Nghệ thuật kiến trúc Đình Lãng Xuyên

Đình Lãng Xuyên một biểu tượng kiến trúc quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng thực hành tín ngưỡng của người dân địa phương. Công trình là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc giá trị, với sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật tinh tế của các nghệ nhân dân gian thế kỷ XVI - XIX, khi xã hội phong kiến Nguyễn trên đà hưng thịnh; Đình làng Lãng Xuyên được Bộ Văn hóa, Thể thao nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2006.

Tổng quan

Nằm trong hệ thống đình làng Bắc bộ, Đình làng Lãng Xuyên tại xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo. Theo khảo cứu tài liệu sách của tỉnh Hải Dương, khảo sát thực tế, ghi của cụ Nguyễn Đức Nội “Chuyện đình làng Lãng Xuyên qua lời kể”, cuốn “Những bài viết nhân dịp lễ hội đón bằng di tích lịch sử, đình lãng Lãng Xuyên cấp quốc gia 2006” chủ biên Phạm Thanh Tuyền (nhiều tác giả), Cuốn “Lịch sử Đảng bộ của xã Gia Tân”, Đình được trùng tu nhiều lần, bắt đầu từ Triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX vua Khải Định nhị niên 1917 khi xã hội phong kiến phát triển khuyến khích xây dựng đình làng tạo dựng bộ máy công quyền ở cấp địa phương cùng với phụng thờ người có công đất nước.

Nghệ thuật kiến trúc Đình Lãng Xuyên - 1

Đình Lãng Xuyên

Trong văn bia “Lãng Xuyên xã thần tích bi” khắc dựng năm Khải Định thứ 2 (năm 1917) hiện lưu giữ tại nhà bia của đình hiện nay:

Đình thờ Tiên Cung Ngọc Hoa Giao (theo húy tự), là người có công phù Hai Bà Trưng dẹp giặc Tô Định đời Đông Hán thế kỷ thứ I (cách đây hàng ngàn năm theo sử chí). Khi Trưng Nữ Vương dẹp giặc xong Hai Bà nhớ công lao phù trợ của Ngọc Hoa Giao tại Thành hoàng trang Chương Tuyền; Sau thời gian xác minh rõ ràng sự việc Hai Bà lệnh sắc phong cho húy tự Ngọc Hoa Giao, với hiệu tự Thiên Tiên Ngọc Tướng (Quỳnh Nương Công Chúa) và ban cho trang Chương Tuyền phụng thờ...

Về kiến trúc và di cổ, hiện đình vẫn giữ nguyên kiến trúc, cùng nhiều di vật cổ có giá trị như cuốn thư, đại tự, câu đối sơn son thiếp vàng, bia Hậu Thần khắc dựng năm 1943 (bia này hiện thờ, còn một số chữ chưa được dịch), một bia Hội Xuyên Tổng Từ Bi Chỉ (bia này chữ đã mờ chưa được dịch). Nội thất: Cổ vật đồng, có một quả chuông đúc năm Bảo Đại thứ 8 (1933), còn những cổ vật khác có niên đại thấp hơn. Những cổ vật này là cơ sở cho những nghiên cứu về giá trị lịch sử đình làng.

Theo nội dung tài liệu nghiên cứu, các bài viết “nhân dịp lễ hội đón bằng di tích lịch sử đình làng Lãng Xuyên cấp quốc gia 2006”; qua lời kể của cụ Nguyễn Đức Nội, cuốn “Lịch sử Đảng Bộ Gia Tân”, đã thể hiện ý nghĩa tầm quan trọng của kiến trúc, cổ vật trong giáo dục truyền thống, đời sống, nghi thức cộng đồng cư dân địa phương. Khẳng định, đây là một công trình kiến trúc giá trị, có quá trình lịch sử lâu dài được dân làng gìn giữ trùng tu ở các cấp độ khác nhau qua các biến cố của lịch sử đến nay vẫn giữ nguyên giá trị nghệ thuật.

