Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 1): Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Định hướng lý thuyết 

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trên thực tiễn lịch sử là thiết kế và thi công một nền giáo dục mới, chưa hề có.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Đại hội Đảng chính thức nêu lên.

Lịch sử yêu cầu Giáo dục hiện đại phải vươn lên ngang tầm triết học hiện đại.

Đi theo định hướng triết học, lịch sử hiện đại có thể vận động với tốc độ “Một ngày bằng hai mươi năm” (Marx).

Lịch sử là lịch sử sự sống. Ban đầu, cơ thể sống chỉ vận động theo thời gian, cho trưởng thành: cây non – trưởng thành – cây già –…

Bước phát triển tiếp theo, lịch sử có thêm vận động trong không gian, khi sự sống đã sang phạm trù động vật.

Động vật có thêm vận động bằng sức mạnh cơ bắp, gọi ước lệ là đi bộ. Con sâu đi bộ. Con cá đi bộ. Con chim đi bộ. Con vượn đi bộ.

Bước phát triển từ phạm trù động vật sang phạm trù người được thực thi bằng hệ thần kinh.

Động vật ở bậc thấp nhất đã có hệ thần kinh, dù còn rất trừu tượng. Dẫu sao, hệ thần kinh với tư cách CÁI MỚI là nhân tố đặc trưng cho sự sống động vật: Từ sâu bọ đến vượn.

Vượn đã đủ khôn để nhặt một cành cây khô có sẵn làm gậy khều, để khều quả trên cao, tức là biết cách kéo dài tầm thước tự nhiên của cơ thể tự nhiên.

Người nguyên thuỷ đã biết lấy mảnh đá sắc cạnh chặt một cành cây tươi làm gậy khều.

Từ nhặt cành cây có sẵn sang chặt một cành cây tươi làm chiếc gậy khều là bước tiến vĩ đại hình thành Phạm trù Người.

Hành động vật chất chặt một cành cây tươi làm gậy khều là một hành động “định nghĩa” Người.

Hành động vật chất này mang hình thái tinh thần gọi là trí khôn.

Trí khôn trở thành tiêu chí “định nghĩa” Phạm trù người.

• Trâu kia, ngươi to xác sao lại để cho Người sai khiến?

• Vì Người có trí khôn.

Trí khôn hiện thân (Hegel gọi là tha hoá) với hình thái vật thể vật chất, lấy công cụ làm biểu trưng: Thời đại đồ đá/ Thời đại đồ đồng.

Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 1): Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Định hướng lý thuyết  - 1

Ảnh minh họa 

*

*      *

Sự sống vận động tạo ra sự biến đổi của chủ thể vận động. Giới vô cơ cũng vận động, nhưng không tạo ra sự biến đổi: mặt trời ngày nào cũng vận động mà nay vẫn là mặt trời ấy.

Sự sống vận động đơn giản nhất là sự vận động tự nhiên của cơ thể sống, của cây, của con, của Người.

Động vật là thực thể vận động, vận động bằng sức mạnh cơ bắp: bò, đi, chạy, nhảy, bơi, bay, leo trèo… cùng gọi ước lệ là đi bộ.

Con sâu đi bộ, con cá đi bộ, con chim đi bộ, con vượn đi bộ…

Người thừa hưởng trực tiếp sự vận động (đi bộ) của động vật, dù là cưỡi ngựa, cưỡi voi hay đi xe ngựa… thì cũng vẫn là đi bộ.

Mới đây thôi, còn tươi rói như đâu hôm qua, hai anh em nhà nọ người Mĩ làm ra chiếc xe hai bánh, dùng chân đạp, gọi là xe đạp. Bà con trong xóm coi là một việc chơi ngông.

Từ đi bộ bằng đôi chân thịt sẵn có tự nhiên sang dùng hai chân ấy đạp, cấp năng lượng cho xe vận động, nào ngờ, đó là bước chuyển nguyên lí về vận động.

Các bước chuyển nguyên lí của lịch sử có thể đếm trên đầu ngón tay, như từ Giới vô cơ sang hữu cơ, từ giới hữu cơ sang Sự sống, từ Thực vật sang Động vật, từ Động vật sang Người. Sau này, trong Phạm trù Người, có nhiều hơn các bước chuyển nguyên lí, lấy cung cách làm ăn làm căn cứ: Từ hái lượm sang trồng trọt, từ chọc lỗ bỏ hạt sang canh tác, từ tiểu nông sang nông nghiệp, từ nông nghiệp sang công nghiệp…

Mỗi bước chuyển cung cách làm ăn đã hiện thực hoá hoạt động tinh thần gọi là tư duy.

Tư duy là đặc trưng cơ bản nhất của sự sống người.

Thế kỉ XX, đổi mới tư duy đã tạo ra các cách vận động do Người sáng tạo ra: xe đạp – ô tô – máy bay – con tàu vũ trụ.

Sức mạnh vật chất của mỗi trình độ sau đều cao hơn một tầm nguyên lí so với cái đã có.

Các bước phát triển lịch sử, từ đi bộ sang đi xe đạp, từ xe đạp sang ô tô, từ ô tô sang máy bay, từ máy bay sang con tàu vũ trụ… cơ hồ như diễn ra trong nháy mắt lịch sử.

Lịch sử người, Marx dự kiến, rồi cũng đến lúc “vận động một ngày bằng hai mươi năm”. Năng lượng cấp cho sự vận động này là từ giáo dục/ từ giáo dục hiện đại.

Chưa bao giờ, trong cuộc sống, giáo dục có tầm quan trọng lý thuyết và thực tiễn, triết học và lịch sử như nền giáo dục hiện đại, dành cho Trẻ em hiện đại.

Thực tiễn lịch sử này sẽ xử lí bằng triết học của thời đại.

Marx nhắc nhở, đừng để cho người chết níu chân người sống.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để đáp ứng nhu cầu lịch sử, vì lợi ích của thế hệ trẻ hiện đại, một thế hệ trẻ chưa hề có trong lịch sử cần được hưởng một nền giáo dục chưa hề có trong lịch sử.

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trên thực tiễn lịch sử là thiết kế và thi công một nền giáo dục mới, chưa hề có.

Thế hệ trẻ hiện đại sống sự sống người ở trình độ hiện đại – phát triển nhanh nhất, cao nhất của lịch sử, nhờ sự định hướng của triết học hiện đại.

Nền giáo dục hiện đại cho Trẻ em hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trên lịch sử vận động, phát triển theo định hướng triết học của Phạm trù cá nhân.

Nhân loại đã vượt bỏ:

- Phạm trù đẳng cấp

- Phạm trù giai cấp

Nhân loại đã bước sang Phạm trù lần đầu tiên hình thành trong lịch sử, là anh hùng thời đại: Phạm trù cá nhân.

Nền giáo dục hiện đại được tổ chức – vận hành theo định hướng của Phạm trù cá nhân.

Mỗi em với tư cách chủ thể, tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, vì chính mình, để trở thành chính mình, một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này. 

Đón đọc > Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 2): Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Làm ra cái mới

Hồ Ngọc Đại

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống