu tố sông nước đã chi phối đến quá trình sinh hoạt của cư dân Nam bộ. Chợ nổi trên sông được hình thành trên cơ sở của nền “ văn minh sông rạch ”_ điều đó cũng là sự thể hiện khả năng sáng tạo của người dân nơi đây trong việc khắc phục và hoà mình với tự nhiên trong quá trình khai phá và định cư ở một vùng đất mới. Chợ nổi trên sông đã, đang và sẽ là một nét đặc sắc trong văn hoá đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ Việt Nam mà việc nghiên cứu, giữ gìn, phát triển nó chắc chắn là việc làm hết sức ý nghĩa.

ThS. Nguyễn Hiếu Tín

Tin liên quan

Tin mới nhất