Những giá trị kiến trúc di cổ đã giúp các thế hệ sau hiểu về quê hương, những cuộc chiến tranh chống giặc cứu nước của địa phương, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Nghệ thuật kiến trúc đình làng

Ngôi đình có quy mô lớn so với nhiều ngôi đình khác ở các địa phương xung quanh với bố cục hình chữ đinh gồm 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung, tòa đại bái có diện tích 169,28m², dài 18,4m, rộng 9,2m, tòa đại bái có 5 gian ngang, hướng Bắc Nam, kết cấu hạ khoảng tạo thế vững chãi, định vị toàn tòa đại bái thêm chắc chắn. Với tư duy trừu tượng cùng tay nghề cao thợ nghề xây dựng lên ngôi đình có kiến trúc đối xứng cân bằng bề thế cho thế đình.

Nghệ thuật kiến trúc Đình Lãng Xuyên - 2

Trên nóc mái là đôi rồng chầu, hình tượng lưỡng long bái nguyệt.

Về kết cấu, phường thợ sử dụng chất gỗ lim được nghệ nhân trạm trổ tinh vi với mang mộng bén khít khớp nhau chặt chẽ. Cột cái có đường kính 48cm, cột quân có đường kính 38cm liên kết trụ khối thể vững chắc. Hình thức bộ khung cột to chịu lực toàn bộ sức nặng của mái tác động từ trên xuống dưới theo phương thẳng đứng, với kết cấu hình hộp, ngôi đình có thể chịu được lực tác động các chiều ngang, dọc.

Hệ thống cột lim cùng các cấu kiện kết nối với nhau chặt chẽ; các liên kết cấu kiện, mảng, khối kiến trúc gỗ, ngoài các yếu tố kỹ thuật còn sử dụng để thể hiện thành những tác phẩm nghệ thuật trạm khắc, trang trí tinh xảo với các đề tài hoa sen, rùa, cá phản ánh tinh thần tôn kính thiên nhiên cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân địa phương.

Tòa đại bái được nghệ nhân thể hiện cấu trúc chỉnh thể, thể thức thống nhất hợp thành từ những bộ phận kết cấu phức tạp, bộ khung gỗ chịu lực với hàng trăm cấu kiện liên kết mộng theo không gian hình góc vững chắc cột cái, cột quân, cột hiên, bộ vì, các con rường, các xà, dầm, đặt theo chiều nghiêng lệch, thẳng, tạo thành khung hộp với một tổ hợp cấu trúc hợp lý khoa học. Về bao che công trình là hệ mái với kỹ thuật chồng rường, cùng hệ thống ván bưng, tảng kê chân cột, kèo cột chắc chắn tạo cho công trình đứng vững theo năm tháng nhiều thế kỷ với sự khắc nghiệt của thiên nhiên xứ nhiệt đới nóng ẩm mưa gió nhiều.

Trên nóc mái là đôi rồng chầu, hình tượng lưỡng long bái nguyệt được nghệ nhân đắp vữa thể khối tròn với những chi tiết sinh động dáng vẻ uốn lượn nhịp điệu hình sin ba khúc, ý niệm tam giáo đồng nguyên mềm mại xuôi dần hai bên đầu hồi mái, hình khối này mang ý nghĩa biểu tượng cho đạo thần quyền. Hình tượng mặt trời tọa mây phân chia trục cân đối âm dương hài hòa, quan niệm như một thế lực siêu nhiên, tạo tác giàu cảm súc với những tia sáng hình cong lượn run rẩy chuyển động như đang bốc cháy, ý nghĩa về sức mạnh của đấng tối cao vươn lên nan tỏa che chở.

Bố cục đăng đối đồng nhất nghệ nhân như muốn thể hiện sức mạnh ánh sáng ban phát đến thần dân niềm tin hạnh phúc và sự đủ đầy. Rồng bái nguyệt được nghệ nhân tạo tác thanh gọn cầu kỳ kết hợp với các dải mây chuyển động nhịp điệu đã phá vỡ thể cứng của đường bờ khô khan cứng chắc. Tính biểu tượng liên tưởng trừu tượng được nghệ nhân giải quyết khối không gian chất liệu có sự ảnh hưởng kiến trúc Cung Đình Huế âm hưởng điêu khắc kiến trúc Nguyễn.

Các chi tiết vẩy rồng, vây rồng được gắn các mảnh sành sứ, cắt gọt tinh tế, sắc lam sáng hòa vào khối đắp tạo màu sắc hình rồng nhẹ nhàng uyển chuyển chải dài ngự lãm trên tầng trời đăng đối thanh thoát (thượng thiên của quan niệm phật giáo) đại diện cho đấng bề trên thần uy thánh thiện. Khối mặt trời ở giữa cùng đôi rồng trầu cảm nhận quan niệm phật giáo dân gian một biểu tượng âm dương, “sắc sắc không không” hiện hữu mà xa cách biểu tượng phụng thờ thiên thần.

Tầng thấp hơn là nét đường bờ từ đỉnh nóc mái xuôi xuống theo hướng đầu đao lên, trên cạnh nét đường bờ xuất hiện hình tượng hà mã hóa rồng (con li), rùa (con qui), rồng một đặc điểm ít thấy trong kiến trúc điêu khắc của đình làng bắc bộ, có lẽ các nghệ nhân muốn biểu hiện qui luật vững chắc tứ linh, long li, qui, phượng hàm chứa lí lẽ tam giáo đồng nguyên; những liên tưởng ảnh hưởng quan niệm dân gian, những qui định chung trong cách xây dựng đình mà nghệ nhân tại các phường thợ tạo nên hình thức biểu tượng mang ý nghĩa phong phú nhất quán, triết lí chung trong quan niệm nho giáo thịnh hành. Mặt khác hình tượng quan niệm cũng được các nghệ nhân biến hóa biểu hiện ở nhiều thể thức với nội dung thay đổi trong quan niệm văn hóa nho giáo, phật giáo, dân gian như: cá hóa rồng, trúc hóa rồng, cúc hóa rồng... trên các bức phù điêu trạm khắc.

Toàn bộ kiến trúc đình làng được liên kết bằng mộng theo nguyên tắc lắp ghép theo cấu kiện linh hoạt, khi cần phải thay thế một bộ phận bị hư hỏng nào đó sẽ dễ dàng không ảnh hưởng đến toàn bộ kiến trúc.

Đình Lãng Xuyên có kết cấu chặt chẽ có thể chống chịu được những cơn địa chấn, bão lụt trong quá trình tồn tại nó đã minh chứng về khả năng tốt cho đến nay.

Với bản sắc văn hóa Việt đình làng Lãng Xuyên được các nghệ nhân thể hiện rất độc đáo qua tư duy thẩm mỹ, hình thức, kết cấu, kiến trúc, sử dụng biểu tượng của nghệ nhân.

Đình chủ yếu kết cấu gỗ, gạch, phần đá không đáng kể chủ yếu làm tảng kê chân cột, bậc; Với chất liệu gỗ truyền thống đình được nghệ nhân sáng tạo qua kiểu dáng hình thức trang trí chạm khắc, đã tạo nên những cuốn hút thị giác cùng hình khối, màu sắc, chiều sâu của các lớp, mảng cùng những hình ảnh mang nội dung liên tưởng về những ý nghĩa quan niệm, thanh bình trong cuộc sống qua các mô típ thể hiện trên phù điêu trang trí Rùa, Sen.

Các nghệ nhân đã biến những khối gỗ đơn điệu thành tác phẩm tạo hình điêu khắc bằng hình, khối, mảng, nét, với các kỹ thuật chạm bong, trạm nổi, trạm lộng, đặc biệt trên các vì kèo nhiều bức chạm nghệ thuật thể hiện nhiều đề tài phong phú. Trên các bẩy chạm Trúc hóa rồng, Cúc hóa long; Trên các xà nách chạm lá lật mềm mại như cụm sen, lá sen, hoa sen, cua cắp bông sen, rùa úp dưới sen... được cách điệu sinh động. Trên các con thuận, các mảng cốn, mô tả đề tài tứ linh, long, ly, qui, phượng, hay rồng hút cá chép theo tích “long ngư hý thủy” tức rồng cá vui với nước, muôn hình muôn vẻ.

Đầu dư chạm khắc đầu rồng đuôi chim phượng cùng nhiều mảng chạm khắc thể hiện tam giáo đồng nguyên trong tín ngưỡng dân gian, gần gũi trong sinh hoạt đời thường của người nông dân đồng bằng Bắc bộ.

Ba gian hậu cung có chiều dài 10m, rộng 4,2m trong đó có một gian cung cấm, tại đây có một số bức chạm lá lật và độc long (tức một con rồng) khá đẹp tạo sức mạnh của thần quyền.

Qua nhiều thế hệ, qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, cùng khí hậu tàn phá, hiện nay đình Lãng Xuyên vẫn còn lưu giữ được những nét cổ nguyên của nó với giá trị kiến trúc đậm sắc nét văn hóa của cư dân địa phương nói riêng của cư dân Bắc bộ nói chung.

Đình Lãng Xuyên có thiết chế tổng hợp đa chức năng, vừa có sự linh thiêng của tín ngưỡng vừa có uy lực thế tục của chính thể quân chủ đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương trong đời sống dân dã.

Trong quan niệm của người Việt đình làng là một thực thể sống động linh thiêng, chính vì thế đình Lãng Xuyên cũng chứa đựng sự hài hòa giữa các yếu tố âm dương với số gian của lẻ: 5 gian  (= dương); số hàng cột của vì kèo chẵn: 6 kèo (= âm). Các bộ phận của khung gỗ được liên kết bằng mộng, phần gờ lồi của cấu kiện này khớp vào phần lõm của cấu kiện khác cũng được cho là tuân theo nguyên tắc âm – dương. Theo nhà nghiên cứu Bezacier đánh giá: “Cái đặc tính Việt Nam trong nghệ thuật kiến trúc của họ chính là ở cái chất cơ bản về phong cảnh của nó, mà đặc điểm này được bắt nguồn từ nguyên tắc “phong thủy”, một nguyên tắc hài hòa không thể thiếu được giữa công trình và phong cảnh thiên nhiên đó và nếu như trong tự nhiên còn thiếu cái hài hòa đó thì bàn tay nghệ nhân phải tạo ra nó”.

Theo nhà nghiên cứu M.Gonse. “nhà kiến trúc trước hết là một người thợ mộc” tự làm, khích lệ tùy hứng sáng tạo, các thủ pháp điêu khắc đa dạng, không phân biệt đẳng cấp, mang hơi thở của tinh thần dân chủ. Nó là tác phẩm của những nghệ nhân dân gian, xuất phát từ đời sống, từ cái nhìn có tính bản năng thuần phác của người nông dân, khi sáng tạo người nghệ sĩ nông dân không bị câu thúc bởi bất cứ quy chuẩn tạo hình nào. Họ tự do bộc lộ cái cảm tự thân về hiện thực, bằng bất kỳ thủ pháp nào. Như một quy luật, kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam nói chung và kiến trúc đình làng Lãng Xuyên nói riêng đều tuân theo nguyên tắc tính đăng đối.

Nghệ thuật kiến trúc Đình Lãng Xuyên - 3

Toàn bộ kiến trúc được kết thành mộng, kết cấu gỗ, gạch.

Đình làng Lãng Xuyên mang màu sắc tự nhiên chân thực của vật liệu, nét rêu cổ kính mái ngói, mộc mạc nguyên sơ của chất gỗ. Công trình có hướng màu trầm hòa lẫn hợp cảnh không gian làng quê.

Mối quan hệ giữa kiến trúc và môi trường, qua các thủ pháp nghệ thuật, các mô-típ, họa tiết, hình khối, đường nét, màu sắc, được nghệ nhân thể hiện sinh động gắn kết sáng tạo với văn hóa truyền thống.

Ngôi đình tọa tại đầu thôn thuận lợi đi lại của người dân trong làng, nơi có không gian thoáng đãng nhìn ra con sông Tràng. Đây là một yếu tố phong thủy trong lựa chọn kiến trúc đình cổ truyền, và là địa điểm tập trung thuận lợi cho người dân khi làng có việc.

