Đình Châu Phú - Tuyệt tác nghệ thuật miền viễn Tây

Bước vào trung tâm thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), du khách sẽ bắt gặp một kiến trúc cổ kính, đồ sộ, uy nghiêm giữa lòng đô thị, đó là đình thần Châu Phú. Đình tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, phường Châu Phú A, cách chợ Châu Đốc không xa. Đây là một trong những ngôi đình lớn và đẹp hàng đầu ở miền Tây, với nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo, được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Trước khi đào kinh Vĩnh Tế (1819), Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đã xây dựng Trung Nghĩa từ, để thờ cúng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Công trình này đồng thời có vai trò là đình thần của làng Châu Phú ngày xưa (hiện nay trở thành hai phường Châu Phú A và Châu Phú B). Ban đầu, đình nằm trong phần đất của tộc họ Lê Công, cách vị trí hiện nay khoảng 500 mét về hướng Đông Nam.

Năm 1922, phần đất đó nằm trong quy hoạch bệnh viện Châu Đốc của chính quyền Pháp. Do đó, một cuộc thương lượng đã diễn ra, kết quả là phần đất đình nhường cho bệnh viện, bù lại phần đất của nhà việc Châu Phú ở đầu chợ Châu Đốc nhường lại cho đình, tức vị trí hiện nay. Trong lần di dời đó, đình được trùng tu như kiến trúc ngày nay chúng ta thấy, hoàn thành năm 1926.

Đình Châu Phú - Tuyệt tác nghệ thuật miền viễn Tây - 1

Đình Châu Phú

Đình Châu Phú có kiến trúc theo hình chữ “tam” trong Hán tự. Nội và ngoại thất của ngôi đình mang đậm dấu ấn nghệ thuật truyền thống dân tộc, đồng thời thể hiện được những tinh hoa trong phong cách kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Bên cạnh đó, đình còn xuất hiện một số yếu tố tân thời - ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX.

Nóc đình có dạng cổ lầu với ba cấp mái chồng lên nhau vững chãi, lợp ngói đại tiểu màu đỏ, có gắn tượng lưỡng long triều nhựt, bát tiên, kỳ lân, cá hóa rồng… Ở cấp nóc trên cùng có khắc bốn chữ Hán là “Thượng đẳng thần miếu”. Cửa ra vào có dạng vòm, xen lẫn các cửa sổ cân đối, cột làm từ gỗ quý, nền lót gạch bông, tường làm bằng hồ ô dước bền chắc.

Chánh điện lộng lẫy với nhiều bao lam, thành vọng, hoành phi, liễn đối… được chạm khắc công phu, đạt trình độ kỹ thuật điêu luyện. Những hoa văn được chạm khắc thuộc nhiều đề tài như bát tiên, tứ linh, chim thú, hoa lá… Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều lư đồng, đỉnh đồng, khánh thờ, lỗ bộ, bát bửu, tán lộng… Tổng hòa các chi tiết nghệ thuật bên trong đình khiến cho người tham quan có cảm giác như đang lạc vào một xứ sở huyền thoại thời cổ xưa.

Một số câu đối trong đình Châu Phú:

Nhứt nhung y tăng thác nam cương, thất tỉnh thái hòa tại vũ

Tam thiên miếu trùng tân cựu sở, thiên thu trở đậu trường tồn

(Một mảnh giáp khai thác phương nam, bảy tỉnh thái hòa trong vũ trụ

Ba lần dời trùng tu miếu cũ, ngàn năm hương khói vẫn lâu dài)

Khai thác huân thần, công tại biên thùy danh tại sử

Trung thành chánh khí, sanh vi chân tướng tử vi thần

(Mở đất ơn người, công ở biên thùy, tên trong sử

Trung thành chánh khí, sống là tướng soái, chết thành thần)

Chân Lạp trần thanh, Đông Phố bá niên lưu vĩ tích

Sầm Giang tinh vẫn, tây thùy thiên cổ cảnh dư oai

(Chân Lạp bụi tan, Đông Phố trăm năm lưu tích lớn

Sầm Giang sao rụng, cõi Tây ngàn thuở khiếp oai danh)

Vị trí trang trọng nhất trong chánh điện là bàn thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bên dưới có bài vị Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, kế nữa là bài vị hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh - Chánh và Phó Quản cơ của Vệ Thủy cơ biền binh. Ngoài ra, chánh điện có bức tượng Lễ Thành Hầu làm bằng gỗ, chạm khắc và sơn phết sống động, có giá trị nghệ thuật cao. Bức tượng tạo hình ông với gương mặt phúc hậu, dáng dấp hùng dũng, mặc triều phục uy nghi. Đặc biệt, đình còn trân tàng nhiều sắc phong của vua Minh Mạng và Tự Đức phong tặng cho Nguyễn Hữu Cảnh.

Đình Châu Phú - Tuyệt tác nghệ thuật miền viễn Tây - 2

Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700), quê quán ở Quảng Bình, có tên húy là Lễ, nên về sau được phong là Lễ Thành Hầu. Ông là danh tướng thời chúa Nguyễn, con của Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật. Không chỉ từng xông pha trận mạc, ông còn là người có công xác lập chủ quyền vùng đất phương Nam. Năm 1658, ông làm Thống suất Kinh lược xứ, thiết lập chủ quyền xứ Đồng Nai - Sài Gòn. Năm 1699, ông được phong là Thống binh, đi kinh lý Chân Lạp. Trên đường về, ông đóng quân tại cù lao Cây Sao và lâm bệnh, sau đó qua đời vào mùng 9 tháng 5 (âm lịch) năm 1700.

Sử triều Nguyễn chép rằng ông qua đời vào ngày 16 tháng 5, song tiểu sử Nguyễn Hữu Cảnh trưng bày trong các ngôi đình ở tỉnh An Giang đều ghi là mùng 9 tháng 5. Cả vùng Tây Nam Bộ đều tổ chức lễ giỗ ông vào ngày nàynầy, có thể kể đến như đình Châu Phú, Mỹ Đức, Bình Thủy, Long Kiến, Mỹ Phước… Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ giỗ ông vào ngày 16 tháng 5, có lẽ kỷ niệm ngày quàn linh cữu. Hiện nay, An Giang là tỉnh có rất nhiều đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh và cù lao Cây Sao nơi ông từng đóng quân cũng được đổi tên thành cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới) để tưởng nhớ.

Hằng năm, đình thần Châu Phú tổ chức trọng thể đại lễ Kỳ yên vào các ngày 10 - 11 - 12 tháng 5 âm lịch, kỷ niệm ngày mất Lễ Thành Hầu. Ngoài ra, đình tổ chức lễ giỗ Thoại Ngọc Hầu vào ngày 6 tháng 6 âm lịch. Từ hàng trăm năm qua, ngôi đình đã gắn liền với đời sống văn hóa của cư dân vùng biên thùy Châu Đốc. Ngày nay, giữa thành phố đầy sôi động bên dòng sông Hậu, đình Châu Phú nằm trầm mặc như một nét cọ khác biệt, mang đến màu sắc cổ điển cho bức tranh đô thị.

Vĩnh Thông

Tin liên quan

Tin mới nhất