Thủ đô London thành phố toàn cầu

Trên hành trình đi tìm tư liệu để biên soạn cuốn sách ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền Ngoại giao cách mạng Việt Nam”, một trong những địa chỉ chúng tôi đến trước tiên là thủ đô London, Vương quốc Anh, nơi Nguyễn Tất Thành cuối năm 1913 từ Boston, Mỹ sang sống và làm việc ở đây một thời gian.

Một Việt kiều sống nhiều năm ở London giới thiệu với chúng tôi rằng London là một thành phố toàn cầu, cùng với New York, Mỹ là hai trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất thế giới, trụ sở hầu hết 100 công ty hàng đầu của Vương quốc Anh và hơn 100/500 công ty lớn nhất châu Âu đặt trụ sở tại London.

Thủ đô London thành phố toàn cầu - 1Quảng trường Trafalgar

London là một thành phố đông dân trên 8 triệu người, trải rộng trên một vùng có diện tích 1.580 km2. Khu trung tâm thành phố nằm bên dòng sông Thames, cách biển Bắc chừng 60 km. London từ lâu đã là một thành phố lớn nhất châu Âu và là thành phố lớn thứ 3 thế giới sau New York của Hoa Kỳ và Tokyo Nhật Bản. London phát triển quá mức, buộc phải mở rộng sang các vùng lân cận (một phần của các quận Middlesex, Kent, Surrey, Essex và Hertfordshire), đã đưa diện tích Thủ đô London lên đến 1.900 km2, trung tâm London phát triển xung quanh cảng, giữa Cầu Tháp London và Cầu London, chỗ sông Thames nông nhất. Trên bờ Bắc tại điểm có thành La Mã ngày trước là thành phố London, là trung tâm các công ty bảo hiểm lớn, ngân hàng Anh quốc, các ngân hàng quốc tế, sở chứng khoán…

Người hướng dẫn viên du lịch nói tiếp: Xét từ góc độ dân tộc học, London cũng là một trung tâm đa dạng dân tộc nhất châu Âu. Tại đây ngoài tiếng Anh chính thống, người ta còn nói gần 300 thứ tiếng khác nhau và 30% dân số là thế hệ thứ nhất, thứ hai và thứ ba của dân di cư. Điều đó cho thấy dân các nước trên toàn thế giới di cư đến London cách đây chưa lâu (mới ba thế hệ). Và cũng ít thành phố trên thế giới đóng vai trò quốc gia toàn diện như London. Có thể nói lịch sử London là lịch sử của nước Anh. Đây là nơi phát đi các tin tức quốc gia và là nơi đồng tiền sinh sôi nảy nở nhanh nhất. London cũng là nơi các nhà lãnh đạo Chính phủ, Hoàng gia sinh sống và làm việc. Người dân London hãnh diện tự coi mình thuộc đẳng cấp cao hơn hẳn người khác, do đó gây nên sự bất bình trong cộng đồng dân Ăng-lê, cho dù không một ai có thể phủ nhận được rằng thành phố này là nơi diễn ra mọi hoạt động nhộn nhịp và thu được thành công trong hầu hết lĩnh vực xã hội của nước Anh.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng như vậy, nhưng London là một thành phố thủ đô duy nhất ở lục địa châu Âu và thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, vẫn không có thị trưởng thành phố. Điều đó biểu hiện tính “trung lập” chính trị của Đảng Bảo thủ trong thời gian cầm quyền hơn một thập kỷ rưỡi. Chính thái độ “trung lập” và tình hình chính trị phức tạp đã dẫn đến sự gia tăng của hai thái cực: Những kẻ giàu có, ngày càng giàu hơn, kẻ nghèo hèn ngày càng khốn khổ, tạo nên hố ngăn cách càng sâu sắc giữa người giàu và kẻ nghèo. Đội ngũ người nghèo khổ ngày một bổ sung tăng nhiều lên.London là một thành phố mang đến cho du khách cảm xúc mạnh qua những hiện vật trưng bày trong các bảo tàng. Một trong những bảo tàng gây ấn tượng mạnh, đó là Viện Bảo tàng nước Anh, với trên 7 triệu hiện vật độc đáo được trưng bày, với diện tích rộng 13,5 mẫu Anh (1 mẫu Anh = 0,4 ha). Ngoài ra London còn có nhiều viện bảo tàng khác như: Bảo tàng Victoria, Bảo tàng Albert, Viện Bảo tàng Khoa học của Khu Nam Kensington. Một đặc điểm chung của tất cả các bảo tàng ở London là không mất tiền vé vào cửa tham quan.

Và ngay cả những phòng trưng bày như Nhà triển lãm Nghệ thuật đương đại Tate Modern, Nhà Triển lãm Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Khu định cư lịch sử Greenwich, trong đó có Đài Quan sát Hoàng gia, Greenwich đánh dấu kinh tuyến gốc kinh độ 0o  và mốc giờ GMT, Bảo tàng Hàng hải Quốc gia và Bảo tàng sáp Madame Tussauds… cùng không thu tiền vé vào cửa.Song những năm gần đây, Đảng Bảo thủ cầm quyền đã bỏ quy định vào cửa tự do. Vì vậy, nhiều bảo tàng, phòng trưng bày đã bán vé vào cửa khá đắt như Tu viện Thánh đường Westminster, nhà thờ Thánh Paul và Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia.

Còn các công trình cổ hầu như có mặt khắp mọi nơi trong thành phố từ những phòng tiệc lớn thời xưa và các nhà thờ Thánh Christopher Wren, đến kiến trúc khải hoàn của đế chế Anh hùng mạnh. Những điểm có sức thu hút du khách là tháp chuông Big Ben, Cung điện Buckingham, Cung điện Westminster (nhà Quốc hội Anh), tháp London, cầu tháp, chiếc cầu nổi tiếng bắc qua sông Thames. Tháp London xây dựng bên bờ tả ngạn sông Thames, là một trong những di tích lịch sử được nhiều du khách tham quan nhất ở London. Nơi thu hút nhiều khách nhất của tháp là Phòng Trưng bày đồ trang sức (Jewel House). Tại đây trưng bày nhiều ngọc ngà châu báu của Hoàng gia Anh.

Thủ đô London thành phố toàn cầu - 2Khách sạn Drayton Court tại West Ealing, nơi Bác Hồ làm phụ bếp trước khi đến Khách sạn Carlton.

Tháng 3 năm 1994, một phòng trưng bày đồ trang sức đặt tại tầng một, khu Waterloo được Nữ hoàng Elizabeth II đến cắt băng khánh thành. Ở đây có những màn hình khổng lồ, giới thiệu lịch sử các châu báu, mà nghi thức đăng quang nói lên chức năng nghi lễ long trọng của những châu báu đó. Hầu hết những châu báu tại lễ đăng quang là của Nữ hoàng Elizabeth, mà du khách được xem hiện tại là có từ sau thời Trung hưng của vua Charles II, năm 1660. Dưới chế độ của Cromwell trong những năm 1650, những người Thanh giáo khinh miệt những đồ trang sức hào nhoáng của nền quân chủ, nên họ đem bán tất cả châu báu của Hoàng gia có từ thời Trung cổ.

Khách tham quan ngày nay chỉ còn được nhìn thấy bộ Vương trượng, bộ kèn đồng và thanh Đại Quốc kiếm, thanh kiếm đính ngọc mà Tổng Giám mục Canterbury thắt vào lưng Quốc vương trong lễ đăng quang. Chiếc bình và chiếc thìa vàng dùng trong lễ xức dấu thánh cho Quốc vương. Các trang phục trong lễ đăng quang, các quyền trượng và quả cầu, các vương miện, trong đó có Đại Vương miện vàng của Thánh Edward được làm cho lễ đăng quang của vua Charles II, ngày nay vẫn được dùng trong các lễ phong chức cho các quốc vương. Vương miện đế chế của Nữ hoàng Victoria được dùng tại các quốc lễ như lễ khai mạc các kỳ họp của Nghị viện. Quốc miện có đính viên hồng ngọc của Hoàng tử Đen, từng trang điểm cho chiếc mũ của vua Henry V trong trận Agincourt năm 1415, viên ngọc saphia của dòng họ Stuart.

Trên một trong những cây vương trượng lấp lánh ngôi sao châu Phi, viên kim cương lớn nhất thế giới.Bên cạnh phòng trưng bày đồ trang sức là tòa tháp đồ sộ do William xây dựng vào thế kỷ XI. Ông vua Norman này, sau khi đánh bại vua Saxon Harold II tại Hasting đã khuếch trương chiến thắng của mình bằng cách cho xây nhiều pháo đài khắp nước Anh. Ở London nhà vua chọn địa điểm một doanh trại người La Mã trên bờ sông Thames và năm 1078 nhà vua đã giao cho Gundulf xây dựng tòa tháp và được xem là “tòa tháp cao nhất và quyền thế nhất”, đó là tháp London. Tháp này xây bằng đá lấy từ xứ Kent, ngoài ốp đá hoa cương trắng lấy từ Caen. Ở 4 góc tòa nhà là chòi tháp mái vòm. Qua nhiều thế kỷ, nhiều hạng mục công trình được xây thêm, đến nay có đến 13 chòi tháp ở vòng trong và 6 tháp cùng với tường thành ở vòng ngoài.Xưa kia lối duy nhất vào tháp London là một con đường rộng 30m, hai bên xây tường cao dẫn tới tháp Sư tử, nơi nuôi bầy thú dữ của nhà vua Constable.

Ngày nay tháp Sư tử không còn, các con dã thú được đưa về vườn thú London  nuôi vào năm 1843. Lối đi vào tháp London bây giờ phải qua cổng tháp giữa, rồi qua một lối nhỏ hơn, qua đường hào xây đá, dẫn đến tháp Byward có lính gác.Những nghi lễ long trọng, mọi việc quốc gia đại sự đều được bàn bạc, giải quyết ở đây, trong những bức tường cao lồng lộng này. Những chức năng nguyên thủy của tháp London như nhà văn John Stowe mô tả năm 1598: “Tòa tháp này là một thành trì bảo vệ thành phố... là một cung điện cho các cuộc hội họp và ký kết các hiệp ước, là một nhà tù quốc gia cho những tội phạm nguy hiểm, xưởng đúc tiền duy nhất của nước Anh, một kho vũ khí..., một kho tàng chứa những đồ trang sức, ngọc ngà châu báu của ngai vàng và là nơi lưu trữ hầu hết các biên bản của các tòa án của nhà vua tại Westminster”.

Sau vụ cháy tại lâu đài Windsor năm 1993, Vụ Phụ trách Cung điện lịch sử Hoàng gia Anh đã mở ở tầng 2 một lối thoát hiểm mỗi khi có hỏa hoạn cho khách tham quan. Người ta đặt một bộ phận phát hiện và báo động cháy. Phòng trưng bày đồ trang sức là trung tâm đặt các thiết bị phòng chống cháy cho toàn tháp London. Nhà nguyện Thánh John, chiếm một phần tầng 2. Tầng 3 của tháp Trắng làm bảo tàng trưng bày những bộ sưu tập áo giáp của châu Âu do vua Henry VIII khởi xướng. Một phần tầng 2 trưng bày áo giáp thời Trung cổ và Phục hưng. Tầng 1 trưng bày những trang bị thi đấu. Phía trái thắp Trắng trên bãi cỏ có tên “Vườn tháp” đặt một tấm bảng bằng đồng theo lệnh của Nữ hoàng Victoria, để đánh dấu địa điểm nơi đặt máy chém, chặt đầu những kẻ phản bội, lăng mạ hoặc mưu toan chiếm đoạt ngai vàng. Hai người vợ của Henry VIII đã bị hành hình tại đây.Theo truyền thống, tối nào viên quan phụ trách canh tháp cùng một viên đội và 3 lính gác  tiến hành “nghi lễ chìa khóa”.

Ông bắt đầu khóa cổng ngoài, đóng cửa tháp giữa và cuối cùng đóng cửa tháp Byward. Khi trở lại sân trong, viên sĩ quan tuốt gươm chặn lại, những lính gác bồng súng và viên quan phụ trách canh tháp ngả mũ chào đáp lại: “Cầu Chúa  giữ gìn  Nữ hoàng Elizabeth”. Cùng lúc đó các quả chuông tháp rung lên, báo giờ, một chiếc kèn đồng thổi bản nhạc “The last post” (bài cuối cùng) vang vọng đã qua 900 năm, trong màn đêm của xứ sở sương mù.

Nhà thờ Saint-Paul với mái vòm tân - cổ điển nằm chính giữa London, giữa những khu phố mới xây dựng lại sau Đại chiến thế giới thứ II.Thành phố London do người Celt đặt tên là Llyndin (thành lũy của hồ), về sau người La Mã gọi là Londinium. Từ năm 48 - 430, gọi là London và trở thành một trung tâm thương mại và quá cảnh. Dưới thời Anglo - Saxon (430 - 1066), Tu viện Westminster trở nên rất quan trọng. Người ta củng cố bến cảng, cho xây tháp London vừa làm Hoàng cung vừa là pháo đài và nhà tù. Trong cuộc Thập tự chinh lần thứ 3, Richard I vắng mặt, London trở thành một công xã với một đốc lý. Năm 1381, nổ ra cuộc khởi nghĩa của nông dân do Wat Tyler lãnh đạo, thành phố bị đốt cháy rụi, vua Richard phải chạy trốn vào tháp. Từ năm 1455 - 1485, chiến tranh Bông Hồng nổ ra, tiêu diệt giai cấp quý tộc Anh, tạo cho giai cấp tư sản phát triển, kinh tế tăng trưởng. Văn hóa, xã hội có những bước phát triển mới  dưới thời Elizabeth. Đoàn kịch Shakespeare hoạt động ở nhà hát Globe Theatre.Năm 1605, dưới thời Jacques I, những người Cơ đốc giáo quyết định cho nổ nghị viện và âm mưu ám sát nhà vua, nhưng bị thất bại. Năm 1649, sau khi nhà vua bị hành quyết, Cromwell trở thành Nhiếp chính. Năm 1664, trong cuộc chiến chống người Anh, người Hà Lan đốt Chatham. Năm 1665, London trải qua một trận đại dịch hạch, cướp đi mạng sống của hơn 90.000 người. Năm 1666, xảy ra vụ cháy lớn, tiêu hủy toàn bộ thành phố. Christopher, người xây dựng nhà thờ St.Paul năm 1697, cho xây dựng lại London. Năm 1780, nổ ra cuộc bạo động của Gordon phá nhà tù Newgate. Năm 1805, lần đầu tiên London dùng gas thắp sáng. Năm 1829, thành phố sử dụng xe buýt. Cũng năm 1829, đội cảnh sát do Robert Peel của London lần đầu tiên ra mắt. Năm 1836, tàu hỏa chạy bằng hơi nước xuất hiện ở London. Năm 1862, London bắt đầu xây dựng tàu điện ngầm. Năm 1864, tại đây Marx viết bộ Tư bản luận.

Từ tháng 9 năm 1941, London bị không quân phát xít Hitler oanh tạc phá hủy, trong đó có khách sạn Carlton, nơi Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã từng sống và làm việc ở đó. Từ cuối năm 1913 đến năm 1917. Nguyễn Tất Thành đến London đầu tiên làm việc ở khách sạn Drayton Court, trên phố The Avenue, phía Tây London. Ngày nay trên trang Web của khách sạn này, có phần giới thiệu về Bác Hồ: “Hồ Chí Minh lãnh tụ của Việt Nam đã làm việc vất vả tại bếp ăn của khách sạn vào năm 1914, trước khi ông tiếp tục hành trình thay đổi lịch sử đất nước, đánh đuổi các lực lượng  từ Nhật Bản, Pháp và Mỹ”. Năm 2011, khách sạn Drayton Court đã tân trang lại, riêng khu bếp (nơi Nguyễn Tất Thành làm việc) được xây mới. Nhưng thực ra, nơi được các phương tiện thông tin đại chúng nói đến nhiều nhất là khách sạn Carlton, nơi Nguyễn Tất Thành làm việc lâu nhất. Nhưng khách sạn này đã bị máy bay phát xít Hitler ném bom phá hủy hoàn toàn vào năm 1941. Hiện nay trên nền cũ của khách sạn Carlton, người ta xây tòa nhà New Zealand, 19 tầng, tọa lạc trên phố Haymarket, gần Quảng trường Trafalgar, nơi dựng nhiều tượng sư tử bằng đá và cũng là nơi gần Cung điện Hoàng gia Anh và các cơ quan đầu não của Chính phủ Vương quốc Anh. Trên bức tường mặt tiền của tòa nhà này, Hội Hữu nghị Anh - Việt, năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch (1890 - 1990) đã cho gắn tấm biển, ghi dòng chữ: “Hồ Chí Minh (1890 - 1990), Người khai sinh nước Việt Nam, đã làm việc tại khách sạn Carlton, tòa nhà cũ trên nền đất này năm 1913”.

Thủ đô London thành phố toàn cầu - 3Khách sạn Carlton bị máy bay Đức ném bom phá hủy 1940, trên nền cũ người ta xây tòa nhà New Zealand, phía trước có tấm biển ghi Nơi Hồ Chí Minh sống và làm việc năm 1913.

Theo ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh - Việt cho biết: Việc đặt tấm biển này gặp vô vàn khó khăn, nếu không phải Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại cả thế giới đều biết, mà là người khác chắc chắn không được.Ngày nay sinh hoạt văn hóa London hết sức nhộn nhịp. Ngoài nhà hát Hoàng gia Anh, còn có nhà hát Opera, hằng ngày biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc. Tại các nhà thờ, trình diễn các buổi hòa nhạc miễn phí.

Trong những vấn đề nan giải của London là nạn ô nhiễm giao thông. Để giảm thiểu phần nào lượng khí CO2  của giao thông thoát ra, London đã nhanh chóng mở rộng diện tích công viên cây xanh như công viên Hyde, công viên Green và công viên Saint James, nằm kề nhau về phía Tây thành phố. Ở giữa điện Buckingham và phố Piccadilly là những bãi cỏ xanh dài vô tận, có phong cảnh thơ mộng, hồ nước rộng mênh mông, cùng với những lối đi bộ rợp bóng cây xanh mát mẻ. Và cách không xa đấy là công viên giải trí Hampstead Heath và Richmond. Công viên Rotten Row với những trò làm xiếc trên lưng ngựa và hồ nước Serpentine rộng 37 mẫu Anh.Công viên giải trí lớn nhất London là Regent, nổi bật với những khu vườn đầy màu sắc với một hồ bơi thuyền và là nơi trú ngụ của nhiều loài chim lạ, quý hiếm. Tại đây còn có nhà hát ngoài trời. Đặc biệt tại công viên Regent có một vườn thú nổi tiếng thế giới.

Trần Mạnh Thường

Chuyện Đài Loan
Chuyện Đài Loan

Thu Hồng là một du học sinh Việt Nam quê ở Đoan Hùng - Phú Thọ, vùng đất có giống bưởi quí vào hàng đặc sản tiến vua....

Tin liên quan

Tin mới nhất