Bố cục đăng đối chi phối toàn bộ kiến trúc đình Lãng Xuyên. Qui hoạch cảnh quan được định vị theo trục dọc, ngang của các khối kiến trúc, các thành phần kíến trúc cũng được bố cục đối xứng, trên qui hoạch mặt bằng theo đường thần đạo, hạng mục kiến trúc hồ, cột cờ, cổng đến (hai dãy tả vu, hữu vu nay không còn), tòa đại bái, hậu cung, bố cục đăng đối nhịp điệu làm ngôi kiến trúc trở nên giàu tính thẩm mỹ, tác động đến tâm lý thị giác thêm ấn tượng quyền lực. Bố cục đăng đối của kiến trúc cũng phần nào tác động đến cảm giác ổn định bền vững trong trật tự kiến trúc.

Yếu tố “thủy” trong bố cục của ngôi đình ngoài hồ bán nguyệt trước đình, sông Tràng uốn lươn xung quanh, gần đây dân làng còn sửa giếng bên cạnh để “tụ thủy” tạo điểm thịnh mãn của làng. Mặt nước giúp cho khí hậu bên trong đình được cải thiện rất nhiều, yếu tố Dương (ngôi đình) và âm (mặt nước) điều hòa lẫn nhau.

Giếng làng xuất hiện ngay từ khi ngôi đình được xây dựng, nó không chỉ là nguồn cấp nước trong mát cho dân mà còn là nơi gặp mặt chuyện trò của mọi người trong làng khi quẩy gánh lấy nước, một hình ảnh đẹp về quê hương trong trí nhớ của người xa quê. Nước giếng còn được dùng để cúng tế trong các ngày lễ hội.

Đình Lãng Xuyên xưa được xây dựng trên một thế đất cao đẹp kế thừa kiểu thức truyền thống của dân tộc, vừa tạo sự trang trọng vừa là để chống lũ lụt, ẩm ướt và mối mọt cho đình.

Hệ thống cây xanh bao bọc kiến trúc ngôi đình, tạo nên nền cảnh của cảnh quan đình làng cùng với con sông Tràng xanh mát, tạo bóng mát cho sân đình và điều hòa khí hậu.

Nghệ thuật kiến trúc Đình Lãng Xuyên - 4

Ngày nay sân đình có khoảng không gian được giới hạn bởi con đường liên thôn cắt mặt, từ cổng đến cửa tòa đình chính chỉ còn khoảng 10m, sân được lát gạch đỏ Giếng đáy. Cổng của đình làng được thiết kế theo kiến trúc cổng tam quan có 3 lối vào đình truyền thống.

Đình Lãng Xuyên có mái lớn, với hiên rộng là không gian đệm không thể thiếu trong kiến trúc đình truyền thống nó là không gian hoàn hảo nhằm cân bằng hai yếu tố âm (-) dương (+) ngôi đình, hiên giữ vai trò chuyển tiếp giữa hai không gian kín và mở giúp cho ngôi đình tạo đường nét cổ kính bao quanh mái đình.

Đình có bộ mái lớn, xòe rộng 4 góc mái nhưng không tạo cảm giác nặng nề bởi đỉnh mái hướng vút lên trên. Mái đình khá dày, tuân theo tỷ lệ nhất định và chiếm đến hơn ½ chiều cao của đình. Mái che kín ngôi kiến trúc để tránh nắng mưa có thể làm hại công trình và tránh những trận bão lớn có thể làm tốc mái đình. Mái ngói cùng hệ kết cấu khung gỗ là một sự kết hợp tuyệt vời giữa hai loại vật liệu trong kiến trúc cổ.

Những vật liệu thường được sử dụng trong xây dựng đình làng gồm gỗ, đá, gạch đất nung, ngói đất nung, vữa truyền thống. Đình được dựng bằng những cột gỗ lim to tròn thẳng, được đặt trên những hòn tảng lớn, kèo, xà ngang dọc của đình cũng được làm bằng toàn bộ gỗ lim.

Theo thời gian ngôi đình làng đã mất đi hai bên giải vũ nhưng hiện được bổ sung thêm nhiều hạng mục kiến trúc khác như nhà bia, tường vây, nhà tạm, bố cục mặt bằng, tòa đại bái vẫn là thành phần chính, các hạng mục kiến trúc khác hiện không lấn át che khuất tòa đại bái mà chỉ là những thành phần phụ trợ. Tính chỉnh thể toàn vẹn thống nhất của kiến trúc đình Lãng Xuyên được thể hiện sự liên kết hợp lý giữa các mặt đối lập tương phản lẫn nhau như mảng lớn - mảng nhỏ, đặc - rỗng, chính - phụ, cao - thấp của ngôi đình.

Ngôi đình hòa đồng quyện với thiên nhiên tạo nên nét duyên dáng cùng với sông, hồ, giếng, cây cối trang trí làm cho ngôi đình thêm đẹp thẩm mỹ ấm áp.

Với những giá trị văn hóa kiến trúc tiêu biểu ngày 15 tháng giêng năm Bính Tuất (năm 2006) đình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt do Bộ Văn hóa Thể thao công nhận.

Từ xưa, trang Chương Tuyền, đình Lãng Xuyên đã là nơi thờ thành hoàng làng, nơi hội tụ của người dân, nơi đây gần gũi gắn bó với nhiều kỷ niệm của người dân quê.

Kiến trúc mỹ thuật đình làng mang yếu tố thuần Việt riêng biệt, thể hiện sự trở về, nơi tiếp nối truyền thống văn hóa quê hương của người dân Lãng Xuyên.

Kiến trúc đình Lãng Xuyên được chuyên gia, nhà nghiên cứu của tỉnh Hải dương đánh giá cao về nghệ thuật kiến trúc. Văn hóa đậm bản sắc dân tộc Việt. Theo Bezacier học giả người Pháp chuyên nghiên cứu về Nghệ thuật Đông Nam Á đã đánh giá về nét đặc sắc bản địa của kiến trúc đình làng nói chung: “Đình làng trung tâm toàn bộ hoạt động xã hội Việt Nam thời cổ, cũng là nơi ít chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Trung Hoa” đây là cơ sở củng cố vai trò giá trị kiến trúc đình làng Bắc bộ trong đó có ngôi đình cổ ở Lãng Xuyên.

Nghệ thuật kiến trúc đình Lãng Xuyên phản ánh tư duy nghệ thuật hưng thịnh thời Nguyễn thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX. Trải qua nhiều lần tu sửa đến nay đình làng đã rộng lớn với 5 gian gỗ lim lợp ngói mũi hài rộng rãi đã đáp ứng nhu cầu hội họp tín ngưỡng của cư dân địa phương.

Lời kết

Như vậy nghệ thuật kiến trúc cổ truyền đình Lãng Xuyên được khẳng định qua vai trò giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo được xếp hạng là di tích cấp quốc gia nằm trong hệ thống kiến trúc đình cổ Việt.

 Về giá trị văn hóa, Kiến trúc đình Lãng Xuyên đã góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống địa phương, là nơi lưu giữ các cổ vật với những giá trị nghệ thuật. Là nơi thực hành những nghi lễ tín ngưỡng địa phương, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân trong đời sống xã hội hiện tại cũng như sau này.

Tài liệu tham khảo

Trần Lâm Biền (Chủ biên)-(Viện Bảo tồn Di tích), Đình làng Việt- Châu thổ Bắc bộ, Nxb Hồng Đức.

Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Đình làng châu thổ Bắc bộ, Nxb Thế giới.

Nguyễn Đức Nội “Chuyện đình làng Lãng Xuyên qua lời kể” Lãng Xuyên, Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương, 2018.

Phạm Thanh Tuyền (nhiều tác giả), Những bài viết nhân dịp lễ hội đón bằng di tích lịch sử, đình lãng Lãng Xuyên cấp quốc gia 2006, Lãng Xuyên, Gia Tân, Gia Lộc, 2006.

Viện Bảo tồn Di tích, Kiến trúc đình làng Việt- Qua tư liệu Viện bảo tồn Di tích, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2017.

TS. Hoàng Minh Của

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống