Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 và triển vọng của năm 2023

Năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; kiên định thực hiện các chương trình, kế hoạch đề ra; vừa nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng và ứng phó kịp thời với những vấn đề phát sinh; nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời nên đã chuyển đổi nhanh nền kinh tế. Kinh tế - xã hội năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đã đạt và vượt mức đề ra. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Vấn đề rút ra trong năm 2022

Việt Nam đã lập kỳ tích trong tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, vượt khá so với mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét "khác biệt" trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất với tăng trưởng kinh tế thấp.

Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 và triển vọng của năm 2023 - 1

Ảnh minh hoạ

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá Việt Nam năm 2022 vượt mốc 730 tỷ USD, với 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Lần đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản cán mốc 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ 3 thế giới. Với cán cân thương mại xuất siêu 11,2 tỷ USD, xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm bớt áp lực tỷ giá trên thị trường ngoại tệ.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Thu hút đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng, ưu tiên các dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Sự năng động, vượt khó của cộng đồng doanh nhân; tư duy đột phá, hành động khẩn trương đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết của Chính phủ; sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội trong ban hành chủ trương, chính sách đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế đã được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định.

Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, Bởi, đầu tư công là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, được giải ngân thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%.

Xuất khẩu hàng hóa cũng là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong các năm qua và những năm tới. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào một số ít nhóm hàng và khu vực FDI;

Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta sẽ sắc nét hơn, ấn tượng hơn nếu như một số bất cập về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh được tháo gỡ kịp thời. Xuất khẩu hàng hóa là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong các năm qua và những năm tới. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào một số ít nhóm hàng và khu vực FDI. Kim ngạch của 8 nhóm hàng đã chiếm tới 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn nền kinh tế; riêng kim ngạch của 2 nhóm hàng là điện thoại và linh kiện và điện tử máy tính cùng với linh kiện thuộc khu vực FDI chiếm tới 30,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh thương mại quốc tế dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa phát huy và tận dụng lợi ích của các FTA mang lại để thúc đẩy xuất khẩu.

Triển vọng năm 2023

Chuyên gia kinh tế nhận định, có 5 yếu tố định hình kinh tế thế giới trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Đó là: lãi suất; biến động của kinh tế Trung Quốc; phi toàn cầu hóa kinh tế thế giới; chuyển đổi năng lượng và sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế.

Năm 2023, Trung Quốc đang dần loại bỏ chính sách Zero COVID, mở cửa trở lại nền kinh tế. Khi nền kinh tế khởi sắc, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu dầu thô, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa công nghiệp, đẩy giá nguyên liệu thế giới tăng cao, gây áp lực tăng giá nhiều loại hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ khác, Theo đó, lạm phát toàn cầu sẽ gia tăng.

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 còn suy giảm sâu so với năm 2022 và có thể rơi vào suy thoái. Các nền kinh tế hàng đầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, tăng lãi suất để xử lý lạm phát; kinh tế nước ta với độ mở lớn, chủ yếu dựa vào tầm quan trọng khác nhau của 4 trụ cột. Đó là đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển; thúc đẩy tiêu dùng trong nước của thị trường gần 100 triệu dân; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư xã hội, nhất  là đầu tư công để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tính lan toả của nền kinh tế; xuất khẩu; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thực hiện kinh tế số, kinh tế tuần hoàn là động lực và sẽ trở thành trụ cột trong những năm tới.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm 2023 là 6,5%, với quy mô GDP tăng từ 916,2-969,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2022, tương đương với mức tăng quy mô GDP của năm 2022 so với năm 2021 Tuy mục tiêu tăng 6,5% GDP năm 2023 thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022 nhưng 1% GDP năm 2023 đạt 104,1 nghìn tỷ đồng, cao hơn 9,7 nghìn tỷ đồng của 1% GDP trong năm 2022. Đây là các mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay.

Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 và triển vọng của năm 2023 - 2

Ảnh minh hoạ

Từ những vấn đề gợi ra, giới nghiên cứu cho rằng:

Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng tổng cầu tăng, giảm áp lực lạm phát.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp giữ ổn định vĩ mô; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hạn chế tối đa lạm phát do tỷ giá, đồng thời giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp cung ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu, tránh rủi ro biến động của tỷ giá; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, giãn, hoãn, miễn thuế, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cần công khai minh bạch, đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới; Dự báo sớm các mặt hàng có thể thiếu hụt trong dài hạn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Bộ Công Thương cũng cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn. Điện là mặt hàng năng lượng quan trọng, cần dự báo, xây dựng kế hoạch, giải pháp cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào

Ngoài ra, cần đánh giá tác động của việc tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh, giá các loại dịch vụ do nhà nước quản lý, tránh cộng hưởng lạm phát do chi phí đẩy.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhằm duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Đồng thời, đa dạng và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Với các chính sách, giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, với chỉ đạo khẩn trương, sát sao và cụ thể của Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 có tính khả thi nhưng để đạt được cần có quyết tâm và sự đồng tình củacác doanh nghiệp và toàn xã hội.

“Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ; vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” – Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Lê Thành Ý

Tin liên quan

Tin mới nhất