Kỉ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2022): Bài học lịch sử “lấy dân làm gốc”

Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, bài học lớn nhất của các triều đại có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi đều bắt nguồn từ dân, biết “lấy dân làm gốc”. Gần một thế kỉ qua, Đảng ta vận dụng thành công bài học đó, là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình lãnh đạo để làm nên sức mạnh lòng dân. Nhờ vậy đạt nhiều thành tựu rất quan trọng và đến nay còn nguyên giá trị như một tất yếu khách quan…

Cách đây 77 năm (1945-2022), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (khi ấy vừa tròn 15 tuổi), với 5.000 đảng viên trong cả nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hơn 20 triệu người dân Việt Nam nhất tề đứng dậy làm cuộc cách mạng “long trời lở đất”, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á (nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Có được thắng lợi đó do Đảng ta đề cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, kết hợp đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, chống đế quốc và phong kiến.

Kỉ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2022): Bài học lịch sử “lấy dân làm gốc” - 1

Cách mạng Tháng Tám với mục tiêu đem lại lợi ích tối cao cho dân tộc, vì lợi ích của Nhân dân lao động, quyền thiêng liêng của con người, tạo nên cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia, không phân biệt dân tộc, giai cấp, tôn giáo, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước bước vào giai đoạn vừa kháng chiến vừa kiến quốc, giữ vững độc lập dân tộc, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng chỉ có thể thắng lợi, khi người dân là nhân vật trung tâm của lịch sử, yêu nước và làm nên lịch sử.

Dưới thời phong kiến, triều đại nào biết “lấy dân làm gốc” thì vững bền, đánh đuổi giặc ngoại xâm toàn thắng. Năm 1042, nhà Lý ban hành Bộ luật Hình thư, xác định: “Chăm lo đến đời sống người dân trăm họ, chỉnh đốn pháp luật sao cho giảm bớt nỗi khổ của dân, xoá bớt bất công trong thiên hạ”.

Khi đất nước lâm nguy trước hoạ xâm lăng của quân Nguyên, năm 1284 nhà Trần mở hội nghị Diên Hồng, tập hợp sức mạnh, thống nhất ý chí của quân và dân, nhờ đó 3 lần đánh tan quân Nguyên. Thời điểm cam go ấy, Trần Quốc Tuấn tâu lên vua Trần Anh Tông về kế sách giữ nước: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.

Đến đời nhà Lê thì quan điểm “lấy dân làm gốc” được nhấn mạnh thêm, thể hiện trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” và “Dân có yên nước mới thịnh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân”; “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Theo Bác Hồ, phương châm hoạt động là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Kỉ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2022): Bài học lịch sử “lấy dân làm gốc” - 2

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đường lối của Đảng ta xuyên suốt từ khi thành lập luôn phát huy phương pháp “lấy dân làm gốc”, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đề cao dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hoá, con người Việt Nam.

Đại hội VIII (1996) của Đảng xác định phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.

Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lợi thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”.

Đồng thời, “Phải loại bỏ thái độ bàng quan vô cảm trước những bức xúc của Nhân dân, kiên quyết loại bỏ mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để xâm phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”.

Tinh thần đó, càng có ý nghĩa sâu sắc trong thời kỳ phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua ghi thêm dấu mốc lịch sử về một giai đoạn “chống dịch như chống giặc”. Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, vượt qua thách thức cam go, chấp nhận sự hi sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân, đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh thành công 4 đợt bùng phát trong cả nước, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, bắt tay ngay vào khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Những thắng lợi của 92 năm qua (1930-2022) là minh chứng về năng lực lãnh đạo của Đảng. Phương châm “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội” thể hiện tư duy sáng tạo được vận dụng linh hoạt, có bước đi vững chắc.

Trước yêu cầu mới của tình hình thế giới và trong nước, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) với tinh thần đổi mới sáng tạo toàn diện mọi lĩnh vực vì con người, do con người, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển (vượt qua giai đoạn chậm phát triển) có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, thoát khỏi mức thu nhập trung bình thấp (dưới 4.000 USD/người/năm); đến năm 2030 kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (bình quân 7.000 USD/người trở lên/năm) và đến năm 2045 kỉ niệm 100 năm thành lập nước trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao (25.000 USD trở lên/người/năm),v.v…

Để phấn đấu đạt mục tiêu chiến lược trở thành nước phát triển vào giữa thế kỉ XXI trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), phải tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp luật, đổi mới sáng tạo. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Thứ ba, Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Cả 3 đột phá chiến lược này đều tạo cơ chế cho đổi mới sáng tạo, lấy đổi mới sáng tạo làm cơ sở, động lực cho phát triển.

Trong lĩnh vực kinh tế, đổi mới sáng tạo song song với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, phát triển các mô hình kinh tế mới, mô hình doanh nghiệp mới, coi doanh nghiệp là trung tâm của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài; thúc đẩy phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ làm động lực chính tăng trưởng kinh tế và bồi dưỡng sức dân.

Đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lí chặt chẽ, sử dụng hợp lí, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai,v.v… tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất