Chuyện Đài Loan

Thu Hồng là một du học sinh Việt Nam quê ở Đoan Hùng - Phú Thọ, vùng đất có giống bưởi quí vào hàng đặc sản tiến vua. Nhờ có vườn bưởi mà cha mẹ cô mới dành dụm đủ tiền cho con gái sang ăn học ở Đài Loan, Trung Quốc). Học xong chương trình cử nhân Hoa ngữ đại học Đài Bắc, cô ở lại làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty lữ hành. Cháu bảo với tôi như thế vừa là để củng cố vốn tiếng Hoa, vừa kiếm thêm tiền gửi về cho bố mẹ, và cũng là để học cách làm du lịch cho tương lai sau này. Thấy tôi thường ghi chép và chụp ảnh, Thu Hồng thường nhẩn nha câu chuyện trước những địa danh đặc sắc để mọi người cùng nghe và cũng như có ý cho tôi ghi kịp những điều cô muốn nói. Trong nhiều điều thu thập sau chuyến đi Đài Loan lần này, tôi muốn kể lại câu chuyện vợ chồng Tưởng Giới Thạch bên hồ Nhật Nguyệt để các bạn cùng nghe.

Nhật Nguyệt là một hồ nước ngọt nằm ở độ cao 800 mét trên sườn núi A Lý Sơn thuộc huyện Nam Đầu vùng Đài Trung, Đài Loan. Hồ rộng 8km² nằm lọt giữa vùng rừng núi nguyên sinh điệp trùng và sâu tới ba chục mét nước. Tên gọi của hồ được gắn với khung cảnh thiên nhiên kỳ thú và hình dạng độc đáo, phía bờ Đông núi non tròn trịa đầy đặn như hình mặt trời, còn bờ Tây thì lại khuyết vào như một vầng trăng thượng tuần. Vùng hồ đẹp nhất xứ Đài Loan này còn gắn với một câu chuyện nửa hư nửa thực về một tộc người thiểu số quần cư quanh đây.

Chuyện kể rằng, đã lâu lắm rồi, có lần một tốp thợ săn thuộc bộ tộc người Thao sống ở phía Nam núi A Lý Sơn phát hiện thấy một con hươu trắng lớn trong rừng, họ liền hò reo rượt đuổi. Con hươu thoăn thoắt chạy phía trước, không quá xa đoàn người, nhưng cũng không quá gần trong tầm tên bay.

Chuyện Đài Loan - 1

Hồ Nhật Nguyệt.

Cuộc trốn chạy trong tầm ngắm của con hươu lớn đã như một sự kích thích lòng ham say của phường thợ săn, và thế là suốt từ sáng sớm cho tới chiều tà, rồi qua một đêm trăng sáng thấp thoáng rừng cây, họ vẫn cứ miệt mài đuổi theo bóng hình con thú. Cho đến sáng hôm sau, khi bình minh rực đỏ vùng nước mênh mông trước mặt, con hươu không chạy nữa, nó dừng lại bên hồ ngoái đầu nhìn đoàn người bằng ánh mắt thân thiện rồi quay cổ xoay một vòng về phía hồ nước như có ý bảo, đây là vùng đất của ta và cũng là của các ngươi!

Xong xuôi hươu trắng nhẩy ùm xuống hồ và biến mất trong sự sửng sốt của mọi người. Phút giây tiếc nuối trôi đi, đến lúc này đoàn người mới ngỡ ngàng nhận ra trước mặt và xung quanh họ là một vùng rừng núi đẹp như tranh vẽ, cây cối xanh tươi, hoa trái trĩu cành, chim chóc ríu ran trong một không gian êm đềm tĩnh tại.

Sau những ngày tìm hiểu kỹ càng, những người đàn ông Thao nhận ra đây là vùng đất chưa có dấu chân người, điều đó đồng nghĩa là nó chưa có chủ. Người thủ lĩnh quyết định một nửa ở lại chặt cây dựng lều, nửa còn lại quay về quê cũ đón cả bộ tộc di cư lên vùng đất trời cho này lập quê mới.

Truyền thuyết về sự hình thành quê hương bộ tộc người Thao Đài Loan là như thế. Cũng từ đây hươu trắng đã trở thành biểu tượng linh thiêng thờ phụng của bộ tộc nhỏ bé chỉ có mấy chục con người này… Nhờ có thiên nhiên ưu đãi và sự cần cù dũng cảm của những thế hệ nối tiếp mà sự nghiệp định cư của tộc người Thao Nhật Nguyệt hồ đã định hình và phát triển bình yên.

Cuộc sống đang êm đềm trôi đi thì bỗng đâu người Nhật đã đưa quân chiếm đoạt quần đảo Đài Loan từ tay triều đình Mãn Thanh, Trung Hoa. Từ năm 1895 đến 1945, tròn nửa thế kỷ chiếm đóng xứ này, họ đã biến vùng rừng núi Nhật Nguyệt hồ và cả huyện Nam Đầu sườn Bắc A Lý Sơn thành khu công nghiệp khai thác gỗ và than… Mất đất sinh sống, bộ tộc người Thao nhỏ bé phải xé lẻ lưu vong trên những sườn núi cao heo hút đỉnh A Lý Sơn. Đói rét và bệnh tật đã đẩy bộ tộc thiểu số này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng…

Tôi đã đến thăm vùng đất mang sắc màu huyền thoại này vào một ngày mùa hè tháng sáu. Phong cảnh thiên nhiên trải rộng trước tầm mắt còn kỳ ảo hơn cả những gì tôi từng được nghe và tưởng tượng, nhưng điều làm tôi bị lôi cuốn hơn cả lại chính là những câu chuyện liên quan tới số phận của bộ tộc nhỏ bé đơn độc người Thao nơi cõi tục. Người kể chuyện đã từng bước đưa tôi từ huyền sử bước ra để trở về với đời sống đương đại tiếp nối từ sau thế chiến thứ

…Giữa năm 1945, chiến tranh kết thúc, người Nhật bại trận rút đi, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch tiếp quản quần đảo Đài Loan. Giữa năm 1949, bị lực lượng quân đội Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông đánh bại, chính phủ và quân đội Trung Hoa Dân Quốc phải rút toàn bộ ra Đài Loan củng cố xây dựng lại lực lượng, hy vọng một ngày trở về giành lại đại lục.

Từ đây, các cơ sở công nghiệp khai thác của Nhât đều ngừng hoạt động, rừng cây và thiên nhiên vùng Nam Đầu dần hồi sinh. Những người Thao lưu tán tìm đường trở về quê hương Nhật Nguyệt hồ. Bộ tộc tái lập lúc này vẻn vẹn chỉ còn lại vài chục nhân khẩu ốm yếu bệnh tật. Với lòng quả cảm gan góc giành giật sự sống từ cõi chết để tồn tại, mà chỉ sau vài năm, tuy tình cảnh vẫn còn tăm tối nhưng bộ tộc nhỏ bé này dường như đã bước qua được giai đoạn tuyệt vọng để hồi sinh trở lại.

Mùa hè năm 1950, vợ chồng Tưởng Giới Thạch đã đi thị sát qua vùng hồ Nhật Nguyệt. Trước khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ, khí hậu khoan hòa, ông quyết định dừng chân cắm trại và nghỉ lại bên hồ. Ngày hôm sau đã có cuộc trò chuyện thân mật giữa vợ chồng Tưởng Giới Thạch với tộc trưởng bộ tộc Thao.

Thấu hiểu tình cảnh của những con người nhỏ bé cô độc này, Tưởng Giới Thạch cho biết sẽ suy nghĩ tìm cách giúp đỡ những tộc người thiểu số nói chung và đặc biệt với bộ tộc người Thao vùng Nhật Nguyệt hồ. Khi câu chuyện trở nên gần gũi hơn, người tộc trưởng đã mạnh dạn hỏi bà Tống Mỹ Linh, về căn bệnh ngoài da hiện diện trên khuôn mặt và bàn tay của bà.

Phu nhân cho hay căn bệnh dị ứng của bà đeo đẳng từ nhiều năm nay, đã dùng đủ loại thuốc Đông Tây nhưng chỉ đỡ chứ  không khỏi hẳn. Ngoài ra bà còn mắc chứng hen xsuyễn cũng từ nhiều năm mà vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị. Người tộc trưởng thưa lại, nếu ông bà tin tưởng cho phép thì ông có thể chữa được hai căn bệnh có liên quan với nhau như một cặp bài trùng này. Được sự chấp thuận của ông bà, ngay chiều hôm đó tộc trưởng đã chuyển lên họ một loại thuốc hoàn tán với mật ong rừng.

Trong một tuần lưu lại nghỉ ngơi ở đây, bà Tống Mỹ Linh đã dùng loại biệt dược chế tạo từ nhau con hươu trắng và một số vị  thuốc bí truyền. Thật diệu kỳ, căn bệnh quái ác của người đàn bà quyền lực này chỉ sau một tuần đã như không cánh mà bay.

Về những bài thuốc bí truyền chữa bệnh cho Tống Mỹ Linh, cho đến nay trong dân gian vùng Nam Đầu vẫn lan truyền kể lại, nhờ có những vị thần dược dùng trong những ngày đầu ở Nhật Nguyệt hồ và tiếp theo là những bài thuốc định kỳ được gửi tới từ bộ tộc Thao, mà sức khỏe của Tống Mỹ Linh đã ngày một ổn định, rồi dần dà trở nên hoàn hảo khi trở về già, nhờ thế mà bà đã sống khỏe mạnh thọ tới 106 tuổi, trở thành một trong những người thọ nhất thế giới vào thời điểm bà qua đời năm 2003 tại New York nước Mỹ.

Trước lúc chia tay, vợ chồng tổng thống lại có cuộc gặp thân tình với người tộc trưởng. Ngoài những phần quà tặng hậu hĩ, Tưởng Giới Thạch đưa cho ông một cuốn sách ngoài bìa có hai chữ “Bách tính” (trăm họ) Tổng thống bảo, bộ tộc này chưa có họ nay ông hãy đại diện cho mọi người chọn lấy một họ trong số trăm họ này.

Tộc trưởng đón nhận cuốn sách và giở ra xem, nhưng vì không biết chữ nên ông không biết chọn từ nào giữa hàng trăm con chữ rối bời. Phân vân hồi lâu tộc trưởng quyết định chỉ vào một chữ ít nét và đơn giản nhất đó là chữ “mao) (chỉ có 3 gạch ngang và một nét móc).

Tưởng Giới Thạch cả cười quay sang hỏi ý kiến vợ. Tống Mỹ Linh tươi cười cho rằng đây là duyên phận của trời phật sao ta được phép chối từ. Tưởng Giới Thạch liền quyết định, từ nay tộc người Thao sẽ mang họ chính thức là Mao, riêng người tộc trưởng được mang tên Mao Vương Gia do chính Tổng thống lựa chọn và ban tặng.

Trở về Đài Bắc, Tưởng Giới Thạch đã cho ban hành và thực thi một chính sách ưu đãi đối với các tộc người thiểu số trên toàn quốc đảo. Riêng với tộc người Thao họ lại được hưởng những đặc ân từ chính phủ. Người Thao được chăm sóc y tế miễn phí, không phải đóng bất cứ loại thuế nào, con em người Thao đi học không mất tiền, thanh niên người Thao được đào tạo nghề và bố trí việc làm thích hợp, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống, trường học, trạm y tế trong vùng và giúp đỡ vật tư cho các gia đình Thao làm nhà dựng cửa…

Chuyện Đài Loan - 2

Tưởng Giới Thạch (bên phải), tộc trưởng Mao Vương Gia (giữa) và người thư ký trong ngày tộc người Thao nhận họ MAO ( Ảnh: ST )

Quan trọng hơn, Nhà nước còn triển khai đầu tư một dự án lớn nhằm biến đổi cảnh quan hoang sơ Nhật Nguyệt hồ thành khu văn hóa tâm linh với những công trình mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử Trung Hoa. Bên cạnh những di tích lịch sử, chính phủ lại cho xây dựng thêm một số công trình kiến trúc mang phong cách thủy đình làm nơi đón khách.

Dự án lớn này được triển khai và thực hiện liên tục trong nhiều năm, đến nay Nhật Nguyệt hồ đã trở thành khu du lịch văn hóa và tâm linh nổi tiếng bậc nhất Đài Loan. Những công trình kiến trúc tâm linh đền đài, chùa tháp, lầu tạ gắn liền với lịch sử độc đáo rải rác quanh bờ hợp thành một chuỗi không gian huyền ảo bao trùm vùng hồ Nhật Nguyệt, đã tạo nên sức hấp dẫn không thể cưỡng nổi đối với du khách thập phương.

Huyền Quang Tự là ngôi đền được xây dựng để thờ Đường Huyền Tông, tức Đường Tăng. Đây là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa, đã được tiểu thuyết hóa trở thành nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Tây Du Ký.

Chuyện Đài Loan - 3

Huyền Quang Tự, ngôi chùa thờ Đường Huyền Tông ( Đường Tăng ) bên bờ hồ Nhật Nguyệt.

Sau khi Đường Tăng qua đời, sá lợi của ông được gìn giữ phụng thờ trong một ngôi lăng mộ xây dựng tại Tiểu Cửu Hoa Sơn, Ngũ Hồ, Nam Kinh. Khi Nhật chiếm Trung Quốc, ngoài mục đích chiếm đoạt sức người sức của phục vụ chiến tranh, họ còn cướp đoạt rất nhiều báu vật và di chỉ văn hóa của Trung Hoa đem về nước. Sá lợi Đường Tăng ở Nam Kinh cũng bị người Nhật đánh cắp.

Sau chiến tranh, cùng với chương trình xây dựng phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, Chính phủ Đài Loan đặc biệt chú ý tới việc quản lý gìn giữ những báu vật quốc gia mang từ đại lục sang, cũng như tìm kiếm thu hồi các báu vật còn đang thất tán trên khắp thế giới. Sau nhiều năm tranh đấu, mùa thu năm 1953 chính quyền Đài Loan đã được phía Nhật Bản trao trả nguyên vẹn sá lợi Đường Tăng. Ngôi đền Huyền Quang Tự bên hồ Nhật Nguyệt chính là nơi được xây dựng để lưu giữ và thờ phụng bảo vật quốc gia này.

Một công trình nữa nên được nhắc đến ở đây đó là đền thờ Hươu Trắng. Ngôi đền nhỏ xây cất trên một hòn đảo nhỏ mang tên đảo La Lu giữa hồ Nhật Nguyệt để thờ phụng hươu trắng, biểu tượng tâm linh của dân tộc Thao. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn ghé thăm thì người thủ từ cho biết ngôi đền hiện tạm đóng cửa đón khách tham quan vì hòn đảo nằm giữa vùng nước sâu gần ba chục mét này đang bị sạt lở và sụt lún nghiêm trọng, Nhà nước đang đầu tư hàng triệu đô la để xây cạp lại bờ kè từ đáy hồ bao lên quanh đảo. Công trình mới được khởi công, dự kiến kéo dài một năm mới  có thể hoàn thành.

Thấy tôi vẫn miệt mài ghi chép và chụp ảnh, hướng dẫn viên Thu Hồng động viên là trên đường về sẽ kết hợp ghé thăm một cơ sở kinh doanh có nhiều người Thao phục vụ, may ra có thể có thêm những tư liệu bổ ích.

Từ hồ Nhật Nguyêt, xe đi theo con đường nhựa rộng cỡ ba làn xe, con đường đẹp như tranh uốn lượn giữa một vùng xóm làng điệp trùng tua tủa những vườn cau. Thì ra đây còn là vùng trồng cau rộng lớn nhất xứ này cung cấp cho nhu cầu ăn trầu, một nhu cầu sử dụng thường nhật phổ biến bậc nhất trong giới mày râu Đài Loan.

Trung tâm Linh chi nằm giữa một rừng cau bát ngát. Một cô gái mặc bộ váy xanh cao dong dỏng có khuôn mặt thanh tú như phụ nữ Tân Cương tươi cười đón chúng tôi ở cửa gian đại sảnh. Khi khách khứa đã ngồi ổn định, một cô gái khác bê ra một khay trà rót sẵn còn bốc khói ngào ngạt. Trà Linh chi, cô giới thiệu và mời từng người một.

Sau một tuần trà, cô gái váy xanh mời chúng tôi sang khu trưng bầy giới thiệu công việc khai thác và chế biến Linh chi A Lý Sơn. Tôi nghe hướng dẫn viên Thu Hồng dịch lại lời giới thiệu của cô váy xanh : “ …Cháu là Mao San San xin được giới thiệu với quí khách…”.

Lại thêm một cô gái người Thao, tôi thầm nghĩ. Đợi đến khi giới thiệu xong, tôi kéo Thu Hồng lại phía cô gái Thao nhờ phiên dịch để có thể trò chuyện trực tiếp. Chào cô Mao San San, xin lỗi, thế cô có phải là người dân tộc Thao không? Vâng, cháu là người Thao, sao chú cũng biết về dân tộc Thao chúng cháu ạ? Tôi cũng hiểu một chút và biết rằng những người mang họ Mao vùng này đa số là người Thao, có phải thế không? Không phải đa số mà là tất cả, tất cả họ Mao vùng này đều là người Thao Nhật Nguyệt hồ cả. Thế họ Mao Nhật Nguyệt hồ giờ có đông không cô? Cũng được gần ba trăm người. Thế cụ Mao Vương Gia còn sống không cô? Ô, thế chú cũng biết Mao Vương Gia tổ phụ à, Người mất từ lâu rồi, nhưng hình ảnh Người còn sống mãi trong tâm linh người Thao chúng cháu…

Rồi Mao San San dẫn chúng tôi vào một khu riêng biệt trong một góc nhà, nhìn cách bài trí và hiện vật trưng bầy tôi nghĩ nó giống với một khu lưu niệm. Tôi đoán quả không sai. Trên những tủ gỗ và dưới nền nhà, các bộ trang phục dân tộc và những công cụ lao động cũng như vật dụng sinh hoạt thô sơ được trưng bầy theo kiểu nghệ thuật sắp đặt. Trên tường treo la liệt những bức ảnh lớn nhỏ khác nhau. Mao San San chỉ vào từng bức giới thiệu, đây là ảnh ông Tưởng chụp với Mao Vương Gia, ảnh chụp kỷ niệm trong ngày đầu tiên Tưởng Giới Thạch đi thị sát Nhật Nguyệt hồ…

Khi cô San San dẫn đoàn khách vào phòng trưng bầy giới thiệu dược phẩm, mình tôi nán lại khu lưu niệm. Lấy máy ảnh cẩn thận chụp lại những bức tiêu biểu. Trong phút giây tĩnh lặng, tâm tưởng tôi bỗng nẩy ra một điều tự vấn, Tưởng giới Thạch với bộ tộc người Thao, công lao có thể gọi là tái thế, vậy mà sao ông ta không lấy họ Tưởng làm họ khai sinh cho tộc người này để mà lưu danh muôn thuở như bao bậc đế vương Đông Tây xưa nay vẫn thường làm?

Liên tưởng những bức ảnh người Thao đóng khố cởi trần treo trên tường và những chàng trai cô gái Thao cao lớn đep như người mẫu tươi cười làm việc tại trung tâm dược phẩm lúc này, tự tôi lại nẩy thêm ý nghĩ, giả dụ mọi chuyện lại không diễn ra như những gì đã diễn, tức là ngày ấy Tưởng Giới Thạch quyết định tự lấy họ mình đặt cho bộ tộc Thao. Điều gì sẽ diễn  ra sau đó? Ai mà biết được!

Câu chuyện đã không phát triển theo chiều giả định dễ dãi như thế. Không lưu danh tên họ cho mình, nhưng chỉ riêng một cuộc hồi sinh với cái kết mỹ mãn của tộc người Thao Nhật Nguyệt hồ hôm nay, đã đủ là một nét son tạc cùng năm tháng. 

                                             

Nguyễn Đắc Như

Say đắm Đài Loan ngày trở lại
Say đắm Đài Loan ngày trở lại

Với sự kiện khôi phục lại chính sách visa nhanh chóng tiện lợi kể từ ngày 13.10.2022, cánh cửa du lịch đã rộng mở hơn...

Tin liên quan

Tin mới nhất