Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc

Chiều 24/12, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”. Triển lãm mở cửa từ ngày 25/12/2022 đến hết ngày 05/02/2023, tại nhà Tiền đường khu Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Đến dự lễ khai mạc có ông Phạm Đình Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá quốc gia; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc - 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”. (Ảnh: Huyền Thương)

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam với Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi kết tinh những giá trị văn hiến của dân tộc gắn với đạo học, với ngôi trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam.

Theo bà Trần Thị Vân Anh, tất cả những giá trị sâu lắng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt với những nghệ sĩ mong muốn tạo nên các tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại, song vẫn mang đậm những dấu ấn xa xưa. Đó cũng là một xu hướng tất yếu khi Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang hướng tới trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, một không gian sáng tạo của Thành phố Hà Nội.

“Triển lãm là kết tinh của niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc nói chung và với Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng của các họa sĩ trẻ - những người luôn đau đáu với việc gìn giữ và phát huy giá trị cho các di sản, nối tiếp mạch nguồn của văn hiến dân tộc” - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh.

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc - 2

Ban tổ chức tặng hoa cho các nghệ sĩ. (Ảnh: Huyền Thương)

Triển lãm trưng bày các tác phẩm của 8 nghệ sĩ được sáng tác theo nhiều phong cách, chất liệu đa dạng với bút pháp mới về những giá trị văn hiến.

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc - 3

Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc - 4

Triển lãm thu hút đông đảo khán giả trẻ. (Ảnh: Huyền Thương)

Tác giả Vũ Xuân Đông với tác phẩm “Cổ thư 1” và “Cổ thư 2” được sáng tác trên chất liệu hộp đồng và sơn mài có thể tương tác với người xem. Tác phẩm được trưng bày như một cuốn sách mở ra cho ta hồi tưởng về những giá trị truyền thống của người Việt như kiến trúc, điêu khắc, lễ hội, đời sống sông nước, hoa văn cổ, mây nước cỏ cây xưa… Cuốn sách như một dòng sông, một áng mây trôi tan vào không gian cổ kính của Văn Miếu.

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc - 5

Tác phẩm "Cổ thư" của tác giả Vũ Xuân Đông. (Ảnh: Huyền Thương)

Tác giả Nguyễn Đức Hùng thể hiện 03 tác phẩm bằng chất liệu, thủ pháp bút sắt và khói trên giấy dó truyền thống, tạo hiệu ứng thẩm mỹ phong phú, đa dạng và mở gợi nhiều liên tưởng táo bạo, độc đáo đến người xem về thế giới.

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc - 6

Tác phẩm "Nhật nguyệt linh ứng" của tác giả Nguyễn Đức Hùng. (Ảnh: Huyền Thương)

Tác giả Phạm Hùng Anh sáng tác theo loại hình khắc gỗ với tác phẩm “Bóng nước”, cho ta thấy hình ảnh khác của Khuê Văn Các qua cách nhìn cá nhân hay hình ảnh “Lều và Lọng” gợi nên nét văn hoá xưa về khoa bảng.

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc - 7

Tác phẩm “Lều và Lọng” của tác giả Phạm Hùng Anh. (Ảnh: Huyền Thương)

Tác giả Lê Thị Thanh tạo hình bằng bút pháp tổng hợp: in độc bản, in nổi, in lưới cho ta thấy một Văn Miếu - Quốc Tử Giám đặc biệt được tạo hình bởi những hoa văn, kiến trúc tiêu biểu.

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc - 8

Tác giả Lê Thị Thanh (đứng giữa) cùng các sinh viên của mình bên cạnh tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu". (Ảnh: Huyền Thương)

Các tác giả Vũ Mười và Khúc Đình Dương lựa chọn chất liệu sơn dầu cho các tác phẩm của mình để thể hiện dấu xưa của văn hiến thông qua hình ảnh sách, di tích lịch sử hay sức sống mạnh mẽ như trong tác phẩm “Mầm xuân”. Với chất liệu acrylic, vàng thếp in trên canvas, tác giả Nguyễn Tuấn Dũng tạo nên hình ảnh Khuê Văn Các và Cổng Văn Miếu giúp ta thấy vẻ đẹp khác của di sản...

Về phần mình, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang tham gia triển lãm với hai tác phẩm “Độc hành” bằng chất liệu sắt hàn, thể hiện hình tượng con người mạnh mẽ nhưng không kém phần mềm mại, sống động. Người xem có thể thấy trong hai tác phẩm này bóng dáng của chữ Đại và chữ Nhân, những giá trị cao đẹp mà người xưa thường hướng tới. Cách thể hiện của tác giả như một minh chứng cho thấy con người luôn hướng đến sự hoàn thiện cả về nhân cách, cuộc sống và xã hội.

Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”: Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc - 9

Tác phẩm “Độc hành” của nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang. (Ảnh: Huyền Thương)

Mỗi tác phẩm là một cách nhìn độc đáo về giá trị của di sản, tạo nên những xúc cảm đặc biệt đối với khách tham quan. Đến với triển lãm, người xem sẽ có cơ hội được hiểu thêm, cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hoá của các thế hệ trước lưu lại cho hiện tại và tương lai, từ đó thêm tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc, tiếp thêm động lực trong cuộc sống hôm nay.

“Dấu xưa văn hiến” cùng với nhiều triển lãm, trưng bày khác được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được kỳ vọng sẽ đem lại cho khu di tích một sức sống mới, một diện mạo mới.

Theo ban tổ chức, đây là cách tốt nhất để phát huy giá trị di tích, nuôi dưỡng tình yêu và sự trân trọng đối với di sản quý giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thế hệ đương thời đối với những thế hệ mai sau trong việc tiếp tục bồi đắp các giá trị đương đại cho những lớp trầm tích văn hiến của dân tộc.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.